Home Blog Page 23

Người ta dễ tiếc nuối những gì đã mất nhưng lại khó để trân trọng những gì đang hiện hữu

0

Thật dễ nuối tiếc về một điều gì đó đã mất đi nhưng sẽ rất khó nhận ra và trân trọng những gì ta đang có…

———————-

 Câu chuyện Vua Yudhisthira và người ăn xin
 
Ngày xưa, có một người ăn xin đến gặp vị vua của vùng đất Indraprastha (thuộc Ấn Độ cổ đại) tên là Yudhisthira, cầu xin được giúp đỡ. Khi đó, vua Yudhisthira đang bận nên đã bảo người ăn xin rằng “Ngày mai hãy đến”.
 
Nghe thấy vậy, người ăn xin đành lầm lũi bỏ đi. Ngay sau đó, Bheema, em trai của vua Yudhisthira đã cầm một chiếc trống lớn và đánh trống một cách điên cuồng. Với mỗi một lần gõ, anh lại bước một bước về phía trước.
 
Vua Yudhisthira chứng kiến cảnh này, lấy làm ngạc nhiên lắm, nên đã đi tới hỏi Bheema nguyên do. Bheema đáp lại: “Anh trai, em vừa phát hiện ra là anh là một nhà tiên tri, nên em muốn nói cho cả vương quốc biết về chuyện này”.
 
Yudhisthira vô cùng sửng sốt trước câu trả lời, nhìn cậu em trai một cách hồ nghi và hỏi lại: “Ý em là gì?”
 
Bheema mỉm cười, đáp lời: “Chẳng phải anh vừa bảo người ăn xin ngày mai hãy quay lại hay sao? Làm sao anh biết ngày mai anh ta vẫn còn sống? Làm sao anh biết ngày mai anh vẫn ở đây?
 
Mà cho dù cả 2 người vẫn còn sống đi, làm sao anh dám chắc được rằng anh vẫn còn ở vị thế có thể ban phát thứ gì đó cho anh ta? Anh làm sao biết anh ta có còn cần thứ gì đó của anh hay không? Làm sao anh biết 2 người chắc chắn có thể gặp nhau vào ngày mai?
 
Đó là lý do em nói anh là nhà tiên tri, và em muốn mọi người ở vương quốc này đều biết điều đó”.
 
Đến lúc này, Yudhisthira mới vỡ lẽ ngụ ý đằng sau lời nói của em trai, vội vàng gọi người ăn xin, lúc này vẫn chưa đi xa quay lại, và cho anh ta sự giúp đỡ mà anh ta cần.
———————-
Quá khứ là những điều đã qua chẳng thể vãn hồi, hiện tại là vạn vật bản thân có thể can thiệp, đổi thay; tương lai là ẩn số chẳng ai đoán định được, bởi có chắc ta còn tồn tại đến ngày mai, khi mặt trời lại lần nữa mọc chiếu ánh sáng lần nữa. Vậy nên tại sao lại cố sống trong những hoài niệm, nỗi đau của quá khứ khi ta có thể sửa sai hoặc sống hết mình cho hiện tại, hôm nay để ngày sau không phải lẩn quẩn trong vòng tròn mang tên hối tiếc.

Nói về tương lai, điều mà bao người tò mò đến mức phải đi xem bói, coi tarot,…để biết được một chút ít điều được coi là có thể sẽ xảy ra. Điều này đôi khi khiến bản thân ta vui mừng hay e sợ. Bạn nên hiểu rằng dù có là bất kì ai cũng chẳng thể đoán định được tương lai. Vậy nên, nếu có thể hãy sống trọn từng khoảnh khắc, chuyện gì làm được thì phải làm ngay, người nào cần giúp, phải giúp ngay, để không còn gì hối tiếc, phải ân hận.

Với người trưởng thành, đường về nhà tưởng gần lại hóa xa muôn dặm…

0

“Đường về nhà, coi vậy chứ xa lắm, mấy người tìm về được?” Tuổi 20 câu nói này nghe thật nực cười, đâu chục năm sau, người ta bỗng ngậm ngùi nhận ra sự thật phũ phàng mà cuộc đời “trao tặng”.

————-

Mười tám tuổi, tôi khoác ba lô, giã từ mẹ về thành phố học đại học. Sau tất cả những dặn dò chi li cẩn thận, lúc tiễn tôi ở cuối con đê đầu làng mẹ bỗng dưng bảo tôi: “Đường về nhà là con đuờng xa nhất, con trai ạ! Mai sau con có đi khắp chân trời góc biển thì cũng chẳng có con đường nào xa hơn đường về nhà mình đâu”.

Tôi cười và không hiểu tại sao mẹ lại nói như thế với tôi. Trong lòng tôi chẳng bao giờ tin, đường về nhà lại là đường xa nhất. Từ Hà Nội về nhà tôi chưa đến 50 km. Mẹ sai rồi!

Những năm đầu tôi năng về nhà thăm cha mẹ người thân, và cũng để ngấm ngầm nói với mẹ, đường về nhà là đường gần nhất đấy.

Nhưng những lần về đó cứ thưa dần, thưa dần như những điều may mắn tốt đẹp hay hạnh phúc của đời một con người.

Tôi ra trường, ở lại Hà Nội, lăn xả vào đời, chiến đấu như một con ngựa dũng mãnh những mong tìm được một chỗ đứng trong cát bụi phồn hoa.

