Home Tâm Lý Gia Đình Với người trưởng thành, đường về nhà tưởng gần lại hóa xa...

Với người trưởng thành, đường về nhà tưởng gần lại hóa xa muôn dặm…

361
0

“Đường về nhà, coi vậy chứ xa lắm, mấy người tìm về được?” Tuổi 20 câu nói này nghe thật nực cười, đâu chục năm sau, người ta bỗng ngậm ngùi nhận ra sự thật phũ phàng mà cuộc đời “trao tặng”.

————-

Mười tám tuổi, tôi khoác ba lô, giã từ mẹ về thành phố học đại học. Sau tất cả những dặn dò chi li cẩn thận, lúc tiễn tôi ở cuối con đê đầu làng mẹ bỗng dưng bảo tôi: “Đường về nhà là con đuờng xa nhất, con trai ạ! Mai sau con có đi khắp chân trời góc biển thì cũng chẳng có con đường nào xa hơn đường về nhà mình đâu”.

Tôi cười và không hiểu tại sao mẹ lại nói như thế với tôi. Trong lòng tôi chẳng bao giờ tin, đường về nhà lại là đường xa nhất. Từ Hà Nội về nhà tôi chưa đến 50 km. Mẹ sai rồi!

Những năm đầu tôi năng về nhà thăm cha mẹ người thân, và cũng để ngấm ngầm nói với mẹ, đường về nhà là đường gần nhất đấy.

Nhưng những lần về đó cứ thưa dần, thưa dần như những điều may mắn tốt đẹp hay hạnh phúc của đời một con người.

Tôi ra trường, ở lại Hà Nội, lăn xả vào đời, chiến đấu như một con ngựa dũng mãnh những mong tìm được một chỗ đứng trong cát bụi phồn hoa.

Đi qua quá nửa đời người, dấu chân phiêu lãng in mòn khắp nơi, năm châu bốn biển, tôi mới chợt nhận ra rằng, đường về nhà là con đường xa nhất. Mẹ hoàn toàn có lý!

Khi ấy tôi mới giật mình nhớ lại và suy nghĩ. Quê hương tôi bao người trùng trùng lớp lớp đã ra đi mà có thấy ai trở lại bao giờ. Không phải bởi quê hương tôi nghèo khó hay đời sống tinh thần tù túng như bao làng quê khác. Họ chỉ quay đầu khi mắt nhắm tay buông, thân xác hòa tan trong lòng đất mẹ.

Có hàng trăm ngàn vạn lý do chính đáng và không chính đáng để bước chân người ra đi không thể quay trở về được nữa, dù trong trái tim vẫn đau đáu một hình bóng quê nhà. Dù đường về quê chỉ là những con số toán học chẳng có nghĩa lý gì!

—————

Tuổi 20 đường về nhà gần

Tuổi 20 với bao ước vọng, ước mơ về cuộc đời, con người thuở ấy bay nhảy khắp muôn nơi, cuộc đời như chân trời mà chúng hằng mơ chạm tới để thoải mái mà vẫy vùng, tận hưởng cuộc đời đầy thú vị ấy. Đi để trở về, tuổi 20 tiền bạc chưa có, công danh là thứ gì đó xa vời, lúc mệt nhoài, đói khát,…ta dễ dàng tìm về nhà để đầy cái bụng, xoa dịu cơn đau, để được vỗ về, bao bọc trước khi trở lại với cuộc đời mà tuổi 20 gửi gắm nhiều mộng mơ hoài bão. Thuở ấy, ta về nhà dễ dàng mà gần đến vậy, dễ dàng đong đếm bằng vài phút đi xe, số km đường quốc lộ,…

Nửa đời người đường về nhà xa vạn dặm

Cuộc đời ngộ lắm, nó chính là vùng trời mà “kẻ đứng ngoài mơ tưởng, người ở trong rã rời nhưng rồi vẫn cố gắng chống chọi”. Bởi cuộc đời không chỉ có mỗi đắng cay mà còn cả ngọt bùi, vậy nên người đứng ngoài chờ trông được nếm trải thứ ngọt bùi ấy, người ở trong sau khi nếm ngọt bùi cũng đã nếm đủ đắng cay: những ước mơ tan nát, những mộng tưởng chẳng bao giờ thành hiện thực. Trải nửa đời người, con người bị cuộc đời dập tơi tả. Tuy vậy, lúc này họ chẳng thể nào hoặc nói đúng hơn là không muốn trở về nơi xưa chốn cũ, quê nhà vẫn bao nhiêu đấy dặm nhưng người đi hoài chẳng tới. Cuộc đời này phồn hoa đấy, đắng cay đấy, nhưng con người vì nhiều lí do khác nhau chẳng thể rời bỏ nó. Người bị kéo lại bởi công danh, phồn hoa; kẻ vì mứu sinh phải bám trụ;…tìm về vòng tay quê nhà với thân xác rã rời, tàn tạ,…chút tự trọng cuối cùng này họ phải giữ lại.

Bởi đường về nhà là con đường xa nhất trong những chuỗi hành trình vô tận miên man của một đời người ngắn ngủi mà lắm gian nan!

Previous article4 thức uống giúp làm dịu căng thẳng
Next articleNgười ta dễ tiếc nuối những gì đã mất nhưng lại khó để trân trọng những gì đang hiện hữu