Home Tâm Lý Gia Đình Tướng mạo không bằng phẩm đức, phẩm đức không bằng độ lượng

Tướng mạo không bằng phẩm đức, phẩm đức không bằng độ lượng

552
0

Tích đức hành thiện có thể thay đổi số mệnh? Trong cuốn “Thái Bình Quảng Ký” thời nhà Tống có ghi chép câu chuyện về Lưu Hoằng Kính nhờ tích đại âm đức mà đắc phúc báo.

Lưu Hoằng Kính là người Bành Thành thời nhà Đường, tự là Nguyên Phổ. Gia đình ông sống nhiều thế hệ ở khu vực sông Hoài, Phì Thủy, có tài sản hàng trăm vạn lạng. Ông thường tu âm đức mà không khoe khoang, nên mọi người đều không hay biết về những việc làm tốt của ông. Mặc dù giàu có nhưng ông không làm tổn thương người khác, thường dùng tiền để giúp người, bố thí mà không mong được hồi đáp.

Những năm đầu Trường Khánh thời Đường Mục Tông, có một thuật sĩ giỏi xem tướng trên đường đến Thọ Xuân trông thấy Lưu Nguyên Phổ, ông nói: “Xin quân tử hãy dừng bước, tôi có lời muốn nói”. Lưu Nguyên Phổ liền mời ông vào quán xá và hỏi chuyện.

Thuật sĩ nói: “Ngài có rất nhiều của cải nhưng chỉ 2, 3 năm nữa thôi đại nạn sẽ đến, làm thế nào đây?” Lưu Nguyên Phổ rơi lệ: “Tuổi thọ của con người là thiên mệnh, tiên sinh có thể giúp gì được cho tôi?”.

Thuật sĩ trả lời: “Tướng mạo không bằng phẩm đức, phẩm đức không bằng độ lượng. Mặc dù thọ mệnh của ngài không cao nhưng đức lại dày; ngài cũng là người rất độ lượng, phóng khoáng… Trong vòng 2 năm tới ngài phải nỗ lực tu mỹ đức, hy vọng có thể kéo dài thọ mệnh. Một việc đức có thể tiêu trăm điều họa, còn được hưởng chức tước, bổng lộc, huống hồ là trường thọ. Cứ nỗ lực như vậy, ba năm nữa tôi sẽ lại đến gặp ngài”. Nói rồi bèn cáo từ, Lưu Nguyên Phổ rơi lệ tiễn biệt.

Từ đó ông bắt đầu chuẩn bị hậu sự. Ông có một cô con gái sắp kết hôn, muốn xin mấy cô hầu gái đi cùng. Lưu Nguyên Phổ dùng 80 vạn quan tiền mua 4 cô hầu gái, trong đó một cô tên là Phương Lan Tôn rất xinh đẹp, phong thái đoan trang, không giống người sinh ra trong gia đình nghèo khó.

Lưu Nguyên Phổ hỏi han sự tình, cô trầm ngâm rồi mới trả lời rất lâu rồi mới trả lời. Gia đình cô nhiều đời là danh tộc. Cha làm quan ở Hoài Tây, không may gặp giặc Ngô phản loạn hung bạo. Cha cô bị nghi ngờ là người thân của bọn phản tặc, do vậy ông bị triều đình giết, tịch thu tài sản cả gia đình. Từ đó cô rơi vào cảnh hèn mạt không có nơi để kêu oan. Sau khi giặc Ngô bị dẹp, những người thân khác trong gia đình bị bắt làm tù binh, không biết lưu lạc ở đâu. Bản thân cô đã bị đổi hai chủ, giờ mới vào đây.

Lưu Nguyên Phổ cảm thán trước nỗi oan khuất của cô gái trẻ, ông nói: “Hôm nay nếu ta không thể rửa được oan cho cô thì sẽ bị Thần trừng phạt”.

Ông bèn đốt văn tự bán mình của Phương Lan Tôn, nhận cô làm cháu ngoại. Sau khi gả con gái, ông tìm mối tốt gả Phương Lan Tôn.

Một ngày mùa xuân tháng ba năm Tân Mão năm thứ hai Trường Khánh, Phương Lan Tôn đã xuất giá, Lưu Nguyên Phổ nằm mơ thấy một người mặc áo màu xanh, tay cầm thẻ ngà, hướng xuống trần mà bái lạy.

