Đề tài không mới nhưng lạ
Nếu nói đề tài trong Người phán xử thực sự là là một đề tài mới mẻ thì không hẳn. Bởi với khán giả thường xuyên xem phim truyền hình của VFC thì chắc đã quá quen với những bộ phim dài tập có chủ đề cảnh sát hình sự. Tuy nhiên, thay vì chỉ khai thác ở mảng sáng – công an phá án như thường thấy thì lần này, VFC đã rất tỉnh táo khi khai thác những mảng tối của thế lực ngầm, tập trung phân tích, đi sâu về tâm lý tội phạm, những mâu thuẫn tiền bạc, tình ái quanh các nhân vật trong bóng tối. Đây chính là điểm lạ, hút khách của bộ phim, không để bộ phim nhàn nhạt hay chết chìm trong vô vàn phim hình sự khác.
Ông Trùm thế giới ngầm không phải là một kẻ máu lạnh bất chấp như người ta vẫn thấy
Không xây dựng theo mô-tuýp ông trùm cũ rích (vai phản diện luôn là một kẻ máu lạnh, bất chấp mọi thủ đoạn), nhân vật Phan Quân của đạo diễn Đỗ Thanh Hải là một ông trùm của mọi ông trùm: thông minh, đa mưu, công tâm và có phần nhập nhằng, nửa thiện nửa ác.
Phan Quân đóng vai trò là người cầm cân nảy mực cho các vụ dàn xếp tiền bạc, tình ái trong giới làm ăn và nắm quyền kiểm soát các băng nhóm xã hội đen. Ông có thể “nợ máu phải trả bằng máu” với người anh em Tuấn Tú để trả lại sự công bằng cho người bị hại. Sự thẳng thắn, công bằng của ông trùm Phan Quân không chỉ khiến giới giang hồ nể phục mà còn khiến không ít khán giả gật gù.
Và chắc chắn, khán giả xem phim sẽ chẳng bao giờ lầm lẫn ông trùm trong Người phán xử với bất cứ một ông trùm nào khác: Dù có cứng rắn, mưu mô, kiên quyết trong làm ăn bao nhiêu thì Phan Quân vẫn là một người đàn ông coi trọng tình cảm gia đình hơn hết thảy mọi thứ. Đúng là VFC đã rất thành công khi lột tả được bản chất hai mặt của một con người: không phải bao giờ kẻ phạm tội cũng nhất định là một kẻ ác hoàn toàn hoặc sai hoàn toàn.
Táo bạo và chân thật
Một số ý kiến cho rằng việc đưa những cảnh máu me, thanh trừng, giải quyết lẫn nhau lên màn ảnh Việt là chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục nước nhà. Đúng là điện ảnh Việt luôn cố gắng tối giản hóa những chi tiết này. Nhưng xin thưa, đã vào giang hồ thì hỏi có mấy ai không hành hung, không dùng thủ đoạn máu me để đạt được mục đích? Đó chỉ là những cảnh quay cụ thể hóa chữ ác mà con người vẫn hay dùng để tả bọn tội phạm mà thôi.
So với bản gốc thì Người phán xử đã lược bỏ rất nhiều cảnh bạo lực và cảnh nóng để phù hợp với khán giả Việt. Vậy thì sao chúng ta không mở rộng lòng ra mà đón nhận những điều vốn dĩ trong đời thường được chuyển tải thành phim, nhỉ?
Âm thanh chân thực, sinh động
Thi thoảng xem phim, có bao giờ bạn thấy bực mình vì khẩu hình miệng diễn viên chưa nói mà âm thanh đã vọng ra rồi không? Nhưng bạn sẽ không tìm ra lỗi này trong Người phán xử. Có thể nói việc thu tiếng trực tiếp cũng là một trong những điểm cộng làm nên “làn gió mới” cho bộ phim. Điều này giúp âm thanh bộ phim trở nên chân thực và sinh động hơn gấp nhiều lần. Khán giả được nín thở, được hồi hộp, được kìm nén hay thở phào, gật gù tâm đắc với từng giọng nói, cử chỉ, điệu bộ của nhân vật. Mặc dù thu tiếng trực tiếp còn khá nhiều tạp âm nhưng đó không phải là rào cản. Mà ngược lại, chính âm thanh trực tiếp đã giúp hành động và lời nói của nhân vật hòa quện, trở thành một chỉnh thể thống nhất, liền mạch, giúp khán giả cảm bộ phim một cách trọn vẹn nhất.
Có thể nói, Người phán xử thỏa mãn được số đông khán giả vì bộ phim làm được những điều phim Việt trước đây chưa bao giờ dám làm: dám xây dựng hình tượng nhân vật ông Trùm đa tính cách, có thiện, có ác, có thông minh, gian xảo nhưng cũng không thiếu công tâm và giàu tình cảm. VFC dám đưa những hình ảnh táo bạo nhưng rất đời lên phim, để nhân vật diễn như không diễn, để khán giả nghẹt thở và tò mò đến từng phút, từng giây.
Cùng đón xem những tập tiếp theo của Người phán xử vào mỗi tối thứ 4, thứ 5 hàng tuần trên kênh VTV3 nhé!
Quỳnh Nguyễn