Home Blog Page 19

5 loại thực phẩm tiêu diệt tế bào ung thư

0

Ung thư có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên thân thể, vì thế phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy chú ý cân đối trong ăn uống và tăng cường 10 loại thực phẩm sau để phòng ngừa các bệnh ung thư.

Nấm ăn

Công dụng chống ung thư của nấm thuộc loại hàng đầu. Trong nấm có các chất như selen, polysaccharides… có công dụng ức chế tế bào khối u rất mạnh. Có nghiên cứu chỉ ra, thường xuyên dùng thực phẩm có hàm lượng selen cao giúp phòng ung thư gan và điều trị bệnh về gan. Trong nấm có tỷ lệ phân tử polysaccharides cao giúp kháng tế bào ung thư, đồng thời ăn nấm còn làm tăng khả năng sản xuất interferon và bạch cầu interleukin cũng là chất có tác dụng phòng bệnh ung thư. Không chỉ được mệnh danh là “thịt thực vật” mà đây còn là loại thực phẩm rất bổ ích trong việc phòng ngừa bệnh tật.

Măng tây

Nghiên cứu cho thấy, măng tây có hiệu quả trị liệu với tất cả các loại bệnh ung thư. Trong măng tây giàu vitamin, rutin, axit nucleic, có hiệu quả phòng chống ung thư hạch, ung thư bàng quan, ung thư da. Trong thân rễ và củ măng tây có asparagin giúp tăng khả năng miễn dịch, hồi phục trạng thái sinh lý cơ thể bình thường.

Các loại thực phẩm trên không chỉ giúp ngừa ung thư mà đều rất tốt cho sức khỏe nói chung. Việc của bạn là tìm được nguồn cung cấp an toàn và tươi ngon nhất.

Tỏi

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỏi có công dụng tốt trong phòng bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày. Người thường ăn tỏi có tỷ lệ ung thư dạ dày rất thấp, vì tỏi giúp hạ thấp việc tổng hợp nitrite, có tác dụng chống ung thư rất rõ ràng.

Mướp đắng

Tây y chứng minh, công hiệu chống ung thư của mướp đắng đến từ protein quinine, đây là một loại protein hoạt tính kích hoạt tế bào miễn dịch, sau đó “chuyển tay” giết chết tế bào ung thư hoặc các tế bào không bình thường khác thông qua tế bào miễn dịch.Trong hạt mướp đắng có một loại chất ức chế protease giúp ức chế tế bào ung thư bài tiết protease, từ đó ức chế tế bào ung thư chuyển dịch và xâm lấn lan sang các vùng khác.

Tuy là một loại thực phẩm có hương vị đắng nhưng đây thật sự là món ăn rất ngon và bổ dưỡng.

Cà chua

Do chứa hàm lượng carotene và lycopene nên cà chua là thực phẩm rất hiệu quả để tiêu diệt tế bào ung thư. Ăn cà chua cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh khác. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ bị ung thư, bạn hãy tích cực bổ sung các loại thực phẩm này vào khẩu phần ăn của mình hằng ngày nhé!


Mưa đầu mùa

0

Cơn mưa em dịu mát cả mùa hè
Xua cái nóng bao ngày rồi oi ả
Làm xanh lại đến từng con mắt lá
Chợt bồi hồi nhớ lắm một nụ hôn

Tôi ngỡ ngàng …trong veo cánh bằng lăng
Màu tím thủy tinh nhắc một thời mực tím
Giọng cười ai quả đầu mùa ngọt lịm
Thấm vào lòng mát rượi những hạt mưa

Cơn mưa em về xao động giấc mơ xưa
Một mùa hè bát ngát sen hồng nở
Nụ hôn đầu đời thoảng hương sen trong gió
Tim đập dồn sóng vỗ tuổi tròn trăng

Mưa đi em cho về lại tháng năm
Mùa hè cuối rưng rưng dòng lưu bút
Chẳng giật mình đâu , sấm đầu mùa thảng thốt
Có cô bé nào nhìn hoa sấu rụng phố quen

Và tôi một mình chạy trong lối mưa em…

Phan Thu Hà

Viết cho nàng tháng 7

0

Anh viết cho em cho tháng Bảy nồng nàn
Lất phất mưa bay có nàng ngâu chợt đến
Cơn gió lộng nghiêng triền đê chống chếnh
Mười Hai bến rồi đâu bến thứ Mười Ba.

Anh viết cho em thuở son sắc mặn mà
Mưa ngọt mát giọt phù sa đất mẹ
Trời tháng Bảy lắt lay như cào xé
Ô thước bắt cầu ngấp nghé chuyện Chức -Ngưu.

Tháng Bảy rồi em có bớt ưu tư
Hay đau đáu chần chừ duyên đôi lứa
Cuộc sống kia phải đâu mình chọn lựa
Chốn yên bình vẫn chứa vạn niềm đau.

Anh viết cho em trời tháng Bảy thương sầu
Giăng khắp lối mưa bạc đầu nỗi nhớ
Viết cho em cho mối tình làng lỡ
Tháng Bảy rồi bóng nước vỡ còn nhau…

Hoàng Lan

Hiếu thuận với cha mẹ: Lấy yêu thương làm gốc rễ

0

Cuối cùng thì số di động của con gái ông cũng hiện ra. Khổ lắm, có nhiều nhặn gì cho cam, chỉ có mấy người trong danh sách điện thoại mà ông vẫn không nhớ được. Ông bấm số của con gái ông và gọi:

“Lãng ơi, hôm nay các con có về không?”

Tiếng phụ nữ trả lời:

“Con bận lắm bố ạ, không về được đâu”

Ông Nghĩa hơi thất vọng:

“Vậy Du thì sao? Bảo nó đưa bọn trẻ về chơi với ông?”

Tiếng Lãng:

“Anh ấy đi suốt bố ạ. Trẻ con nó còn đi học. Về sao được”

Ông Nghĩa:

“Hôm nay Chủ nhật cơ mà. Sao vẫn phải đi học đi làm à? Vậy bao giờ các con về? Bố già rồi, chẳng có nhu cầu gì, chỉ muốn vui với con cháu thôi”

Lãng hối hả:

“Con đang phải đi đăng ký tour du lịch Tết đây này. Thôi thế bố nhé. Vâng, vâng, vâng…”

Ông Nghĩa cố vớt vát:

“Thế Chủ nhật sau thì sao?…”

Đầu bên kia đã tắt máy.

Lãng bận thật. Chị đang mua một tour du lịch cho gia đình đi chơi Malaysia vào sáng mùng 3 Tết. Chị còn khối việc phải lo trước khi có thể lên đường. Tuần sau phải họp phụ huynh cho hai đứa trẻ. Lại còn phải lo mua quà cáp cho thầy cô, rồi quà Tết cho sếp ở công ty. Còn bao thứ giấy tờ phải lo nữa. Chồng chị thì đi miết.

Xong việc đăng ký tour, chị cũng thoáng băn khoăn: “Hai vợ chồng và hai đứa con đi tour vào dịp Tết mà để lại bố ở nhà một mình thì có ổn không nhỉ?”.