Đi qua quá nửa đời người, dấu chân phiêu lãng in mòn khắp nơi, năm châu bốn biển, tôi mới chợt nhận ra rằng, đường về nhà là con đường xa nhất. Mẹ hoàn toàn có lý!

Khi ấy tôi mới giật mình nhớ lại và suy nghĩ. Quê hương tôi bao người trùng trùng lớp lớp đã ra đi mà có thấy ai trở lại bao giờ. Không phải bởi quê hương tôi nghèo khó hay đời sống tinh thần tù túng như bao làng quê khác. Họ chỉ quay đầu khi mắt nhắm tay buông, thân xác hòa tan trong lòng đất mẹ.

Có hàng trăm ngàn vạn lý do chính đáng và không chính đáng để bước chân người ra đi không thể quay trở về được nữa, dù trong trái tim vẫn đau đáu một hình bóng quê nhà. Dù đường về quê chỉ là những con số toán học chẳng có nghĩa lý gì!

—————

Tuổi 20 đường về nhà gần

Tuổi 20 với bao ước vọng, ước mơ về cuộc đời, con người thuở ấy bay nhảy khắp muôn nơi, cuộc đời như chân trời mà chúng hằng mơ chạm tới để thoải mái mà vẫy vùng, tận hưởng cuộc đời đầy thú vị ấy. Đi để trở về, tuổi 20 tiền bạc chưa có, công danh là thứ gì đó xa vời, lúc mệt nhoài, đói khát,…ta dễ dàng tìm về nhà để đầy cái bụng, xoa dịu cơn đau, để được vỗ về, bao bọc trước khi trở lại với cuộc đời mà tuổi 20 gửi gắm nhiều mộng mơ hoài bão. Thuở ấy, ta về nhà dễ dàng mà gần đến vậy, dễ dàng đong đếm bằng vài phút đi xe, số km đường quốc lộ,…

Nửa đời người đường về nhà xa vạn dặm

Cuộc đời ngộ lắm, nó chính là vùng trời mà “kẻ đứng ngoài mơ tưởng, người ở trong rã rời nhưng rồi vẫn cố gắng chống chọi”. Bởi cuộc đời không chỉ có mỗi đắng cay mà còn cả ngọt bùi, vậy nên người đứng ngoài chờ trông được nếm trải thứ ngọt bùi ấy, người ở trong sau khi nếm ngọt bùi cũng đã nếm đủ đắng cay: những ước mơ tan nát, những mộng tưởng chẳng bao giờ thành hiện thực. Trải nửa đời người, con người bị cuộc đời dập tơi tả. Tuy vậy, lúc này họ chẳng thể nào hoặc nói đúng hơn là không muốn trở về nơi xưa chốn cũ, quê nhà vẫn bao nhiêu đấy dặm nhưng người đi hoài chẳng tới. Cuộc đời này phồn hoa đấy, đắng cay đấy, nhưng con người vì nhiều lí do khác nhau chẳng thể rời bỏ nó. Người bị kéo lại bởi công danh, phồn hoa; kẻ vì mứu sinh phải bám trụ;…tìm về vòng tay quê nhà với thân xác rã rời, tàn tạ,…chút tự trọng cuối cùng này họ phải giữ lại.

Bởi đường về nhà là con đường xa nhất trong những chuỗi hành trình vô tận miên man của một đời người ngắn ngủi mà lắm gian nan!

4 thức uống giúp làm dịu căng thẳng

0

Căng thẳng, stress là điều không tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Có rất nhiều cách để làm dịu căng thẳng, nhưng sử dụng một số loại đồ uống cũng sẽ giúp chúng ta chống lại tình trạng này.

Nước dừa

Các phức hợp vitamin B chứa trong nước dừa giúp tăng năng lượng và do đó làm giảm cảm giác lo lắng trong cơ thể.

Nước dừa cung cấp magiê và kali quan trọng, giúp thư giãn cơ bắp và thúc đẩy tuần hoàn máu. Loại nước có vị ngọt này được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại các cơn đau tim và điều hòa huyết áp.

Nước tinh khiết

Khi bị mất nước, hormone căng thẳng cortisol sẽ được giải phóng, báo hiệu cho cơ thể biết rằng cơ thể đang ở trong một tình huống nguy hiểm. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà cơ thể bao gồm 60% nước, mà chúng ta thường xuyên bài tiết ra ngoài qua mồ hôi và tiểu tiện. Để bù đắp điều này, cần phải hấp thụ đủ chất lỏng.

Tùy thuộc vào từng cơ thể và hoạt động thể chất trung bình, các chuyên gia khuyên bạn nên uống 1 ml nước cho mỗi kilocalorie tiêu thụ. Cụ thể hơn: Khoảng 35 ml nước cho mỗi kg cân nặng. Ví dụ, nếu một người nặng 60 kg, họ nên uống khoảng 2, 1 lít nước mỗi ngày. Nếu 80 kg, sẽ cần khoảng 2,8 lít.

Sữa

Một ly sữa ấm không chỉ đánh thức ký ức tuổi thơ, nó còn được biết đến là có tác dụng xoa dịu cơ thể và tinh thần. Sữa hoạt động giống như một chất thư giãn tự nhiên, nhờ vào axit amin tryptophan có trong sữa. Chất này thúc đẩy sản xuất serotonin, hormone có tác động tích cực đến tâm trạng và làm dịu thần kinh.

