Home Ban Biên Tập Bình Chọn Tăng lương vẫn chưa đủ sống!?

Tăng lương vẫn chưa đủ sống!?

Nghe tới tăng lương thì chẳng ai vui bằng người lao động. Thế nhưng, niềm vui ấy lại "ngắn chẳng tày gang", bởi lương tăng thì ít, mà giá cả thì chẳng chịu đứng yên!

1183
0

Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, mức lương cơ sở mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vừa được Chính phủ ban hành sẽ tăng thêm 90.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2017. Tức là thay vì mức lương cũ 1.210.000 đồng/tháng, cán bộ công nhân viên chức sẽ nhận 1.300.000 đồng/tháng.

Theo mức lương mới này, nếu quy đổi ra hiện vật thì chỉ xấp xỉ 7 lít xăng, dăm ký gạo… điều này có vẻ khó đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức có mức sống khá trong xã hội, bởi lương tăng nhưng hàng hóa giá cả còn tăng trước cả lương.

Dĩ nhiên, tăng lương cũng là nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bởi vì tính ra mấy triệu người hưởng lương được phát thêm 90 nghìn đồng là con số không hề nhỏ mà ngân sách phải chi ra mỗi tháng. Đó là chưa kể phần trăm phụ cấp theo lĩnh vực, ngành nghề bám theo số tiền này.

Vấn đề ở đây là số tiền lương tăng thêm mỗi lần khó có thể bù vào khoản trượt giá tiêu dùng. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức sống phụ thuộc vào nguồn lương, nhưng sống không chỉ có ăn, uống mà còn đi lại, vui chơi giải trí để tái tạo sức lao động.

Ai cũng biết, nguồn thu nhập quyết định đến chất lượng công việc. Khi nguồn sống với cơm áo gạo tiền chưa được đảm bảo thì rất khó để người ta tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc. Phong trào buôn bán online nở rộ như hiện nay một phần là do nguồn thu nhập từ lương chưa thể đảm bảo một cuộc sống đủ để người lao động tạm quên đi áp lực trang trải.

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nguồn tiền dành cho tăng lương có thể nói là hạn hẹp, nhưng không phải không có cách để đột phá trong lĩnh vực này. Cách tốt nhất để tạo “cú hích” về tiền lương là tinh giản biên chế.

Cách này tuy không dễ nhưng nó giải quyết tận gốc rễ vấn đề, đảm bảo nguồn tiền ngân sách không bị bội chi, thậm chí có thể giảm tải để đầu tư vào các lĩnh vực khác. Khi biên chế giảm, một phần bớt cồng kềnh cho bộ máy, phần khác là dùng nguồn lương đó tăng cho những người đủ năng lực, trình độ, phẩm chất để họ an tâm cống hiến.

Theo tính toán, không chỉ ở khu vực công, tiền lương ở Việt Nam thuộc tốp thấp nhất khu vực. Cụ thể: Báo cáo lương năm 2016 của JobStreet.com cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có mức lương thấp nhất so với khu vực, đặc biệt có sự chênh lệch lớn với Singapore (5-6 lần) và Malaysia (2-3 lần).

Và một trong những hệ lụy nhãn tiền của tiền lương thấp là năng suất lao động của Việt Nam cũng thuộc vào nhóm thấp nhất khu vực, một khi năng suất lao động không cao thì kinh tế chậm phát triển, đến lượt kinh tế chậm phát triển thì nguồn tiền dành cho lương cũng bị hạn chế.

Bởi thế, nguồn thu nhập có mối quan hệ hữu cơ với sức mạnh của nền kinh tế, đây là “nút thắt” cần tháo càng sớm càng tốt. Nên tính toán, ít ra khoản lương tăng cũng phải đủ để bù cho tốc độ trượt giá như hiện nay.

Tinh giản biên chế và tăng lương tương xứng sẽ giải quyết được vô số vấn đề như cải thiện năng suất lao động, hạn chế nhũng nhiễu, gọn nhẹ bộ máy nhà nước, tạo hấp lực thu hút nhân tài trong khu vực công… và kết quả là nền kinh tế được bơm thêm động lực tăng trưởng.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Previous articleTháng Năm, tháng của những mùa nhớ
Next articleCách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa hè