Món ăn truyền thống là một trong những điều làm nên nét truyền thống, đặc biệt của Tết cổ truyền. Nhắc về ngày Tết dân tộc, người ta dường như ngửi ngay thấy mùi mắm, mùi lá chuối nếp thơm, mùi thịt kho thơm phức. Các món ăn cổ truyền ngày tết không chỉ đa dạng về món mà còn chú trọng về hình thức trình bày với các loại bát đĩa, cao thấp, màu sắc của món ăn. Mặc dù khác biệt vùng miền tạo ra nhiều món ăn khác nhau trong ngày tết truyền thống, tuy nhiên vẫn có sự giống nhau ở một số món ăn. Dưới đây là 5 món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết chỉ nhắc tới đã thèm.
Bánh chưng – dưa hành
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” là câu nói quen thuộc khi nhắc đến tết. Mặc dù không còn nhiều nơi trang hoàng câu đối đỏ hay cây nêu nhưng bộ đôi bánh chưng – dưa hành luôn tồn tại trong tâm thức Việt. Mỗi độ Tết về, trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt lợn và được gói vuông vức bằng lá dong. Bánh dẻo, thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá.
Bánh chưng xanh thì phải đi đôi với dưa hành. Dưa hành có vị cay cay, hơi chua được dùng ăn kèm với bánh chưng, các món ăn trong ngày tết làm tăng thêm hương vị của thức ăn và còn giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn hơn. Dưa hành cũng có thể ăn kèm với nhiều món ăn khác nhau giúp đỡ ngấy và bạn sẽ thấy ngon miệng hơn.
Chả giò
Mặc dù có nhiều biến tấu về hương vị, cách thức chế biến nhưng nhìn chung chả giò vẫn là món ăn luôn có trên mâm cơm Tết Việt.
Giò được làm từ thịt giã thật nhuyễn với nước mắm ngon rồi được gói thành hình ống bằng lá chuối xanh sau đó cho vào nồi luộc hoặc hấp. Khi ăn thái thành từng khoanh, giò có màu trắng mịn, vài lỗ nhỏ trên bề mặt giò. Thịt được sử dụng chủ yếu là thịt bò, thịt heo. Tùy theo loại thịt mà cho ra loại chả giò phù hợp.
Thịt gà luộc
Không chỉ có mặt trên mâm cỗ Tết, thịt gà luộc là món ăn quen thuộc có mặt trong mọi dịp trọng đại của đời sống từ cưới hỏi cho đến đám chạp. Do vậy, không có gì lạ khi thịt gà luộc lại là món ăn không thể thiếu của Tết Việt. Nhiều người tin rằng, gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho năm mới. Gà được lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi cho vào nồi luộc cùng với 1 số gia vị như gừng, hoa hồi, hoa tiêu. Gà luộc chín tới có màu vàng, không bị rách da và được chấm với muối chanh ớt.
Thịt kho tàu
Ngày xưa, mỗi khi tết cổ truyền đến thì gia đình nào cũng có 1 nồi thịt kho tàu, đây cũng là một trong các món ăn truyền thống của người Việt. Từ những miếng thịt lợn tươi ngon và những quả trứng cút tạo ra một nồi thịt kho tàu thơm ngon và hấp dẫn người ăn trong ngày tết. Tuy vậy, mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau về cả mùi vị và hình thức. Ví dụ thịt kho tàu của người miền trung thường mặn và cay hơn, trong khi người miền Nam lại thích ngọt và béo ngậy vị từ nước dừa.
Các loại mứt
Mỗi dịp Tết về bên cạnh đào mai nở thắm, nhâm nhi bên tách trà thơm ngát không thể thiếu khay mứt với đầy đủ màu sắc như mứt bí thanh mát, vị cay cay của mứt gừng, mứt dừa dẻo ngọt, mứt khoai…. Mứt đem đến phong vị riêng có cho Tết. Xuân đến Tết về là dịp mứt lên ngôi. Bên cạnh đó vị giòn thơm, dễ ăn, không ngán cũng là một trong những điểm cộng đưa mứt trở thành món ăn truyền thống của dân tộc.
Trên đây là những món ăn cổ truyền trong ngày tết, mỗi món ăn mang một màu sắc, hương vị và có ý nghĩa riêng. Món ăn chính là đặc trưng của mọi nền văn hóa, trân trọng, giữ gìn ẩm thực cũng chính là giữ gìn văn hóa của một đất nước. Mong rằng Tết này những món ngon đã giữ một phần hồn của dân tộc vẫn hiện hữu trên mâm cơm nhà bạn.