Home Blog Page 77

Tháng 9, giật mình, nghe thu về qua ngõ

0

Hạ đã lùi vào cuối đường để nhường lối thu về. Tháng 9 trong ta là trời cao xanh, mây bồng bềnh, nước hồ trong vắt.

Tháng 9, tháng của những cơn gió heo may nhè nhẹ, thổi trong đám là vàng rơi xào xạc trên đường, của cái không khí lạnh và pha chút khô khan của mùa đông, giục giã những bông hoa cúc nở cùng khoe sắc trong nắng vàng dịu nhẹ hòa với hương ổi chín thơm và hoa khế tím rụng trong vườn.

Tháng 9, tháng của mùi hoa sữa nồng nàn trên mỗi con đường. Trong sương sớm mùa thu, hương hoa như đọng lại cùng hơi thu thấm vào vai áo. Bất chợt, ta sững lại trước mùi hương nồng nàn, đặc quánh ấy. Ta hít hà, thả lỏng tâm hồn để hương hoa sữa len lỏi khắp tâm can, phả theo từng cơn gió, cảm nhận những khoảng khắc tuyệt vời. Trong khi bao người vội vã, trốn tránh hương nồng vị đậm ấy, vội vã lướt nhanh cho kịp giờ làm.

Tháng 9, tháng của ngày hội của non sông, nhưng với ta đó cũng là ngày hội của riêng mình khi mùa Hạ đang qua đi để mùa Thu đến bước đến bên thềm. Qua khung cửa sổ, ta thấy những chiếc lá bang đang chớm vàng và một ngày những cành cây gầy guộc không đủ sức níu nhưng chiếc lá vàng rơi.

Tháng 9 về, khi nàng Thu bước qua cây cầu mùa hạ, mở ra bầu trời cao xanh vời vợi với những làn gió mang hơi thở của Thu – khô hanh nhưng mang đầy nỗi nhớ bâng khuâng.

“Ai cho tôi một vé trở về tuổi thơ?” – câu hỏi chợt xuất hiện trong tâm trí khi ta nhìn thấy một em bé khoác chiếc khăn quàng đỏ tung tang sải bước tới trường. Đó là hình ảnh của ký ức tuổi thơ, của những đứa trẻ được sinh ra nơi làng quê, dưới những tán tre xanh với những con đường đất bụi và những ngôi trường ngói đỏ.

Nhớ lắm những mùa tựu trường đầy náo nức, thân yêu lắm những gương mặt rạng rỡ của bạn bè sau một kì nghỉ dài với những cái ôm, những nụ cười tay bắt mặt mừng… Yêu biết bao những  tà áo tráng tính khôi quấn quýt nhau trong gió. Sân trường vắng lặng hôm nao nay ngập tràn tiếng cười vui với bao âm thanh tươi trẻ của tuổi 20.

Nhớ lắm nét chữ đầu tiên khi viết lên trang vở, trán lấm tấm mồ hôi để uốn nét chữ cho tròn. Trái tim nhỏ bé run lên khi đã viết được chữ “O” với nỗi xúc động trước sự ân cần và bàn tay ấm áp của “người thầy” đầu tiên.

Năm tháng trôi qua, bước chân non nớt của đứa bé xưa đã trở nên cứng cáp. Bước chân của đứa bé ấy cũng đã đi khắp nẻo đường, cũng vội vã, nôn nóng và đầy lo toan. Nhưng mỗi mùa thu qua, khi những cánh hoa sữa rơi xuống lòng đường, làn sương giăng mắc lại trên cành lá, những kỷ niệm trong tâm trí lại căng đầy, giục lòng người sống chậm lại với những ký ức tuổi học trò.

Hồi tưởng tết trung thu xưa: Bình dị, an yên và gắn kết

0

Trung thu là dịp mà người ta gạt bớt cái nhộn nhịp, cái vồn vã, cái cuồng quay của công việc để có thể ngồi lại với nhau, tề tựu bên mâm cỗ đầy dưới ánh trăng vàng, nhấp một ngụm trà và ôn lại đôi ba câu chuyện cũ…

Trung thu trong ký ức của mỗi người là những màu sắc khác nhau, còn tùy vào độ tuổi, thời đại mà người ta sống, phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân và môi trường xung quanh. Nhưng tựu chung lại, dường như trong lòng mỗi chúng ta cũng sẽ đều có chút gì đó man mác buồn khi nhắc nhớ về kỷ niệm. Cứ hễ nói tới “ngày xưa” và nuối tiếc thì bị người ta cho là hoài cổ. Nhưng cũng phải công nhận rằng, Trung thu xưa đẹp lắm, tuyệt diệu lắm, chứ không có nhàn nhạt như bây giờ…

Chiều qua, tại số 38 Hàng Đào, không gian văn hoá Hanoia đã diễn ra một buổi tọa đàm với chủ đề: “Trung thu truyền thống trong ký ức người Việt” với sự tham gia của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Không biết có phải do nhắc nhớ đến Trung thu nên cái phần trẻ thơ trong tôi còn sót lại đã tỏ ra háo hức và phấn khích quá không, tôi đến sớm hơn giờ diễn ra buổi tọa đàm, để rồi ngơ ngẩn với những mâm cỗ nhỏ xinh được bày biện chào đón người tham dự.

Này hồng, này ổi, này cốm gói trong lá sen thơm. Này kẹo lạc, này bánh nướng, này bánh dẻo… Toàn những thức quen thuộc của mùa Trung thu cũ trong tôi. Ngó nghiêng không gian diễn ra buổi tọa đàm, tôi thấy lòng như dịu vợi hơn, bởi cách set up vô cùng nồng ấm, tạo cho người ta cái cảm giác gần gũi như thể người nhà, chỉ còn là chờ nhau, í ới đôi câu rồi sẽ cùng ngồi lại uống trà thưởng nguyệt và phá cỗ dưới ánh trăng.

