Đã là con người, thì sẽ thích bày tỏ quan điểm cá nhân của mình hơn, thích nói hơn, thích người khác lắng nghe mình hơn là dành thời gian lắng nghe người khác. Lắng nghe đã là một kỹ năng khó, vì nó cần quá trình rèn luyện và trái tim bao dung. Lắng nghe không phán xét thì còn khó hơn gấp một vạn lần.
Đã là con người, ai cũng mang theo bên mình một bao tải những hành trang trải nghiệm, niềm tin, định kiến cá nhân mà bạn nhặt nhạnh trong suốt hành trình cuộc sống từ lúc sinh ra đến hôm nay. Trong đó, có rất nhiều niềm tin bị lập trình vào tâm trí, từ qui định của thế giới, của xã hội bên ngoài, từ các bộ luật viết dày cộm đến luật bất thành văn. Nghĩa là, đương nhiên ta đang xây một bức tường cao vun vút của những định kiến hết sức cá nhân. Vậy, rồi sao mà ngồi nghe ai đó nói? Có khi người ta chưa kịp nói, mình đã nhảy vào họng người ta la lối chỉ trích rồi. Nói chi đến chuyện lắng nghe không phán xét. Không thì, mình sẽ chẳng có nghe gì ráo. Chỉ ngồi đó liên hệ với dữ liệu sẵn có trong não, rồi nghĩ cách đối phó, trả lời, chỉ trích, khuyên bảo người ta.
Ủa, nhưng nếu không lắng nghe không phán xét thì làm sao bạn tìm ra sự thật, nghe được câu chuyện nguyên bản, hiểu được những cảm xúc bản nguyên? Mà không hiểu được sự thật, hiểu đủ và hiểu đúng câu chuyện của người ta thì làm sao mà có dữ liệu đúng để mà đối lại? Nghe theo kiểu chọn cái gì liên quan tới mình mới nghe thì đâu phải là nghe. Đó là đi siêu thị kiếm hàng nào hợp với dáng mình thì chọn bỏ vô giỏ hàng. Vậy, thì quá sức biased – thiên kiến theo ý mình rồi chớ nghe gì câu chuyện của người ta? Rồi, với đám dữ liệu chọn lựa, không đủ không đúng đó, bạn phản ứng. Dữ liệu không chính xác thì làm sao phản ứng chính xác? Input – đầu vào không chính xác thì làm sao output – đầu ra chính xác? Vậy thì ngồi đó phí thời gian chi? Khỏi nghe cũng được mà.
Cho nên, hoặc là muốn làm gì làm, khỏi nghe. Hai là, đã nghe thì phải rèn luyện kỹ năng nghe không phán xét. Lỡ nghe rồi thì nghe và thu thập dữ liệu cho đúng, cho chính xác để còn process – xử lý thông tin chính xác và đưa ra phản ứng phù hợp. Bằng không, mọi phản ứng, quyết định, hành động dựa trên câu chuyện bạn vừa nghe là vô căn cứ. Ai rảnh quá thì làm vậy. Còn không rảnh thì tập trung chỉ lắng nghe, đừng cho phép suy nghĩ, liên hệ, định kiến thành kiến gì của mình chen vào hết. Chuyện này rất dễ mà rất khó. Chỉ có người thật sự quan tâm đến người khác, đến câu chuyện nguyên bản của họ, đến tâm thế mong muốn giúp đỡ người khác một cách vô vụ lợi mới có thể lắng nghe không phán xét. Chớ không thì mới nói 3 câu đã rình rập nghĩ cách xử người ta.
Giờ, bạn phản tư đi chút đi. Bạn có lắng nghe không phán xét không? Bạn có hay, người ta chưa nói xong đã phản ứng không? Hay người ta chưa kịp nói vấn đề bạn đã đưa ra giải pháp? Nếu thế, thì 80% tất cả phản ứng, giải pháp, quyết định của bạn đến giờ đều sai cả, vì thông tin đầu vào của bạn có chính xác đâu. Còn nếu bạn lắng nghe không phán xét mà chỉ tiếp nhận thông tin thì, 80% phản ứng của bạn trong đời này sẽ đúng. Đơn giản chỉ vì nó dựa trên sự thật. Chỉ làm 1 chuyện này thôi, lắng nghe không phán xét, bạn sẽ giảm được 80% vấn đề và rắc rối trong đời, tăng 80% thời gian rảnh rỗi để làm nhiều điều có giá trị khiến cho cuộc sống hạnh phúc hơn.
Nguyễn Phi Vân