Home Ban Biên Tập Bình Chọn Tâm anh nhi

Tâm anh nhi

"Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại"

5163
0
Tam anh nhi

Sống trong xã hội hiện đại con người phải đối mặt với nhiều áp lực. Mọi người luôn trong tình trạng phải chạy đua với một thứ gì đó. Tâm trí ta, thân thể ta nó cứ xoay vòng, không an định.

Ai cũng mong cầu cho mình hạnh phúc nhưng phải chăng khi người ta càng khát khao hạnh phúc, thì họ lại càng cảm thấy đau khổ. Chúng ta càng muốn mình trở nên đầy đủ bao nhiêu thì cuộc sống lại càng thiếu thốn bấy nhiêu, mọi thứ dường như càng trở nên xa tầm với.

Chúng ta cứ hay từ chối cuộc sống của mình để chạy theo cuộc đời của người khác. Chúng ta so sánh mình với người người nọ người kia: Cao hơn thì cảm thấy tự mãn, thấp hơn họ thì cảm thấy tự ti. Dường như, chúng ta ít khi chịu an phận với cuộc đời của chính mình.

An phận là gì? Có phải là chúng ta trở thành một kẻ nhu nhược, từ chối đời sống để thu mình lại trong một góc khuất? Chúng ta không làm gì và chờ đợi mọi thứ từ trên trời rơi xuống? Ta gọi đấy là an nhiên?

Không bạn của Mùa gió heo may à! Tu không phải là việc bạn quay lưng với xã hội. Tu là tu từ tâm. Tu không phải là hình thức bên ngoài. Cho dù bạn có phóng sanh, ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền mà tâm bạn vẫn bất an, vẫn lăng xăng chuyện này chuyện kia thì việc tu của bạn phỏng có ích gì. Khi Tâm bạn trở nên an tịnh, không bị những phức tạp đời sống làm cho nhiễu nhương thì cũng tức là bạn đang Tu rồi. Bạn đừng nghĩ Tu là một việc đao to búa lớn mà chỉ những người đặc biệt mới theo được. Ai cũng có thể Tu và ai cũng cần phải Tu. Vì Tu thực chất là sống đời sống của mình một cách chân thực và trọn vẹn.

Tu không phải là hướng ra ngoài mà là quay vào bên trong. Thay vì nhòm ngó xã hội, ta nhìn lại chính mình. Tu vậy là từ Tâm mà tu. Khi nội tâm bạn trong sáng và thuần khiết thì bạn có sự an định, như câu thiền ngữ “Đối cảnh không Tâm chớ hỏi Thiền”. Hàng ngày đối mặt với những chuyện phức tạp trong đời sống mà Tâm bạn không bị nó chi phối và dẫn dắt đi, vậy thì ngồi Thiền hay không đâu còn quan trọng.

Tại sao bạn lại bị những thứ xung quanh dẫn dụ như vậy? Vì bạn thiếu tỉnh giác. Bạn luôn trong tình trạng “khởi niệm” về mọi thứ. Bạn ra đường thấy một người đẹp, bạn khởi niệm thích, rồi bạn nghĩ làm thế nào để đoạt được họ. Bạn tưởng tượng ra nghìn lẻ hình ảnh liên quan tới con người đó. Niệm khởi trong bạn cứ đi từ việc này sang việc khác theo kiểu dây chuyền. Cứ thế bạn cứ trôi đi mà không có điểm dừng. Bạn đi từ hết cảm xúc này sang cảm xúc khác, mà mọi thứ chỉ là sự tưởng tượng trong tâm trí. Từ một sự việc ở thời hiện tại, bạn tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai hoặc khơi dậy những ký ức trong quá khứ. Niệm tốt niệm xấu trong bạn đều có đủ, nhưng phỏng có ích gì? Ta có thể gọi nó là ảo ảnh hay ảo tưởng.

Có những chuyện rất đơn giản trong đời sống nhưng khi qua lăng kính diễn giải của tâm trí, sự việc từ đơn giản trở nên phức tạp. Bạn có nhớ câu chuyện “Người con gái Nam Xương”? Cái cách mà người chồng suy diễn về sự việc nó giống hiện tượng “nhìn sợi dây mà tưởng con rắn”. Khi chúng ta không trực tiếp chứng kiến một sự việc, chúng ta hay có khuynh hướng suy diễn về nó. Nó giống như người mù sờ voi. Vì không nhìn thấy sự việc nên mới phải mò mẫm và suy đoán; mà sự suy đoán thì nó chỉ là một khía cạnh của vấn đề chứ không phải là toàn bộ vấn đề. Khi mọi thứ chỉ được nhìn dưới một góc độ thì cũng có nghĩa là ta đang bẻ gãy, bóp méo chân tướng sự việc.

Khi bạn nhìn mọi thứ một cách phóng chiếu, mọi vấn đề từ đơn giản đều trở nên phức tạp. Bạn hãy nhìn trẻ nhỏ. Nó rất hồn nhiên và trong sáng, nó không suy nghĩ sâu xa như người lớn nên cuộc sống của trẻ nhỏ rất an nhiên. Người lớn phức tạp vì người lớn có quá nhiều diễn giải về mọi thứ. Đời sống của người lớn là một sự mê ngủ. Trí óc họ luôn trong trạng thái mơ tưởng, suy nghĩ của họ liên tục chập chờn từ việc này tới việc khác.

Khi bạn sử dụng tâm trí trong lúc làm việc trí óc, nó có ích. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng tâm trí vào những việc “chả để làm gì” thì bạn đang hủy hoại thần kinh của bạn. Chúng ta gần giống như người điên vì chúng ta thường có những suy nghĩ vẩn vơ, không đầu không cuối và độc thoại nội tâm một mình. Sống như vậy phải chăng là lãng phí? Thời gian cứ thế trôi đi và chúng ta đang làm điều vô nghĩa. Khi những khởi niệm trong bạn là những ý niệm tồi, nó khiến ta trở nên tiêu cực và hằn học cuộc sống.

Tu là sống như trẻ nhỏ, hay người ta vẫn thường gọi với cái tên mĩ miều “tâm anh nhi”: Hồn nhiên, trong sáng, sống một cách chân thực, không giả tưởng.

Ngọc Anh

Previous articleLưu ý khi chọn thực phẩm cho bệnh nhân tiểu đường
Next articleNgười thầy giáo đánh bại ung thư phổi giai đoạn cuối nhờ lá đu đủ