Home Ban Biên Tập Bình Chọn Tết về qua ngõ

Tết về qua ngõ

Khi những cơn gió bấc muộn màng tràn qua khiến cho những vườn trầu trở nên co ro vì rét, khi những dãy cúc tần bắt đầu trổ những nụ hoa vàng bé tí, khi tôi bắt đầu ra vườn rong từng tàu lá chuối sứ già xanh ngắt để chuẩn bị gói bánh và khi mẹ tôi kêu người đến hái xuống những buồng dừa vừa cạy để tạo thêm hương vị thơm ngon cho nồi thịt kho tàu... Có nghĩa là thêm một cái Tết nữa sắp tràn qua cái xóm quê nhỏ bé của tôi.

12033
0

Tết. Đồng nghĩa với những ngày vui chơi thỏa thích, đồng nghĩa với những đồng tiền lì xì mới cứng và cũng đồng nghĩa luôn với những lời yêu thương trìu mến mà mọi người sẽ trao cho nhau. Với người lớn thì đó là những ngày nghỉ ngơi thoải mái sau những tháng ngày tất bật. Trước đó chừng mươi ngày, mẹ tôi, dì tôi, cùng với bà tôi đã thức hàng đêm liền để dộng (đóng) cốm.

Những tiếng dộng cốm đều đều vang lên trong đêm vắng của miệt vườn nghe sao mà buồn quá. Những hạt thóc nếp đã được rang chín, nổ bung cả vỏ để lộ ra những hạt nếp trắng ngần sau khi nhào trộn với nước đường, gừng giã nhỏ. Tất cả được đưa vào khuôn để cậu tôi dùng cả hai ngón tay cái nhận thật chặt, để khi dộng, hạt cốm sẽ không bị dời ra. Những viên cốm sau khi phơi khô sẽ được mặc những chiếc áo đủ màu sắc mà màu nào cũng tươi roi rói được bà tôi đem đặt lên bàn thờ.

Tết, đồng nghĩa với việc mẹ tôi để dành sẵn vài ổ trứng gà chuẩn bị cho món bánh thuẩn được đổ bằng cái khuôn mang đủ hình thù của những con thú ngộ nghĩnh. Cắn một miếng bánh thuẩn, chiêu một ngụm nước trà, ôi chao ơi ngon biết nhường nào. Để bây giờ cho dù có bao nhiêulà bánh ngon được làm sẵn, đựng trong những chiếc hộp cầu kỳ, thế mà vẫn không thể nào sánh được cái ngon của miếng bánh ngày thơ bé.

Và Tết cũng là sự chờ đợi nôn nao bên nồi bánh tét đang sôi sùng sục cùng với những câu chuyện cổ tích mà bà tôi đã kể đi, kể lại không biết bao nhiêu lần, nhưng sao bọn trẻ con chúng tôi nghe hoài không biết chán. Bằng cái giọng kể đều đều bà đã từng đưa chúng tôi chìm dần vào giấc ngủ, để sáng hôm sau khi thức giấc đã thấy những đòn bánh ngon lành đang nằm trên bộ phản, rồi phụng phịu, hờn dỗi, trách móc người lớn sao không đánh thức mình dậy để cùng vớt bánh. Rồi sung sướng biết bao khi mình là người được thưởng thức lát bánh đầu tiên, cái dẻo của nếp, cái bùi của những hạt đậu phộng tròn căng. Bánh tét đậu phộng. Chắc chỉ có quê nghèo tôi mới có. Đồ chơi trẻ con thuở ấy thật nhiều, mà cũng đơn giản bình dị quá, tôi và ,lũ trẻ trong làng nao nao tính từng ngày mong Tết đến để được mẹ dắt đi chợ Gò (1) lấy lộc đầu năm của mẹ, và được mẹ mua cho vài thứ đồ chơi Tết để đem khoe với bạn bè cùng trang lứa, tôi còn nhớ như in những con heo bằng đất sét, con gà, tò te tu hú bằng đất, những viên pháo chà, pháo chuột… (chẳng bù lại với bây giờ đồ chơi trẻ con toàn là súng đạn, điện tử, bạo lực bày bán khắp nơi).

