Home Blog Page 5

4 lý do khuyến khích người cao tuổi dùng mạng xã hội

0

Ngày nay, chúng ta sử dụng mạng xã hội để chia sẻ cuộc sống của mình cùng bạn bè, người thân hay trải nghiệm thế giới ảo. Tuy không sử dụng nhiều như giới trẻ, tuy nhiên tuổi trung niên, tuổi già cũng nên tham gia mạng xã hội để tăng thêm chất lượng cuộc sống. Dưới đây là 4 lý do tại sao Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác không còn là sân chơi riêng cho giới trẻ.

Tìm lại bạn cũ

Sử dụng Facebook để tìm kiếm lại bạn bè, đồng nghiệp cũ đã không còn là việc độc nhất với bất kì ai, bởi theo Pew, có tới 7 trên 10 người đã sử dụng mạng xã hội cho mục đích này. Có khoảng một nửa số người dùng ở độ tuổi 50 trở lên đã liên lạc với người thân quen trước đây thông qua mạng xã hội. Khi mọi người nghỉ hưu hoặc thay đổi nghề nghiệp, mạng xã hội có thể là cách tốt nhất để giữ liên lạc hoặc nhận hỗ trợ.

Các căn bệnh kinh niên

Bênh tật, theo như các ghi chú của Pew thì người dùng Internet mắc bệnh kinh niên có xu hướng tìm tới các trang blog hoặc tham gia vào các buổi thảo luận trực tuyến, và những người càng cao tuổi thì càng có nguy cơ mắc những căn bệnh này. Kết hợp 2 yếu tố này lại với nhau, và bạn đã có một lập luận chắc chắn rằng các trang mạng xã hội là một cách tìm kiếm trong cộng đồng những người có chung căn bệnh để cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Rút ngắn được khoảng cách thế hệ

Pew cho biết những người già có thể sử dụng mạng xã hội để kết nối với con cháu của mình, mặc dù đôi khi có một chút rắc rối. Tổ chức này không đưa ra những dữ liệu cụ thể để chứng minh cho nhận định này nhưng dường như nó là điều dễ hiểu khi bố mẹ, ông bà muốn kết nối với con cháu.

Chơi game

Pew không nói về sự phổ biến của các trò chơi trên mạng xã hội như Farmville là một trong những lý do Facebook có thể thu hút được nhiều người dùng nhưng dường như nó là điều hiển nhiên khi bạn nhìn vào số lượng người chơi. Dựa vào một nghiên cứu về trò chơi trên mạng xã hội được tiến hành trong tháng 2 bởi PopCap, 22% số người chơi ở độ tuổi 50 đến 59 – chiếm nhiều nhất – và 16% số người chơi ở độ tuổi 60 trở lên.

4 thói quen chế biến khiến rau mất một nửa chất dinh dưỡng mà bà nội trợ nào cũng từng mắc phải

0

Là thực phẩm luôn có mặt trong bữa cơm hàng ngày, dẫu vậy nhiều bà nội trợ vẫn chưa biết cách sơ chế, chế biến và bảo quản rau đúng cách để giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng có trong nguồn thực phẩm quan trọng này. Trong bài viết này, để Mùa gió heo may chỉ ra cho bạn 4 thói quen chế biến làm mất chất dinh dưỡng trong rau mà bạn có thể đã và đang mắc phải.

Bảo quản rau quá lâu mới chế biến

Trước kia khi chưa có tủ lạnh, các bà nội trợ đi chợ mỗi ngày, rau thường luôn mới. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, tủ lạnh ra đời khiến việc bảo quản thực phẩm tại nhà trở nên dễ dàng, đây cũng là nguyên do chính thôi thúc các bà nội trợ trữ thực phẩm, trong đó có rau vào tủ lạnh. Tủ lạnh bảo quản thực phẩm tốt, nhưng không có nghĩa là bạn được quyền bảo quản chúng dài hạn.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lượng vitamin C trong rau sẽ giảm 26% nếu để rau sau một ngày mới chế biến, giảm 41% nếu qua hai ngày, vì thế rau xanh khi mua về cần chế biến ngay để giữ được chất dinh dưỡng và nguồn vitamin.

Rửa và ngâm rau quá lâu trước khi luộc

Các vitamin C, B1, B2, B6,…có nhiều trong rau củ thường dễ bị hòa tan trong nước, do vậy, nếu ngâm rau quá lâu trong nước sẽ khiến rau bị mất các chất dinh dưỡng đang có.

