Home Ban Biên Tập Bình Chọn Hoài niệm về các rạp chiếu phim cũ ở Hà Nội

Hoài niệm về các rạp chiếu phim cũ ở Hà Nội

3376
0
rap chieu phim cu o ha noi

Chiều nay, nhìn cô cháu gái xúng xính váy áo đi xem phim cùng bạn bè, tôi lại nhớ đến những ngày tháng trước kia. Những ngày tháng, tôi cũng như nó háo hức, bồn chồn xen lẫn vui sướng vì sắp được xem phim. Ký ức đã xa nhưng tôi vẫn chưa bao giờ quên lãng mà vẫn còn nhớ như in.

Những năm 80, cả Hà Nội này có đến hơn 20 rạp chiếu phim nổi tiếng như rạp Bạch Mai, rạp Đại Nam, rạp Tháng Tám, rạp Kim Đồng,… Lớp người đã đi qua những năm tháng khó khăn của đất nước chắc hẳn không bao giờ quên. Ngày đó, hàng tuần, rạp chiếu phim nào cũng thay đổi pano giới thiệu, thậm chí nhiều đến mức người ta có thể nói rằng, họa sĩ chuyên vẽ pano chỉ cần vẽ tranh là đủ tiền sinh sống.

Cái thời đó, nhu cầu xem phim của người Hà Nội cao lắm và các rạp chiếu phim cũng không đủ phim để phục vụ người dân. Đó là lý do vì sao mà hằng ngày cứ rạp này chiếu xong một cuốn thì rạp kia sẽ chiếu cuốn tiếp theo. Cứ như thế, một bộ phim sẽ tung hoành cả ngày lẫn đêm ở tất cả các rạp. Nghĩ lại thấy vui, đến ngày hè là mọi người lại dắt díu nhau đến rạp Kim Đồng xem phim từ sáng sớm. Ở đây thường chiếu phim của các nước xã hội chủ nghĩa như “Ba người lính ngự lâm”, “Nàng tiên cá’, “Những người báo thù không bao giờ bị bắt”…. mà bất cứ ai là thế hệ như chúng tôi đều đã một lần nghe qua.

rap chieu phim cu o ha noi

Rạp chiếu phim ngày xưa thực sự là nơi chứng kiến vô số chuyện buồn vui. Thường thì mấy rạp chiếu phim đều có lưng áp vào nhà dân. Thế là lũ trẻ con lại trốn vé, tận dụng lợi thế này bằng cách leo từ nhà vệ sinh của khu dân cư sang nhà vệ sinh của rạp chiếu và cứ thể lẻn vào rạp xem. Ban đầu thì việc còn trót lọt nhưng sau đó rạp cử hẳn một bảo vệ đứng đấy túc trực, và thế là bắt được đứa nào, đứa đó sẽ bị véo lỗ tai, đỏ ửng cả lên.

Ngày đó xem phim ở rạp Kim Đồng bực mình nhất là lúc đang xem lại bị cúp điện, khán giả phải ngồi chờ. Ngồi chờ chán chường rồi rạp lại thông báo hủy, khán giả nhận lại vé và ngày mai đến xem tiếp. Rồi cũng có hôm đến giờ chiếu rồi mà vẫn chưa có điện, lại tiếp tục chờ. Khổ hơn là lúc đang xem phim thì trời mưa, nước mưa cứ thế theo ống thông khí trên trần chảy thành dòng vào rạp. Hoặc, nếu ai đã từng đi xem phim rạp ngày xưa chắc hẳn không quên được kỷ niệm phải đứng xếp hàng hằng giờ để mua vé.

Nhưng xã hội ngày càng phát triển, dần dần không có chỗ cho những rạp chiếu phim bao cấp, cũ kỹ. Các rạp chiếu phim xuống cấp, quạt không đủ mạnh để xoa đi cái nắng ngày hè, phim nhập về ít và không hay, rạp nóng, ghế gãy, công nghệ thấp… đó là lý do vì sao người ta ít mặn mà với các rạp chiếu phim truyền thống hơn.

Đến những năm 90, khi đầu video dần du nhập vào nước ta thì thời đại của các rạp chiếu phim bắt đầu đi vào lụi tàn. Đi trên đường ít nghe người ta bàn tán xôn xao chuyện tối nay xem phim gì, ở đâu. Những rạp chiếu phim bây giờ trở thành bãi đỗ ô tô, vũ trường…. Cũng có một vài rạp kéo dài được vài năm như rạp Ngọc Khánh, rạp Fanlands trên phố Lý Thường Kiệt,… nhưng rồi cuối cùng cũng không đến đâu.

Cái cũ qua đi, cái mới lại đến đó là quy luật của tự nhiên và hiển nhiên phải thế. Đó là lý do tại sao những rạp chiếu phim ở Hà Nội lại bắt đầu rầm rộ trở lại vào đầu thế kỷ thứ 21, khi mà bộ phim “titanic” bắt đầu làm mưa làm gió trên thị trường phim. Những rạp chiếu phim mới hơn, hiện đại hơn, áp dụng đủ thứ công nghệ từ 3D, âm thanh vòng, …Thế nhưng, người Hà Nội, trong đó có tôi mỗi khi đi qua các rạp chiếu truyền thống ngày nào vẫn còn một chút gì đó tiếc nuối, bồi hồi với những ký ức xưa bỗng nhiên ùa về,….

Tô Thành Vinh

Previous articleThiền – Lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe, tinh thần
Next articleNỗi lòng làm mẹ của con chồng