Xuất hiện trong buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Việt Hà – người kể chuyện trong lòng Hà Nội qua những tạp văn, tuỳ bút rất duyên dáng và tinh tế – đã chia sẻ đôi điều về ngày Tết Trung thu xưa và nay. Khi được đặt câu hỏi về kỷ niệm ngày Trung thu, tôi vẫn thấy mọi người bắt đầu bằng câu quen thuộc: “Ngày xưa, Trung thu trong tôi là…”

Nhà văn Nguyễn Việt Hà trong vai trò “người kể chuyện trong lòng Hà Nội”, giao lưu cùng người tham gia tọa đàm về ký ức Trung thu xưa.

Trung thu là tết đoàn viên, là một dịp để gia đình đoàn tụ. Con cái đi làm xa xôi trở về thăm ông bà, cha mẹ. Trung thu đối với người ở nông thôn còn là dịp mà vụ mùa vừa trôi qua, người ta được ngơi nghỉ, được ăn mừng mùa màng bội thu và chuẩn bị cho vụ Đông sắp tới. Trong những ngày nông nhàn ấy, giữa tiết trời thu trong trẻo, các bậc làm cha làm mẹ cũng muốn gom góp những điều tốt lành nhất cho những đứa con thơ. Từ chiếc kẹo cái bánh, đến những chiếc đèn ông sao tỏa sáng lung linh trong đêm trăng rằm.

Có nhiều người trong chúng ta chẹp miệng lắc đầu khi nhắc đến “Trung thu nay”. Là bởi chúng ta tuy có đầy đủ hoặc dư giả hơn ngày xưa đôi chút, cũng đủ ăn đủ mặc, có nhiều khu vui chơi… nhưng màu sắc Trung thu đối với trẻ thơ vẫn còn là một thứ màu sắc nhạt nhòa. Có thể vẫn là chiếc đèn ông sao đấy, vẫn là những chú chó bông bằng bưởi, là hồng, là ổi, làm cốm thơm – thức quà giản dị nhưng nồng đượm phong vị thu của người Việt mình, nhưng khi đưa cho các em nhỏ, các em chỉ chơi được dăm ba phút, dài lắm cũng chỉ nửa ngày là chán.

Trong khi ngày xưa, để có được một chiếc đèn ông sao hay đèn kéo quân, tôi không nhớ bọn trẻ con trong xóm đã phải mong chờ và háo hức thế nào. Và bạn có tin không, chỉ là một chiếc đèn ông sao nhỏ tí xíu, chúng tôi chơi ba năm không biết chán. Cứ năm nay chơi lại hứa giữ gìn cho năm sau, vẫn là những nan tre ấy, vẫn là lớp bóng kính đã sờn màu sơn, nhưng cứ thắp nến lên, ánh mắt chúng tôi lại hấp ha hấp háy.

Ai đó đã cho rằng có lẽ vì ngày xưa ông bà, bố mẹ cho đến con cái đều quây quần để lo cho một cái Tết đoàn viên no đủ, để trẻ thơ được phong bánh phong kẹo ngon lành, có được món đồ chơi ưa thích bằng chúng bạn… nên quý là quý ở cái giây phút cùng nhau tề tựu, cùng luận bàn, cùng gom góp bên nhau. Còn bây giờ, chúng ta không làm nên mâm cỗ, chúng ta cũng không ngồi lại cùng con thơ làm nên một chiếc đèn ông sao, mà chúng ta đi mua. Nói hóa ra, là chúng ta đi mua Trung thu về nhà mình.

Tất nhiên, mỗi thời sẽ mỗi khác đi. Bây giờ chúng ta có vô vàn lý do cho sự bận rộn của mình, mà nỗi lo canh cánh về cơm áo gạo tiền lại chẳng chừa bất cứ một ai. Việc bố mẹ sớm tinh mơ đã ra khỏi nhà, tối mịt mới trở về bên mâm cơm, cùng con nhỏ tíu tít đôi ba câu chuyện cũng hết ngày, thì làm gì còn thời gian để vót tre, để cắt dán giấy màu, để làm cho con một chiếc đèn lồng như ngày xa xưa nữa.

Cho nên, khi thời gian đi qua, những bước chân vô hình của nó cũng kéo theo nhiều sự thay đổi. Trong số những sự thay đổi đó: tích cực có, tiêu cực có. Chỉ là, chúng ta không thể làm khác đi được, thì chúng ta học cách chấp nhận thôi.

Sáng nay lên văn phòng công ty, tôi thấy có sự kiện tổ chức vui Trung thu cho con em của nhân viên công ty. Đó là một buổi tối mà cả bố mẹ và các con sẽ quây quần bên nhau, cùng học làm đèn ông sao và mang thành phẩm về nhà. Chẳng hiểu sao, bất giác tôi lại thấy vui, lại thấy háo hức hệt như ngày mình còn nhỏ và mong ngóng phần quà của mẹ.

