Home Lời Hay Ý Đẹp Cuộc sống tốt đẹp hơn chỉ khi bạn tích cực…dù chỉ là...

Cuộc sống tốt đẹp hơn chỉ khi bạn tích cực…dù chỉ là trong suy nghĩ

225
0

Thất bại, khó khăn, gặp phải điều không may,…là những điều có thể xảy đến với cuộc sống của chúng ta bất cứ lúc nào kể cả bạn là người giàu có hay kẻ nghèo khó. Vấn đề là, khi gặp khó khăn, vấp ngã,…bạn dùng tâm thái nào để mà đối mặt. Sử dụng một thái độ, hướng nhìn tích cực, cuộc sống có lẽ vốn không quá khó khăn như bản thân ta nghĩ.

————-

Trong lúc ngồi chờ đợi ông bạn già của tôi – 1 chuyên gia tâm lý – tại quán trà nóng ven đường, một nỗi thất vọng chán chường xâm lấn tâm hồn tôi. Chỉ vì vài tính toán sai lầm đã khiến cho dự án kinh doanh quan trọng trong cuộc đời tôi tan thành mây khói.

– Xin chào anh bạn trẻ, có chuyện gì với cậu à? – Ông bạn già thẳng thắn hỏi tôi mà không cần rào đón.

Từ lâu tôi đã không còn ngạc nhiên trước sự tinh tế, đôn hậu và từng trải của ông, vì thế tôi bắt đầu kể lể về những điều đang khiến mình phải phiền lòng… Với một niềm kiêu hãnh xen chút buồn rầu, tôi cố gắng thành thật, không đổ lỗi cho ai vì những thất bại của mình mà chỉ biết trách bản thân. Tôi phân tích tất cả mọi điều, tất cả những khuyết điểm, những hành động sai lầm. Tôi vẫn tiếp tục nói thêm khoảng 15 phút nữa, trong khi ông bạn già của tôi kiên nhẫn ngồi nhấp cà phê và im lặng…

Khi tôi nói xong, ông khẽ khàng đặt cái ly xuống và bảo:

– Nào anh bạn, mời anh đến văn phòng cùng tôi nào.

– Văn phòng của ông ư? Ông để quên gì sao?

– Không. Tôi chỉ muốn cậu thấy một vài điều. Chỉ vậy thôi. – Ông nhẹ nhàng nói.

Bên ngoài bắt đầu lất phất mưa phùn, không gian chìm trong sương mờ và làn khói bụi, khiến cho người ta có cảm giác khoảng trời phía xa kia cứ âm âm u u như gà úp thúng… Nhưng văn phòng của ông thì vẫn ấm áp, sáng sủa, tiện nghi và thân thuộc.

Người bạn già của tôi lấy ra một chiếc thẻ nhớ, ông mỉm cười, nói:

– Trong chiếc thẻ này có ba đoạn ghi âm ngắn về ba người khác nhau đến xin tôi giúp đỡ. Tôi muốn cậu lắng nghe những đoạn ghi âm này và xem cậu có thể lựa chọn ra hai từ chung cho cả 3 trường hợp này hay không?

Với tôi, điểm tương đồng của ba người kể chuyện trong máy ghi âm này có lẽ chính là sự bất hạnh: Người đầu tiên rõ ràng đã phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng do việc kinh doanh thua lỗ. Anh ta nhiếc móc mình rằng đã không làm việc chăm chỉ và không vững tin vào con đường phía trước… Người phụ nữ cất tiếng sau đó chưa kết hôn vì cô cảm thấy mình phải có trách nhiệm với người mẹ già yếu. Cô ấy nhớ lại trong tiếc nuối và đau khổ về những cơ hội có thể xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc mà cô đã từ bỏ… Giọng nói thứ ba là của một người mẹ có thằng con trai vừa gặp rắc rối với lô đề và thuốc lắc; bà ấy trách mình đã không biết dạy dỗ nó…

Người bạn già của tôi tắt máy, chỉnh lại tư thế ngồi cho ngay ngắn rồi điềm tĩnh hỏi:

– Trong những đoạn ghi âm này có một từ ngữ được lặp lại đến những sáu lần, nó ẩn chứa ý nghĩa không mấy tích cực. Cậu có nhận ra không? Không ư? A, có lẽ cũng là do chính cậu cũng đã dùng cụm từ này tới ba lần lúc gặp tôi ở quán trà ven đường khi nãy! 