Nhưng chị lại tự biện hộ: “Chắc cũng không sao, có gì mình nhờ hàng xóm xung quanh trông chừng bố cũng được. Cũng mấy năm như vậy rồi, chắc bố cũng đã quen”.

Quả thực, năm đầu tiên đi du lịch vào dịp Tết, Lãng đã mời ông Nghĩa đi cùng cả nhà cho vui. Nhưng chị biết là ông sẽ không đi. Tết của ông Nghĩa vẫn luôn phải là Tết của truyền thống, của bánh chưng, của đào quất, của thăm hỏi chúc tụng, của những phong tục, của hương khói lễ lạt dành cho ông bà tổ tiên. Tết không phải là dịp để đi chơi xa mặc cho hương lạnh khói tàn trên bàn thờ các cụ.

Còn Lãng thì khác. Trong thâm tâm, một người phụ nữ ngoài bốn mươi như chị đã quá mệt mỏi với việc gia đình, con cái, với việc cơ quan. Vả lại, cả năm vợ chồng con cái bận bù đầu, chỉ có mỗi dịp Tết cả nhà đều nghỉ. Chẳng lẽ lại ngập mặt vào mua bán, nấu nướng, ăn uống, dọn dẹp, chúc tụng? Bây giờ người ta đâu còn sự háo hức mong chờ Tết đến để có thêm miếng ngon đã từng thiếu thốn, hay để có thêm manh áo, tấm quần. Xã hội cũng khác rồi, nhiều truyền thống xưa đã không còn nữa, thay bằng những cái “lệ” mới không phải lúc nào cũng khiến con người hài lòng: quà cáp, biếu xén, nhậu nhẹt… chị muốn trốn tất cả những cái đó. Mà đâu chỉ có chị nghĩ thế.

Trốn đi chơi với gia đình nhỏ của mình, nghĩ đi nghĩ lại cũng tội cho bố. Nhà chỉ có một bố một con. Mẹ Lãng đã mất từ khi chị còn nhỏ. Bố ở vậy nuôi dạy chị trưởng thành. Có phải là bố không thể đi bước nữa đâu. Bố có học thức, lại cao lớn đẹp trai, nhiều người làm mối cho bố những cô trẻ trung xinh đẹp nhưng bố đều từ chối. Bố không muốn chị phải sống cảnh dì ghẻ con chồng. Và thế là bố phải đóng cả hai vai: vừa làm bố vừa làm mẹ. Hai bố con Lãng sống xa hai bên nội ngoại. Hồi nhỏ, chị lại hay đau ốm. Thế nên, kể sao cho xiết khó khăn đến với hai cha con chị những năm tháng ấy.

Nhưng khi Lãng lấy chồng ở Hà Nội, cách ngôi nhà của hai cha con khoảng ba chục cây số, thì bố chẳng lên ở với chị. Bố không quen ở nhà chung cư, dù là chung cư cao cấp. Bố thấy sống ở đó bất tiện. Đất đai sân vườn chẳng có, muốn trồng cây, nuôi chim cảnh là khó rồi. Lại thêm việc đi ra đi vào phải quẹt thẻ, an ninh nghiêm ngặt, bố thấy khó mà quen được.

Trong sinh hoạt, vợ chồng chị cũng chẳng hợp với bố. Lãng lấy chồng, lên phố ở và ngày càng thay đổi về quan niệm sống trong khi bố vẫn mãi “cổ”, mãi “truyền thống” như thế. Điều bố thấy khó thích hợp nhất là lối dạy con của Lãng. Chị hay lý luận rằng: trẻ con thì biết gì. Để lớn rồi dạy dần dần. Chị thích “kiểu Tây” – tức là để con cái tự do phát triển, theo nhận thức của chị là vậy. Và rằng: bố mẹ phải là bạn của con. Thành ra chị chẳng bao giờ uốn nắn lời ăn tiếng nói cho các con, hay dạy chúng việc nhà, hay nền nếp sinh hoạt.

Còn bố thì vẫn nghiêm như thế. Bố dạy cho bọn trẻ phải thưa gửi, chào hỏi người lớn một cách lễ phép, không thể bằng vai phải lứa được. Ngoài việc học phải giúp cha mẹ làm việc nhà. Ăn, ngủ cũng phải đúng giờ, làm việc cũng vậy,.. những điều mà Lãng cảm thấy không còn phù hợp trong cuộc sống hiện đại. Việc của bọn trẻ chỉ là học tập cho giỏi mà thôi. Những việc khác thuê người làm, lo gì. Dạy trẻ ngoan quá còn bị bắt nạt ấy chứ! Chị nghĩ vậy.

Hơn nữa, chị vẫn nghĩ bố càng già càng lẩn thẩn, hay thích kể lể chuyện xưa. Chị thì không bao giờ muốn nghe lại về quá khứ nghèo khổ ấy nữa. Bố lại cứ kể với các con chị ngày xưa thời các cụ, thời ông bà mọi người sống thế này, thế kia… Bọn trẻ nó cần gì biết chuyện ấy, chúng nó làm sao hiểu được. Thời của chúng nó bây giờ là phải tiến lên hòa nhập với thế giới, sao cứ quay về với vốn cổ làm gì?

Do vậy, bố ở lại nhà cũ một mình đã 15 năm nay rồi. Gia đình chị thường về thăm bố vào cuối tuần. Nhưng cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, hai đứa trẻ càng lớn càng có nhiều việc phải lo cho chúng. Anh chị cũng có nhiều mục tiêu và nhiều nhu cầu. Chị vẫn gửi tiền về cho bố và nhờ hàng xóm của bố để ý bố giúp chị. Cho đến 1 năm gần đây, có khi một hoặc hai tháng anh chị mới về thăm bố một lần.

*****

Cuộc gọi đã kết thúc, ông Nghĩa còn cầm điện thoại, tần ngần. Ông đã định gọi lại lần nữa, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Bọn trẻ nó bận rộn quá, gọi nhiều lại làm phiền chúng nó, mà có vẻ như là mình cầu xin con cháu phải quan tâm đến thân già này. Bao nhiêu năm nay mình vẫn sống một mình, tự lo được, từ khi bà ấy mất đến nay.

Nhưng ông vẫn không nén được tiếng thở dài. Năm nay ông đã ngoài 70. Mỗi tuổi sức khỏe lại một khác. Thời trẻ lo cuộc sống và chăm con, ăn uống và sinh hoạt kham khổ, sức ông không bền. Gần đây không biết sao tay lại run thế, đi bộ một lúc cũng thấy mệt.

Hôm nay đã là 20 tháng Chạp, chúng nó đã lâu không về chơi với ông. Mà ông thì nhớ con nhớ cháu quá rồi. Tuần sau chắc chúng còn bận hơn, không biết có về không? Sang đến mùng 3 Tết, chúng lại đi du lịch như hàng năm thì ông lại cô độc như kẻ không gia đình.