Ngoài việc bị mất các khoáng chất và vitamin, việc ngâm rau quá lâu còn khiến hương vị của rau xanh khi ăn sẽ không tươi ngọt như ban đầu

Luộc rau quá lâu với lửa nhỏ

Nhiều bà nội trợ có thói quen ninh rau kỹ cho đến khi thân và lá của rau đã mềm, nhừ. Tuy nhiên, đây là cách làm sai lầm. Khi luộc quá lâu, các vitamin và folate trong rau ngấm vào nước. Khi rau tiếp xúc với nhiệt càng lâu thì lượng vitamin mất đi càng nhiều. Đặc biệt các loại rau họ cải như súp lơ xanh, bông cải xanh có thể mất hơn 50% chất chống oxy hóa khi đun sôi trong thời gian quá lâu.

Mở nắp khi luộc rau

Mở nắp khi luộc rau sẽ giúp rau giữ được độ xanh vốn có, tuy vậy luộc rau khi mở nắp với nhiệt lượng không đủ sẽ khiến rau chín lâu hơn đồng thời khiến các chất dinh dưỡng bị bay hơi trong quá trình luộc

Đóng nắp khi luộc rau có thể giúp rau giữ được các axit và chất diệp lục, tuy vậy trong quá trình luộc các chất này phản ứng với nước sôi, rau sẽ mất màu

Để vẹn toàn giúp rau vừa xanh vừa giữ được chất dinh dưỡng, các bà nội trợ có thể thử cho chút muối vào nước, và đậy nắp kín khi luộc. Muối vừa giữ được màu xanh của rau, vừa làm hao ít lượng vitamin trong rau hơn so với khi mở nắp.

Sưu tầm

Những nỗi lo của cha mẹ khi về già

0

Cha mẹ sống lâu là điều con cái mong đợi. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến thời gian, tài chính của của con cái,…hay các vấn đề không mong muốn khác. Và đây cũng là điều mà các bậc làm cha, làm mẹ lo lắng khi về già.

Cha mẹ già, con cái cũng nhiều tuổi lên

Cơ thể con người là một quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cha mẹ ở tuổi cao niên, con cái cũng đã vào tuổi trung niên, không còn được như thời thanh niên.

Không giống phương Tây, văn hóa Á Đông coi việc chăm sóc cha mẹ ở tuổi già là bổn phận, là trách nhiệm báo hiếu. Điều này vô tình tạo một áp lực về cả vật chất, lẫn tin thần lên người con, mà nếu không làm tròn trách nhiệm báo hiếu, họ có thể phải chịu sự chỉ trích, lên án từ xã hội, cộng đồng và sự xử phạt theo pháp luật.

Việc con cái chăm sóc cha mẹ khi bản thân họ cũng về già sẽ trở thành một khó khăn. Làm thế nào đủ sức lực, đủ tài chính để chăm lo cho bản thân lẫn chăm cho cha mẹ già của mình cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

Cha mẹ già cần sự nương tựa tài chính

Người già vẫn có những nhu cầu trong đời sống hàng ngày: lương thực phẩm, quần áo, chi phí thuốc men, thăm khám bệnh viện… Ở độ tuổi này, nguy cơ bệnh tật, sức khỏe giảm sút, mất khả năng vận động… đều ở mức cao, đi kèm với đó là chi phí y tế.

Tất nhiên, một bộ phận người cao tuổi có lương hưu, có tiền để dành dụm trong suốt thời tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng vậy. Với những người không có tài chính tích lũy, khi họ về già, việc con cái phải lo lắng chi phí sinh hoạt cho cha mẹ là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, khi cha mẹ cao tuổi, con cái cũng bước vào tuổi trung niên hoặc về hưu, khả năng kiếm tiền không còn được như trước, dẫn đến nguồn lực tài chính thu hẹp lại.

Cha mẹ già cần sự quan tâm tinh thần

Bên cạnh việc chăm sóc về tài chính, thể chất, một trách nhiệm khác của con cái khi cha mẹ về già chính là chăm sóc tinh thần cho cha mẹ. Trong khi đó, con cái khi bước vào tuổi trung niên sức khỏe, thể chất tinh thần đều yếu đi. Thời gian này, thay vì tập trung tận hưởng cuộc sống, bù đắp những điều tuổi trẻ chưa có cơ hội thực hiện, nhiều người buộc phải tập trung cho việc chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ già, thậm chí phải ở bên giám sát, ngăn ngừa cha mẹ khỏi tai nạn.

