Đau dạy dày sau khi ăn thường là do loét dạ dày, xảy ra khoảng 1-2 tiếng sau bữa ăn. Đầu tiên, nếu tình trạng đau dạ dày này đã xảy ra thường xuyên, kéo dài, bạn nên đi khám bệnh để có phương án điều trị kịp thời nếu như viêm loét dạ dày đã nặng.
Về ăn uống, cần tránh các thức ăn quá cứng, quá khô, giàu chất xơ cứng như rau củ già bởi như vậy dạ dày phải làm việc nhiều, lớp nhầy bên trong bị tác động cơ học và trở nên suy yếu. Cũng nếu tránh thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá lạnh; giảm rượu, bia, thuốc lá và bỏ thói quen ăn vội vàng, nhai sơ sài.
Bạn nên ăn đúng giờ, đừng để quá đói, quá bữa mới ăn. Hệ tiêu hóa của chúng ta hoạt động theo chu kỳ, axit dạ dày cũng tiết ra theo chu kỳ.
Khi quá bữa, axit vẫn tiết ra mà không có thức ăn để tiêu hóa, dẫn đến dư thừa axit. Sự căng thẳng, thức khuya, làm việc quá sức… cũng có thể làm dư axit. Dư axit dễ gây loét dạ dày và loét tái phát nhiều lần.
Về các món nên ăn khi dạ dày đang “nổi loạn”, đó là những thứ có tác dụng bọc, hút, thấm niêm mạc như bánh mì, cơm nếp, bánh xốp, bánh quy; các thực phẩm dễ tiêu hóa như khoai tây, khoai sọ luộc nhừ, rau lá non, thịt cá nạc, sữa các loại, các trái cây chín, mật ong…
Ngoài ra, một số thực phẩm còn có tính kiềm, trung hòa axit dư thừa giúp tránh loét dạ dày hay hỗ trợ điều trị loét: củ nghệ, rau dền, mồng tơi, đậu bắp…
Chúng cũng giúp làm se kết bề mặt, bao phủ tổn thương, tạo điều kiện cho tổn thương nhanh khỏi, giúp vết loét mau liền… Các loại rau có nhớt nói trên tuy giàu chất xơ những chủ yếu là chất xơ hòa tan, tốt chứ không hại.
Ngoài ra, các thực phẩm giàu vitamin C tự nhiên và beta-caroten (tiền chất vitamin A) cũng giúp mau lành vết loét, chống nhiễm khuẩn.
Vitamin C có trong cam, bưởi, dâu tây, kiwi, rau xanh các loại… trong khi beta-caroten có trong các rau củ màu cam, đỏ, xanh đậm như cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ, hoa bí, khoai lang vàng, rau dền, cải bó xôi, bông cải xanh…