Không biết thằng Nhân, con Dung cháu ông dạo này chúng nó lớn thế nào nhỉ? Học hành ra sao? Ở trường lớp có chuyện gì không? Có chuyện gì muốn tâm sự với ông không? Dù tính nghiêm nghị nhưng trong lòng ông thương con thương cháu vô cùng. Biết các cháu thích ăn khoai lang mật, ông đã mua cả yến khoai chất đầy gầm giường, chỉ đợi chúng lên thôi.

Ông nhớ ngày xưa con gái ông cũng thích ăn khoai mật. Nó cũng thích nắm tay bố đi trên đường làng, chân đi đôi guốc mộc khua vang cả làng xóm. Cũng chỉ vì đôi guốc mộc ấy mà mỗi lần nó đi xem nhờ ti vi đều bị chó nhà hàng xóm xồ ra đuổi. Nếu không bị chó đuổi thì lại bị bọn trẻ cùng xóm chòng ghẹo. Mỗi lần như thế, con bé lại khóc tức tưởi chạy về với bố, có khi bố bận đi làm cũng chẳng ở nhà. Ôi, thương con quá! Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ thời bao cấp có cái khổ chung của xã hội thiếu thốn vật chất. Nhưng trẻ con nhà người ta còn có đầy đủ mẹ cha, còn có anh chị em làm bạn. Còn con gái ông thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Ông cố sức bù đắp cho nó nhưng cố gắng đến mấy cũng không đủ được. Ông vẫn thường tự trách mình không thể làm tốt hơn.

Cũng một phần vì thế mà khi lớn lên nó không muốn nhắc về quá khứ. Còn ông, ông chỉ muốn các cháu đừng quên đi truyền thống tốt đẹp của tiền nhân đã để lại, vô tình lại nhắc Lãng nhớ về quá khứ ám ảnh. Biết con gái không thích, ông lặng lẽ ở lại ngôi nhà cũ, ở lại với kỷ niệm. Nó thuộc về ông, những người già. Còn tuổi trẻ, chúng nó hướng đến tương lai.

Ông Nghĩa chậm chạp bước tới chiếc tủ đựng kỷ vật của gia đình. Ông lấy mấy tấm áo cũ của vợ ra ngắm nghía. Mấy tấm áo sơ mi trắng tay bồng chiết eo đã ngả sang màu ngà sặc mùi băng phiến, làm thế mới giữ được trong bao năm không bị gián nhấm. Đây, cái áo vải phin xanh Nam Định mà Lãng mặc mãi hồi cấp 1. Nó hay ốm, còi cọc, mãi khi lên trung học mới phổng phao bằng người. Và đây, đôi guốc mộc chính tay ông đóng cho nó. Đôi guốc đã mòn vẹt và ngả màu bạc phếch.

Tay ông vuốt ve đôi guốc mộc. Bàn tay lại run lẩy bẩy. Sao hôm nay nó run dữ thế nhỉ? Một cảm giác mệt mỏi xâm chiếm thân thể. Đầu ông bắt đầu thấy chuếnh choáng. Mắt ông hoa dần lên. Ông chỉ có thể cố lết về giường rồi nằm vật ra không biết gì nữa.

Ông Nghĩa dần tỉnh lại trong tiếng trao đổi đầy lo lắng của hai người hàng xóm, hai người bạn lâu năm: bà Tình và ông Tính.

Ông Tính nói:

“Này, ông tỉnh rồi à? Ông thấy trong người thế nào. Lúc nãy tôi sang thấy ông nằm vật ra giường tôi lo quá”.

Bà Tình thì đưa cốc nước cam vắt cho ông, chép miệng nói:

“Đây, ông uống đi rồi cho tôi số điện thoại, tôi gọi các cháu nhà ông về. Tết nhất đến nơi rồi. Chúng nó cứ biền biệt để ông già ngoài 70 ở nhà một mình thế này. Giờ lại đau ốm thì làm sao?”

Ông Nghĩa cố lấy giọng tự nhiên trả lời:

“Cảm ơn hai ông bà. Tôi mệt xoàng thôi. Các cháu nó cũng bận, Tết nhất đến nơi cũng nhiều việc phải lo lắm. Chúng nó cũng khổ.”

Hai ông bà Tính, Tình nhìn nhau. Họ cũng không muốn nặng lời về các con ông khiến ông thêm đau lòng.

Nhưng mấy ngày sau, tình trạng ông Nghĩa không khá lên chút nào, thậm chí còn xấu đi. Ông ăn uống rất kém, thân thể gầy đi. Đôi mắt ông đăm đăm nhìn lên trần nhà, chất chứa đầy tâm sự không thể thổ lộ cùng ai. Hình như bệnh tật làm ông khổ một thì những ưu tư làm ông khổ mười.

Cứ thế này mãi không được. Đến sáng ngày 25 Tết, bà Tình, ông Tính quyết định đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện X. Bà Tình quyết định gọi cho Lãng. Bà giận lắm nhưng chỉ thông báo thế này rồi dập máy:

“Này chị, bố chị đang cấp cứu ở bệnh viện X đấy. Anh chị có thể bớt chút việc đi thăm bố được không?”

Vợ chồng Lãng hốt hoảng dẫn theo các con vào bệnh viện X. Họ phải chờ bên ngoài phòng cấp cứu vì ông Nghĩa đang được cấp cứu và làm xét nghiệm.

Chiếc xe giường nằm đẩy ông Nghĩa về phòng bệnh thì Lãng ở lại hỏi bác sĩ về tình trạng của bố mình. Bác sĩ trả lời chị:

“Chúng tôi chưa thể kết luận ngay được. Theo đánh giá sơ bộ của tôi, ông cụ có vẻ bị suy nhược tinh thần. Còn có bệnh gì khác nữa thì chưa biết. Mong là ông cụ không có gì nghiêm trọng. Gia đình chờ đến chiều sẽ có kết quả”.

Lãng sốt ruột trở về buồng bệnh của bố. Hai đứa con Nhân, Dung đang đứng cạnh ông. Còn Du thì vội đi mua cho ông đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn. Thấy chị vào, hai đứa bĩu môi, nguýt chị nói:

“Đã bảo về thăm ông đi mà không nghe. Để ông ốm thế này…”

Lãng im lặng, phần tức vì con, phần xấu hổ với bố.

Ông Nghĩa khẽ khàng:

“Hai cháu không được nói trống không với mẹ như thế. Ông đã dạy các cháu thế nào? Mẹ các cháu bận rộn lắm, phải lo rất nhiều việc. Sau này các cháu có gia đình rồi sẽ rõ. Ông chỉ mệt xoàng thôi. Nghỉ tí chút là hồi phục. Là người trong nhà không nên trách móc lẫn nhau. Các cháu là con lại càng không được trách móc cha mẹ”.

Cũng lạ, hai đứa nghe ông nói thế đều lí nhí xin lỗi. Chúng đưa tay ra nắm lấy tay ông.

