Thời cổ đại mọi người coi chữ Hiếu vô cùng quan trọng, thường nói: “Trăm cái thiện thì Hiếu đứng trước tiên, vạn điều ác thì dâm đứng đầu” (nguyên văn: Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ). Mọi người cũng thường nói: “Hiếu kính người già thì Trời giáng phúc” (nguyên văn: Hiếu kính lão nhân thiên giáng phúc).
Đoạn đầu tiên trong Đệ tử quy – sách dạy luân lý đạo đức cho trẻ em xưa, đã viết như sau:
Phép người con, Thánh nhân dạy.
Hiếu đễ trước, rồi cẩn tín.
Yêu rộng khắp, gần người nhân.
Có dư sức, thì học văn.
Nguyên văn:
Đệ tử quy, Thánh nhân huấn.
Thủ hiếu đễ, thứ cẩn tín.
Phiếm ái chúng, nhi thân nhân.
Hữu dư lực, tắc học văn
Thời xưa chữ Hiếu chủ yếu là nói con cái hiếu kính với cha mẹ, con dâu hiếu kính với cha mẹ chồng. Hiện nay thời đại đã thay đổi rồi, có rất nhiều gia đình chỉ có một con trai hoặc một con gái, hoặc 2 con gái, 3 con gái,… thế nên con rể hiếu kính với cha mẹ vợ cũng vô cùng quan trọng. Đặt mình vào vị trí cha mẹ mà suy nghĩ cho cha mẹ, thì dù là vợ chồng trẻ, vợ chồng trung niên hay vợ chồng già, thì hiếu kính với tứ thân phụ mẫu cũng đều quan trọng như nhau.
“Thân Hiếu” là một trong những cái gốc để làm người
Hiếu tức là cảm ân, báo ân, báo đáp ân tình cha mẹ mang thai 10 tháng, báo đáp ân tình cha mẹ dưỡng dục mười mấy, thậm chí hai mươi mấy năm. Đồng thời hiếu là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Hiếu là đạo lý bất biến của Trời Đất.
Có người nói chữ Hiếu có 3 tầng thứ, thứ nhất là thân hiếu, thứ 2 là tâm hiếu và thứ 3 là chí hiếu. Thân hiếu là cung phụng nuôi dưỡng cha mẹ không còn khả năng lao động, khiến cha mẹ được ăn no, mặc ấm, có bệnh thì đưa cha mẹ đi khám chữa bệnh, khiến cha mẹ không phải lo về cái ăn cái mặc, vui hưởng tuổi già.
“Tâm hiếu” chính là trong tâm luôn nghĩ đến cha mẹ
Tâm hiếu trong đời sống chính là trong tâm luôn nghĩ đến cha mẹ. Lời nói phải để cha mẹ thuận tai, làm việc phải để cha mẹ thuận mắt, hết thảy đều khiến cha mẹ vừa lòng. Bởi cha mẹ không thể ăn đời ở kiếp cùng ta, nhìn xem còn được bao nhiêu năm ta còn có thể vui vầy cùng bố mẹ, chuyện đơn giản là làm cho họ vui lòng còn không được thì việc gì cho xong?
“Chí hiếu” chính là làm người con có chí hướng lớn lao, khiến cha mẹ tự hào vì con
Hiếu thân là cơ bản nhất, mỗi người đều nên phải làm được, đều có thể làm được. Có thức ăn cho con cái được thì cũng có thức ăn cho cha mẹ được. Có quần áo cho mình mặc thì cũng nên có quần áo cho cha mẹ.
Hiếu tâm thì phải gắng sức nỗ lực mới làm được, mấu chốt là xem cái tâm của con cái. Ví dụ, cha mẹ không muốn nhìn thấy con cái đem tiền đi chơi bài bạc thì con cái không đi. Cha mẹ không muốn nhìn thấy con cái uống rượu đi xe, say rượu lái xe thì con cái không được làm như vậy. Cha mẹ không muốn trông thấy con cái sinh chuyện thị phi thì con cái phải an phận giữ mình. Có câu nói thế này: “Tấm lòng của các bậc cha mẹ trong thiên hạ thật đáng thương”. Cha mẹ muốn thấy con cái khiêm tốn, cẩn thận, cần kiệm chăm lo việc nhà, hiếu học vươn lên. Con cái làm theo nguyện vọng của cha mẹ thì kết quả nhất định sẽ tốt.
Chí hiếu thì không phải mỗi người ai cũng có thể làm được, vì nó cần các loại nhân tố tác thành. Ví dụ bản thân cần phải có mục tiêu chính xác truy cầu, phải có chí, có đức và có phúc phận, còn phải có thể khắc chế bản thân, không được muốn làm cái gì liền làm cái ấy, mà phải biết nên làm cái gì thì mới làm cái ấy, ở mọi lúc mọi nơi, đều lấy tiêu chuẩn của bậc chính nhân quân tử mà yêu cầu bản thân. Tham lam, lười biếng, khôn ranh khẳng định là không thể thành tài được.
Chúng ta nên ghi nhớ rằng, trên đầu ba thước có Thần linh, mắt Thần như điện, người đang làm Trời đang nhìn. Mình làm gì, bất kể là việc tốt hay việc xấu, thậm chí mỗi từng suy nghĩ, mỗi ý niệm của mình thì ông Trời cũng đều ghi chép lại đầy đủ, không mảy may sai lệch. Hy vọng mỗi người chúng ta đều có thể bước đi tốt trên con đường đời của mình, đều có được tương lai tươi đẹp.
Đương nhiên con người không phải Thánh hiền, vậy nên cũng có lúc sai lầm và mắc lỗi. “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán”, đứa con tội lỗi lang bạt biết hối lỗi quay đầu trở về thì rất đáng quý, ngàn vàng cũng không thể đánh đổi được. Biết sai mà có thể sửa thì không cái thiện nào lớn hơn.
Sưu tầm