Trà hoa Linden

Loại trà này được biết đến là một thức uống hiệu quả chống lại chứng mất ngủ, làm dịu tâm trí và do đó làm giảm căng thẳng và lo lắng. Hoa của cây Linden từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian để thư giãn và làm giảm các triệu chứng lo âu.

Tốt nhất là uống các loại thảo mộc chữa bệnh này 2-3 lần một ngày dưới dạng trà với nước nóng, từng ngụm nhỏ để chuẩn bị cho giấc ngủ đêm và điều hòa huyết áp…

Người ta có thể phải dùng cả đời để học và thực hành 2 tiếng “yêu thương”

0

Làm sao sống giữa cuộc đời nếu không có tình yêu? Lời yêu thương có thể dễ nói, nhưng để hiểu được nó đôi khi con người phải dùng cả đời để học và để yêu.  

——————-

Lấy chồng được 2 năm, tôi mới có cơ hội được tiếp xúc với bố mẹ chồng. Họ đều là những người ít nói, đối xử với người khác rất nhã nhặn và lương thiện, hai người định cư ở Mỹ trong nhiều năm, bố chồng dùng tiếng Anh cơ bản để hòa nhập với xã hội Mỹ còn mẹ chồng tôi bị bệnh tiểu đường, mắt và thận đều có vấn đề, vì thế, ngoài thứ 2, 4, 6 đến bệnh viện lọc thận định kỳ, bà gần như chỉ ở nhà.

Mỗi ngày, bố chồng tôi đều dậy trước, tắm rửa xong xuôi thì ông gọi mẹ chồng tôi dậy, làm cho bà một cốc cà phê, giúp bà đo chỉ số lượng đường trong máu, rồi đặt thuốc vào lòng bàn tay bà.

Khi tan làm trở về nhà, bố chồng mở cửa vào nhà luôn lớn tiếng nói: “Hi” (cách nói chào thân mật của người Mỹ), mẹ chồng ngồi trên sofa chờ ông ấy, bố chồng tôi cũng thích véo má vợ yêu của mình. Mỗi ngày đối với họ mà nói là một cái gì đó giống như sự chờ đợi, chờ đợi sớm mai để được chăm sóc cho nhau, chờ đến cuối ngày tan làm để được gặp nhau.

Bố mẹ chồng tôi thường ngồi ở bàn ăn, nhìn tôi và chồng tôi bận rộn chuẩn bị cho bữa tối, tôi cảm thấy như họ đang thưởng thức bức tranh hạnh phúc, cùng nhau nói chuyện, cùng nhau cười đùa vui vẻ, có lúc mẹ chồng tôi sẽ cúi đầu vào ngực chồng, họ tay trong tay, giống như những đôi tình nhân mới kết đôi, ngọt ngào đến mức khiến người khác ghen tỵ.

Một lần bố chồng tôi về nhà muộn, tôi mời mẹ tôi ăn tối trước nhưng mẹ tôi nói: “Mẹ đợi bố con về rồi ăn”. Lúc đó tôi vô cùng cảm động.

Khi tôi ở Mỹ, tôi chưa từng thấy bố mẹ chồng tôi cãi nhau, không cần biết là ở bên ngoài hay ở nhà, bố luôn quan tâm, chăm sóc cho mẹ, mặc dù họ đã ở bên nhau cả nửa đời người nhưng mỗi động tác nhỏ hay ánh mắt, cử chỉ đều giống như những đôi nam nữ trẻ tuổi khi mới yêu nhau. Chồng tôi nói với tôi rằng, bố rất yêu thương mẹ bởi vì khi bà còn trẻ đã làm việc vất vả, đến tuổi có thể hưởng thụ thì lại bị bệnh tật hành hạ.

Sau này, khi mẹ tôi phải nằm viện, một lần tỉnh dậy vào nửa đêm, tôi phát hiện bố tôi một mình trong bóng tối, hai tay chắp lên ngang mặt như thể đang thỉnh cầu điều gì đó. Gương mặt ông đầy vẻ u buồn, mái tóc đã bạc nửa đầu, hình ảnh ấy khắc sâu vào lòng tôi, khiến tôi cảm động vô cùng. Bố mẹ đã luôn hỗ trợ nhau và coi nhau như bảo vật trân quý nhất cuộc đời mình.

Một lần, bố muốn đưa mẹ ra bãi biển dạo bộ, mẹ chồng tôi nói: “Tôi đi lại chậm chạp lắm, lại chẳng đi lâu được”.

Bố chồng tôi đáp lại ngọt ngào: “Không sao đâu, tôi đi cùng bà”.

Thực tế mà nói, tôi tin dù mẹ chồng tôi có chậm chạp như thế nào đi nữa, bố chồng tôi sẽ luôn ở bên bà ấy.

——————

Yêu thương có vẻ dễ dàng khi lứa đôi còn đang say men nồng, nhưng để yêu thương cả khi mọi thứ đã trở nên quá thân thuộc, thậm chí người bạn đời đã không còn rực rỡ, khỏe mạnh như xưa bạn có từng nghĩ tới?