Hiện vật có thể là cái mà chúng ta cần, nhưng cũng không phải là cái mà chúng ta cần nhất. Có lẽ, nét đẹp của Trung thu xưa sẽ vẫn còn đâu đó, ngay tại ngôi nhà của bạn, vào một ngày rằm, người lớn trong nhà tạm gác bỏ mọi tất bật công việc mà ngồi lại bên đám nhỏ, kể cho chúng nghe về chị Hằng chú Cuội, ríu rít chuyện trò với chúng lâu hơn một chút. Trong phút cao hứng thưởng trà ngắm trăng, chúng ta sẽ thấy đâu đó những ký ức của mùa Trung thu xưa cũ đang ùa về, và được tái hiện rất thật, rất thật, ngay đây thôi…

Sưu tầm

5 điều tuổi trẻ thường mắc phải, đến khi bước sang tuổi trung niên sẽ hối hận

0

Cuộc sống có rất nhiều đạo lý nhưng tuyệt đối có 5 điều chúng ta cần nhớ kỹ. Nếu có thể nhớ tốt, bạn sẽ tránh được và sớm đạt được những thành công trong tương lai

1. Không bảo vệ sức khỏe, ốm đau không thể than trách

Con người có một bản tính vô cùng kỳ lạ, khi khỏe mạnh thì không bao giờ thăm khám, khi đổ bệnh lại trách than. Vốn dĩ, mầm bệnh trong người thường kéo dài một thời gian đủ lâu trước khi phát bệnh ra ngoài. Thế nên ngày thường không điều dưỡng, chăm sóc thì đổ bệnh cũng không được than trách.

Mỗi chúng ta, chỉ khi nằm trên giường bệnh đau ốm mới thật sự cảm nhận rõ được giá trị to lớn của sức khỏe. Đến lúc nằm một chỗ trên giường bệnh ngẫm lại những chuyện đã qua rồi tiếc nuối cũng đã muộn. Chỉ vì sự tham lam của bản thân mà không chịu nghỉ ngơi khiến sức khỏe bị phung phí. Thậm chí khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục hành xử như xưa chỉ vì tiền bạc, danh lợi làm mờ con mắt.

Đến lúc sức khỏe cạn kiệt, nhiều tiền đến mấy liệu có còn đủ thời gian để tiêu? Vì thế, trước khi quá muộn hãy biết cách yêu quý và chăm sóc bản thân.

2. Rượu vào lời ra, hối hận cũng muộn màng

Rượu chính là một thứ kích thích có thể gây nghiện, thứ ấy có thể khiến con người ta mất đi lý trí. Những thứ bình thường cố tình che giấu kỹ càng thì nguy hiểm khi có rượu vào. Con người chỉ có thể che giấu được những bí mật khi tỉnh táo, còn khi đã có rượu vào, mặt đỏ tía tai thì mọi lời nói đều có thể nói ra thẳng thừng, không hề kiêng nể.

Càng che giấu kỹ thì khi có rượu lại càng thả phanh nói, ngông cuồng hành động vì lý trí khi đó không còn đủ tỉnh táo để giữ bản thân lại. Số tai họa do say rượu nhiều vô kể, khi tỉnh dậy ngậm ngùi hối hận nhưng đối với việc đã làm, lời đã nói thì có mọi hối hận khi ấy cũng không thể rút lại được.

3. Trẻ không học, già hối hận

Còn trẻ đầu óc nhạy bén, sức lực dồi dào, dễ dàng tiếp thu những cái mới, có thể dành thời gian để tích lũy kiến thức thì lại lười biếng. Bất cứ ai khi không biết tận dụng khoảng thời gian ngàn vàng này mà chỉ ham chơi thì đến tóc bạc quá nửa đầu mới nhận ra rằng khi ấy dù có bao nhiêu tiền tài cũng không thể mua được tri thức nữa.

Con người thường hối hận vì những việc mình không làm nhiều hơn. Nên đừng để bản thân phải tiếc nuối tuổi trẻ đã quá chỉ vì lười biếng không học hành tử tế.

4. Việc không học, khi cần không biết

Sự thật bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất khi muốn thành công. Con người chỉ cần không ngừng học hỏi thì đều có thể thành công trong tương lai. Một người biết tôn trọng và tiếp thu ý kiến của người khác sẽ tránh được việc đi phải đường tắt sai, cũng tránh được việc phải đi đường vòng lâu.

Chẳng phải người xưa từng dạy: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Vì thế, trong cuộc sống luôn nhớ cần giữ tinh thần ham học hỏi, chuyện lưu tâm không hiểu thì hãy tìm đến những người tài giỏi để có thể học hỏi. Chỉ như vậy, bản thân mới ngày càng phát triển, càng giỏi giang mà không bị thụt lùi so với mọi người xung quanh.

5. Giàu không cần kiệm, nghèo mới hối

Người xưa có câu nói rằng: “Miệng ăn núi lở”, ý chỉ nếu chỉ ăn mà không chịu làm thì có bao nhiêu tiền tài của cải cũng sẽ dần cạn kiệt theo thời gian.

Con người khi sống trong cuộc sống giàu sang, phú quý chỉ học cách hưởng thụ, sống xa hoa mà không học cách cần kiệm thì đến một ngày nào đó sa cơ lỡ vận sẽ không có cách chống đỡ. Đến lúc khó khăn dù có than thân trách phận thì cũng đã quá muộn. Bởi vậy khi giàu sang đừng quên nghèo. Hãy biết sống cần kiệm để lo cho tương lai, nếu một ngày có khó khăn bạn cũng sẽ không phải lo lắng. Những lời người xưa để lại không sai, hãy lấy đó mà tự răn mình

7 thói quen nên duy trì mỗi ngày để trường thọ

0

7 thói quen này có thể kéo dài tuổi thọ, giúp bạn sống lâu hơn và ngăn cơ thể càng ngày mắc phải những căn bệnh không mong muốn.

1.  Ăn uống lành mạnh, nhẹ nhàng

Chế độ ăn uống đóng một vai trò rất lớn trong việc giữ gìn một sức khỏe tốt. Tập thói quen ăn uống nhẹ nhàng và vừa đủ với thực đơn lành mạnh, nhiều rau xanh luôn đem lại một cơ thể tốt cả bên trong lẫn ngoài. Bên cạnh đó, hạn chế các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều chất kích thích có hại tới các cơ quan và hệ thần kinh sẽ giúp cơ thể tránh khỏi bệnh tật, kéo dài sức sống.

2. Uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ

Việc không uống thuốc quá liều và bừa bãi là một yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Trái lại, áp lực lên toàn cơ thể do uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm cơ thể mắc nhiều biến chứng, nguy hại tới sức khỏe và tính mạng.

3. Tập thể dục thường xuyên

Để kéo dài tuổi thọ, chúng ta nên thường xuyên vận động và tập luyện thể dục, thể thao. Có một cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh tất nhiên sẽ có khả năng kéo dài tuổi thọ lâu hơn những người chỉ ngồi một chỗ, lười vận động.

4. Bỏ thuốc lá, rượu

Nếu muốn sống lâu hơn, một trong những việc quan trọng mà bạn cần làm chính là bỏ thuốc lá kịp thời. Không chỉ có nguy cơ ung thư phổi cao, mà việc hút thuốc còn dễ làm tăng tốc độ lão hóa của cơ thể, nguy cơ hệ miễn dịch suy giảm dẫn đến mắc các bệnh khác cũng cao hơn, từ đó rút ngắn đi rất nhiều tuổi thọ của người hút thuốc.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người không uống rượu, trong điều kiện thường sẽ có tuổi thọ cao hơn số còn lại thường xuyên rượu bia. Uống rượu sẽ làm tăng tốc độ lão hóa của cơ thể, làm hại tới các cơ quan nội tạng, đặc biệt là dạ dày. Bởi vậy, nên tránh càng xa rượu bia càng tốt

5. Đảm bảo uống đủ nước

Cơ thể chúng ta phần lớn là nước, vì thế, uống đủ nước là một cách hiệu quả để tăng cường sức khỏe. Một số người luôn chờ đến khi khát nước mới uống, tuy nhiên cơ thể thiếu nước dễ khiến độc tố tích tụ, dễ mắc bệnh hơn. Do đó, nếu muốn sống lâu hơn, hãy đảm bảo bản thân uống đủ nước.

6. Ngủ đủ giấc

Để duy trì hiệu quả sức khỏe và kéo dài cuộc sống, bạn cần đảm bảo ngủ đủ giấc, bởi vì giấc ngủ là một biện pháp hiệu quả để nuôi dưỡng cơ thể. Khi chúng ta có những giấc ngủ ngon và sâu, toàn cơ thể khỏe khoắn  và chức năng của các cơ quan cũng được cải thiện.

7. Giữ tâm trạng tốt

Nếu muốn sống lâu hơn, chắc chắn bạn nên học cách giải phòng căng thẳng. Một số người luôn chịu quá nhiều áp lực và họ không điều chỉnh cảm xúc cá nhân kịp thời, điều này có thể gây ra trầm cảm. Những bệnh tâm lí thậm chí nguy hiểm hơn rất nhiều những bệnh thể chất thông thường, vì thế, hãy cố gắng giữ cho mình một tinh thần tốt, lạc quan và sẵn sàng giải tỏa áp lực để sống vui, sống khỏe hơn.

Những mùa trung thu đi qua…

0

Trung thu với tuổi thơ là cả sự háo hức, chờ đợi. Không hẳn là rằm, là tết mà là mùa. Mùa của yêu thương, mùa của những ký ức đẹp đẽ vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người…

Ngày còn bé tý, cứ mỗi độ gần trung thu, cái góc phố thường ngày trầm lặng bỗng rộn ràng hẳn lên. Chiều chiều lũ con nít lại tụ tập, ríu ra ríu rít, vui không tả được.Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng, cái cảm giác nao nao đợi trung thu của những ngày xưa ấy vẫn hiển hiện rõ nét trong tâm hồn ta. Đấy là mảng ký ức lung linh với đủ đầy những sắc màu của đèn ông sao bồi giấy kiếng xanh đỏ, đèn kéo quân cứ xoay tít mù những hình vẽ ngộ nghĩnh mỗi khi được thắp sáng lên, là bánh nướng, bánh dẻo, là kẹo lạc, kẹo vừng.

Nhớ nhất là những ngày trung thu mưa tầm tã, lũ con nít tay cầm đèn đứng ở bậu cửa nhìn sang nhà nhau tiếc ngùi ngựi, mặt đứa nào cũng buồn hiu. Lâu lắm mới có năm trời không mưa, đứa lớn đứa bé cứ rồng rắn nối đuôi nhau đi khắp phố vừa đi vừa hát hò, nhảy múa loạn cả lên. Trẻ con mà, hiếm lắm mới được bố mẹ thả cửa một bữa, được phép xách đèn đi chơi đến tối mịt mà không lo bị đánh đòn.

Lớn thêm một chút, vẫn còn nguyên háo hức của những tối trông trăng đợi chú Cuội, chị Hằng, chỉ là đã ra dáng đàn anh thêm thôi. Vui lắm những buổi một lũ họp nhau trên sân thượng nhà thằng bạn để chuẩn bị trung thu cho mấy đứa lóc nhóc trong phố. Nào thì cũng đầu lân, đầu rồng, cũng đèn ông sao, đèn cá chép, cũng bánh trái đầy đủ…Ổi đào, hồng trứng,nhãn, bưởi, thị… những thứ trái quê dân dã chẳng bao giờ thiếu trong mỗi mâm cỗ trung thu. Thế mà cho đến tận bây giờ ta  vẫn không thể nào tìm lại được cái hương vị đặc biệt ấy thêm một lần nào nữa.Ta đành ngậm ngùi gọi chúng là dư vị tuổi thơ vậy…

Rồi ta đi học thành phố, trung thu đầu tiên xa nhà, chỉ có ta, nhỏ bạn và bốn bức tường phòng trọ, cảm giác như nỗi cô đơn bủa vây, chỉ muốn chạy ngay về nhà để được ăn bánh mẹ cắt với trà bố pha, được giành giật lồng đèn với nhóc em, rồi cả nhà sẽ lại cùng xem chương trình trung thu trên tivi. Tết trung thu chẳng phải tết của tình thân là gì?

