Theo The Huffington Post, trong suốt 30 năm qua, đã có một cuộc cách mạng âm thầm “bùng nổ” trong ngành du lịch toàn cầu. Các thuật ngữ như du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm hay thậm chí là tình nguyện viên du lịch đều được sử dụng rộng rãi. Trong đó, xu hướng du lịch tâm linh bắt đầu được các Chính Phủ, cơ quan du lịch thuộc Nhà nước, hay ngay cả Tổ chức UNWTO (Cơ quan Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về du lịch toàn cầu) ưu tiên phát triển. Ngày 22/11/2013, UNWTO đã tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về “Du lịch tâm linh – Vì sự phát triển bền vững” tại Ninh Bình, Việt Nam. Đây là một dấu hiệu cho sự công nhận tầm quan trọng của du lịch tâm linh.
Vậy du lịch tâm linh mà chúng ta đang nói đến là gì? Về cơ bản, nó có thể được định nghĩa là cuộc hành hương đến một vùng đất có giá trị và tầm quan trọng đối với nền tảng đức tin. Đó là một cuộc phiêu lưu không chỉ đáp ứng cho chúng ta nhu cầu về thể chất, mà còn giúp khơi dậy tinh thần.
Ở thời đại của chủ nghĩa vật chất, rõ ràng, việc dành thời gian để khám phá chiều sâu của những truyền thống trí tuệ nhân loại lại là một ý tưởng tốt đẹp và mang tính định hướng giá trị sống. Vậy những chuyến đi du lịch tâm linh như vậy mang ý nghĩa gì? Hay nói cách khác, chúng cho chúng ta lợi ích gì?
Trang web Wayne Styles đã đưa ra những lý do tuyệt vời cho việc tại sao chúng ta lại đến Israel, thăm Makkah, Hajj, hay leo núi thiền đạo,… như sau:
Qua những chuyến đi mang tính trực quan (tiếp xúc thị giác) như vậy, chúng ta nhận ra rằng đức tin của mình bắt nguồn từ những sự kiện xảy ra trong đời sống thực của mỗi người.
Một tỷ lệ lớn những người tham gia hành hương đã xác nhận rằng: Những trải nghiệm ở đời sống tâm linh thiêng liêng hơn, và giúp họ gần hơn với Chúa Trời, Đức Phật,…
Để trải nghiệm chiều kích mang tính lịch sử có thể xác thực được đối với đức tin của mình, thì những chuyến du lịch là cách hiệu quả nhất, gần gũi nhất so với những cách thức khác.
Khi du lịch đến những địa điểm mang tính tâm linh, chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn về Kinh Thánh, hoặc những bài học đạo giáo dạy mình và ngẫm nghiệm chúng trong suốt quãng đời còn lại.
Những chuyến du lịch tâm linh mặt khác còn giúp thúc đẩy sự thống nhất; có nghĩa là, những người có đức tin giống nhau trên thế giới sẽ có cơ hội đến với nhau, gặp gỡ, làm quen và thể hiện tình yêu đối với những điều thiêng liêng mình tin tưởng. Kèm theo đó là những lời hướng dẫn chân lý và khuyến khích tất cả mọi người cùng tuân theo đức tin của mình. Ví dụ, người Hồi giáo chứng tỏ sự thống nhất này thông qua việc tuân thủ thời gian, địa điểm hành hương, hoạt động, và cả quần áo mặc trên người.
Những kinh nghiệm đầu đời sẽ là “người thầy” giỏi nhất dạy bạn cách sống cả quãng đời về sau. Do đó, một chuyến đi thiêng liêng sẽ không chỉ làm sống lại đức tin của bạn, mà còn giúp bạn yên lòng khi thắc mắc của bản thân được trả lời thỏa đáng. Hơn nữa, mỗi chúng ta cũng có thêm những câu chuyện thú vị chứa đựng niềm đam mê mãnh liệt về cuộc hành trình mình đã trải qua để cùng sẻ chia, thảo luận với người khác.
Một cách ngắn gọn, điều cốt lõi du lịch tâm linh là vừa gây sức hút về mặt cảm giác, vừa tạo nét kì bí đầy hấp dẫn về tinh thần để chúng ta cùng hướng đến những chuyến đi tìm kiếm giá trị sâu sắc hơn.
Thanh Trúc (Biên dịch)