Đa số mọi người nói rằng đào đâu ra tình cảm yêu thương tuổi già, khi mà mọi thứ đã quá thân thuộc? Nhưng tại sao lại là không? Chỉ là bạn chưa có cơ hội nhìn thấy. Xung quanh chúng ta có bao nhiêu cặp đôi đang già đi dần đều cùng nhau mặc cho nhiều sóng gió của thời gian, tuổi tác, sức khỏe cản bước. Tình yêu thương của tuổi già đôi khi sẽ chẳng “đẹp như mơ” như câu chuyện kể trên nhưng nó vẫn tồn tại theo nhiều khuôn hình khác nhau và vẫn có đủ đầy yêu thương theo cách mà những người trong cuộc có thể cảm nhận được. Bởi tình cảm tuổi già giống như cái kết đẹp của một bộ phim tình cảm mà bạn yêu thích khoảng vài chục năm sau đó. Không còn thể hiện quá nhiều, không quá nhiều lời nhưng bù lại là những hành động đủ làm ta cảm động được họ làm theo cách thành thục, như một thói quen. Tình cảm tuổi già đơn giản là vẫn chăm sóc cận kề nhau cho dù đã bạc mái đầu, chân mỏi, gối đau. Đến sau cùng khi con cái đã trưởng thành vẫn chỉ có đôi ta cận kề.

Chỉ mong rằng, trong quãng đời dài rộng sắp tới bạn đã tìm được một người đủ kiên nhẫn, thực lòng muốn học cách yêu và thực hiện chúng mỗi ngày. Hoặc giả nếu vẫn chưa tìm được, thì chỉ là người đó chưa đến mà thôi.

Yêu thương là khóa học cả đời, khoan dung là bài tập vĩnh viễn.

Sống một cuộc đời giống như vẽ một bức tranh: phải là màu ta thích, cảnh vật ta cần

0

Nhiều người – không chỉ mỗi người trẻ – vẫn mãi loay hoay tìm kiếm cuộc đời của bản thân mình. Họ lẩn quẩn trong mớ câu hỏi: Tôi sẽ là ai? Tôi muốn gì? Cuộc đời của tôi sau này sẽ như thế nào? Tìm kiếm và sống một cuộc đời không khó, chỉ là đó có thực sự là thứ bạn cần!

“Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về vật liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.” (Trích – Ta sẽ làm chi đời ta)

Đừng sống một cuộc đời như giấc mơ mà người khác kỳ vọng

Vì truyền thống, cũng vì văn hóa, đa phần người con Việt thường sống theo những kì vọng của bố mẹ: cố gắng học đều tất cả các môn, đạt học sinh giỏi như bố mẹ trông cầu; đăng kí vào trường đại học bố mẹ mong ước; tìm kiếm một việc làm ổn định, cưới vợ sinh con để các cụ hoàn thành tâm nguyện. Chẳng ai nói rằng lối sống này là sai, lựa chọn con đường rập khuôn, thông thường mà đa số mọi người lựa chọn này không đúng. Chỉ là bạn có bao giờ dừng lại và xem đó có phải là tất cả những gì mà bạn cần, cuộc sống mà bạn muốn! Thật vậy cuộc sống đó chỉ đúng khi đó là tất cả những gì bạn cần.

Ngẫm lại mà xem, có phải bạn đã từng nghe ở đâu đó vài câu chuyện, anh A, chị B bỗng dưng từ bỏ một công việc ổn định, mức lương khá chỉ để quay về buôn bán, kinh doanh những thứ nho nhỏ. Vậy tại sao người ta lại từ bỏ một cuộc đời sung túc, suôn sẻ mà nhiều người mơ ước. Có lẽ, đa phần là bởi vì dù trễ, đến cùng họ cũng tìm được những gì họ muốn, thứ mà họ cần cho cuộc đời của mình. Chưa bao giờ là quá trễ để bắt đầu làm điều mình muốn.

Hãy sống một cuộc đời như một bức tranh với đủ đầy màu sắc, hình ảnh của riêng mình

Hình dung cuộc đời của bạn là một bức tranh tổng thể, mỗi hình ảnh, màu sắc trên bức tranh bạn vẽ nên đều là những điều bạn cần, bạn thích và bạn muốn. Và bởi vì đây là bức tranh của riêng bạn, vậy nên chẳng cần phải tô vẽ những mảng màu theo chuẩn chung, những bối cảnh nhàm chán. Có người thích bức tranh phong cảnh, cũng có người thích bức tranh trừu tượng,…tương tự như có người sống cuộc đời phẳng lặng, lại có người thích cuộc đời phiêu lưu khám phá. Chúng ta chỉ là một cá thể nhỏ bé, khác biệt giữa hàng tỉ cá thể trên khắp thế giới này, vậy việc gì ta cần phải giống ai khi ta là duy nhất.

Đừng sống một cuộc đời mà người khác trông cầu và chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu một cuộc đời mà bạn muốn sống hết mình vì nó.

Kiểm tra thử hôn nhân có hạnh phúc, là khi về già vẫn muốn nhường – nhịn người bạn đời

0

Con cái trưởng thành ra ở riêng hết chỉ còn ông bà sống trong căn hộ 3 buồng nơi khu tập thế sát bờ sông. Như mọi ngày cơm nước xong, bà dọn dẹp bếp núc, ông lên nhà bật Tivi, pha ấm trà nhân trần thư thả ngồi uống xem mấy chương trình thời sự.

Khi bà từ dưới bếp lên, ông rót cốc trà nóng đưa tận tay bà, chuyển kênh phim cho bà xem, rồi họ lặng lẽ theo dõi phim trên truyền hình cho đến khi bà đấm lưng thùm thụp đứng dậy vào ngủ trước. Ông xem thêm chút rồi tắt Tivi kiểm tra cửa rả rồi đi nằm. Ngang qua phòng bà đã thấy bà ngáy pho pho.