Do đó, khi cha mẹ già, con cái sẽ đối mặt với vấn đề làm sao để phân bổ thời gian cho bản thân lẫn người thân trong gia đình cho hợp lý.

Vậy có nên coi cha mẹ già là một gánh nặng?

Khổng Tử từng nói về ba mức độ lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ: “Mức độ cao nhất là có thể khiến cha mẹ tin cậy trọn vẹn, thứ hai là không làm cho họ thất vọng, mức thấp nhất chỉ đơn giản là có thể hỗ trợ cho họ kinh tế”.

Suresh Rajenthiran, một giám đốc tiếp thị và truyền thông người Malaysia từng chia sẻ quan điểm của mình: “Một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy rằng cha mẹ già của mình trở thành một gánh nặng, đặc biệt khi chúng ta đang cố gắng gây dựng sự nghiệp, các mục tiêu hay các mối quan hệ của mình. Nhưng nếu bạn biết những gì cha mẹ đã hy sinh cho bạn, bạn sẽ không còn coi đó là gánh nặng, mà là bổn phận của chính mình.

Đương nhiên, việc chăm lo cho cha mẹ ở tuổi già không bó buộc trong bất cứ quy định nào. Với một số người con, đó có thể là hỗ trợ tài chính để đem đến cho cha mẹ một chất lượng cuộc sống thoải mái, trong khi với những người con khác, đó có thể là việc quan tâm đến các vấn đề sức khỏe cá nhân. “Chăm sóc” không nhất thiết phải là tiền bạc, vật chất, đôi khi chỉ đơn giản là dành thời gian, thể hiện sự yêu thương. Điều này được thể hiện qua những hành động nhỏ bé, giúp trấn an cha mẹ khi họ rơi vào tâm lý “mình là gánh nặng cho con cái”.

Thơ Tự Sự

0

Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm
Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai!

Tác giả: Nguyễn Quang Vũ

****

Tiếng lòng tự sự của tác giả Nguyễn Quang Vũ cũng chính là tiếng lòng của nhiều người. Cuộc sống này ta luôn chê rằng nhiều méo mó nhưng nếu nói trong muôn vạn kiếp, phải tu hành bao lâu để được một kiếp làm người hữu hạn? Cuộc sống này dẫu có méo mó, dị dạng, nhiều điều còn chưa hài lòng, nhiều cảnh chẳng thể chấp nhận được,…nhưng cũng chính cuộc đời cũng cho ta thấy nhiều cảnh vui mỗi ngày để ta cảm thấy cuộc đời này thật đáng sống, đáng trân trọng xiết bao.

Cuộc đời này nói vui thì là vui, nói buồn cũng lắm nỗi. Vui buồn thực chất tự trong tâm, tâm sáng cuộc đời nhiều tia nắng, tâm tối tăm cuộc đời lắm nhiễu phiền. Trước khi trách cuộc sống nhiều méo mó, xám xịt, hãy nhìn lại lòng mình có đủ ánh sáng chăng? Tâm sinh tính, cách nhìn cuộc đời sinh oán hận. Cha mẹ cho ta hình hài, đời cho ta đất, nước, ánh sáng, không khí để tồn tại, ta trả lại cho đời chỉ toàn oán hận sân si,…Bản thân cuộc đời không xấu, chỉ là con người gieo cho nó nhiều điều không hay. Vậy nên trước khi trách đời, hãy tự xem tâm mình đã đủ soi sáng, mình đối với đời đã đủ tốt hay không.

Đường đời đừng mong trơn láng, hãy chỉ mong qua hết sóng gió cuộc đời, tâm vẫn bình thản, người thân còn cận kề, còn sức khỏe để sống mỗi ngày đều có ý nghĩa. Hạnh phúc cũng như không khí, như ánh mặt trời ta nhìn thấy, chạm vào mỗi ngày bởi cuộc đời đều trao tặng sẵn, chỉ là ta có đủ tĩnh, tự cảm thấy đủ với món quà hạnh phúc từ cuộc đời ban tặng hay không!

