Dạ cổ hoài lang: Nốt nhạc buồn chân quê từ âm nhạc…
“Dạ cổ hoài lang” là sáng tác của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (còn gọi là Sáu Lầu). Với giọng hát vượt thời đại – Nghệ sĩ Hương Lan – giai điệu thăng trầm, khắc khoải của bài vọng cổ đã đi sâu vào bao thế hệ kẻ sĩ cùng dân quê Nam Bộ một thời.
Ngay từ những ca từ đầu tiên: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng…”, người nghe chúng ta dễ dàng cảm nhận được tiếng lòng của niềm riêng cá nhân – người chinh phụ đợi chồng nơi chiến trận – đã được hòa dần vào nỗi buồn chung của thời vọng quốc. Dù buồn, nhưng không hề bi lụy, phong thái lạc quan xuất hiện cuối bài hát như mở thêm một chân trời mới về niềm tin phận nước; nỗi ai oán vì xa cách và nhung nhớ chồng riêng tư đã được gửi gắm trọn vẹn vào tiếng lòng sâu thẳm hơn của bao vạn người dân nhớ nước vì xa quê những năm đầu thế kỉ XX. Ở đó, mỗi chúng ta đều thấy được cả mơ ước và khát khao riêng của chính mình – nhất là khi đã bước qua độ tuổi trung niên – giai đoạn hoài niệm và tiếc lưu những giá trị cũ xưa đáng trân quý.
…đến kịch nói và phiên bản điện ảnh.
Nếu ai đã từng xem vở kịch “Dạ cổ hoài lang” do nghệ sĩ Thanh Hoàng viết, thì khi theo dõi phiên bản điện ảnh do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được sự mở rộng về bối cảnh không gian, thời gian, tình huống lẫn nhân vật trong phim sâu sắc hơn, thấm đượm hồn quê hơn. Cũng từ đây, “Dạ cổ hoài lang” không còn là bản vọng cổ thiết tha tiếng lòng của riêng người chinh phụ nữa, mà nó đã trở thành những cảm xúc nghẹn ngào và đau đáu của những người xa quê luôn chờ trông có nơi nào đó để trở về.
Kịch bản phim được mở rộng khá chỉn chu, có hài có bi, cười được khóc được. Phim kể về câu chuyện đời của hai người đàn ông – Tư Lành (Hoài Linh đóng), Năm Triều (Chí Tài đảm nhận) thời trai trẻ là tình địch của nhau – tương phùng trên đất Mỹ xa xôi sau bao năm cực khổ và khắc nghiệt. Họ cuối cùng lại làm tri kỉ và chia sẻ cho nhau những khó khăn, hoài niệm quê hương khi về già, dù con cháu đầy đủ, quay quần. Có lẽ, điều ám ảnh nhất trong phim là vai người cha của Tư Lành, tuy xuất hiện ít nhưng thật tuyệt, nhất là lúc ông ngồi đọc lại cuốn nhật ký cũ và khóc rưng rức. Đúng kiểu nước mắt đàn ông, khắc khổ lắm, khó khăn lắm mới dám tuôn ra một lần. Và bài ca “Dạ cổ hoài lang” như “khúc ruột” gắn liền tuổi thơ nơi “chôn nhau cắt rốn” nghèo khổ đầy nghĩa tình của những số phận vì lẽ đời phải rời xa quê.
Trong hồi ức của mỗi người đều có một bài ca “Dạ Cổ Hoài Lang” khác nhau, nhưng bộ phim này vẫn sẽ chạm đến trái tim mọi khán giả – nhất là những con người đã qua rồi cái thời tuổi trẻ mang trong mình nhiệt huyết và lý tưởng riêng, bởi vì tất cả đều có chung một quê hương.
Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên từng ngày, là ngăn tủ cất giữ bao kỷ niệm tươi đẹp nhất, thiêng liêng nhất thời ấu thơ. Với Năm Triều, Tư Lành, và với mỗi chúng ta nữa, quê hương mang mỗi hình mỗi dạng khác nhau. Quê hương hiện lên trong những chiều mơ màng nghe tiếng ầu ơ của mẹ, là dòng suối mát lượn quanh những cánh đồng lúa chín đòng đòng trong những câu chuyện cổ tích của bà, có khi là bến nước sân đình, là hàng dừa xanh mướt mắt, là bãi biển dài cát trắng phau ngút ngàn đến vô tận, hay là làn khói bếp buổi chiều tà – mái nhà hiện lên thật ấm áp, thân thương quá đỗi.
Với những người con xa quê, xa những giá trị bình dị, tất cả hình ảnh về quê hương đều hiện lên hư hư ảo ảo, nhưng lại bình yên đến cháy lòng. Ôi cái mùi quê hương yêu dấu, dù đi đến đâu ta cũng sẽ vẫn nhớ, vẫn yêu. Chỉ khi chạm đến ngưỡng cửa tứ tuần, chúng ta mới thấm thía một điều rằng, cuộc đời này thật chẳng giống như quyển sách, vừa đọc vài trang đầu đã đoán được kết thúc ra sao. Nó vốn dĩ phức tạp hơn thế, và mỗi chúng ta chỉ có thể lựa chọn đọc tiếp hay gấp lại và chuyển sang những “trang đời” khác. Thật vất vả và cay đắng biết bao nhiêu!
Đâu đó trong các nhân vật ấy, chúng ta thấy phảng phất bóng dáng mình ẩn hiện trong những nốt nhạc buồn sâu thẳm xa xăm về cuộc đời và những giá trị mộc mạc đáng quý đáng yêu. Những Năm Triều, những Tư Lành ấy thật đậm cái tình và giữ trọn hồn quê!
N. Trúc