Lãng ngây người, những kỷ niệm ấu thơ lại ùa về. Mẹ mất, bố tối mặt lo việc kiếm sống. Bố cũng chưa bao giờ thiếu trách nhiệm với chị, nhưng một mình ông sao có thể bù lấp nỗi cô đơn trống vắng trong cuộc đời một cô bé mất mẹ. Bố đã tận tâm tận lực nuôi dạy chị lớn khôn. Vậy mà bao nhiêu năm qua, chị đã làm được gì cho bố? Hay chỉ là nỗi cô đơn buồn khổ?”

Lãng bất thần sụp xuống ôm lấy ông Nghĩa òa lên khóc nức nở. Bao nhiêu ẩn ức trong quá khứ, bao ân hận vì đã tệ bạc với cha già, chị để nó tuôn thành dòng đầm đìa trên áo bố.

“Bố ơi, con xin lỗi bố. Con tệ quá, con ích kỷ quá. Con chưa bao giờ nghĩ cho bố”.

Ông Nghĩa nhẹ nhàng lấy tay vỗ lên vai chị, giọng hơi khàn khàn:

“Bố không sao đâu. Già yếu là thường tình. Ai cũng đến lúc ấy cả. Bố cũng có điều ân hận. Ngày con còn bé, bố đã không thể luôn ở bên cạnh con mỗi khi con cần bố”.

Hai đứa trẻ thấy mẹ và ông xúc động, chúng cũng lấy tay áo quệt nước mắt. Một tay chúng vẫn nắm lấy tay ông.

Du đi mua đồ về chứng kiến cảnh ấy. Anh cũng tần ngần nói:

“Bố ơi, con cũng có lỗi. Con lấy Lãng, đáng lẽ bố phải có thêm một người con trai, đằng này bố lại mất đi một cô con gái. Con cũng đã không quan tâm tới bố và cùng vợ con chăm sóc bố. Con mong bố tha lỗi cho con. Tết này, nhất định bố phải về ăn Tết với chúng con. Nếu bố có thể ở với chúng con để chúng con tiện chăm sóc bố thì tuyệt nhất. Nhưng nếu bố không quen cách sinh hoạt ở thành phố, thì bố cứ ở lại dưới quê cũng được. Chúng con sẽ thuê cho bố một người giúp việc. Hàng tuần vợ chồng con và các cháu sẽ về thăm bố nhiều hơn. Bố có đồng ý không ạ?”

Ông Nghĩa nhìn chăm chú vào những người thân yêu nhất của ông, ông hít một hơi khoan khoái nhất từ trước đến nay và thanh thản gật đầu.

Chiều hôm ấy, bác sĩ thông báo tin mừng cho gia đình ông Nghĩa: Ông không bị bệnh Parkinson như lo ngại ban đầu. Ông chỉ bị cường tuyến giáp và thần kinh căng thẳng do suy nghĩ nhiều. Họ dặn dò vợ chồng Lãng để tâm đến cuộc sống tinh thần của ông Nghĩa nhiều hơn.

Xe chở ông Nghĩa về ngôi nhà của các con ông, cả nhà đi ngang qua chợ hoa đào trong tiếng cười nói râm ran. Đã 27 Tết. Những cánh đào hồng rực, tràn đầy sinh khí của mùa xuân đang đến, hồng như khuôn mặt hạnh phúc của những thành viên trong gia đình ông.

———————————————-

 Hiếu thuận với cha mẹ là đạo lý nghìn đời không đổi, càng không thể buông bỏ. Mỗi người lại có những cách khác nhau để thể hiện sự hiếu thuận với cha mẹ của mình. Có người dùng vật chất, tiền bạc,…để thể hiện sự hiếu thuận, có người lại dùng tấm lòng để báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Chúng ta dùng cách của bản thân để báo đáp nhưng chưa bao giờ hỏi ý của bố mẹ, xem họ cần gì, muốn gì, trông chờ những gì từ con cháu.

Nhiều người nói, thời đại bây giờ người ta chỉ cần tiền, chẳng ai có thể phủ nhận sự thật này, nhưng bạn ơi, tiền không phải là tất cả. Bố mẹ dẫu có nghèo khó hay giàu có mãi vẫn mong con cái được ăn no mặc ấm, an lành hạnh phúc. Bố mẹ giàu có cho con của ăn của để, bố mẹ nghèo khó dẫu không thể cho con nhà lầu xe xịn cũng cố gắng cho con được bữa ăn giấc ngủ đủ đầy. Trông cầu tiền bạc, vật chất từ con không phải là điều thực sự mà bố mẹ cần.

Hạnh phúc tuổi già chính là có con cháu quây quần sum họp, cần kề sớm hôm. Là bữa ăn cuối tuần con cháu đủ đầy sau 1 tuần dài bôn ba sớm hôm chẳng thể giáp mặt; là chiếc bánh, quả ngọt con cháu nhớ bà thích ăn mà chuẩn bị sẵn, là cháu ngồi cần mẫn tìm tóc sâu trên mái đầu đã bạc trắng của bà,…Bố mẹ, ông bà chẳng cần lắm những thứ cao xa, thứ họ cần là bình yên trong nội tại, là những ngày cuối đời có con cháu vui vầy sớm hôm.

Vậy nên bạn ơi, hiếu thuận dẫn có trăm nghìn cách, dùng tấm lòng tình thân vẫn là cái gốc của yêu thương.

Tôi chẳng thể làm gì chỉ vì quá ít tiền

0

Mọi thứ tôi muốn làm đều đòi hỏi phải có tiền và địa vị trong khi tôi chẳng có đồng nào! Giá như gia đình tôi giàu có thì tốt biết bao?

———–

Cha đẻ của tập đoàn bán lẻ nổi tiếng thế giới Walmart là Sam Walton, được lịch sử ghi nhận nằm trong top những người giàu nhất thế giới cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Mặc dù đã làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh thời đó, nhưng ít ai biết, Sam Walton đã khởi nghiệp chỉ với suy nghĩ của người thành công, và vài đồng xu lẻ trong túi.

Sam Walton sinh năm 1918, trong một gia đình nhà nông nghèo khó ở tiểu bang Oklahoma, vào giai đoạn Mỹ lâm vào đại khủng hoảng. Như nhiều gia đình khác, gia đình Sam đã bị ảnh hưởng nặng nề, nên để kiếm sống và trang trải học phí, từ năm lớp 7, Sam Walton đã phải làm rất nhiều nghề, từ nhân viên giao báo, bảo vệ, bồi bàn, cho tới công nhân tiệm giặt là tại thị trấn Bentonville, bang Arkansas.

Hằng ngày, chàng thanh niên Sam Walton 28 tuổi cùng 3 nhân viên khác, đem những món đồ được là ủi sạch sẽ trao tận tay cho từng khách hàng. Với suy nghĩ của người thành công, tất nhiên là anh không thể cam chịu số phận làm công thấp thỏm như vậy. Sau khi giao hàng và tiếp xúc với đủ loại khách hàng ở mọi nơi, Sam nhận ra một cơ hội kinh doanh. Lúc đó có hai tập đoàn khổng lồ là Kmart và Sears, sở hữu hầu hết hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Arkansas và nhiều bang lân cận, nhưng lại không hề xuất hiện ở các thị trấn hẻo lánh như Benton quê mình.