Tháng 12 về

0

Tháng mười hai em về qua góc phố
Cây tương tư rụng chiếc lá sau cùng
Chẳng còn ai nhắc lời thề hoa cỏ
Chiều gối đầu trên những cánh nhớ nhung
Hồn đọng lại chút niềm xưa hò hẹn
Ngước nhìn mây, mây miên viễn đa tình
Trôi, trôi mãi biết nơi đâu là bến
Cúi xuống đời, đời đã lắm điêu linh
Gió cũng biết sang Đông là từ tạ
Người xa người, chiều vội vã biệt ly
Rồi về đâu những ngày sau hối hả
Hành trang xa còn giữ lại được gì?
Tình mãi mãi là cuộc tình không trọn
Nơi anh về mùa chờ đón đưa ai?
Chiếc lá rụng nhành tương tư rũ xuống
Lá lìa cành cây hụt hẫng vòng tay
Tháng mười hai có hồi chuông tịnh độ
Bến mê nào em còn giữ riêng em
Khi hạnh phúc dường mong manh như cỏ
Giữa Đông sang là cỏ chết im lìm
Thôi anh nhé, tháng mười hai em viết
Bài chia xa, bài tiễn biệt cho nhau
Quà Giáng Sinh anh làm sao hay biết
Trái tim hiền, em nhận một nỗi đau…

(Trần Tường Vi)

Tai nạn vì bình nóng – lạnh ngày càng nhiều, bỏ ngay 5 thói quen sử dụng bình nóng lạnh để bảo vệ gia đình

0

Mùa lạnh nhu cầu sử dụng bình nóng lạnh để tắm giặt cũng tăng cao, kéo theo đó là những tai nạn đáng tiếc từ chiếc bình nóng lạnh. Bình nóng lạnh không xấu, thói quen sử dụng tưởng như vô hại của chúng ta chính là nguyên nhân gây ra tai nạn. Cùng điểm xem 5 sai lầm thường gặp tai hại của chúng ta khi sử dụng bình nóng lạnh.

Quên ngắt điện bình nóng lạnh khi tắm

“Để bình nóng lạnh đấy để người sau còn tắm” là thói quen thường gặp ở những gia đình đông người. Việc tưởng chừng vô hại này lại chính là tác nhân gây ra tai nạn giật điện thường gặp khi sử dụng bình nóng lạnh.

Nhiều ý khiến cho rằng trong bình nóng lạnh có rơ le, giúp ngăn không cho dòng điện truyền vào nước.

Thực tế thì chiếc rơ le này chỉ có tác dụng cung cấp điện, làm nóng khi nước lạnh và ngắt điện khi nước đã đủ nóng (điều chỉnh nhiệt độ của nước) chứ không hề giúp đảm bảo an toàn và không bị điện giật như nhiều người vẫn nghĩ.

Bật bình nóng lạnh cả ngày

“Bật bình nóng lạnh cả ngày sẽ giúp tiết kiệm điện”, trên thực tế đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm bởi việc bật bình nóng lạnh cả ngày sẽ khiến bào mòn lớp cách điện, hệ thống ngắt điện hoạt động không còn hiệu quả dễ dẫn tới rò rỉ điện ra bên ngoài.

Không dùng dây nối tiếp đất cho bình nóng lạnh

Dây nối tiếp đất cho bình nóng lạnh có tác dụng tránh rò rỉ điện ra bên ngoài, giảm nguy cơ bị điện giật. Thế nhưng nhiều gia đình lại không hề biết điều này, xem nhẹ nó ngay từ khâu lắp đặt. Để đảm bảo an toàn của gia đình, bạn nên lắp dây tiếp đất cho bình nóng lạnh ngay khi mua bình nóng lạnh. Trường hợp gia đình bạn đã mua nhưng vẫn chưa lắp, đây chính là thời điểm phù hợp.

Không quan tâm tới độ sạch của nguồn nước

Nguồn nước quyết định tới độ bền của thanh magie giúp chống axit ăn mòn phần thành bình. Thông thường, sau 2 năm thì nguồn nước bẩn sẽ khiến thanh magie này bị bào mòn, làm giảm độ an toàn của bình nóng lạnh.

Không những thế, ở nguồn nước chứa nhiều cặn bẩn, sắt thì khi bình bị rò điện, khả năng dẫn điện sẽ mạnh hơn khiến người dùng gặp nguy hiểm. Sử dụng nước sạch không chỉ bảo vệ sức khỏe gia đình bạn mà còn bảo vệ máy móc nữa đấy nhé!

