Đã biết như thế, lại tranh giành thắng thua với thời gian một cách vô ích. Làm một người chất phác giản đơn, để cho tâm sáng thấu triệt. Phật nói: “Chớ làm điều ác, hãy làm điều lành, giữ tâm trong sạch, đây là lời chư Phật dạy.” Nhìn thì đơn giản, nhưng để làm một người lương thiện, một người thuần khiết, lại chính là tu vi lớn nhất của đời này. Bước đi trong hồng trần cuồn cuộn sóng gió, có được mấy người đạt cảnh giới tột cùng như thế?
Thanh tịnh tâm ý, là Thiền ý cao thâm nhất. Sở dĩ phiền não của con người không thể dứt là vì tâm bị chấp niệm, ghen ghét, đố kị che khất mới không thể sáng rõ. Tâm ma người ai chẳng có, thiện ác vẫn tồn tại dung hòa trong cùng một người.
Bạn thương yêu người khác, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn, dang tay giúp đỡ người khi gặp khốn khó đó là lương thiện. Đôi lúc bạn đố kị, ghen ghét với người đời. Đó là ác, là tâm ma mỗi người. Loại bỏ sân si, ích kỉ trong lòng không bao giờ là dễ dàng, không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn được. Ta chỉ có thể khắc chế, khiến tâm hướng thiện, hướng việc tốt mà làm để lòng thanh tịnh. Sân si, vị kỉ không có cơ hội nảy mầm, tâm ta tự nhiên trong như nước.
“Hán thư” viết: “Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá sẽ chẳng có bạn bè.” Cái gọi là “vật cực tất phản”, mạnh mẽ quá sẽ chuốc nhục, cũng là như thế. Ngọc đẹp vẫn còn có vết, người không ai có thể đạt đến độ hoàn mỹ. Trên hết chỉ cần có đủ lòng độ lượng bao dung, lòng kiên nhẫn, đó chính là phẩm chất tốt đẹp, chất phác mà vạn người cần bồi dưỡng. Nhưng trên thế gian này có một dòng sông mang tên Thiền, cho dù qua bao nhiêu năm tháng, trước sau vẫn trong vắt đến mức nhìn thấy đáy, người sống trên đời lại như tảng đá vắt qua sông, có thể yên ổn dưới lòng nước.
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết, tuổi trẻ ngông cuồng nào rồi cũng sẽ qua, phải chăng chỉ còn lại riêng ta với đời. Đôi lúc như vậy, vì mỏi mệt giữa cuộc đời thường nhật, nhiều người chọn về những giá trị giản đơn nhất. Trút bỏ hết bụi trần giữa đời, những toan tính âu lo trở về với những gì nguyên sơ nhất, làm con người trần trụi với sự chất phác đơn giản. Không còn là cảnh lừa mình dối ta,…vì mọi sự đã không còn đáng. Trở về sống với một cuộc sống như vậy, con người bỗng nhiên nhẹ gánh, an nhiên đến lạ. Lòng sao có thể không an nhiên khi người chấp nhận buông bỏ hết thảy.
“Nhân chi sơ, tính bổn thiện” người sinh ra trên thế giới này bản chất vì lương thiện. Có người vì lựa chọn, có người vì hoàn cảnh, có người vì mưu cầu là lựa chọn để bản thân thỏa hiệp với gian dối, tội lỗi, trách nhiệm, hi sinh,…Ta không thể trách người vì chính bản thân ta đôi khi cũng chấp nhận những thỏa hiệp đó. Chỉ là đến một lúc nào đó thay vì tranh đấu đến cực đoan, bất chấp tất cả để đạt được điều mình cần ta lại nguyện làm một loài cây bình thường. Nhành cây ấy, cho dù nhỏ nhoi, nhưng lại được sống cuộc sống giản đơn, chất phác hơn loài người vẫn ganh đua ngoài kia. Chỉ muốn yên ổn, tĩnh lặng cho qua ngày, không để tâm đến duyên kiếp khi xưa hay quả báo sau này. Có thể sống như vậy đã đủ trọn vẹn một kiếp người.