Chả biết từ bao giờ họ gọi nhau là ông, là bà thay cho cách gọi anh, em ngọt ngào theo suốt mấy chục năm. Cũng chẳng nhớ từ bao giờ ông bà ra nằm riêng mỗi người mỗi phòng. Chắc tại bà kêu ông ngáy to nhất là hôm nào vui bạn bè uống vài chén rượu. Ông cũng phàn nàn bà có thói quen cứ dọng chân xuống giường thình thịch mỗi khi mỏi.

Cái gì mãi rồi cũng thành quen. Đôi khi bà muốn gọi ông là anh như ngày nào cho tình cảm mà thấy ngượng ngùng. Lắm lúc người ngây ngây sốt đắp cả cái chăn dầy vẫn lạnh, ông định qua phòng bà nằm cạnh tìm chút hơi ấm lại lo bà mất ngủ, cũng thôi.

Tối nay, khi bà vừa dưới bếp lên ngồi xuống ghế định xem Tivi thì điện vụt mất. Ông loay hoay bật lửa châm chiếc đèn dầu. Ông bà ngồi đối diện nhau mà chẳng nói lời nào. Không gian tĩnh mịch quá. Nghe rõ cả tiếng gió rì rào ngoài cửa sổ. Bỗng bà bật tiếng: “Nghe đâu như tiếng con uềnh uôm nó kêu”.

Ông nhướn mắt hỏi lại: “Con gì kêu?”

“Con uềnh uôm chứ con gì?”

“Con ễnh ương chứ. Từ cha sinh mẹ đẻ tôi chưa nghe ai nói con uềnh uôm như bà.”

Thế là họ cãi nhau. Kết quả là sáng hôm sau bà không thấy ông ngồi uống trà bên bàn nữa. Bà lẩm bẩm: “Lại sang thằng cả tá túc chứ gì. Thây kệ”.

Trưa bà ngồi ăn cơm một mình thấy chả ngon lành gì. Tối bà ngồi coi Tivi mà chả xem chương trình gì ra đầu ra đũa. Đêm bà nằm nhớ thời có mang thằng lớn. Ông mừng lắm, hỏi bà: Em định đặt tên con là gì?

Anh đặt đi, bà nũng nịu: Tuỳ anh.

Không ngờ khi sinh con, trong giấy khai sinh, con của ông bà được đặt là Tuỳ Anh, Nguyễn Văn Tuỳ Anh.

Đến đứa con gái thứ hai, bà hỏi ông đặt tên gì? Ông âu yếm nhìn bà bảo: Tuỳ em.

Và kết quả tên đứa thứ hai được đặt là Tuỳ Em, Nguyễn Thị Tuỳ Em.

Cả tuần vắng bóng ông nhà cửa trống vắng làm bà nghĩ lại, có lẽ mình không nên đôi chối với chồng mấy chuyện cỏn con làm gì. Còn ông, mấy ngày ở với con với cháu cũng thấy vui mà sao lòng ông vẫn như lửa đốt. Cảm giác thiêu thiếu cũng làm ông nghĩ lại. Có lẽ mình nên nhường nhịn bà cho êm cửa ấm nhà.

Hôm ông quay về, bà đón ông nơi bậu cửa, ông chưa kịp nói điều mình định nói bà đã đon đả: “Tôi hỏi người ta rồi ông ạ. Nói như ông mới đúng. Là con ễnh ương. Tôi nói sai”.

Ông cười gượng gạo: “Không bà nói mới đúng. Nó là con uềnh uôm. Tôi sai rồi”.

Ông bà nhìn nhau cười. Chẳng cần nói lời nào, họ đều hiểu trong lòng người kia đang nghĩ gì

————

Câu chuyện trên hẳn nhiều người sẽ chê trách chuyện mộng mơ, không thực, đời đâu ra những chuyện hay như trên phim thế này. Bản thân tôi người kể câu chuyện này cho các bạn cũng chẳng phân định được thật – giả, chỉ là cách để chúng ta thấu rõ hơn tình cảm cuộc đời. Trở lại câu chuyện bàn về thế nào là một cuộc hôn nhân hạnh phúc? Đó có phải là bánh và hoa, tiền bạc và của cải, lãng mạn với ánh nến, cưng chiều hết mực, tình cảm, ân cần? Buổi ban đầu, có nhiều điều để người ta đánh giá đó có phải là cuộc hôn nhân hạnh phúc không bởi mọi điều đều là mới mẻ. Lãng mạn, vật chất, nến và hoa, tình cảm mặn nồng rực cháy đều cần đủ không thiếu thứ gì. Thời gian trôi đi, người yêu rực cháy thuở nào giờ còn là tình thân, tình thương với người bạn đời thân thuộc. Lúc này, nếu vẫn giữ được sự yêu thương, nghĩ cho nhau, vì nhau dù tình đã nhạt thì quả là một cuộc hôn nhân hạnh phúc đáng mong đợi và hy sinh sau bao năm tháng nhọc nhằn.

Nhường và nhịn người bạn đời của mình, tôi gọi đó là phẩm chất cần có và đáng trân quý trong hôn nhân. Bởi mỗi người sinh ra đều không hoàn hảo, có sở thích, tính cách và nhịn nhận về cuộc sống theo cách riêng của mình, vậy nên để nhường nhịn được người bạn đời, điều ta cần không chỉ có mỗi yêu thương mà còn nhiều hơn tình thương dành cho nửa còn lại.