Không kiểm tra, bảo trì bình thường xuyên

Tất cả các thiết bị trong gia đình như tủ lạnh, máy giặt, ti vi… đều cần được sửa chữa, kiểm tra định kỳ và bình nóng lạnh cũng không ngoại lệ.

Thiết bị này được lắp đặt trên cao, do khoảng cách xa và thiếu hiểu biết nên nhiều gia đình không chú trọng tới việc vệ sinh, bảo dưỡng nó dẫn tới hiện tượng đường dây điện bị chập, ống dẫn nước giòn, gãy, vỏ bình bị bong tróc, rỉ, làm rò nước ra bên ngoài, tăng nguy cơ khiến người dùng bị điện giật. Vì vậy, bạn nên gọi thợ tới kiểm tra bình nóng lạnh định kỳ.

Gia đình bạn mắc phải mấy điều trong 5 sai lầm kể trên? Loại bỏ thói quen xấu trong sử dụng bình nóng lạnh để cuộc sống an toàn nhé!

Sưu tầm

Răn ta, răn những dài khờ thế nhân

0

Bao nhiêu thế sự ở đời

Buồn vui – sướng khổ – khóc cười – hơn thua

Ngẫm suy sống được vẹn vừa

Lương tâm chẳng thể bán mua bằng tiền

Nhưng đời vật chất đảo điên

Bao nhiêu cám dỗ gắn liền thân ta

Người nào kiên định vượt qua !?

Không thì sa ngã quỷ ma kéo về

Có người chìm đắm si mê

Vô tư tận hưởng hả hê chẳng màng

Biết đâu xa lắm niết bàn

Chân như lạc mất hướng đàng ngục lôi

Giật mình một kiếp người trôi

Thì ai cũng phải phủi rồi trần gian

Con người nghiệp nợ đa đoan

Sao khi nhắm mắt vẫn còn tiếng thơm

Tình nồng nghĩa đượm ta ươm

Ngày sau nhặt nhạnh tinh tươm đóa tình

Bao nhiêu vật chất phù sinh

Chỉ là một khối vô minh xa mờ

Mượn câu lục bát đề thơ

Răn ta, răn những dại khờ thế nhân

Sống vui trên nẻo đường trần

Giữ tâm trong sáng vạn lần khó thay.

***

Ta đến với đời cùng một cái tâm sáng, thanh sạch, dòng đời trôi chảy mấy ai có thể giữ nó chẳng vướng bụi trần. “Giữ cho tâm sáng vạn lần khó thay” điều này thực sự đúng.

60 cuộc đời con người có bao nhiêu cám dỗ phải vượt? Lòng tham, sự đố kỵ, sân si,…chờ đợi ta trong suốt những năm tháng cuộc đời, nhưng song hành cũng có điều thiện, cảm thông, chia sẻ, yêu thương,…để ta chọn lựa. Chỉ là đến cùng ta có giữ được tâm sáng như gương.

Lắm người lạc lối, để điều xấu dẫn đường tâm trí lại đổ vấy cho số phận cuộc đời bất hạnh,…sao không nhìn xung quanh bao người đi lên từ gian khó, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đừng đổ cho vì tôi sống trong khu ổ chuột nên lớn lên chỉ có thể làm phường trộm cướp; vì tôi sinh ra trong gia đình nghèo khó nên chẳng thể học hành vươn lên; vì cuộc sống thiếu thốn nên mới buôn gian, bán lận,…Đời luôn cho ta 2 con đường lựa chọn, thiện – ác, sai – trái phân minh tự ta nhận rõ, lựa chọn bước chân vào con đường mịt mù hay tâm thanh thản, tự ta chọn lựa được. Dẫu vậy, sức mạnh của cám dỗ vẫn là khó cưỡng lắm thay.

Hiểu thấu những điều này, nên bản thân cần tự răn tâm những điều này: làm nhiều điều thiện, tránh xa điều ác; yêu thương thêm cuộc đời tránh xa sân si,…một ngày nào đó đời sẽ gửi trả lại ta những gì ta mang đến cho đời!

7 triết lý sống của người Nhật giúp bạn hạnh phúc hơn mỗi ngày

0

Nhiều người đồng ý rằng, bằng cách đọc – ngẫm – hành động theo 7 triết lý sống của người Nhật, họ cảm thấy hạnh phúc hơn, yêu cuộc đời nhiều hơn. Thông qua những bài học được rút ra từ cuộc sống hàng ngày, triết lý sống của người Nhật giúp ta học được cách trở nên dịu dàng, sống tử tế hơn với chính bản thân mình và những người xung quanh.