Năm 1962, với suy nghĩ của một người thành công, Sam đã dốc toàn bộ tài sản của mình 150 USD, thuê 8 công nhân và thành lập cửa hàng bán lẻ đầu tiên, lấy tên là Wal-Mart ngay tại Benton, quê ông. Không ai có thể ngờ, tới năm 1992, Sam đã sở hữu 1960 cửa hàng Walmart, tạo công ăn việc làm cho 380.000 công nhân, với doanh thu hàng năm trên dưới 50 tỷ USD. Sự thành công vượt bậc này là do Sam luôn tập trung vào nâng cao chất lượng, đem tới trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng.

—————

Mỗi ngày, chúng ta đều nghe người ta than thở về việc họ không thể làm điều gì đó chỉ vì nghèo, vì không có tiền trong tay, ví như:

  • Tôi chẳng thể khởi nghiệp vì bản thân không có tiền
  • Tôi chẳng thể có được đôi giày tôi thích vì tôi không có tiền
  • Tôi không hạnh phúc bởi tôi có quá ít tiền

Cuộc sống này, thử đếm mà xem, chẳng có bao nhiêu người sinh ra đã ở vạch đích – nơi mà bạn tin rằng có đủ tiền bạc, của cải, điều kiện để bạn làm được mọi điều mà bạn mong muốn và hạnh phúc. Như cách mà chàng thanh niên Sam Walton gây dựng nên cả một đế chế hùng mạnh chỉ từ vài đồng xu lẻ trong túi, bạn cần hiểu rằng nhiều tiền làm gì nếu bạn không có chí, ít tiền bạc cũng là khi bản thân bạn được thúc giục mạnh mẽ, tự thân làm những gì mình có thể. Câu chuyện của Sam Walton dạy chúng ta một bài học về sự kiên trì, quyết tâm với mục tiêu, ước mơ; cũng dạy những người suốt ngày than thở về chuỗi những thất bại chỉ vì “gia đình” không có nhiều tiền trợ giúp cho họ.

Rõ ràng, bản thân mỗi con người là một cá thể vậy nên bản thân họ phải tự vận động để kiếm tìm những gì họ cần. Tiền bạc, của cải, vật chất là thứ bản thân bạn có thể tự làm ra mà không cần gia đình giàu có, tất cả chỉ thành sự thật chỉ khi bạn đủ tin tưởng và kiên trì.

Sinh ra trong một gia đình giàu có không phải là sự đảm bảo cho hạnh phúc, quan niệm sinh ra trong một túp lều khiến người ta khốn khổ cũng là sai lầm. Một người hạnh phúc hay bất hạnh không liên quan gì đến người đó sở hữu bao nhiêu của cải vật chất. Thậm chí, một gia đình giàu có và đáng ao ước cũng có thể phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng mà không thể hiện ra ngoài. Thường thì mọi người trông có vẻ hạnh phúc, nhưng bên trong họ có thể đang giấu một nỗi đau cùng cực.

Mọi điều phụ thuộc vào quan điểm của bạn, bạn sẽ nhận ra rằng những khó khăn chính là chất liệu giúp cho bạn có thể phát triển một trái tim rộng lượng, trở thành một người sâu sắc và nhân hậu.

Lòng đố kỵ ai cũng có, làm sao chế ngự nó để đón chào những điều tốt đẹp?

0

Đố kỵ là bản năng tự nhiên luôn hiện hữu trong mỗi con người, quan trọng là làm thế nào để chế ngự nó, khiến nó trở thành động lực để bạn phấn đấu, phát triển bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Một cậu bé luôn tự thấy bản thân là một người tài giỏi, thông minh trong chuyện học hành, và gia đình cậu cũng đều đồng thanh, nhất trí về điều này. Trong suốt 2 năm liền cậu trở thành học sinh giỏi nhất lớp, được thầy cô và bạn bè khen ngợi. Mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi nếu như một ngày không có  một bạn học chuyển trường tới.

Tình cờ thay bạn học cũng là một người học giỏi, thể hiện tốt trong các hoạt động ngoại khóa, khá được lòng bạn bè và thầy cô dù vừa mới chuyển đến lớp không lâu. Cậu bé cảm thấy không được vui vì sự xuất hiện của bạn học này. Kết quả học kì I cũng đã có, bạn học thay cậu bé trở thành học sinh giỏi đứng nhất lớp, thế giới của cậu bé cũng hầu như sập đổ.

Cậu bé thốt lên trong nỗi tức tuổi: “Cháu đã phải cố gắng rất nhiều để đạt điểm cao, nhưng bạn ấy hay làm cháu thấy khó chịu vì những thành tích của mình.”

Nỗi buồn tuổi, hậm hực của cậu bé có thể được gọi thành tên với hình hài đủ đầy: Đố Kỵ

Làm sao đối phó với sự đố kỵ

Dễ dàng thấy rằng, mỗi chúng ta đều có thể trở thành cậu bé ấy với nhiều danh nghĩa khác nhau. Ta đố kỵ với người giàu có hơn, xinh đẹp hơn, thông minh tài giỏi hơn,…Suy nghĩ một chút về cảm xúc lúc ấy, có phải là nỗi hậm hực, tức tối như cậu bé với hàng trăm câu hỏi: Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không đẹp bằng cô ta; Tôi đã chăm chỉ làm việc rất nhiều nhưng vẫn không được thăng cấp; Cùng là người nhưng họ hạnh phúc hơn tôi rất nhiều,…

Nhân chi sơ, tính bổn thiện nhưng tại thời điểm sự đố kỵ bộc phát, bạn nhân nhượng và cho phép phần thiện lương giảm đi để điều xấu xâm nhập. Bạn phải tự nhìn nhận rằng, đố kỵ khiến bản thân chúng ta trở nên nhỏ nhen, eo hẹp, có những ý nghĩ xấu xa hơn bản ngã ta vốn có.

Đến đây nhiều người sẽ nói, bản thân hiểu rõ những điều “tệ hại” mà đố kỵ có thể mang lại, dẫu vậy tôi chẳng thể nào chống đối lại nó trong cuộc sống này.

Bạn ơi, có lẽ rằng đố kỵ không phải là điều mà chúng ta nên chống đối hay loại bỏ. Bất cứ vấn đề nào cũng có 2 mặt lợi – hại, vấn đề là chúng ta có tìm được mặt tốt của nó để nhìn nhận và phát triển chúng theo hướng tốt đẹp hơn. Đố kỵ cũng có 2 mặt xấu và tốt. Nếu lựa chọn nhìn nhận như cậu bé với tâm thái, cảm xúc tiêu cực, tất cả những gì bạn nhận được là: nóng nảy, tức tối, ganh ghét, hờn người trách đời. Phải hiểu rằng những cảm xúc này chỉ mang lại cho bạn cảm xúc tiêu cực. Ngược lại nếu nhìn nhận sự đố kỵ theo hướng “họ tốt hơn, nếu muốn được như họ bản thân bạn cần nỗ lực và cố gắng”. Đố kỵ một khi trở thành mục tiêu sẽ là động lực để bạn cố gắng, thay đổi bản thân, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình.