Thế mà những trung thu sau ta vẫn không có mặt ở nhà. Cuộc sống kéo ta đi, bộn bề níu bước chân không để ta kịp dừng lại…

Người ta bảo: có một thứ mà ai cũng muốn cất giữ cho riêng mình, đó chính là kỷ niệm vì kỷ niệm thì vẫn luôn tồn tại không bao giờ thay đổi cả. Dù đã lớn, cứ cố vươn tay để kéo giữ kỷ niệm thì nó đã mãi mãi thuộc miền xa xôi nào đó mất rồi…

Năm nay, ta sẽ lại đón trung thu ở một nơi khác, vẫn là trung thu xa nhà…Sẽ cố nhìn lên bầu trời đêm để được ngắm chị Hằng, chú Cuội, sẽ lẩm nhẩm một khúc đồng dao của cái ngày còn ấu thơ:

“Chú Cuội ngồi gốc cây đa. Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời..Cha còn cắt cỏ trên trời. Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên. Ông thì cầm bút cầm nghiên. Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa.”

Bên ngoài trời vẫn mưa… Lại đi qua nữa một mùa trung thu với thật nhiều những cảm xúc…

Hằng Kiyo

Trung thu đọng lại ở miền nhớ

0

Một mùa Tết trung thu nữa lại sắp về, không khí trung thu đã tràn ngập trên khắp các con đường, con hẻm ở Sài Gòn. Tuy đã qua tuổi thơ ngọt ngào quà bánh, nhưng mỗi dịp Trung Thu tôi lại háo hức với những cảm xúc đan xen của tuổi thơ ấu. Lòng lại bồi hồi, nhớ về một tuổi thơ năm nào cũng háo hức đón chờ rằm tháng Tám…

Sáng nay tôi vô tình đi qua phố Lồng Đèn ở khu người Hoa của quận 5, chợt choáng ngợp trước vô vàn những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng đủ màu sắc, những chiếc mặt nạ đủ các nhân vật trong phim hoạt hình. Những sản phẩm y hệt nhau đẹp lộng lẫy nhưng vô cảm làm tôi chợt nhớ đến chiếc đèn ông sao xấu xí ngày nào của tuổi thơ tôi.

Tôi nhớ lũ trẻ con trong xóm nhỏ của tôi đã háo hức chờ đón Trung thu như thế nào. Mỗi lần đi học, chúng tôi lại ngắm nghía những cây tre bên đường để tìm những cái que thẳng nhất, ít đốt nhất rồi trở thành những chú kiến cần mẫn, tha “mồi” – những que tre – về tổ, cần cù, tỉ mẩn từng ngày.

Rồi nhớ lắm những ngày ở bên mẹ, hỏi những câu hỏi vu vơ ngờ nghệch đậm chất của đứa con nít vùng quê “Trung thu là gì hả mẹ, vì sao có ngày Trung thu? Vì sao lại có Chị Hằng, Chú Cuội? Chị Hằng, Chú Cuội là ai? Sao họ lại ở trên cung Trăng mà không ở cùng chúng ta?”

Tôi nhớ… nhớ những ngày cùng nhau làm lồng đèn cùng lũ trẻ con trong xóm, chúng tôi chen chúc nhau quệt hồ lên những thanh tre đã được bố gọt và cùng nhau dán những tấm giấy bóng kính nhiều màu sắc lên. Và cái cảm giác hồi hộp chờ xem sản phẩm lên hình sau bao ngày trông ngóng.

Một chiếc đèn ông sao độc nhất vô nhị vì cái khoảnh khắc chúng tôi làm ra nó, cái chỗ méo ra do que tre có một cái đốt ở giữa, một cái cánh hơi bị rách vì thằng Cu cắt quá tay, một cái cánh bị lạc màu vì thiếu giấy cùng màu,…

không thể quên được trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi. Những món đồ được làm từ chính bàn tay của chúng tôi luôn chan chứa trong nó sự thân thuộc và tình cảm không bao giờ tìm thấy ở những chiếc lồng đèn được bày bán đầy đường như bây giờ đâu.

Trung Thu ngày càng xa xôi với những kí ức trong sáng tôi đã từng có. Bây giờ trẻ con “giàu có” lắm, có nhiều hơn một chiếc đèn ông sao chợ Trung thu, có nhiều đồ chơi hơn ngày xưa lắm. Với quần áo đẹp, những chiếc đèn lồng nhựa đủ hình con vật, đi chơi những nơi đông vui xa lạ… Chúng thậm chí có cả thiên đường các trò chơi phong phú làm gì có hứng thú tự làm lồng đèn mà chơi nữa chứ. Ở đâu đó bài ca xưa rước đèn trông trăng cũng thưa thớt dần … Nhưng trong tôi có cảm giác Trung thu của chúng “nghèo nàn” đi những ký ức đặc biệt về những ngày Trung thu cho riêng mình.

Bây giờ Trung thu cũng kéo dài lắm, những chiếc bánh Trung thu đã bày bán trước đó vài tuần nhưng chẳng ai biết nó đi đâu về đâu trong kế hoạch “ngoại giao” của người lớn, ít còn ai nhớ đến ngày đoàn viên ăn bánh cùng gia đình, người thân nữa. Có cảm giác Trung thu của trẻ con cũng bị người lớn “dành phần” mất rồi..