Ông cất chiếc máy đọc thẻ vào ngăn kéo bàn rồi tiện tay lấy ra một cuốn sổ nhỏ xíu đưa cho tôi. Tôi cúi xuống, lật sổ ra: được viết một cách ngay ngắn và đậm nét bằng mực bút bi màu đen trên trang giấy đầu tiên của cuốn sổ là hai chữ: “Giá mà”.

Ông bạn già nhìn thẳng vào tôi bằng một ánh mắt rất chân thành và thiện cảm, rồi sẽ sàng nói tiếp:

– Có lẽ cậu sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng tôi đã ngồi trên chiếc ghế này và lắng nghe hàng ngàn lần những câu nói buồn đau, khắc khoải bắt đầu bằng hai chữ trên. Họ đã nói với tôi kiểu như: Giá mà tôi có quyết định khác đi; Giá mà mọi chuyện không xảy ra như thế; Giá mà tôi không mất bình tĩnh để rồi thốt ra những lời lẽ chua chát đó, những hành động thiếu kiềm chế đó; Giá mà tôi không tham vọng; Giá mà tôi khôn ngoan hơn, hoặc bớt ích kỷ đi, hoặc biết tuân thủ đạo lý hơn… Họ cứ nói và nói cho đến khi cạn lời… 

Và rồi tôi nói với họ: Giá mà anh (chị) ngừng nói “giá mà” thì chúng ta đã làm được một điều gì đó ý nghĩa hơn…

Ông dừng lại trầm tư, nhấp một ngụm trà nóng, rồi nói tiếp:

– Vấn đề nằm ở chỗ có tiếc nuối thế nào thì ta cũng không thể thay đổi được hiện thực. Nó chỉ khiến người ta hướng tới sự lựa chọn sai lầm, bi quan thay vì vựng dậy sửa sai và bước tiếp. Và nó khiến chúng ta lãng phí thời gian. Cuối cùng, nếu cậu để nó trở thành một thói quen thì chính nó sẽ là rào cản cho những nỗ lực của cậu.

Bây giờ, nói đến trường hợp của cậu nhé. Kế hoạch của cậu đã thất bại. Tại sao? Bởi vì cậu đã phạm phải một số sai lầm nào đó. Mà con người thì ai chẳng có sai lầm? Sai lầm dạy cho ta nhiều bài học quý. Nhưng khi cậu kể cho tôi nghe về những sai lầm ấy trong sự than thở, tiếc nuối thì tôi nghĩ rằng cậu chưa học được điều gì cả.

– Làm sao ông biết? – Tôi hỏi, giọng tỏ vẻ hơi bất đồng.

– Bởi vì cậu chưa bước ra khỏi quá khứ. Cũng chưa lần nào cậu đề cập tới tương lai. Và thành thật mà nói, bây giờ, cậu vẫn đang say sưa trong quá khứ. Ngoan cố là một tính cách không tốt mà tất cả chúng ta đều có, nó khiến chúng ta mãi day dứt vì những lỗi lầm cũ. Sau cùng, khi cậu nhắc đến nguyên nhân của những sai lầm thì chính cậu mới đang là vấn đề lớn nhất.

Tôi gật đầu buồn bã.

– Vậy tôi phải làm gì để thay đổi đây?

– Hãy thay đổi mối quan tâm của mình. Hãy dùng những từ và cụm từ khác thể hiện sự vươn lên nhẫn nại và chân chính chứ không phải là sự trách cứ, bi quan hay chùn bước.