Nếu bạn ghen tị với người khác, bạn sẽ không thể tiến bộ mà sẽ chỉ trở nên khốn khổ mà thôi. Thay vì dễ dàng bị cảm xúc đánh gục, tôi hy vọng bạn có thể dang rộng vòng tay với mọi người một cách nồng ấm và cảm thông.

Ngừng suy nghĩ quá nhiều để tận hưởng cuộc sống

0

Chúng ta đều không ngừng suy nghĩ mỗi ngày về quá khứ, hiện tại và tương lai. Suy nghĩ vừa đủ giúp ta đưa ra những nhận định, quyết định mang tính quyết định cho cuộc đời. Tuy vậy, suy nghĩ quá nhiều có thể khiến chính bản thân ta lẩn quẩn trong mớ bòng bong mang tên “rắc rối” đầy mỏi mệt. Để tận hưởng cuộc sống ta cần học cách tiết chế và học cách suy nghĩ tích cực.

Cuộc sống có đến hàng trăm nghìn điều mỗi ngày khiến ta phải suy nghĩ và tuyệt nhiên chúng ta không thể dành thời gian của cả cuộc đời để suy nghĩ về mỗi điều đã và đang xảy ra trong cuộc sống quanh mình.

Suy nghĩ quá nhiều sẽ cản trở bạn có được mọi thứ. Quan trọng hơn, điều này thực sự rất ảnh hưởng tới tâm trạng của bạn. Thực tế suy nghĩ nhiều dễ khiến người ta rơi vào trạng thái tiêu cực bởi người có xu hướng suy nghĩ nhiều thường làm trầm trọng lên mọi thứ, lẽ dĩ nhiên vì họ dành quá nhiều thời gian của bản thân để đào sâu suy nghĩ về một vấn đề tưởng chừng đơn giản, từ đó khiến chúng phức tạp hóa.

Tôi biết mình sẽ không bao giờ có đủ tiền để nghỉ hưu. Chúng ta sẽ không còn sức để làm việc, rồi sẽ hết tiền khi về già thôi. Tất cả những điều này đều là thực tế nhưng chúng ta không thể giải quyết chúng chỉ bằng việc suy nghĩ. Học cách suy nghĩ tích cực có thể giúp bạn thay đổi lối sống, cảm xúc và cuộc sống. Thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, tập cho bộ não suy nghĩ khác đi cần có thời gian và cả sự kiên trì từ bạn. Mùa gió heo may chỉ bạn 6 cách để có thể ngừng việc suy nghĩ quá tiêu cực.

Có những khi suy nghĩ chỉ khiến bạn cảm thấy bế tắc

Mỗi khi có điều khó khăn đến với bạn, suy nghĩ tự bật ra như một bản năng để giúp con người tìm ra phương thức giải quyết vấn đề. Những lúc này, bạn cần chú ý đến cách suy nghĩ để có thể giúp bạn nhận thức được vấn đề. Khi suy nghĩ lại về một vấn đề nhiều lần, hoặc quá lo lắng về những điều không thể kiểm soát, hãy thừa nhận rằng điều này không hiệu quả. Suy nghĩ chỉ hữu ích khi nó đẫn đến hành động tích cực, nếu bạn không hành động, suy nghĩ lặp lại chỉ đang là cách bạn tự giết chết cảm xúc của bản thân.

Chuyển đổi từ suy nghĩ thành hành động

Học phải đi đôi với hành, tương tự mọi suy nghĩ của bạn phải chuyển đổi thành hành động. Bạn lo sợ về tương lai sắp tới nhưng chẳng có hành động gì. Lúc này rõ ràng, suy nghĩ của bạn mới chỉ đang dừng lại ở phần “lo sợ” và bạn chưa bao giờ thử tìm cách để giải quyết phần “lo sợ” đó.

Lời khuyên cho bạn là: hãy cân nhắc cách ngăn chặn vấn đề, hoặc thử thách bản thân để tìm ra giải pháp tiềm năng.

Học cách kiểm soát suy nghĩ

Suy nghĩ quá nhiều rất dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, trước khi kết luận việc báo ốm sẽ khiến bạn bị sa thải, hoặc quên deadline sẽ biến bạn trở thành vô gia cư, hãy thừa nhận những suy nghĩ của bạn là quá tiêu cực. Hãy nhớ rằng cảm xúc tiêu cực sẽ cản trở khả năng xem xét tình huống theo hướng khách quan của bạn.

Chọn mốc thời gian cố định dành cho việc suy nghĩ

Lo lắng về một vấn đề trong khoảng thời gian dài có thể không hiệu quả, nhưng trong thời gian ngắn có thể hữu ích.

Kết hợp 20 phút “thời gian suy nghĩ” hoặc hơn vào lịch làm việc hàng ngày của bạn. Trong thời gian đó, hãy để bản thân lo lắng, ngẫm nghĩ bất kì điều gì bạn muốn. Việc cho bản thân 1 mốc thời gian cố định để suy nghĩ có thể cùng lúc giải quyết 2 vấn đề: cho bạn thời gian để suy nghĩ, đảm bảo việc suy nghĩ ko ảnh hưởng quá nhiều đến các phần khác trong cuộc sống ví như: nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng, gia đình,…

Nghĩ về cách bạn có thể làm những điều khác biệt hoặc nhận ra những sai lầm tiềm ẩn đối với kế hoạch có thể giúp bạn làm việc tốt hơn trong tương lai.

Tập trung vào hiện tại

Không nên suy nghĩ quá nhiều về ngày hôm qua hoặc lo lắng cho ngày mai khi bạn đang sống trong hiện tại. Tập trung hơn vào thời điểm hiện tại có thể giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề hơn bởi chúng thực sự đang diễn ra, trong khi quá khứ là những điều đã qua và tương lai là một ẩn số.

Nhắc nhở bản thân ngừng suy nghĩ về những điều đem đến kết quả ngược lại với mong đợi. Bạn càng cố gắng ngăn không cho một ý nghĩ xâm nhập vào não của mình thì nó càng có nhiều khả năng để xâm nhập.

Thay đổi suy nghĩ trong não bằng cách thay đổi hoạt động của bạn. Tập thể dục, tham gia vào cuộc trò chuyện với các chủ đề hoàn toàn khác, hoặc làm một dự án khác giúp bạn sao nhãng vấn đề đó. Làm những việc khác sẽ giúp cản trở những suy nghĩ tiêu cực.

Muốn sống tích cực, bạn cần rèn luyện những thói quen tốt

0
Young person running in an urban environment. Shallow DOF. Developed from RAW; retouched with special care and attention; Small amount of grain added for best final impression; Ready made for print and web use;

Ai cũng chỉ sống một cuộc đời, tuy vậy đôi người lại phí phạm chúng cho những ngày kiệt quệ, rã rời, những ngày mà suy nghĩ tiêu cực khiến ta thấy chán ghét bản thân và cả cuộc đời.