“Có chút hoài niệm tiếc nuối khi chiếc đèn lồng chỉ còn được rước trong ký ức về tuổi thơ của những người lớn ngày xưa”

Thế nên, tôi vẫn mong muốn giữ lại cho tôi những ký ức ngọt ngào về những ngày Trung Thu tuyệt đẹp sẽ đi qua trong đời mình. Như vẫn còn tiếng trống múa lân, múa rồng, được ca hát rước trăng khắp khu phố, như lúc chia nhau phần bánh, múi bưởi, quả hồng .. Tôi yêu sự ngây thơ của tụi nhỏ như chính ngày xưa của mình đã từng ngước mắt nhìn chị Hằng, như lúc nghe mẹ kể chuyện chú Cuội. Tôi nhớ và tôi yêu những cảm xúc Trung Thu đem lại ngày ấy cho đến bây giờ.

Ở đâu đó đêm rằm của một miền quê tôi đã từng sống, vẫn còn tiếng hát trẻ con vang xóm làng rước đèn “ông sao năm cánh tươi màu”, vẫn sáng bừng đêm Thu những lồng đèn bằng ống lon, hộp nhựa thắp nến, vẫn sáng lên những nụ cười trong sáng hồn nhiên… Ở đâu đó, còn một ngày để trẻ em được trọn vẹn vui sướng.

Và trong thâm tâm, vẫn lưỡng lự với câu hỏi, tụi trẻ bây giờ làm gì có được niềm vui nhỏ bé mà đầy ý nghĩa như thế?

Và trong thâm tâm tôi cũng có nỗi buồn đầy sâu lắng. Trung Thu này con không về ăn bánh Trung thu cùng mẹ được…

” Trung Thu là tết đoàn viên
Đi xa hay nhớ mẹ hiền chờ mong
Trang cao vừa sang, vừa trông
Con về với mẹ ấm lòng mẹ ơi “

Trong yên lặng tĩnh tại, ta tìm thấy rất nhiều điều đáng giá

0

Con người, thường rất sợ cô đơn. Rất sợ một mình. Cũng rất sợ sự yên lặng tuyệt đối. Một mình, vốn chẳng đáng sợ. Đáng thương, vốn là những người chẳng thể ở một mình…

Vậy nên hầu hết chạy lăng xăng, tìm đủ mọi trò vui. Làm đủ mọi điều để có được những thứ vui vẻ xung quanh. Dù biết rằng những thứ đó không thường hằng, dù biết đó là những niềm vui nhất thời đầy giả tạo. Ta vui được chốc lát, mà khổ ải đến muôn đời.

Ta phải dành tâm huyết cả một kiếp người để vun trồng bao nhiêu. Ước vọng bao nhiêu. Sắm sửa bao nhiêu, tìm kiếm bao nhiêu những thứ hoa mỹ đẹp đẽ tráng lệ. Từ con người cho đến vật chất. Ta dành cả đời nâng niu cưng dưỡng. Làm hết những gì có thể để có cái này, cái kia. Để sống…

Nhưng rồi, hết kiếp tận số, thở ra một cái. Ta chẳng còn gì, ngay đến cái thân ta trân quý nhất. Rồi cũng hòa vào lòng đất. Biến mất chẳng để lại chút gì.

Chúng ta đã quá sợ hãi vì sự sống. Lo nay mất mai còn, lo đông lo tây, lo ngược lo xuôi. Cuối cùng chỉ vì một chữ sống. Vậy mà nhiều khi lạc đường, còn đi hủy diệt cái thân vì những điều không vừa ý trái lòng. Ta cứ loay hoay là khổ mình khổ người. Cả đến trăm ngàn kiếp, không tài nào thoát ra được.

Trước những trầm luân của cuộc đời. Có bao giờ ta thử dừng lại. Dừng lại hết mọi lăng xăng lo lắng. Dừng lại hết những tính toán được mất hơn thua. Dừng lại tất cả những tham luyến trên đời. Chỉ sống một mình. Chỉ yên lặng tĩnh tại một mình.

Trong cái yên lặng hùng tráng. Khi mà mọi thứ bên ngoài không còn làm tâm ta vướng bận. Ta có thể đi thật sâu, thật sâu vào bên trong mình. Lắng nghe từng lo lắng. Lắng nghe từng sợ hãi. Lắng nghe từng tham ái. Lắng nghe mọi thiện ác trong mình sinh diệt. Trong cái tĩnh lặng diệu kỳ. Mọi thứ hiện lên rất rõ ràng. Rất đầy đủ. Kẻ trí biết vậy mà gạn đục khơi trong. Kẻ còn mù mờ thì tìm mọi cách chạy ra bên ngoài để trốn tránh chính mình.

Thật ra cũng chẳng có gì đúng sai. Đi qua trăm ngàn kiếp luân hồi. Nếm đủ đầy vị cay đắng ngọt bùi. Đến lúc, ai cũng sẽ quay đầu lại. Bởi chân lý vốn chỉ có một. Đi một vòng ta cũng sẽ nhận ra đâu là con đường thênh thang rộng lớn ta cần đi mà thôi.

Một mình, vốn chẳng đáng sợ. Đáng thương, vốn là những người chẳng thể ở một mình…

Những thực phẩm tốt khi thời tiết giao mùa

0

Các loại thực phẩm dinh dưỡng dưới đây giúp cho cả gia đình có sức khỏe và chống lại các bệnh do thời tiết của môi trường. Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho giao mùa các chị em cần phải bổ sung trong bữa ăn của gia đình để phòng bệnh giao mùa nhé

Hoa cúc: Tiêu đờm, sạch họng và phòng cảm lạnh

Cúc hoa có tác dụng trị chóng mặt, đầu đau, mắt đỏ, hoa mắt, nặng một bên đầu… Hoa cúc còn có tác dụng kháng viêm và cải thiện hệ miễn dịch, từ có thể rút ngắn thời gian bị bệnh cúm và làm giảm các triệu chứng ho, sốt, nhức đầu, sạch họng, nghẹt mũi.