Vậy 7 triết lý sống đó là gì? Cùng Mùa gió heo may tìm hiểu và thử áp dụng nếu bạn thấy đúng nhé!

Ikigai – hãy tìm ra lẽ sống của cuộc đời

Ikigai là một quan niệm sống của người Nhật, nghĩa đen là “lẽ sống”. Người Nhật quan niệm mỗi người đều có cho mình lẽ sống riêng, bằng cách đi tìm lẽ sống thực sự của bản thân, trên chặng đường ấy bạn cũng sẽ tìm thấy niềm vui, sự hài lòng và cả một cuộc đời ý nghĩa.

Người Nhật quan niệm Ikigai giống như hạnh phúc nhưng lại không phải là hạnh phúc. Họ phân biệt Ikigai và hạnh phúc bởi sắc thái. Trong khi hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc, cảm nhận tức thời, thì Ikigai lại là con đường mà bản thân cần để hướng đến tương lai, bằng cách không ngừng tiến về phía trước, sống vì ngày mai, tuân theo triết lý Ikigai: mỗi ngày trong cuộc sống đều dường như có ý nghĩa.

Ikigai bao gồm: Điều bạn yêu thích (Đam mê và sứ mệnh), Điều bạn làm giỏi (Đam mê và nghề nghiệp), Điều giúp bạn kiếm ra tiền (Chuyên môn và kỹ năng), Điều thế giới cần (Sứ mệnh và kỹ năng). Ikigai thực sự đạt được khi tất cả các lĩnh vực trên gặp nhau tại chính giữa để có một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc

Ichigo Ichie – Trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau

Câu thành ngữ bốn chữ này bắt nguồn từ những buổi trà đạo ngày xưa, nơi được mọi người xem là dịp quý báu để gặp gỡ nhau của người Nhật. Và cho đến ngày nay nó vẫn giữ nguyên được giá trị trong triết lý sống. Sống chậm lại, trân trọng từng khoảnh khắc gần nhau, bởi ta đâu biết hôm nay có thể là cơ hội cuối cùng để gặp gỡ dù là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Omoiyari – Đặt mình vào hoàn cảnh và nhìn từ góc độ của người khác, sau đó hành xử sao cho họ cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc

Omoiyari là dự đoán nhu cầu của người khác, một cách vị tha, tràn đầy lòng cảm thông, từ bi – chứ không mong chờ phần thưởng hay sự đền đáp. Omoiyari được xem là cốt lõi trong nghệ thuật đối nhân xử thế của người Nhật. Đặt mình vào hoàn cảnh, góc độ của người khác để hành xử giúp ra hiểu được bản thân người đối diện cần gì, bởi họ cũng giống ta đều là người và có mong ước được tôn trọng, yêu thương, khích lệ,…

Đối xử với người đối diện như cách bản thân ta mong muốn được người khác đối xử. Nói nghe dễ nhưng lại khó. Tuy vậy, đây không phải là điều bất khả thi, ta cần luyện tập nó mỗi ngày, mỗi giờ, với mọi người ta gặp gỡ. Thực hiện triết lý Omoiyari không chỉ là cách ta tôn trọng những người xung quanh, mà còn là với chính bản thân ta.

Wabi sabi – vẻ đẹp từ những điều không hoàn hảo

Trong tiếng Nhật, “Wabi” có nghĩa là vẻ đẹp mộc mạc bất đối xứng và không cân bằng, còn “Sabi” dùng để mô tả nét đẹp vô thường và trường tồn theo năm tháng.

Có nguồn gốc từ ba dấu hiệu tồn tại trong giáo lý nhà Phật là vô thường – đau khổ – không bản ngã, Wabi Sabi là triết lý sống tập trung vào các khiếm khuyết nhưng không phải để phán xét mà tìm ra và tôn vinh tính tích cực bên trong chúng. Triết lý này giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản, chấp nhận bản chất vô thường của nó, từ đó cuộc sống trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.