Ai cũng có vấn đề cần giải quyết, sống tích cực là cách để bạn giải quyết vấn đề theo hướng tươi sáng và lạc quan hơn. Sống tích cực không phải là bản năng mà bạn cần học cách rèn luyện theo năm tháng để loại bỏ những suy nghĩ xấu, hướng lòng mình sáng như trăng.

Tìm hướng đi tích cực trong cảnh khó khăn

“Vấp ngã là mẹ của thành công”, chúng ta là con người và lẽ dĩ nhiên ta sẽ phạm lỗi, vấp ngã, thất bại,…nhiều lần trong suốt quãng đời này. Những lúc này đừng tự trách bản thân, đừng nghĩ bản thân bất tài, càng đừng chỉ trích đổ lỗi cho bất kì ai, điều bạn cần làm là gắng giữ cho mình cái nhìn tích cực trước mỗi vấn đề trong cuộc sống. Giống như cách mẹ đã từng dạy bạn từ thuở bé “trong cái rủi có cái may”, chúng ta bằng một cách nào đó hãy tìm thứ ánh sáng trong bóng đêm u tối, niềm vui trong nỗi buồn,…Xây dựng cái nhìn tích cực trong mọi vấn đề, tìm chiếc lá lành trong vườn rau bị sâu bọ tàn phá, không phải không có chỉ là bạn chưa tìm được.

Sống và học hỏi trong môi trường tích cực

Người mà bạn tiếp xúc nhiều có thể sẽ là người mà bạn sẽ trở thành trong tương lai. Là một sự thật không thể chối cãi, những người xung quanh bạn thường có ảnh hưởng nhất định trong quá trình hình thành, phát triển tính cách, thế giới quan và tư duy sau này. Nếu bạn không may mắn được sinh ra trong một môi trường tích cực, bạn vẫn có thể tự tìm kiếm cho bản thân mình một môi trường tích cực để sống, học tập và phát triển.

Điều quan trọng là, bản thân bạn cần ý thức được điều gì là đúng. Những lúc này bạn cần đặt cho mình 2 câu hỏi:

  • 3 người xấu nhất mà chúng ta đã từng chơi là ai?
  • 3 nguồn thông tin nào tiêu cực nhất mà chúng ta đã từng xem hay đọc là gì?

Tự trả lời được câu hỏi này, bạn chính là đang tự cho mình đáp án về môi trường khiến bạn tiêu cực, điều gì khiến bạn tích cực, lạc quan hơn. Và bởi lạc quan chẳng bao giờ dư thừa trong cuộc sống, vậy nên dành ít thời gian hơn cho những thứ tiêu cực, nhiều thời gian hơn cho những thứ giúp bạn cảm thấy vui vẻ, lạc quan, có ích,…đây chính là môi trường, người bạn có thể giúp ích cho cuộc sống của bạn, giúp bạn sống tích cực hơn.

Sợ hãi luôn tồn tại nhưng đừng để chúng lấn át ước mơ của bạn

Nỗi sợ hãi luôn trường tồn và đồng hành cùng bạn dù là độ tuổi nào. Thử kể nhé, ngày đầu tiên đi học, nỗi sợ xa mẹ, trường mới khiến bạn muốn khóc; lần đầu thi chuyển cấp, nỗi sợ “rớt” ngôi trường nguyện vọng, nỗi sợ bị đánh giá khiến bạn căng thẳng đến tận ngày điểm thi được công bố; ngày tỏ tình với người bạn thích, hàng trăm lần trước đó, nỗi sợ bị từ chối luôn thường trực; lần đầu đổi việc, bạn lo sợ môi trường mới không phù hợp; ngày bước vào lễ đường hôn nhân, bạn lại lo sợ đoạn nhân duyên này liệu có đi được đến cái kết tốt đẹp,…

Tất cả đều là một cái bẫy thường thấy khi bạn muốn làm một thứ gì đó. Sợ hãi luôn có, nhưng đừng để sợ hãi khiến bạn mất đi lòng dũng cảm để đương đầu.

Bạn cần phải hành động để hiểu ra rằng, điều xấu nhất có thể thực tế xảy ra là thường không đáng sợ như cơn ác mộng mà đầu óc chúng ta mường tượng.

Giải đáp một cách rõ ràng theo cách này không tốn nhiều thời gian hay là nỗ lực và nó có thể giúp bạn tránh được nhiều điều làm khổ tâm trí. Và giúp bạn tiếp tục, bước ra ngoài cuộc sống tự do và nắm lấy cơ hội.

Duy trì chế độ thể dục, thể thao, ăn uống đầy đủ

Duy trì chế độ thể dục, thể thao, ăn uống đủ đầy chẳng phải là điều hiển nhiên trong cuộc sống sao? Dẫu là điều hiển nhiên nhưng chúng ta lại thường bỏ quên nó trong những ngày mỏi mệt, áp lực và khó khăn.

Bạn nên nhớ rằng, bản thân chẳng thể suy nghĩ được gì với một cái bụng rỗng, một giấc ngủ không đủ, một cơ thể mỏi mệt không được vận động và nạp năng lượng.

Vậy nên chúng ta cực kỳ đề nghị hãy cẩn thận với những thói quen đơn giản này bởi mặc dù có thể nó nghe khá nhàm chán. Nhưng chúng có một ảnh hưởng lớn như nào cũng tùy vào cách bạn quản lý chúng ra sao.

Luôn bắt đầu một ngày mới với thái độ tích cực

Cách bạn khởi động ngày mới sẽ quyết định cách bạn làm tất cả mọi thứ trong ngày.

Bạn khởi động ngày mới như nào thường sẽ ảnh hưởng cực lớn đến phần còn lại trong ngày.

Vậy nên hãy cẩn thận về việc bạn sử dụng buổi sáng của mình như nào. Nếu bạn khởi động hết tốc độ, sẽ mất nhiều vào cuối ngày và khi đó căng thẳng, việc nhận thức cũng sẽ mất dần trong đời sống của bạn, và như vậy thì những suy nghĩ tiêu cực cũng tìm đến rất nhanh.

Sống tích cực, lành mạnh nghe tưởng khó mà dễ, tưởng dễ mà khó, tất cả tùy thuộc vào cách bạn hành động ngay từ hôm nay.

Sĩ tử mùa thi: ăn gì, tránh gì?

0

Mỗi mùa thi về, các bậc phụ huynh lại lo lắng, tất bật chuẩn bị đồ bồi bổ để các sĩ tử có được sức khỏe tốt nhất đối mặt với những kì thi quan trọng của cuộc đời. Thịt, nữa, thức đồ bổ dưỡng là những gì các mẹ, các bà thường lựa chọn để bồi bổ cho con, nhưng không phải lúc nào những lựa chọn này cũng đúng và có tác dụng tốt cho các sĩ tử. Cùng Mùa gió heo may tìm hiểu thực phẩm cần ăn và cần tránh để sĩ tử có sức khỏe tốt nhất theo gợi ý của chuyên gia các mẹ nhé!

Nên ăn gì?

