Home Chưa được phân loại Tết Việt – “cái hồn” dân tộc không bao giờ cũ

Tết Việt – “cái hồn” dân tộc không bao giờ cũ

372
0

Tết Nguyên Đán – ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, là thời khắc nhà nhà người người đều hân hoan chờ đón. Ngày Tết là kết tinh văn hóa tuyệt đẹp của dân tộc, thời điểm của sự đoàn viên, sum họp bên gia đình và nhớ về nguồn cội. Với những giá trị truyền thống ấy, thì ngày Tết luôn là điều thiêng liêng trong tâm thức của mọi người dân Việt.

Bánh chưng bánh giầy

“ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.”

Lẽ đương nhiên mà nói, ngày Tết từ bao đời nay không thể thiếu món bánh truyền thống, thứ gọi là “hồn dân tộc”: Bánh chưng bánh giầy. Thứ bánh làm từ tinh túy của đất trời, cứ ngỡ thật giản đơn mà lại tinh túy vô cùng. Không chỉ mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh mà bánh chưng còn là tinh hoa văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt.

Ngày nay, có lẽ bánh chưng chỉ còn là nghi thức. Không còn nhiều cảnh gia đình quây quần trong đêm giao thừa ấm cúng bên nồi bánh chưng xanh. Thay vào đó, người ta mua bánh ở siêu thị và các cửa hàng thực phẩm. Ít nhiều phong tục này đã dần mai một, nhưng dẫu sao thì Tết đến, xuân về, hình ảnh những chiếc bánh chưng thơm ngon vẫn nhắc nhớ về giá trị truyền thống của ông cha ta.

Phiên chợ Tết cuối năm

Chợ Tết ngày cuối năm chắc hẳn là những ngày vui nhất, nhộn nhịp nhất. Chợ ngày thường đã đông đúc, thì ngày Tết càng gấp bội. Người xưa ví “Đông như chợ Tết” quả không sai. Người người đổ về, mặt mày hớn hở và vội vã lỉnh kỉnh nào bánh, nào mứt và bao nhiêu thứ khác. Các cô các bà đi mua thực phẩm thì bọn trẻ con cũng hào hứng với quần áo mới. Ai cũng muốn phải làm sao cho ngày Tết không thiếu món gì, biểu trưng cho sự sung túc của gia chủ và năm mới đến không phải vất vả.

Lì xì

Xưa, sáng mồng một Tết là gia đình tề tựu đông đủ. Khi ấy, con cháu chúc mừng ông bà, cha mẹ. Người lớn hân hoan nhận lời chúc mừng và sau đó, trẻ nhỏ bao giờ cũng được tặng cho một chiếc bao đỏ xinh xắn chứa chút tiền bên trong, gọi là lì xì. Khoản tiền lì xì thường không nhiều, thường là tiền lẻ với hàm ý nó sẽ sinh sôi nhiều thêm.

Tưởng như tập tục này đơn giản, nhưng chất nhân văn của nó lại vô cùng lớn lao. Trước hết, việc chúc tuổi cho người lớn thể hiện lòng hiếu thảo và sự hàm ơn công dưỡng dục, sinh thành. Người lớn thường lì xì cho trẻ con kèm theo lời chúc mau ăn chóng lớn và ngoan ngoãn. Những lời chúc tuổi và bao lì xì xinh xắn ấy chính là giữ phần gốc rễ của đạo lý làm người.

Mâm ngũ quả

Người Việt xem lễ nghĩa là yếu tố quan trọng hàng đầu, thể hiện trong nghi thức đề cao tổ tiên trong bất kỳ lễ lạt nào. Bày soạn mâm ngũ quả ngày Tết để dâng cúng tổ tiên, ông bà cũng từ lễ nghĩa ấy.

Mâm quả ngày Tết là một nét đẹp đẽ của phong hóa dân tộc Việt Nam. Dù ở thành thị hay nông thôn, giàu sang hay nghèo khó thì một mâm hoa quả trên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu. Tùy theo quan niệm từng vùng miền mà người ta có những loại quả có ý nghĩa riêng, nhưng chung quy cũng đều thể hiện lòng hiếu thảo, nhắc nhở con cháu về nguồn cội, bộc lộ lòng ước mong một năm mới an khang, may mắn, tốt đẹp.

Chơi chữ

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.”

Ngày Tết xưa, các nhà Nho thường có những sạp tre ở đầu chợ ngồi viết câu đối. Ngày Tết nếu có được chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Đức thì vui biết chừng nào.

Ngày nay, “Phố ông đồ” – tên gọi thân thương nơi góc phố Văn Miếu – Quốc Tử Giám và nhiều nơi khác cũng xuất hiện những “thầy đồ” có già trẻ, có trai gái mở gian hàng với giấy đỏ, bút lông và mực Tàu để viết chữ thư pháp, câu đối. Mong ước được gửi gắm qua những kiểu chữ bay lượn thơm lừng mùi mực hẳn là nét đẹp đậm chất văn hóa thực sự khó phai trong lòng người dân Việt.

Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, hối hả, ngỡ rằng người ta sẽ quên mất những phong tục cũ, nhưng những phong tục cổ truyền đến giờ vẫn còn lưu lại là một minh chứng cho thấy giá trị xưa cũ ấy không dễ bị lãng quên. Con người chạy theo thời đại, đồng nghĩa với bỏ đi những giá trị xưa. Nhưng không phải cái gì xưa cũ cũng có thể mất đi. Vì vốn dĩ điều gì thuộc về giá trị truyền thống sẽ mãi mãi trường tồn. Và những người của muôn năm cũ sẽ lại về cùng con cháu mỗi mùa hoa mai, hoa đào nở, mang lộc chữ đến cho muôn nhà.

Previous articleTình yêu, thà muộn màng, còn hơn vội vã
Next article2 điều không nên bỏ lỡ: chuyến xe cuối cùng và về bên mẹ