– Ông có thể gợi ý cho tôi vài điều không?

– Dĩ nhiên là có rồi. Cậu hãy loại bỏ khỏi đầu hai chữ “Giá mà” và thay vào đó là hai chữ: “Lần tới”.

– “Lần tới” sao? Tôi hỏi – không giấu giếm sự ngạc nhiên!…

– Đúng vậy, là từ: “Lần tới” anh bạn ạ – ông bạn già của tôi điềm nhiên nhắc lại. – Tôi đã từng chứng kiến hiệu quả kỳ diệu của cụm từ ấy ở chính căn phòng này. Nếu một bệnh nhân chỉ luôn miệng nói “Giá mà… ” với tôi thì đúng là anh ấy đang gặp rắc rối thật sự. Nhưng nếu anh ấy dám nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói “Lần tới… ” thì tôi biết chắc rằng anh ấy đã tìm ra cách giải quyết vấn đề. Điều đó đồng nghĩa với việc anh ấy đã quyết định áp dụng bài học mà anh ấy tích lũy được từ những trải nghiệm và vấp ngã trong quá khứ, bất kể nó đau đớn xót xa và khó khăn nhường nào. Và nó cũng đồng nghĩa với việc anh ta đã sẵn sàng bỏ qua những rào cản của tiếc nuối để tiến về phía trước, thay đổi suy nghĩ và hành động chân chính để bước tới hạnh phúc. Hãy cố lên! Rồi chính cậu sẽ hiểu.

Ông dừng lời. Ngoài trời, những giọt mưa tí tách rơi mỗi lúc một thêm nặng hạt. Đoạn ông đứng dậy, mỉm cười rất thân thiện rồi vỗ vai tôi, nói một cách dứt khoát:

– Vậy nhé, tôi lại sắp có cuộc hẹn với khách rồi! Rất vui vì gặp cậu, anh bạn trẻ ạ. Lúc nào tôi cũng rất vui… Và bây giờ, thì hãy cầm lấy chiếc ô của tôi đây mà về, trời có vẻ mưa nặng hạt hơn đấy.

Ông tiễn chân tôi ra tận sảnh ngoài, không quên dặn tôi nhớ bắt taxi mà về cho đỡ lạnh…

Tôi ngoái lại, không quên nói lời cảm ơn ông và gọi với:

– “Lần tới” tôi sẽ mang theo ô!

Ông bạn già mỉm cười rất tươi, rồi giơ cao tay khoát khoát vào không trung thay cho lời tạm biệt!…  

Theo Đường Tân

———–

Nghe câu chuyện của người đàn ông, tôi giật mình nhận ra bản thân mình cũng không khác là mấy. Có lẽ chính chúng ta cũng không nhận ra được điều này – chúng ta đã và đang sống một cách đầy tiêu cực. Sự tiêu cực ngự trị ngay từ trong những ngôn từ, lời nói ta sử dụng hàng ngày. Chẳng phải mỗi từ “giá như”, tôi có thể liệt kê dăm bảy từ khác với trạng thái tương tự như: chán, tức, mệt,…Chỉ từ bản thân những từ ngữ này đã khiến tâm trạng của chúng ta đi xuống, thử ráp vào một câu xem nhé:

“Chán công việc này lắm rồi”

Thử đổi cách dùng từ:

“Tôi sẽ thử tìm một công việc phù hợp hơn”

Trạng thái nghĩa giống nhau, nhưng câu nói sau rõ ràng cho ta một hướng nhìn tích cực, và hướng về tương lai, chứ không phải mãi dậm chân ở quá khứ hay hiện tại.

Dẫu chẳng thể biết tương lai mang đến cho bạn những gì, nhưng sống một cách tích cực kể cả trong suy nghĩ thì chẳng bao giờ lãng phí.

Previous articleChế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Next articleKiêng ăn gì để tốt cho gan?