Hạnh phúc trong hôn nhân đến cùng là sự cảm thông và chia sẻ dù lúc mới về chung hay đã sang bên kia sườn dốc.

Nếu tâm hồn ta rộng như hồ nước, nắm muối nhỏ chẳng khiến ta phiền lòng

0

Để trái tim, tâm hồn của bạn như hồ lớn, đừng như cốc nước nhỏ mà nếm trải nhiều nỗi đau của số kiếp nhân sinh.

Trước đây có vị thiền sư nọ. Ông có một đệ tử, nhưng vị đệ tử này thường hay phàn nàn, lúc nào cũng cho rằng mọi chuyện không vừa ý anh ta. 

Một sáng nọ, sư phụ nói đồ đệ đi nhặt ít muối mang về. Anh này miễn cưỡng mang muối ăn trở về. Sư phụ lại yêu cầu anh ta cho muối vào một cốc nước và uống, sau đó hỏi anh mùi vị như thế nào. Vị đệ tử nhổ chỗ nước vừa uống ra và nói: “Nước này mặn quá!”.

Sau đó, ông dẫn đệ tử ra hồ nước, ném một nắm muối xuống hồ rồi bảo đệ tử uống nước trong hồ. Đệ tử uống nước xong liền nói “Nước hồ có vị mát, ngọt thanh”. 

Vị thiền sư hỏi lại: “Có vị mặn không?”. “Không thưa sư phụ!”, đồ đệ trả lời.  

Sau đó, vị thiền sư mỉm cười ngồi bên cạnh đồ đệ “thích phàn nàn” của mình và nói: “Sự đau khổ của đời người cũng giống như chỗ muối này, có một định lượng nhất định, không nhiều cũng không ít. Chỉ là dung lượng chứa đựng của chúng ta quyết định mức độ đau khổ đó.

Vì thế khi con cảm thấy đau khổ, hãy biến dung lượng của mình trở nên lớn hơn, lớn hơn nữa, giống như một cái hồ chứ đừng như một cốc nước”.

Đau khổ đời người như nắm muối mặn

Câu chuyện của vị đệ tử cũng là nỗi niềm của nhiều người trong đó có bạn có tôi giữa cuộc đời nhiều sóng gió này. Vị đệ tử kia may mắn thay có vị thiền sư giác ngộ, chúng ta dù muộn nhưng ngẫm ra vẫn là không trễ.

Từ câu chuyện nắm muối mặn và cốc nước nhỏ hay biển hồ lớn rộng, người ta lại ngẫm ra được tình cảnh của riêng mình. Cuộc đời mỗi người, ai lại chẳng có nỗi đau. Nỗi đau ấy không ít không nhiều, vỏn vẹn như nắm muối nhỏ trên tay, người lòng cạn hẹp thì sức công phá của nỗi đau ấy sẽ lớn lao, người lòng rộng lao la như hồ nước, nắm muối đến cùng cũng như “nước bỏ bể”. Nỗi đau là điều chúng ta không thể tránh khỏi, vậy cớ sao ta không học cách mở rộng tâm hồn và cả trái tim để đón nhận nỗi đau một cách bình thản nhất?

Giống như cách vị thiền sư hướng dẫn đệ tử của mình, cốc nước nhỏ chứa nắm muối sẽ mặn, biển hồ lớn chứa chút muối nhỏ lại chẳng đáng  bận tâm, vẫn giữ được vị thuần khiết ban đầu. Rèn luyện, nuôi dưỡng một trái tim, tâm hồn rộng mở để đón nhận mọi nỗi đau ở đời như một trải nghiệm, một “đặc ân bởi cuộc đời cần có đủ đắng, cay, ngọt, bùi tâm hồn bạn sẽ nhẹ nhàng hơn tất thảy.

Và bởi cuộc đời này có đến trăm vạn nỗi đau thương. Nỗi đau bạn nhận hôm nay có thể đến từ chính bạn, từ người thân, từ gia đình, từ xã hội,…hãy tin rằng đó là một phần không thể tách rời của cuộc sống mà từ bỏ chấp niệm, giữ mãi trong lòng, than thân trách phận, thậm chí ghi thù kết oán,…người nếm trải đớn đau đầu tiên và nhiều nhất đến cùng chỉ có bạn mà thôi.

Có câu nói như thế này: Dung lượng trái tim của một người rộng lớn như thế nào thì thế giới của họ rộng lớn như thế. Hãy để trái tim của bạn là một hồ nước chứ đừng là một cốc nước. Hãy biến xung đột thành hòa hợp, biến chiến tranh thành hòa bình, người với người hòa ái, trân trọng lẫn nhau.

Xem cuộc đời của mỗi người như một ly rượu vang

0

“Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải giữ rất nhiều năm để đạt độ chín cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.”

——————

“Tôi biết rằng tất cả mọi người đều tốt nghiệp ở tuổi 21 và thất nghiệp đến khi họ 27 tuổi. Tôi biết rằng cũng có người tốt nghiệp năm 25 tuổi và tìm được việc ngay sau đó. 

Tôi biết có những người không học Đại học nhưng lại tìm được đam mê của mình năm họ 18 tuổi. 

Tôi biết có những người tìm thấy công việc cứng hái ra tiền, nhưng lại chán ghét điều họ làm. 

Tôi biết có người nghỉ ngơi vài năm và tìm thấy mục tiêu đời họ. 