Dưới đây là top 8 các loại thực phẩm tốt cho sĩ tử mẹ cần biết

Nước lọc

Nước chiếm tới 50 – 60% trọng lượng cơ thể người trưởng thành. Nước rất cần cho mọi hoạt động sống, tham gia vào quá trình hấp thu, chuyển hóa, thải trừ của cơ thể. Nhu cầu nước trung bình vào khoảng 40ml/kg/ngày, được cung cấp qua nước uống, sữa, nước trong các món ăn…

Sữa và các chế phẩm sữa

Là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch. Nhu cầu sữa và các chế phẩm từ sữa: 6 đơn vị/ngày (1 đơn vị sữ sữ sữa phô mai).

Cá rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể: Vitamin A, D, magie, kẽm, iod… Đồng thời một số loại cá chứa lượng lớn omega-3, đây là một loại axit béo không no rất cần thiết đối với cơ thể, đặc biệt là não bộ và hệ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, khả năng tư duy và sự tập trung trong học tập. Một số loại cá giàu omega – 3 có thể kể đến: Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… Bên cạnh đó protein trong cá dễ tiêu hóa và hấp thu hơn thịt, vì vậy nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.

Các loại hạt

Các loại hạt như đậu nành, đậu trắng, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… rất giàu sắt, vitamin và đạm thực vật. Vì vậy các bậc phụ huynh nên chế biến các món ăn từ các loại hạt và làm các bữa phụ bổ dưỡng cho các em trong quá trình ôn thi.

Trứng

Trứng là thực phẩm có thể chế biến rất nhiều món ăn, vừa thơm ngon, dễ ăn lại rất bổ dưỡng. Trứng rất giàu đạm, kẽm, sắt, vitamin, đây đều là những chất dinh dưỡng rất cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là trí não và hệ miễn dịch. Có thể ăn 4 – 5 quả trứng/tuần.

Hoa quả

Hoa quả tươi chứa rất nhiều vitamin, nên tăng cường các loại quả màu vàng, đỏ chứa nhiều vitamin A rất tốt cho mắt: Dưa hấu, đu đủ, quả hồng đỏ, dưa bở…; các loại quả giàu vitamin C: Bưởi, kiwi, dâu tây, quýt, chanh, cam… là chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường sức khỏe, giúp hấp thu sắt, canxi. Đồng thời mỗi ngày cũng nên ăn một quả chuối để bổ sung thêm kali, vitamin B6 rất tốt cho hệ thần kinh.

Rau xanh

Chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ rất quan trọng với cơ thể. Các loại rau dền, rau đay, rau lang, rau ngót, rau diếp, rau muống… rất giàu sắt, vitamin nhóm B, vitamin A… tốt cho sức khỏe của các sĩ tử.

Hải sản

Các loại hải sản: Sò, hàu, tôm, cua biển, ghẹ chứa nhiều kẽm, sắt, magie, canxi là những chất thiết yếu với cơ thể.

Các thực phẩm không nên ăn

Thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ: Gà rán, xúc xích, lạp xưởng, đồ đóng hộp tuy nhanh gọn nhưng thiếu các chất dinh dưỡng, chứa nhiều axit béo no không tốt cho sức khỏe.

Thực phẩm chứa các chất kích thích: Trà, cà phê, nước tăng lực… Chất caffeine có trong trà, cà phê, nước tăng lực… có tác dụng kích thích thần kinh, gây cảm giác tỉnh táo tạm thời. Nếu sử dụng lâu dài sẽ khiến cơ thể mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng, tim đập nhanh, đồng thời ngăn cản quá trình hấp thu canxi và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Do đó các em không nên sử dụng trà, cà phê, nước tăng lực… thay vào đó các em nên có kế hoạch học tập và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Thực phẩm chứa nhiều chất bột đường: Bánh, kẹo, bim bim, quẩy… đây là những chất nhiều năng lượng, không chứa chất khoáng, chất xơ, vitamin, gây cảm giác no, dẫn đến bữa ăn chính sẽ giảm cảm giác ngon miệng, lâu dần sẽ khiến cơ thể bị rối loạn tiêu hóa, thiếu các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu

Nửa đời về sau, hãy…

0

Cuộc sống là một quá trình mà bản thân mỗi người không ngừng học tập, phấn đấu và trưởng thành không chỉ về thể xác mà còn cả tư tưởng, trí tuệ, nhận thức về cuộc sống. Dù đang ở thời điểm nào của cuộc đời, 9 điều sau đây là những thứ bạn cần tiếp tục học và trau dồi để cuộc sống hạnh phúc hơn.

Học cách trầm tĩnh

Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Vậy nên, đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận. Bởi bạn đúng, họ cũng chẳng sai, đúng sai thuộc về góc nhìn của mỗi người. Học cách trầm tĩnh trước mọi hiểu lầm, hơn thua ở đời, chỉ chuyên tâm sống cuộc đời của riêng bạn, đôi khi lại là điều tốt.

Trở nên bình thản

Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản, tự do. Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.

Học cách khiêm nhường

Bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè luôn là những điều có thể xảy ra trong cuộc sống, nhưng không sao cả. Học cách khiêm nhường, không cãi vã, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.

Đừng cảm thấy hối hận

Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn không ngừng … Không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu. Thay vì hối hận, tại thời điểm này, bạn có thể học cách đứng dậy và bắt đầu một lần nữa.

Tiếp tục học tập

Đọc sách xem báo, hội họa, ca hát, nghe nhạc … đều có thể đem đến cho cuộc sống niềm vui, khiến cho tâm tình khoan khoái dễ chịu. Bên cạnh đó chúng còn mang đến cho bạn lượng kiến thức mới mẻ mỗi ngày. Tiếp tục học tập, tiếp thu kiến thức mới mỗi ngày là cách để bạn không bị tụt hậu so với thời đại.

Giữ gìn sự đơn thuần

Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn thuần” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta. Cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, nhận ra niềm vui của vận động, cùng bạn bè nói chuyện trên trời dưới bể là cách để bạn tận hưởng cuộc sống mỗi ngày. Đơn thuần nghe dễ nhưng thực ra lại trở thành điều khó giữ khi con người trưởng thành. Tìm về sự đơn thuần là tìm về những gì vui vẻ nhất khi bản thân chưa bị dòng đời bủa vây bởi những bon chen thường nhật.

Thi thoảng buông thả bản thân

Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, có phải là có lúc cũng thèm thịt cá? Mỗi ngày lặp đi lặp lại những điều quen thuộc, đôi khi cũng muốn đổi thay. Vậy thì làm những điều bạn cần việc gì phải ngại?

Cuộc đời không nên gò ép bản thân mình quá, ngẫu nhiên phóng túng thì càng bình dị, gần gũi.

Luôn ăn mặc đẹp

Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn chưng diện nữa, đừng để những chuẩn mực của cuộc sống làm bạn sợ,…

Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật xinh đẹp, và dù kể cả khi đã già nua, không ai cấm bạn được ăn mặc đẹp.

Nửa đời về sau, đôi lúc hãy ngờ nghệch một chút

Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua. Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về … sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não .

Sưu tầm