Con cái trưởng thành ra ở riêng hết chỉ còn ông bà sống trong căn hộ 3 buồng nơi khu tập thế sát bờ sông. Như mọi ngày cơm nước xong, bà dọn dẹp bếp núc, ông lên nhà bật Tivi, pha ấm trà nhân trần thư thả ngồi uống xem mấy chương trình thời sự.
Khi bà từ dưới bếp lên, ông rót cốc trà nóng đưa tận tay bà, chuyển kênh phim cho bà xem, rồi họ lặng lẽ theo dõi phim trên truyền hình cho đến khi bà đấm lưng thùm thụp đứng dậy vào ngủ trước. Ông xem thêm chút rồi tắt Tivi kiểm tra cửa rả rồi đi nằm. Ngang qua phòng bà đã thấy bà ngáy pho pho.
Chả biết từ bao giờ họ gọi nhau là ông, là bà thay cho cách gọi anh, em ngọt ngào theo suốt mấy chục năm. Cũng chẳng nhớ từ bao giờ ông bà ra nằm riêng mỗi người mỗi phòng. Chắc tại bà kêu ông ngáy to nhất là hôm nào vui bạn bè uống vài chén rượu. Ông cũng phàn nàn bà có thói quen cứ dọng chân xuống giường thình thịch mỗi khi mỏi.
Cái gì mãi rồi cũng thành quen. Đôi khi bà muốn gọi ông là anh như ngày nào cho tình cảm mà thấy ngượng ngùng. Lắm lúc người ngây ngây sốt đắp cả cái chăn dầy vẫn lạnh, ông định qua phòng bà nằm cạnh tìm chút hơi ấm lại lo bà mất ngủ, cũng thôi.
Tối nay, khi bà vừa dưới bếp lên ngồi xuống ghế định xem Tivi thì điện vụt mất. Ông loay hoay bật lửa châm chiếc đèn dầu. Ông bà ngồi đối diện nhau mà chẳng nói lời nào. Không gian tĩnh mịch quá. Nghe rõ cả tiếng gió rì rào ngoài cửa sổ. Bỗng bà bật tiếng: “Nghe đâu như tiếng con uềnh uôm nó kêu”.
Ông nhướn mắt hỏi lại: “Con gì kêu?”
“Con uềnh uôm chứ con gì?”
“Con ễnh ương chứ. Từ cha sinh mẹ đẻ tôi chưa nghe ai nói con uềnh uôm như bà.”
Thế là họ cãi nhau. Kết quả là sáng hôm sau bà không thấy ông ngồi uống trà bên bàn nữa. Bà lẩm bẩm: “Lại sang thằng cả tá túc chứ gì. Thây kệ”.
Trưa bà ngồi ăn cơm một mình thấy chả ngon lành gì. Tối bà ngồi coi Tivi mà chả xem chương trình gì ra đầu ra đũa. Đêm bà nằm nhớ thời có mang thằng lớn. Ông mừng lắm, hỏi bà: Em định đặt tên con là gì?
Anh đặt đi, bà nũng nịu: Tuỳ anh.
Không ngờ khi sinh con, trong giấy khai sinh, con của ông bà được đặt là Tuỳ Anh, Nguyễn Văn Tuỳ Anh.
Đến đứa con gái thứ hai, bà hỏi ông đặt tên gì? Ông âu yếm nhìn bà bảo: Tuỳ em.
Và kết quả tên đứa thứ hai được đặt là Tuỳ Em, Nguyễn Thị Tuỳ Em.
Cả tuần vắng bóng ông nhà cửa trống vắng làm bà nghĩ lại, có lẽ mình không nên đôi chối với chồng mấy chuyện cỏn con làm gì. Còn ông, mấy ngày ở với con với cháu cũng thấy vui mà sao lòng ông vẫn như lửa đốt. Cảm giác thiêu thiếu cũng làm ông nghĩ lại. Có lẽ mình nên nhường nhịn bà cho êm cửa ấm nhà.
Hôm ông quay về, bà đón ông nơi bậu cửa, ông chưa kịp nói điều mình định nói bà đã đon đả: “Tôi hỏi người ta rồi ông ạ. Nói như ông mới đúng. Là con ễnh ương. Tôi nói sai”.
Ông cười gượng gạo: “Không bà nói mới đúng. Nó là con uềnh uôm. Tôi sai rồi”.
Ông bà nhìn nhau cười. Chẳng cần nói lời nào, họ đều hiểu trong lòng người kia đang nghĩ gì
————
Câu chuyện trên hẳn nhiều người sẽ chê trách chuyện mộng mơ, không thực, đời đâu ra những chuyện hay như trên phim thế này. Bản thân tôi người kể câu chuyện này cho các bạn cũng chẳng phân định được thật – giả, chỉ là cách để chúng ta thấu rõ hơn tình cảm cuộc đời. Trở lại câu chuyện bàn về thế nào là một cuộc hôn nhân hạnh phúc? Đó có phải là bánh và hoa, tiền bạc và của cải, lãng mạn với ánh nến, cưng chiều hết mực, tình cảm, ân cần? Buổi ban đầu, có nhiều điều để người ta đánh giá đó có phải là cuộc hôn nhân hạnh phúc không bởi mọi điều đều là mới mẻ. Lãng mạn, vật chất, nến và hoa, tình cảm mặn nồng rực cháy đều cần đủ không thiếu thứ gì. Thời gian trôi đi, người yêu rực cháy thuở nào giờ còn là tình thân, tình thương với người bạn đời thân thuộc. Lúc này, nếu vẫn giữ được sự yêu thương, nghĩ cho nhau, vì nhau dù tình đã nhạt thì quả là một cuộc hôn nhân hạnh phúc đáng mong đợi và hy sinh sau bao năm tháng nhọc nhằn.
Nhường và nhịn người bạn đời của mình, tôi gọi đó là phẩm chất cần có và đáng trân quý trong hôn nhân. Bởi mỗi người sinh ra đều không hoàn hảo, có sở thích, tính cách và nhịn nhận về cuộc sống theo cách riêng của mình, vậy nên để nhường nhịn được người bạn đời, điều ta cần không chỉ có mỗi yêu thương mà còn nhiều hơn tình thương dành cho nửa còn lại.
Hạnh phúc trong hôn nhân đến cùng là sự cảm thông và chia sẻ dù lúc mới về chung hay đã sang bên kia sườn dốc.