Tôi biết có người rất chắc chắn về điều họ làm ở tuổi 16, nhưng họ lại thay đổi dự định đó năm 26.

Tôi biết có người đã có con nhưng vẫn một mình và tôi biết có người đã kết hôn nhưng phải chờ 8 đến 10 năm mới có con. 

Tôi biết có người đang trong mối quan hệ yêu đương nhưng lại có tình cảm với người khác. 

Tôi biết có đôi rất yêu nhau nhưng lại không thể đến được với nhau. 

Vậy quan điểm của tôi là: Tất cả mọi thứ trong cuộc sống diễn biến theo thời gian của chúng ta, đồng hồ của chúng ta.”  

——————–

“Chiếc đồng hồ của mỗi người” hay “ly rượu vang với hương – vị – sắc của riêng bạn” tất cả đều dẫn về một câu chuyện, một vấn đề “Cuộc đời của mỗi người là không giống nhau, bản thân bạn sinh ra là duy nhất, vậy việc gì bạn cần bận tâm, coi chiếc đồng hồ của đối phương làm thời gian chuẩn của cuộc đời bạn?

Tháng năm trôi chảy, có người thành công sớm rồi cũng sớm lụi tàn. Có người an cư lập nghiệp sớm tưởng chừng nửa đời sau an ổn nào ngờ sóng gió ập tới không ngờ. Đừng lấy cuộc đời người khác làm tiêu chuẩn, cũng đừng lấy thành công của họ làm thước đo. Sống mà cứ mãi ngước nhìn, so sánh và đố kị, chuỗi ngày được sống trên đời của bạn sẽ trôi đi trong mệt mỏi và toàn vị đắng chát. Thay vào đó hãy thử nhìn vào tâm hồn mình, trò chuyện với ước mơ của bản thân xem bạn cần gì và muốn gì. Bởi cuộc đời luôn cho bạn cơ hội mang tên “ngày mai” để bắt đầu lại vậy nên dù là bạn 20, 40 hay 60 tuổi, chẳng ai có thể ngăn cản bạn một lần nữa lại “bắt đầu”. Và bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm. Kiên trì đi trên con đường riêng của mình, sớm muộn rồi bạn cũng được nếm ly rượu ngon mà cuộc đời chỉ dành cho mỗi bạn.

Vài điều tuyệt vời bạn chỉ có thể tìm thấy được ở người ít nói

0

Đa số luôn cho rằng người ít nói thường nhàm chán, cuộc sống của họ khá tẻ nhạt và nếu giữa đám đông, họ dường như “tàng hình” hoàn toàn. Đó cũng là nguyên do chính nhiều người “lười” kết bạn với người ít nói. Người ít nói khá tẻ nhạt nhưng đó không phải là toàn bộ con người họ. Trong bài viết này, Mùa gió heo may sẽ chỉ cho bạn thấy vài điều tuyệt vời chỉ tìm thấy ở người ít nói và rằng bạn cần có một người ít nói để làm bạn.

Biết cách lắng nghe

Cuộc sống, đôi khi bạn sẽ cần một người không phải để an ủi mà là để lắng nghe một cách thật sự. Bạn cần một người chỉ lắng nghe và không cần gì nhiều hơn thế. Những lúc này một người bạn thuộc tuýp người ít nói sẽ là tất cả những gì bạn cần. Trong một thế giới mà ít ai dừng nói về vấn đề của mình để lắng nghe, thì người ít nói lại chính là người lắng nghe và đồng cảm với nỗi lòng của bạn. Họ không cần phải giả vờ cố gắng lắng nghe, cố gắng đồng cảm,…họ làm điều đó một cách tự nhiên vì đó là con người thật của họ. Tuy vậy người ít nói vẫn có thể cho bạn những lời khuyên, chỉ khi bạn cần. Bởi vì ít nói, thời gian họ dùng để nghe và quan sát nhiều hơn, từ đó có thể đưa ra những lời khuyên thấu đáo.

Họ không bỏ lỡ khoảnh khắc nào nhờ quan sát

Khi nói, bạn buộc trí não tập trung vào việc suy xét ngôn từ, câu chuyện nhiều hơn là quan sát sự vật sự việc xung quanh, đó cũng chính là nguyên do bạn có thể bỏ qua nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Người ta tin rằng để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào trong cuộc sống, chúng ta nên ít nói lại, quan sát nhiều hơn giống như cách mà những người ít nói làm. Những người ít nói, mặc dù không trò chuyện nhiều, họ có khả năng “nhìn” người,  nhìn việc hơn. Cứ hỏi những người ít nói về cảm nhận của họ thì biết, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên vì những gì họ phản ánh.

Là những người phát ngôn sau khi đã suy nghĩ thận trọng

Đôi khi bạn cảm thấy những người ít nói khá chậm chạm, nhất là trong việc phát biểu những gì họ nghĩ, họ muốn. Trên thực tế người ít nói không chậm chạm, họ chỉ đang suy nghĩ cẩn trọng trước khi phát ngôn ra bất cứ điều gì. Bởi vì dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ trước khi trả lời, phát biểu nên thông thường những điều họ nói ra thường chính xác và được nhiều người lắng nghe hơn.

