Các thức ăn không được sử dụng
Đối với các bệnh nhân Gút, tuyệt đối không được sử dụng các loại rượu mạnh để tránh các cơn gút cấp có thể xảy ra. Ngoài ra, cũng không sử dụng các loại thức ăn chứa quá nhiều purine, protein như nội tạng động vật (tim, gan, thận, óc… )
Các thức ăn hạn chế sử dụng
Các bệnh nhân Gút thường có trọng lượng cơ thể lớn. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, khả năng axit uric trong máu giảm giúp giảm bệnh gút có thể xảy ra khi bệnh nhân áp dụng các phương pháp giảm cân thành công. Vì vậy, các thực phẩm sau đã được khuyến cáo sử dụng hạn chế với bệnh nhân Gút:
– Các loại thịt có màu đỏ, chứa nhiều protein, lạp xưởng, dầu cá…
– Các loại hải sản như tôm, cua, mực…
– Các loại nấm, măng tây, quả chua, dưa muối
– Các loại nước có ga hoặc chứa chất kích thích như cacao, trà, cà phê…
– Các loại đường mía, đường củ cải
– Các món chiên, xào chứa nhiều dầu mỡ
Các thức ăn nên dùng
Để đáp ứng nhu cầu về protein cho cơ thể, bệnh nhân nên sử dụng các thực phẩm chứa protein tốt như đậu phụ, trứng, lạc, sữa ít hoặc không chứa chất béo.
Các loại thức ăn chứa nhiều carbohydrat sẽ hỗ trợ quá trình điều trị bệnh Gút nhờ khả năng làm giảm nồng độ axit uric trong máu và thúc đẩy việc đào thải axit uric ra ngoài thông qua nước tiểu. Những thực phẩm tiêu biểu ở nhóm này là bánh mỳ, ngũ cốc, gạo…
Bệnh nhân Gút nên uống ít nhất 7 ly nước mỗi ngày. Khả năng hấp thụ nhiều nước sẽ tránh nguy cơ axit uric tồn đọng trong cơ thể. Nếu có thể, hãy sử dụng nước khoáng không ga chứa nhiều kiềm để thanh lọc axit uric tốt hơn.
Bệnh nhân Gút được khuyến cáo sử dụng nhiều rau, trái cây trong quá trình điều trị. Mỗi ngày nên sử dụng ít nhất 1kg rau xanh và nhiều loại trái cây. Những loại rau, quả đặc biệt phù hợp cho quá trình điều trị bệnh gút là rau cần, súp lơ, dưa chuột, cải xanh, cà, cải bắp, củ cải, khoai tây, bí đỏ, bí xanh, dưa hấu, đậu đỏ, lê, táo và nho. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến loại thực phẩm này, không nên sử dụng nhiều dầu để chiên cũng như các loại gia vị gây hưng phấn thần kinh như hồi, quế, ớt, tiêu…
Các lưu ý khác
Ngoài việc áp dụng thực đơn với các thực phẩm kể trên, bệnh nhân gút cũng cần quan tâm đến chế độ sinh hoạt, vận động hàng ngày. Họ nên lựa chọn các hình thức vận động nhẹ nhàng, vừa sức để tránh gặp phải các cơn gút cấp. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng cần giữ được tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, luôn giữ thân nhiệt hợp lý, không để quá lạnh hay làm việc quá sức.
Đối với bệnh nhân gút, chế độ ăn uống hợp lý tác động rất nhiều đến khả năng hồi phục của cơ thể. Trong nhiều trường hợp, chế độ ăn uống tốt sẽ giúp người bệnh dần dần ít phải sử dụng thuốc điều trị hơn. Với những lưu ý kể trên, hi vọng bạn sẽ có được kiến thức cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe cũng như chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe gia đình.