“Bạn sẽ không biết bản thân có thể mạnh mẽ thế nào cho đến khi mạnh mẽ trở thành sự lựa chọn duy nhất”
———–
Câu chuyện 1:
Gia đình chị T ở Phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Anh chị có hai con 2 tuổi và 5 tuổi. Chị mang bầu bé thứ ba.
Ngày 2/7, chị T. chuyển dạ ở Bệnh viện Từ Dũ. Nơi này khám sàng lọc phát hiện hai vợ chồng đều dương tính, cháu bé sinh ra thì tử vong.
Xét nghiệm các thành viên trong gia đình thì bé đầu 5 tuổi dương tính, bé sau 2 tuổi âm tính. Bé đầu được đưa đi điều trị cùng mẹ ở Bệnh viện Trưng Vương, người chồng được đưa đi cách ly ở ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM.
Ba mẹ vào bệnh viện và khu cách ly nên bà ngoại đến đem cháu thứ hai về nhà ở quận Tân Phú chăm. Lúc này, do bà có đi chợ Sơn Kỳ nên thực hiện kiểm tra Covid-19 hai lần đều âm tính. Được mấy hôm thì bà sốt và kết quả dương tính với Covid-19. Bà được chuyển sang Bệnh viện Gò Vấp và mất vào ngày 12-7 vì Covid.
Vừa mất con, nay mẹ vợ lại qua đời, chồng chị T nhờ mẹ ruột (bà nội) sang chăm giúp đứa con thứ hai tại nhà ở phường 12, quận 10. Chăm cháu được mấy hôm thì trong ngày 14, 15-7, anh T không liên lạc được với mẹ nên nhờ Trạm y tế phường 12 đến tận nhà thì phát hiện bà mệt nên đưa đi cấp cứu Trung tâm Y tế quận 10. Ở đây phát hiện bà dương tính với SARS-CoV-2 nên chuyển tuyến trên. Bà mất ở Bệnh viện Ung bướu 2 ngày 18-7.
Gia đình lại nhờ ba chị T (ông ngoại) từ Long An lên chăm sóc đứa con thứ hai tại Trần Thiện Chánh. Sau kết quả test nhanh vào ngày 18-7, hiện cháu bé có kết quả dương tính.
Nửa tháng, họ mất cả hai người mẹ vì Covid-19. Hai em của chị T cùng họ hàng nhiều người cũng dương tính đang trong các khu cách ly, bệnh viện tại TP.HCM.
Câu chuyện 2:
Gần 2 năm, kể từ lần đầu tiên phát hiện ca Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, lúc ấy người ta còn sợ hãi, đếm từng ca 1, 10, 100, 1000 rồi đến vài nghìn ca mỗi ngày được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi ngày, người ta chẳng còn quan tâm đến việc đếm ca, đến lịch trình di chuyển của các F0 vì giản đơn rằng, giờ xung quanh ta đâu đâu cũng là F, đôi khi chẳng biết được chính bản thân ta cũng là F0. Thời điểm ấy khi mà Việt Nam còn kiểm soát dịch rất tốt, nhiều người nhìn con số ca nhiễm của Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu mà không khỏi hoang mang, nghĩ rằng đất nước, bản thân làm sao chịu được cảnh ấy nếu dịch bùng mạnh như vậy trên đất Việt.
Rồi dịch bùng tại Việt Nam theo cái cách mà chúng ta chẳng ai ngờ nhất. Vài nghìn ca bệnh một ngày, bệnh viện dã chiến liên tục được thiết lập, chỉ thị 16 được áp dụng rộng rãi không chỉ ở Hồ Chí Minh mà còn trên nhiều tỉnh thành, cả nước căng mình chống Covid -19.
Con người chúng ta, sinh ra đã là một thực thể thay đổi để thích nghi, linh hoạt để thích ứng, chúng ta mạnh mẽ để vượt qua, vươn lên để sống sót, từ thời xưa chân lý ấy đã được minh chứng.
Như cách đôi vợ chồng nén nỗi đau thương mất mẹ, mất con; ông ngoại nén nỗi đau mất vợ, gia đình ly tán, bệnh tật bao vây bởi Covid-19. Tôi cá rằng chẳng ai trong chúng ta tưởng tượng hoặc nghĩ rằng bản thân có thể chịu được hiện thực ấy. Vậy mà bằng cách nào đó, người sống vẫn phải tiếp tục mạnh mẽ để mà bảo vệ và chở che cho những người ở lại. Đôi vợ chồng còn ông ngoại và 2 con nhỏ để chăm lo; ông dẫu già yếu vẫn là nơi nương tựa duy nhất cho đứa cháu nhỏ 2 tuổi chưa nói sỏi.
Đất nước mình giãn cách, bà con lại khó khăn trăm nẻo, người nghèo càng nghèo, bao mảnh đời ngoài kia vì không có công ăn việc làm mùa dịch, cuộc sống giờ lay lắt như đèn treo gió, ăn nay chẳng biết mai.
Ngoài kia còn bao nhiêu câu chuyện đau xót trong mùa dịch mà ta chưa tỏ, bao nhiêu cảnh đau thương vì đại dịch vẫn còn tiếp diễn, chúng ta bằng cách nào đó vẫn can đảm, vươn lên để vượt qua mỗi ngày.
Những con người ấy đâu phải ai cũng mạnh mẽ. Đã là con người ai cũng có tủi hờn, có giọt nước mắt, sự yếu mềm, cuộc đời bằng cách này hay cách khác đưa bạn vào vị trí buộc phải kiên cường.
Bạn sẽ không biết bản thân mạnh mẽ đến nhường nào cho đến khi mạnh mẽ trở thành sự lựa chọn duy nhất.