Người ít nói thường dễ gần

Người ít nói với dáng vẻ im lặng, lạnh lùng ấy thường ấm áp hơn bạn nghĩ. Những người ít nói với phong thái bình đạm lại thường là đối tượng được lựa chọn như người bạn tâm giao của nhiều người. Sở dĩ họ phù hợp với vai trò “người bạn tâm giao hoàn hảo” bởi ở họ hội tụ đủ các yếu tố: đôi tai biết lắng nghe, khả năng thấu cảm, sự bình tĩnh và lời nói đúng mực.

Làm việc năng suất mỗi khi cô đơn

Người ít nói có một năng lực đặc biệt so với người thường là họ thường làm việc năng suất hơn khi cô đơn. Lí giải cho điều này, người ta cho rằng người ít nói phần nhiều là những người sống nội tâm, và bởi vì là người sống cô đơn, ít chia sẻ nên nỗi cô đơn thường xấm chiếm lấy họ như một thói quen. Những lúc thế này, làm việc chính là cách để họ tránh khỏi các tác động tiêu cực về cảm xúc mà nỗi cô đơn mang lại. Việc tập trung 100% trí lực vào công việc khiến những người ít nói có thể đạt được kết quả tốt. Bạn không khó để thấy những nhân viên ít nói ngồi ở một góc yên tĩnh tập trung làm việc hàng giờ liền.

Họ hiếm khi nặng lời

Hiếm khi to tiếng hay hành động thái quá, người ít nói ít khi làm tổn thương người khác. Bạn sẽ khó thấy được cảnh một người bạn ít nói của mình ăn nói cuống cuồng, một nhân viên trầm tính than vãn về sếp. Điều đó đơn giản là vì họ không “doạ nạt” những người xung quanh mà cố gắng để mọi chuyện nhẹ nhàng nhất có thể. Có bạn bè hoặc người thân là một người ít nói, mọi cuộc cãi vả đôi khi nhẹ nhàng giải quyết hơn tất thảy.

Giữ được phong thái điềm đạm trong mọi hoàn cảnh

Bạn đã từng thấy cách những nhân viên trầm tính, ít nói đối mặt với những dự án đầy căng thẳng chưa? Bạn sẽ thay đổi thái độ hoàn toàn vì phong thái điềm đạm mà họ mang đến cho bạn. Những người ít nói luôn hướng tới việc giữ bình tĩnh cho những người xung quanh. Điều này cũng đúng trong nhiều trường hợp khác nhất là khi cãi vã, tranh luận. Người ít nói với phong thái điềm đạm của họ có thể giúp hạ hỏa nhiều câu chuyện dường như sắp đi đến “chiến tranh”.

Người ít nói: cô đơn và biết sử dụng sự cô đơn.

Trong cuộc sống hối hả, những người ít nói dễ bị quên lãng. Nhưng những người được nhớ đến cũng không ít, họ là biên kịch, nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người có suy nghĩ sáng tạo, tìm ra nguồn cảm hứng từ chính một thứ và duy nhất một thứ: sự cô đơn.

Bạn còn cảm thấy người ít nói là nhàm chán không nào?

Những loại nước ép giúp lọc sạch cơ thể

0

Bệnh từ miệng mà ra, nhưng nếu chọn đúng thực phẩm để dùng thì bạn sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn rất nhiều. Muốn nói không với nhiều bệnh ung thư nguy hiểm đừng quên những loại nước uống sau đây.

Nước ép cà rốt

Cà rốt là thực phẩm giàu vitamin, chất dinh dưỡng và chất xơ. Nhưng bạn không cần phải ăn cà rốt để nhận được những lợi ích dinh dưỡng này. Uống nước ép cà rốt là một cách dễ dàng để thêm cà rốt vào chế độ ăn uống của bạn.

Trong cà rốt tươi có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn tổn thương tế bào, nước ép cà rốt có thể bảo vệ cơ thể và chống lại các loại bệnh ung thư nguy hiểm. Bạn đừng quên bổ sung loại nước uống này cho gia đình hàng ngày nhé.

Nước dừa

Nước dừa mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Trong nước dừa có chứa lượng lớn khoáng chất cùng chất điện giải rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa axit amin, lipit và carbohydrate.

Việc uống nước dừa thường xuyên sẽ giúp cải thiện tình trạng phân phối chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nghiên cứu mới đây cho thấy, trong nước dừa còn có hormone thực vật cytokinin có khả năng chống ung thư.

Mùa hè uống nước dừa còn giúp cơ thể thoát khỏi chứng bệnh nóng trong. Đừng quên bổ sung nước dừa cho cơ thể vào mùa hè này.

Nước trà xanh

Trong nước trà xanh có chứa polyphenols – chất chống lại quá trình oxy hóa, cản trở sự phát triển của nhóm tế bào ung thư. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng người có thói quen uống nước trà xanh thì nguy cơ ung thư miệng, tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư vú và một số bệnh tim mạch thấp hơn những người không sử dụng thức uống này

Tuy nhiên, trà xanh có thể phản ứng với một số loại thuốc điều trị bệnh huyết áp, tim mạch, trầm cảm. Nếu đang sử dụng các loại thuốc trên, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ nếu vẫn muốn sử dụng trà xanh thường xuyên.

Ngoài ra lá trà xanh còn có thể dùng để tắm giúp trị rôm sảy, giúp mẹ sau sinh ngăn ngừa vi khuẩn, giúp bé khỏe mạnh hơn. Vì lá trà xanh cũng có thể phản ứng với một số loại thuốc nên khi sử dụng bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên gia để có một liều lượng hợp lí nhất.