Home Ban Biên Tập Bình Chọn Tâm sự trong nước mắt của bác sĩ cấp cứu cho 18...

Tâm sự trong nước mắt của bác sĩ cấp cứu cho 18 bệnh nhân sốc phản vệ tại Hòa Bình

“Nhiều điều dưỡng đã bật khóc khi thấy một số người thay đổi đột ngột diễn biến bệnh rồi tử vong. Ngay bản thân tôi cũng nghĩ đó là cơn ác mộng nhưng đó là sự thật mà mình phải chấp nhận”, BS Hoàng Công Tình tâm sự.

1151
0

Chiều 30/5, trong cuộc trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Hoàng Công Tình, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không giấu được khuôn mặt hoang mang, suy tư sau sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận.

Theo BS Tình, đến thời điểm hiện tại ở khoa Hồi sức tích cực đang tích cực điều trị cho bệnh nhân Nguyên (45 tuổi, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình).

Bệnh nhân này đã chạy thận tại bệnh viện được 7 năm, hiện các chỉ số rất xấu phải dùng máy hỗ trợ thở. 10 bệnh nhân còn lại được chuyển sang Bệnh viện TP Hòa Bình lọc máu sau đó đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

“Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân chạy thận phải lọc máu theo chu kỳ. Sau sự việc này, chúng tôi đã hỗ trợ, giới thiệu họ xuống Bạch Mai để tiếp tục điều trị”, vị phó trưởng khoa chia sẻ.

BS Tình cũng cho biết: “Đối với bệnh nhân chạy thận, có bệnh nhân gắn bó với chúng tôi gần 10 năm, người ít nhất cũng 1-2 năm. Bởi vì gặp nhiều nên chúng tôi biết hết tên, tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình và đôi khi biết hết tính cách, tâm lý bệnh nhân.

Người mắc bệnh thận mãn tính họ rơi vào trạng thái như trầm cảm, chán nản. Nhiều trường hợp họ muốn bỏ lọc vì họ thấy việc gắn bó với bệnh viện liên tục như vậy rất mệt mỏi. Những lúc như vậy, người thầy thuốc lại phải động viên bệnh nhân suy thận để họ có động lực chiến đấu với bệnh tật”.

“Khi xảy ra sự cố, tâm trạng đau xót của anh em chúng tôi, của nhân viên y tế nếu đo được cũng không kém người nhà bệnh nhân. Chúng tôi đau đớn như cảm giác mất đi người thân trong gia đình. Từ trưa qua tới giờ tôi không có cảm giác muốn ăn gì dù nhân viên cũng mua đồ ăn tới động viên.

Tôi thèm khát được khóc, được giải tỏa, chia sẻ với bệnh nhân nhưng tôi không thể làm thế được vì dưới mình còn 40 nhân viên, họ cần 1 chỉ huy, cần người kết nối công việc cho thật tốt”, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực bày tỏ.

Sau sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, 100 bệnh nhân đang chạy thận tại Hòa Bình phải chuyển xuống Hà Nội để tiếp tục chạy thận.

10h30 sáng 30/5, xe của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã đưa 20 bệnh nhân đầu tiên xuống đến Bệnh viện Thận Hà Nội. Sau chuyến xe nhiều giờ đồng hồ, hầu hết các bệnh nhân đều cảm thấy mệt nhưng được cán bộ của bệnh viện hướng dẫn vào khám sàng lọc ngay nên mọi người rất yên tâm.

Anh Đào Duy Tình, 37 tuổi, ở thành phố Hoà Bình cho biết, anh đã chạy thận được 10 năm. Hôm qua, sau khi nghe sự cố của những bệnh nhân chạy thận, lúc đầu anh cũng rất hoảng hốt và lo lắng.

“Mình cả đời gắn với máy chạy thận, giờ nghe như thế thấy vô cùng hoang mang. Nhưng hôm nay, sau khi được đưa xuống Hà Nội, được đón tiếp và bác sĩ chuẩn bị chu đáo, tận tình, tôi cũng đã yên tâm phần nào…”, anh Tình chia sẻ.

Bác sĩ Hà Huy Thắng, Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội là một trong hai cơ sở tiếp nhận thu dung các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chuyển xuống. Ngay từ đêm qua, Ban Giám đốc bệnh viện đã lên kế hoạch rất chi tiết, cụ thể để tiếp đón, khám sàng lọc cho các bệnh nhân được tốt nhất”.

Theo đó, Bệnh viện Thận Hà Nội sẽ phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Học viện Quân y, Viện 103, để khám, sàng lọc, phân loại những bệnh nhân nào phải cấp cứu thì chúng tôi sẽ kịp thời cấp cứu. Những bệnh nhân nào phải điều trị nội trú, bệnh viện đã bố trí vị trí để bệnh nhân được điều trị nội trú tiếp theo trong điều kiện thuận lợi và tốt nhất.

Sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, bác sĩ của Bệnh viện Thận Hà Nội đã làm xuyên trưa để thực hiện công tác khám, sàng lọc bệnh. Đầu giờ chiều ngày 30/5, bệnh viện lại tiếp tục đón thêm 30 bệnh nhân xuống.

Theo đó, những bệnh nhân nào khỏe mạnh, sau khi chạy thận xong sẽ được xe của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chờ sẵn để đưa về Hòa Bình, những bệnh nhân nặng phải nằm nội trú, Bệnh viện Thận Hà Nội sẽ bố trí chỗ ăn ở cho bệnh nhân.

Được biết, ngay trong trưa nay, Bệnh viện Thận Hà Nội cũng đã cung cấp những suất cơm bệnh lý miễn phí cho các bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống.

Theo Gia đình

Previous articleCó gì trong túi xách của những quý cô 50?
Next articleTháng Năm, tháng của những mùa nhớ