Home Ban Biên Tập Bình Chọn Ngược dòng kỉ niệm cùng miếng bánh đúc thơm giòn

Ngược dòng kỉ niệm cùng miếng bánh đúc thơm giòn

1992
0

“Ôi quê ta bánh đa, bánh đúc phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu” đã trở thành mảnh kí ức của người Việt khi nhắc nhớ về quê hương, tuổi thơ đã lỡ. Không bỗng nhiên mà bánh đúc trở thành món ăn lưu giữ đầy hương vị của quá khứ. Bánh đúc như làn gió đồng quê man mát, đem lại hương vị vừa thân quen, vừa mới lạ cho người thành phố. Và mặc dù trên cùng một đất nước nhưng mỗi nơi lại có một kiểu biến tấu khác nhau cho món ăn tưởng chừng quen thuộc này.

Bánh đúc miền Bắc thanh mát

Người miền Bắc coi bánh đúc là món quà dân dã mà khó quên. Cái vị ngầy ngậy, giòn giòn mềm mượt của bánh đúc quyện với mùi thơm và vị ngọt của tương đem lại cảm giác lạ miệng.Bánh đúc có ngon, có giòn được hay không phụ thuộc vào khâu chọn gạo. Rất giản dị, bánh được nấu từ bột gạo pha với ít nước vôi trong.

Đơn giản vậy thôi nhưng người nấu phải có bí quyết riêng của mình và thêm chút kì công. Một chiếc bánh đúc mầu trắng ngà, mịn như thạch, loáng thoáng điểm thêm mấy hạt lạc nâu hồng nom thật ngon mắt, chỉ thoáng tưởng tượng thôi đã thấy thèm.

Bánh đúc được xắn thành từng miếng, ăn giòn, mát là thứ quà ai cũng thích. Bánh đúc lạc chấm với tương mà đặc biệt là tương Bần thì rất tuyệt. Người ta còn có thể thưởng thức bánh đúc cùng với canh riêu cua vào mùa hè, sang hơn một chút là với giò heo.

Cuộc sống ngày càng hối hả, nhiều món ăn và thức lạ xuất hiện, nhưng mấy người có thể quên  những món ăn dân dã truyền thống như bánh đúc.

Bánh đúc xanh xứ Huế giản dị

Nếu miền Bắc có câu ca cho bánh đúc thì Huế cũng có câu ca chẳng kém: Thèm ăn một miếng đúc mật/Thương người chật vật giữ nét Huế xưa, đó là món bánh đúc xanh chấm mật.

Khác với màu trắng ngà của bánh đúc miền Bắc, bánhđúc Huế mang một màu xanh dịu mát, mềm mại đến nao lòng.Người ta tạo màu xanh cho bánh từ lá non của cây bồng bồng. Bánh đúc xanh chỉ hợp khi chấm với nước mật được làm từ mía. Lấy miếng bánh nhỏ xinh nhúng vào chén mật mía, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi giòn giòn của bánh hòa quyện với vị ngọt thơm của mật.

Bánh đúc xanh chấm mật không dùng thìa hoặc đũa như khi ăn một số loại bánh khác. Bánh đúc xanh ăn cùng với dao tre mới thật chất Huế. Thưởng thức món quà quê này khiến người ta nhớ lại những ngày xa xưa người Cố đô thường ăn vận lịch sự, áo dài, quần the đi chợ Gia Lạc, ăn bánh đúc xanh – chút hương xưa Thành cổ.

Bánh đúc miền Tây mằn mặn béo ngậy

Mới nghe danh hẳn nhiều người đọc hoang mang lắm, có cái thức bánh vừa mặn vừa béo ngọt được ư? Khó tin nhưng có đấy, bánh đúc nước cốt dừa miền Tây bằng cách nào đó tụ đầy đủ mọi loại hương vị mặn từ nhân tôm thịt, ngọt béo từ nước cốt dừa, thơm mát từ bột gạo trắng nõn. Bột bánh thơm cộng với cái béo ngậy từ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt khiến món ăn ngon đến lạ.

Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm.

Bánh đúc thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng để tăng hương vị cho món ăn nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm, và nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa đã thắng chín vào.

Không khó để hiểu vì sao bánh đúc lại hấp dẫn người ăn đến vậy. Bánh đúc là thứ đặc sản thôn quê, nó ẩn chứa nét tinh tế trong ẩm thực và cả cái tình của người dân xứ đồng bằng.

Previous articlePhòng chống ung thư hiệu quả với 6 loại thực phẩm phổ biến
Next articleĐuổi ruồi, muỗi chỉ với cây xả