Itadakimasu – Chân thành đón nhận

Người Nhật rất tôn trọng đồ ăn và người ta thường nghe mọi người nói “itadakimasu” trước khi ăn. Cụm từ này có nghĩa là “Tôi khiêm nhường đón nhận”

Trong triết lý sống của người Nhật, Itadakimasu thể hiện sự tôn trọng của họ đối với tất cả sinh vật, loài vật,…đã hy sinh để họ có được bữa ăn hàng ngày. Từ tâm thức coi tất cả sinh vật trên trái đất là của loài người, dưới sở hữu của loài người,…thì Itadakimasu đánh thức lòng biết ơn, giúp con người hiểu được bản thân cũng chỉ là một sinh vật bé nhỏ giữa trời đất này, trân trọng và đón nhận tất cả những gì được mẹ trái đất trao tặng một cách chân thành, khiêm nhường chính là cách cám ơn cuộc đời.

Danshari: Sống tối giản – Đơn giản hơn để hạnh phúc hơn

Tối giản không chỉ ở không gian, đồ vật mà còn được biểu hiện ở việc: tối giản thông tin (chỉ lựa chọn thông tin hữu ích, tối giản mối quan hệ (tập trung vào những mối quan hệ chất lượng), tối giản giải trí (chọn lọc những chương trình đem lại giá trị nhân văn và kiến thức).

Giá trị cốt lõi của sống tối giản chính là hướng tới một cuộc sống đơn giản, nhẹ nhõm, hạnh phúc hơn những vẫn đủ đầy, khiến con người không còn chạy theo những thú vui phù phiếm nữa

Kaizen – thay đổi từng chút một để trở nên tốt hơn

Triết lý Kaizen thể hiện tinh thần luôn phấn đấu không ngừng nghỉ của người Nhật trong cuộc sống cũng như trong công việc. Kaizen được ghép bởi chữ Kai 改(nghĩa là thay đổi) và chữ Zen (nghĩa là tốt hơn).

Áp dụng Kaizen bằng cách đưa ra những ý tưởng cải tiến từng chút một, tránh lãng phí nguồn lực và tìm ra được những biện pháp nâng cao hiệu suất làm việc. Luôn ghi nhớ rằng Kaizen chính là: Lên kế hoạch – Hành động – Kiểm tra, cải tiến để tốt hơn – Duy trì mỗi ngày. Đây có vẻ như là công thức giúp bạn có thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào.

Sưu tầm

8 điều ta chỉ nhận ra sau khi cha mẹ khuất núi

0

Sẽ có rất nhiều nuối tiếc và cũng nhiều sự thật bạn buộc phải tự mình đối mặt chỉ sau khi cha mẹ khuất núi. Con dẫu lớn vẫn là con của cha mẹ, vẫn được bảo bọc, chở che, về bên mẹ vẫn là đứa trẻ, vậy nên những đứa trẻ như chúng ta cần phải học cách trưởng thành nhanh hơn thời gian già nua của cha mẹ, đừng để hối tiếc muộn màng.

Hiểu hơn về tầm quan trọng của gia đình

Trên đời này, chỉ có cha mẹ là yêu bạn vô điều kiện, những người còn lại cần điều kiện để yêu bạn và có thể rời bỏ bạn bất cứ lúc nào khi các điều kiện đó mất đi. Chúng ta đều hiểu điều này, dẫu vậy tình yêu của cha mẹ dành cho ta trong vài chục năm cuộc đời khiến ta cảm thấy nó như điều sẵn có, không quý giá vậy nên chẳng đáng bàn.

Tình thương của cha mẹ quý giá như thế nào, chỉ những người đã mất mẹ cha hoặc giả chưa từng được sống trong tình yêu thương của cha mẹ mới cảm được. Gia đình là nơi duy nhất không từ chối bạn, dang rộng vòng tay ôm bạn trong mọi hoàn cảnh, vậy nên hãy trân trọng những khoảnh khắc bên gia đình khi còn có cơ hội.

Tự mình vượt qua lúc bệnh tật

Ra ngoài mạnh mẽ nhưng về nhà chỉ thích làm nũng với mẹ, nhất là những lúc ốm đau. Chỉ cần thấy mẹ, mắt đã chực chờ òa khóc, chờ được mẹ yêu chiều, chăm sóc,…Cảm giác ấy ai cũng đã từng trải. Gia đình, lòng mẹ chính là nơi con người ta trở về lúc mềm yếu nhất. Khi cha mẹ qua đời, bạn hẳn sẽ cảm thấy chơi vơi vì chẳng còn ai để nương tựa, làm nũng lúc đau mệt,…Đối mặt với điều ấy không dễ nhưng lại chính là điều bạn phải làm khi chẳng còn cha mẹ trên đời.

