Home Tâm Lý Gia Đình Chiều chồng đừng quá “liều”

Chiều chồng đừng quá “liều”

442
0

Chiều chồng là tâm lý chung của phụ nữ Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung. Vậy nên mới có chuyện cưới nhau về chồng như có thêm 1 người mẹ để “nâng khăn sửa túi”, vợ lại như còng vào cổ mình thêm gánh nặng, mệt nhoài. Không ai cấm việc chiều chồng nhưng bạn có bao giờ từng nghĩ chiều chồng cũng cần có liều lượng chừng mực. Vậy chiều chồng bao nhiêu là đủ? Cùng Mùa gió heo may tâm sự về điều này.

Coi chồng như thượng đế

Quan tâm, nấu nướng, chăm sóc cho chồng dường như đã trở thành thói quen của nhiều phụ nữ Việt. Nhiều phụ nữ chăm sóc chồng mình đến tận răng, chồng nghiễm nhiên trở thành đứa con để họ chăm bẵm, đó cũng là nguyên do mà nhiều ông chồng không “lớn” được.

Nhiều phụ nữ có suy nghĩ rằng, một người vợ tốt là người làm trọn tất cả các công việc từ việc tề gia nội trợ, thể hiện tình yêu đi qua cái dạ dày của chồng, cho đến chăm chút vẻ bề ngoài chỉn chu, bảnh bao của chồng, thậm chí cả chuyện chăn gối cũng chiều hết nấc… Sau tất cả, người vợ nhận được gì? Nhiều người vợ ngậm trái đắng khi đáp lại những nỗ lực, cố gắng đó là thái độ dửng dưng từ người chồng, là suy nghĩ mặc định “đó là việc của vợ” mà không cảm thấy có lỗi hay biết ơn.

Đàn ông là sinh vật thích thử thách, vậy nên đối với những thứ theo quy luật, lặp lại mỗi ngày từ người vợ của mình khiến họ cảm thấy chán ngán, không còn cảm giác muốn chinh phục. Đó cũng là lý do nhiều ông chồng cho mình đặc quyền tìm kiếm “của lạ”.

Chiều chồng như thế nào cho đúng?

Chiều chồng, chăm sóc chồng hết nấc khiến phần lớn ông chồng thấy rằng vợ là một người tốt nhưng chỉ là tốt để chăm sóc họ cùng con cái chứ không phải để họ chiều chuộng, yêu thương. Vậy nên, chiều chồng không phải là cách để giữ chân chồng hay để vun vén gia đình hạnh phúc.

Trên thực tế, việc chiều chồng cần có nguyên tắc “việc chiều chuộng cần đến từ 2 phía”. Nghĩa là “chiều chuộng” nhau trong hôn nhân là việc cần thiết nhưng chỉ đúng khi cả hai cùng thực hiện để đối bản thân và đối phương đều cảm thấy bản thân có giá trị và được tôn trọng. Vợ chồng nên coi việc chiều chuộng nhau là liều thuốc nuôi dưỡng tình cảm vợ chồng. Nếu đã là thuốc thì nên dùng đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng “bệnh” nếu không sẽ dễ rơi vào tình cảnh “lợi bất cập hại”.

Đúng liều, tức là không quá liều, chiều chuộng vừa đủ để làm nhau hài lòng. Cưng nựng nhiều, chiều chuộng nhiều đôi khi khiến đối phương có cảm giác bị chăm bẵm, săn sóc quá mức mà thấy ngột ngạt, khó chịu. Vợ có thể nấu những bữa ăn thật ngon, nhưng chồng hãy là người dọn dẹp và rửa bát. Vợ có thể là cho chồng những bộ quần áo phẳng phiu mỗi sáng nhưng chồng hãy là người mang quần áo bẩn vào máy giặt và phơi. Vợ có thể là người tắm và cho con ăn, nhưng chồng hãy là người dạy chúng học mỗi tối. Vợ có thể là “nữ hoàng” cho mỗi “cuộc yêu” nhưng chồng hãy là “đầy tớ” cần mẫn và nhiệt tình chứ không phải “ông chủ” và hưởng thụ một mình.

Đúng thời điểm, tức là đúng lúc cần chiều chuộng sẽ chiều chuộng. Ví dụ khi chồng mệt mỏi, cần chăm sóc quan tâm đặc biệt thì vợ sẽ hết lòng chăm sóc. Nhưng đôi khi vợ hãy để chồng tự lo, tự chăm sóc, tự xoay sở với con cái mà dành thời gian cho mình như gặp gỡ bạn bè, du lịch, làm đẹp…

Hãy luôn là người phụ nữ biết làm đẹp cho bản thân mình, biết chăm chút cho bản thân mình. Khi phụ nữ thể hiện sự quý trọng bản thân mình, đương nhiên người chồng cũng vì vậy mà trân quý.

Sưu tầm

Previous articleMỡ thừa tự đốt cháy trong khi ngủ chỉ với 6 hành động đơn giản từ bạn
Next article5 yếu tố làm nên sự quyến rũ của phụ nữ tuổi trung niên