 Tết, đồng nghĩa với việc mẹ tôi sẽ “vật” một nồi cơm rượu thật ngon để rồi trong đêm giao thừa, sau khi lễ tạ ông bà, mừng đất trời bước sang một mùa mới, bà tôi rót ra nhâm nhi trong mùi hương thơm lừng cả mũi. Hương của mùi rượu nếp lẫn với mùi hương của nhang trầm khiến cho đứa trẻ con là tôi thèm đến nhỏ giãi. Và thể nào bà tôi cũng cho tôi nhấp thử một miếng để rồi thấy tê tê đầu lưỡi, cái tê dại đến ngất ngây của một đứa trẻ con thỏa mãn cơn thèm muốn đã được người lớn ban tặng. Và cũng chỉ trong dịp Tết mới được hưởng mà thôi và với những buổi chiều theo mẹ, theo chị xuống sông giặt áo, giặt mền. Ôi chao bãi sông làng tôi những ngày ấy sao mà vui quá đỗi. Chật cả một khúc sông. Quần áo, chăn màn phơi sáng cả một bãi sông dài. Ngày ấy, phải ngày ấy sao mà nghe thương quá đỗi.

Bây giờ, cũng những cơn gió bấc ấy. Cũng những vườn trầu co ro vì rét. Nhưng sao mọi việc cứ như chẳng có gì. Mọi người chẳng có vẻ gì là tất bật, lo toan cho những ngày Tết sắp đến. Mứt bánh ư? Chỉ cần đảo qua một vòng chợ là có tất tần tật mọi thứ, đủ cả trên trời dưới biển. Bây giờ, mọi thứ đã công nghiệp hóa hết rồi. Cũng cốm, cũng mứt, cũng bánh, thế mà trông sao chúng quá đỗi vô hồn khiến cho những đứa con tôi chẳng thể nào biểu lội sự nôn nao chờ Tết. Chúng cứ bình thản như là không có gì xảy ra.

Mẹ tôi bây giờ đã già, nên cũng chẳng còn hơi sức đâu mà chăm lo cho ba ngày Tết. Bà tôi thì khuất núi lâu rồi nên cái việc Tết nhất bây giờ đôi khi chỉ là việc đối phó cho xong, để rồi trở lại với công việc “cơm áo gạo tiền” hàng ngày.

Dẫu biết rằng Tết bây giờ là thế! Nhưng không hiểu vì sao mà lòng vẫn cứ nôn nao, vẫn cứ đợi chờ xao xuyến mỗi khi hàng cúc tần trong vườn trổ hoa vàng rực. Và khi cội mai già của ngoại bắt đầu bung ra những nụ hoa vàng như nắng là khi ấy ký ức lại như vỡ òa, bắt ta phải nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ. Bắt ta phải nhớ lại những tháng ngày mòn mỏi chờ Tết đến để được mặc lên mình chiếc áo mới mà mẹ đã sắm sanh trước đó cả tháng trời, để rồi chạy cùng làng, cùng xóm như để khoe với chúng bạn rằng mình đang mới từ đầu đến chân.

Và mong Tết như mong những đồng bạc cắc mới tinh mà bà đã phải dành dụm từ nhiều tháng trước để đến sáng mồng một, sau khi cùng các anh chị đứng vòng tay chúc Tết bà, Tết mẹ, trong túi quần, túi áo mỗi đứa trẻ sẽ leng keng những đồng cắc mới tinh để đi khoe với lũ trẻ con hàng xóm.

Rồi cũng qua đi những cơn gió bấc cuối mùa. Rồi cũng qua đi cái háo hức nôn nao chờ Tết của trẻ con. Những cơn gió lạnh sẽ nhường chỗ cho nắng vàng trải khắp mặt sân. Những mảnh nắng vàng sóng sánh màu mật ong như tô điểm thêm cho những nụ hoa tầm xuân bé tí vừa nở tối qua. Tết trôi qua trong sự hoài niệm về một thời thơ dại và xen lẫn sự nuối tiếc ước gì Tết đến quanh năm của những tháng ngày tuổi thơ yên bình lãng mạn.

Nguyễn Khoa Thanh

Previous article2 điều người cao tuổi thực sự cần
Next articleThơ chúc mừng năm mới, tiễn biệt năm cũ hay