Không còn cơ hội nghe cha mẹ phàn nàn

“Đi đâu mà đi suốt ngày đêm”

“Mày ăn uống không bao giờ đúng giờ giấc”

“Gọn gàng, sạch sẽ cho mẹ nhờ nào”

“Phải tính chuyện vợ chồng đi con ơi”

….

Trên đây chỉ là ít trong hàng sa hàng số câu phàn nàn từ mẹ cha bạn phải nghe ngày còn đấng sinh thành, vậy mà đến lúc mất đi tất cả chỉ còn trong hoài niệm, nhiều lúc “thèm được” nghe mẹ ca thán, phàn nàn phải lục tìm trong những mảnh ký ức vụn vặt,…

Chạnh lòng khi nhìn thấy gia đình còn cha mẹ

Cảm giác ấy chắc chắn sẽ xuất hiện sau khi cha mẹ bạn qua đời, không báo trước, không có bất cứ dấu hiệu nào,…nó đến bất chợt khi bạn tình cờ nhận thấy hình ảnh gia đình có đầy đủ cha mẹ. Thậm chí, bạn còn có thể tức giận khi có bất cứ ai phàn nàn rằng, họ phải dành thời gian cho cha mẹ.

Cô quạnh trong những ngày lễ

Chúng ta có cả cuộc đời dài để rong chơi nhưng lại thèm muốn được quây quần bên gia đình có đầy đủ mẹ cha trong những ngày lễ, Tết,…Mất đi cha mẹ, ta chẳng còn những bữa cơm nóng chờ ta về, chẳng còn những bữa tiệc đầy mâm bát mẹ nấu, chẳng còn không khí vui vầy, thỏa sức cười hihi haha như khi còn cha mẹ,…khoảng trống ấy thực sự khó lấp đầy!

Không còn được gọi cho cha mẹ khi có chuyện xảy ra

Nhớ chuyện lúc bé bị bạn đánh u đầu, chuyện đầu tiên ta nghĩ đến là về mách mẹ. Lớn lên cuộc đời nhiều sóng gió, công việc không suôn sẻ, chuyện tình cảm buồn – vui,…mọi câu chuyện trong cuộc sống, những lúc bế tắc, đau lòng, buồn bã,…ta lại muốn nhấc máy gọi về cho mẹ, nhưng chợt nhớ chẳng còn cha mẹ nữa rồi,…

Bạn sẽ nhận ra bạn yêu họ nhiều như thế nào

Đó là sự trớ trêu của mất mát. Bạn không bao giờ biết bạn đã yêu ai đó nhường nào cho đến khi họ không còn ở bên bạn nữa.

Từ ngày bố mẹ ra đi, tất cả sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Bố mẹ không còn nữa, nhưng họ sẽ luôn sống trong tim bạn. Chúng ta sẽ biết trân trọng hơn những khoảnh khắc với con của mình và hy vọng, những ký ức chúng có được cùng với chúng ta sẽ an ủi chúng sau này. 

Với những ai may mắn vẫn còn bố mẹ ở bên, xin hãy trân trọng từng giây phút, bởi bạn đang là một trong những người hạnh phúc nhất thế gian!…

Đời người vốn vô thường

0

Muốn hay không thì cuộc đời vẫn vậy
Cứ xuôi dần theo dòng chảy thời gian
Người cơ hàn hay là kẻ giàu sang
Khi chết đi vẫn hai bàn tay trắng

Được ấm no đã là điều may mắn
Hãy giữ gìn đời bình lặng sóng yên
Có những điều để tạo hoá tự nhiên
Đừng gượng ép kẻo muộn phiền vây lấy

Đáng hay không vì xa hoa bóng bẩy
Rồi tự mình xô đẩy dưới vực sâu
Nếu như tâm chẳng muốn vướng ưu sầu
Thì chớ nên cưỡng cầu trong mê muội

Biết ăn năn và nhận ra lầm lỗi
Nhớ dặn lòng phải sửa đổi bản thân
Dẫu vật chất thì ai sống cũng cần
Nhưng đừng để chữ tình thân rạn nức

Chuyện tử sanh mãi luôn là định luật
Đời vô thường sự thật chẳng thể thay
Là con người thì ai cũng như ai
Đến cuối cùng cũng phải về cát bụi.

Tùng Trần