Khoai lang: Ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ thải độc

Khoai lang được đánh giá là một trong những thực phẩm tốt nhất trong thời tiết giao giao mùa. Nó có tác dụng ngăn ngừa ung thư, chống táo bón, giảm béo, thường xuyên ăn khoai lang có thể kéo dài tuổi thọ.

Khi thời tiết thay đổi, từ nóng chuyển sang lạnh, nhiều người dễ bị sốt vì cảm, không ra được mồ hôi. Ăn khoai lang có thể giúp người bệnh ra mồ hôi, giảm sốt. Người bệnh chỉ cần nấu khoai lang trắng với cải bẹ xanh và ăn thay cơm.

Tuy nhiên, các trường hợp tiêu chảy, viêm dạ dày đa toan, đường huyết thấp nên tránh ăn khoai lang.

Quả óc chó: Nhuận phổi, chống hen suyễn và bổ não

Quả óc chó là thực phẩm bổ não tuyệt vời nhất, vừa là món ăn bổ thận cố tinh, nhuận phổi, chống hen suyễn. Ngoài ra còn điều trị hiệu quả các các bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa như thận hư, đi tiểu nhiều lần, ho…

Người già thường xuyên ăn quả óc chó có thể giúp đầu óc minh mẫn, sáng mắt.

Hạt dẻ: Bổ tỳ kiện vị, bồi bổ sức khỏe

Hạt dẻ còn có danh hiệu là “vua của trăm loại hạt” vì nó vừa bổ tỳ kiện vị, vừa bổ thận cường gân. Ngoài ra còn có tác dụng hoạt huyết, cầm máu. Vào thời điểm cuối thu, mỗi ngày ăn một vài hạt dẻ, sẽ giúp bổ thận và thể lực cường tráng.

Táo tàu: Ổn định tinh thần, chống dị ứnng

Táo tàu có tác dụng an thần, ích trí bổ não, tăng cảm giác thèm ăn, nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, táo tàu còn có thể phòng và điều trị bệnh huyết áp cao, loãng xưỡng và thiếu máu. Vì vậy, đây là thực phẩm bổ dưỡng đặc biệt tốt trong thời tiết giao mùa cho người già và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, do táo tàu có chứa một số lượng lớn các chất chống dị ứng như cyclic adenosine monophosphate nên nó có thể ngăn chặn sự xuất hiện các triệu chứng của bệnh dị ứng.

Chuối: Dưỡng âm, thải độc

Theo Đông y, chuối vị ngọt, tính mát, không độc, có khả năng dưỡng âm nhuận táo, sinh tân dịch; có tác dụng giảm phiền khát, nhuận phổi, nhuận tràng, thông huyết mạch, bổ tinh tủy, dùng để chữa các chứng bệnh táo bón, khô khát, say rượu, sốt, viêm gan, vàng da, sưng tấy…

Vì vậy, chuối là loại thực phẩm nên ăn ở bất kì thời điểm nào trong năm, nhất là trong những thời điểm giao mùa.

Cam, chanh: Chống dị ứng

Dị ứng là bệnh rất phổ biến khi thời tiết giao mùa, để phòng bệnh này, bạn cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cam, chanh đều có chứa nhiều vitamin C, có tác dụng chống lại hoạt tính của histamin, một chất gây dị ứng mạnh trong cơ chế gây ra dị ứng, giảm được hiện tượng mề đay, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng để cơ thể chống lại vi khuẩn.

Vitamin C trong cam chanh không chỉ hỗ trợ các tế bào chống khuẩn mà còn tiêu diệt virus trong màng dịch nhầy ở mũi và ở cổ họng, giảm chứng dị ứng.

Các trường hợp không nên ăn đu đủ nhiều

0

Các rối loạn dạ dày-ruột

Các triệu chứng đường tiêu hóa có thể là phản ứng phụ của việc ăn quá nhiều đu đủ. Các Papain có trong đu đủ có thể làm dịu dạ dày của bạn nhưng cũng có thể khởi phát cơn đau khi ăn với số lượng nhiều.

Các vấn đề về da

Nếu da bạn bị đổi màu và có màu vàng nhạt, đặc biệt là ở lòng bàn tay, bạn có thể bị bệnh da lành tính nhiễm carotene máu. Đu đủ có chứa beta-carotene, một chất dinh dưỡng họ caroteoid cũng cung cấp cho bạn vitamin A. Dư thừa beta-carotene cũng có thể khiến da trở nên nhợt nhạt.

Đường huyết thấp

Đủ đủ được lên men có thể giảm mức đường huyết. Dùng dạng đu đủ này có thể khiến đường huyết hạ thấp hơn ở những người vẫn có mức đường huyết thấp.

Vấn đề về đường hô hấp

Đu đủ chứa enzym Papain, là chất gây dị ứng mạnh và do vậy có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn hô hấp. Những người bị những bệnh như sốt mùa cỏ khô, hen được khuyên là nên tránh loại quả này.

Sỏi thận

Đu đủ chứa vitamin C. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều đu đủ có thể dẫn tới dư thừa vitamin C dẫn tới hình thành sỏi thận.

Mang thai

Ăn nhiều đu đủ, đặc biệt là đu đủ xanh khi mang thai có thể gây bất thường và sảy thai không mong muốn. Đu đủ xanh chứa nhiều nhựa, được biết là gây ra các cơn co tử cung có thể dẫn đến sảy thai. Vì vậy nên tránh ăn đu đủ khi mang thai.

Dự định sinh con

Đu đủ khi sử dụng quá mức có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới khả năng sinh sản. Nó làm giảm số tinh trùng ở nam giới. Do vậy, những người đang dự định sinh con nên tránh ăn quá nhiều đu đủ.

