Home Chưa được phân loại Hồi tưởng tết trung thu xưa: Bình dị, an yên và gắn...

Hồi tưởng tết trung thu xưa: Bình dị, an yên và gắn kết

510
0

Trung thu là dịp mà người ta gạt bớt cái nhộn nhịp, cái vồn vã, cái cuồng quay của công việc để có thể ngồi lại với nhau, tề tựu bên mâm cỗ đầy dưới ánh trăng vàng, nhấp một ngụm trà và ôn lại đôi ba câu chuyện cũ…

Trung thu trong ký ức của mỗi người là những màu sắc khác nhau, còn tùy vào độ tuổi, thời đại mà người ta sống, phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân và môi trường xung quanh. Nhưng tựu chung lại, dường như trong lòng mỗi chúng ta cũng sẽ đều có chút gì đó man mác buồn khi nhắc nhớ về kỷ niệm. Cứ hễ nói tới “ngày xưa” và nuối tiếc thì bị người ta cho là hoài cổ. Nhưng cũng phải công nhận rằng, Trung thu xưa đẹp lắm, tuyệt diệu lắm, chứ không có nhàn nhạt như bây giờ…

Chiều qua, tại số 38 Hàng Đào, không gian văn hoá Hanoia đã diễn ra một buổi tọa đàm với chủ đề: “Trung thu truyền thống trong ký ức người Việt” với sự tham gia của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Không biết có phải do nhắc nhớ đến Trung thu nên cái phần trẻ thơ trong tôi còn sót lại đã tỏ ra háo hức và phấn khích quá không, tôi đến sớm hơn giờ diễn ra buổi tọa đàm, để rồi ngơ ngẩn với những mâm cỗ nhỏ xinh được bày biện chào đón người tham dự.

Này hồng, này ổi, này cốm gói trong lá sen thơm. Này kẹo lạc, này bánh nướng, này bánh dẻo… Toàn những thức quen thuộc của mùa Trung thu cũ trong tôi. Ngó nghiêng không gian diễn ra buổi tọa đàm, tôi thấy lòng như dịu vợi hơn, bởi cách set up vô cùng nồng ấm, tạo cho người ta cái cảm giác gần gũi như thể người nhà, chỉ còn là chờ nhau, í ới đôi câu rồi sẽ cùng ngồi lại uống trà thưởng nguyệt và phá cỗ dưới ánh trăng.

Xuất hiện trong buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Việt Hà – người kể chuyện trong lòng Hà Nội qua những tạp văn, tuỳ bút rất duyên dáng và tinh tế – đã chia sẻ đôi điều về ngày Tết Trung thu xưa và nay. Khi được đặt câu hỏi về kỷ niệm ngày Trung thu, tôi vẫn thấy mọi người bắt đầu bằng câu quen thuộc: “Ngày xưa, Trung thu trong tôi là…”

Nhà văn Nguyễn Việt Hà trong vai trò “người kể chuyện trong lòng Hà Nội”, giao lưu cùng người tham gia tọa đàm về ký ức Trung thu xưa.

Trung thu là tết đoàn viên, là một dịp để gia đình đoàn tụ. Con cái đi làm xa xôi trở về thăm ông bà, cha mẹ. Trung thu đối với người ở nông thôn còn là dịp mà vụ mùa vừa trôi qua, người ta được ngơi nghỉ, được ăn mừng mùa màng bội thu và chuẩn bị cho vụ Đông sắp tới. Trong những ngày nông nhàn ấy, giữa tiết trời thu trong trẻo, các bậc làm cha làm mẹ cũng muốn gom góp những điều tốt lành nhất cho những đứa con thơ. Từ chiếc kẹo cái bánh, đến những chiếc đèn ông sao tỏa sáng lung linh trong đêm trăng rằm.