Tháng 9 sang, thu đã gõ cửa

0

Tháng 9 về, vậy là đất trời đã hòa mình vào thu, mùa của những tình yêu và nỗi nhớ. Mùa thu với tôi là một mùa đặc biệt trong năm, một mùa chất chứa nhiều kỉ niệm, vui cũng có, mà buồn cũng nhiều.

Tháng 9 mùa thu, những khu vườn đầy lá vàng xao động, trái bưởi bỗng tròn căng đang chờ đêm hội rằm phá cỗ. Tiếng đám sẻ non tíu tít nhảy nhót nhặt những hạt thóc còn vương lại trên mảnh sân vuông. Đêm xuống, mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh trôi bồng bềnh trên nền trời chi chít ánh sao. Rồi trăng không còn khuyết và tròn vành vạnh khi đến giữa mùa thu. Chưa bao giờ mặt trăng tròn và sáng đẹp như thế trong năm. Ánh trăng sáng vàng, ngọt lịm như rót xuống không gian cái không khí thanh trong của đất trời; cái dìu dịu của những tháng năm quá khứ.

Tôi nhớ những ngày tháng 9 ở quê nhà. Bầu trời cao, xanh vời vợi, nắng vàng chiếu trên những đám cỏ non lãng mạn đến lay động lòng người. Cái nắng đâu còn gay gắt như mùa hè. Thay vào đó là những cơn gió dịu dàng khẽ thổi. Tôi thích được đắm mình trong một buổi chiều tà của tháng 9, thích cái cảm giác được khoác lên người chiếc áo mỏng để đón những cơn gió đầu tiên của mùa thu tràn về, táp vào trong mặt. Thật dễ chịu biết bao.

Tôi thích những buổi sớm mai thức dậy được đặt chân ra khu vườn của bố, khu vườn trồng rất nhiều những loại cây ăn quả. Trong đó có những cây ổi đào mà tôi thích nhất. Từng chùm ổi lủng lẳng khẽ khàng đưa theo gió. Hương thơm tỏa ra ngào ngạt, cuốn hút lòng người. Tôi hái ổi vào, rửa sạch rồi sắp lên đĩa, chờ đợi giây phút cùng bố, mẹ thưởng thức vị thơm ngọt của cây trái đầu mùa sau bữa cơm chiều.

Tháng 9 về, cũng là lúc trong tôi có một chút gì đó tiếc nuối. Tiếc nuối của cái thời trẻ thơ vì phải chia tay những ngày hè rong ruổi khắp xóm, chơi đủ các trò chơi với lũ bạn quê để bước vào một năm học mới. Tôi vẫn nhớ như in buổi tựu trường đầu tiên trong cuộc đời học sinh của mình. Đó là ngày tôi phải “tạm biết búp bê thân yêu, tạm biệt gấu mi sa nhé” để vào lớp Một. Ngày đó, Mẹ dẫn tôi đến trường trên con đường làng quen thuộc. Suốt cả quãng đường đi tay tôi cứ nắm chặt tay Mẹ mà không dám buông ra.

Hôm nay, cũng một ngày tháng 9, tôi cô đơn, thu mình lại trong góc của phòng trọ để nhớ về những ngày thu đã xa. Nhớ về những ngày thơ bé và những kỉ niệm của một mùa ấm áp. Thời gian quả là nghiệt ngã, khi mà cứ trôi đi lặng lẽ và cuốn theo bao nhiêu thứ mà người ta hằng ấp ủ, chờ mong. Giờ đây, tôi đã là một chàng trai 20 tuổi, cái tuổi dẫu chưa thực sự trưởng thành, chín chắn, nhưng cũng chẳng còn thơ dại gì so với mười mấy năm về trước. Ở cái tuổi này, người ta bắt đâu thấy nhớ, thấy tiếc về những gì đã qua, nhất là tuổi thơ của mình.

Mùa thu năm nay tôi không còn cái bỡ ngỡ như ngày đầu tiên được Mẹ cầm tay dẫn đến trường. Mùa thu năm nay tôi không còn được chạy ra vườn hái những trái ổi chín mọng, thơm ngon. Mùa thu năm nay tôi tiếp tục phải sống cuộc sống xa nhà, tiếp tục bước trên con đường hành trình tìm kiếm tương lai cho chính mình. Người ta vẫn bảo không nên khóc vì quá khứ, mà cũng chẳng nên trông chờ điều gì đó ở tương lai. Cái chính là sống trọn vẹn cho từng phút giây ở hiện tại. Đôi khi tôi vẫn nhớ về những kỉ niệm của một thời trong quá khứ. Nhưng tôi không ủy mị tới mức thấy đau lòng vì những điều đã qua. Tôi nhớ về quá khứ để nhắc nhở chính bản thân mình, để không đánh mất mình ở hiện tại.

Mùa thu này, có lẽ vẫn là như những mùa thu trước. Mùa thu với cái nắng ươm vàng, những sợi nắng mỏng manh như tơ trời cứ vương mãi xuống những cánh đồng đang chờ ngày lúa chín. Những con sẻ nâu thong thả tha những cọng rơm vàng về tổ. Những con dế khi đã uống say chợt ngẫu hứng hát ca. Trên cánh đồng, những cánh cò trắng tinh cứ phân vân mãi khi chiều đã buông.

Tôi tự hứa với lòng mình, dù sau này có làm việc ở đâu, bận bịu cỡ nào thì cũng phải một lần trở về quê trong những ngày thu như thế. Những ngày thu đã gắn liền với tuổi thơ và ăn sâu vào kí ức của tôi cho tới tận bây giờ.

Trần Văn Hiếu