Có nhiều người trong chúng ta chẹp miệng lắc đầu khi nhắc đến “Trung thu nay”. Là bởi chúng ta tuy có đầy đủ hoặc dư giả hơn ngày xưa đôi chút, cũng đủ ăn đủ mặc, có nhiều khu vui chơi… nhưng màu sắc Trung thu đối với trẻ thơ vẫn còn là một thứ màu sắc nhạt nhòa. Có thể vẫn là chiếc đèn ông sao đấy, vẫn là những chú chó bông bằng bưởi, là hồng, là ổi, làm cốm thơm – thức quà giản dị nhưng nồng đượm phong vị thu của người Việt mình, nhưng khi đưa cho các em nhỏ, các em chỉ chơi được dăm ba phút, dài lắm cũng chỉ nửa ngày là chán.

Trong khi ngày xưa, để có được một chiếc đèn ông sao hay đèn kéo quân, tôi không nhớ bọn trẻ con trong xóm đã phải mong chờ và háo hức thế nào. Và bạn có tin không, chỉ là một chiếc đèn ông sao nhỏ tí xíu, chúng tôi chơi ba năm không biết chán. Cứ năm nay chơi lại hứa giữ gìn cho năm sau, vẫn là những nan tre ấy, vẫn là lớp bóng kính đã sờn màu sơn, nhưng cứ thắp nến lên, ánh mắt chúng tôi lại hấp ha hấp háy.

Ai đó đã cho rằng có lẽ vì ngày xưa ông bà, bố mẹ cho đến con cái đều quây quần để lo cho một cái Tết đoàn viên no đủ, để trẻ thơ được phong bánh phong kẹo ngon lành, có được món đồ chơi ưa thích bằng chúng bạn… nên quý là quý ở cái giây phút cùng nhau tề tựu, cùng luận bàn, cùng gom góp bên nhau. Còn bây giờ, chúng ta không làm nên mâm cỗ, chúng ta cũng không ngồi lại cùng con thơ làm nên một chiếc đèn ông sao, mà chúng ta đi mua. Nói hóa ra, là chúng ta đi mua Trung thu về nhà mình.

Tất nhiên, mỗi thời sẽ mỗi khác đi. Bây giờ chúng ta có vô vàn lý do cho sự bận rộn của mình, mà nỗi lo canh cánh về cơm áo gạo tiền lại chẳng chừa bất cứ một ai. Việc bố mẹ sớm tinh mơ đã ra khỏi nhà, tối mịt mới trở về bên mâm cơm, cùng con nhỏ tíu tít đôi ba câu chuyện cũng hết ngày, thì làm gì còn thời gian để vót tre, để cắt dán giấy màu, để làm cho con một chiếc đèn lồng như ngày xa xưa nữa.

Cho nên, khi thời gian đi qua, những bước chân vô hình của nó cũng kéo theo nhiều sự thay đổi. Trong số những sự thay đổi đó: tích cực có, tiêu cực có. Chỉ là, chúng ta không thể làm khác đi được, thì chúng ta học cách chấp nhận thôi.

Sáng nay lên văn phòng công ty, tôi thấy có sự kiện tổ chức vui Trung thu cho con em của nhân viên công ty. Đó là một buổi tối mà cả bố mẹ và các con sẽ quây quần bên nhau, cùng học làm đèn ông sao và mang thành phẩm về nhà. Chẳng hiểu sao, bất giác tôi lại thấy vui, lại thấy háo hức hệt như ngày mình còn nhỏ và mong ngóng phần quà của mẹ.

Hiện vật có thể là cái mà chúng ta cần, nhưng cũng không phải là cái mà chúng ta cần nhất. Có lẽ, nét đẹp của Trung thu xưa sẽ vẫn còn đâu đó, ngay tại ngôi nhà của bạn, vào một ngày rằm, người lớn trong nhà tạm gác bỏ mọi tất bật công việc mà ngồi lại bên đám nhỏ, kể cho chúng nghe về chị Hằng chú Cuội, ríu rít chuyện trò với chúng lâu hơn một chút. Trong phút cao hứng thưởng trà ngắm trăng, chúng ta sẽ thấy đâu đó những ký ức của mùa Trung thu xưa cũ đang ùa về, và được tái hiện rất thật, rất thật, ngay đây thôi…

Sưu tầm

Previous article5 điều tuổi trẻ thường mắc phải, đến khi bước sang tuổi trung niên sẽ hối hận
Next articleTháng 9, giật mình, nghe thu về qua ngõ