Khi Lưu Nguyên Phổ lại gần, ông ấy đột nhiên rơi nước mắt nói: “Tôi chính là phụ thân của Phương Lan Tôn, ân đức của ngài, tôi nhất định sẽ báo đáp! Tôi nghe nói âm đức có thể cảm động đến trời xanh. Đến nay thọ mệnh của ngài đã hết, tôi vừa báo cáo lên Thiên đế để cầu xin cho ngài”. Nói rồi đi mất.

Ba ngày sau, Lưu Nguyên Phổ lại nằm mơ thấy phụ thân của Phương Lan Tôn đứng trước tiền đình, mặc áo bào màu tím, thị vệ đứng uy nghiêm xung quanh, ông cảm tạ Lưu Nguyên Phổ, nói: “Kẻ bất tài như tôi may mắn được thỉnh Thiên đế, Thiên đế đã đồng ý kéo dài thọ mệnh cho ngài thêm 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời, con cháu không gặp tai ương. Những người đã tàn sát gia đình tôi đều bị xét xử, hiện giờ tai họa khắp thân. Người đã chết thì con cháu phải chịu họa. Thiên đế còn thương xót cho oan tình của tôi, cho khôi phục chức vụ, cai quản vùng sông núi Hoài Hải”. Rồi ông nghẹn ngào bái biệt.

Trời sáng, Lưu Nguyên Phổ vẫn nhớ rõ cảnh tượng giấc mơ những vẫn không tin. Ba năm sau, vị thuật sĩ xem tướng quả nhiên lại đến, vừa gặp đã chúc mừng Lưu Nguyên Phổ: “Thọ mệnh của ngài đã được kéo dài rồi. Để tôi xem khoảng cách giữa lông mày và tóc của ngài nào”.

Lưu Nguyên Phổ bỏ mũ lộ ra vầng trán, thuật sĩ nói: “Ôi, đây đúng là bằng chứng nhờ âm đức mà cảm động đến Thiên đế. Từ nay về sau 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời”. Lúc này, Lưu Nguyên Phổ mới kể cho ông ấy nghe chuyện về phụ thân của Phương Lan Tôn.

Lưu Hoằng Kính không tiếc tiền tài, lại không ham luyến sắc đẹp của Phương Lan Tôn, thương cảm giúp đỡ cho cô gái mồ côi. Nhờ tích được âm đức lớn nên không chỉ thay đổi được thọ mệnh của mình, mà con cháu ba đời còn được hưởng phúc, không phải chịu tai họa, đây chẳng phải là đại hảo sự hay sao? Ông trời sẽ không vô tình làm rơi bánh, phúc phận đều là nhờ tích đức hành thiện mà có được.

——————-

Âm đức là gì?

Con người khi hành thiện đều được gọi là tích đức. Nếu dương đức nghĩa là làm điều thiện để người khác biết tới, thì âm đức chính là người làm điều thiện trong âm thầm lặng lẽ, làm điều thiện mà không cần phúc báo. Chúng ta cần phân biệt rõ thế nào là âm đức và dương đức từ đó suy ngược lẽ phúc báo ở đời.

Người tích nhiều dương đức sẽ được phúc báo không cần chờ đợi, được khen ngợi, ca tụng, hưởng lợi về vật chất. Tuy vậy, dương đức đã báo rồi sẽ hết, người tích đức chẳng thể để lại cho đời sau, càng không bảo vệ được tương lai phía trước.

Ngược lại người tích âm đức một cách âm thầm, lặng lẽ, không ai biết chẳng ai hay nhưng lại có trời thấu, phúc vì thế càng sâu càng dày, phúc báo chưa đến nhưng không phải là không đến. Có người nói: Âm đức là những việc tốt đã làm ở dương gian, lại được ghi công tại âm gian. Âm đức giống như hạt giống, chỉ cần kiên trì gieo trồng, thì không lo tương lai không có cơ hội thu hoạch quả trái.

Tích âm đức bằng cách nào?

Nhiều người sẽ tự hỏi vậy tích âm đức bằng cách nào? Bởi nhiều khi người làm việc thiện không muốn ai biết nhưng tiếng lành vẫn đồn xa. Chúng ta nên nhớ là, tích đức không chỉ bằng những việc đao to búa lớn, bởi làm điều thiện là tùy theo sức của mình. Không giết một con kiến cũng là tích đức, giúp đỡ cụ già sang đường cũng là tích đức, không nói xấu người khác cũng là tích đức. Việc thiện làm tại tâm sẽ kết nối tâm, trời xanh tự khắc thấu. Làm việc thiện mà không cần ai biết, cám ơn, hậu tạ,…là bởi khi làm điều thiện lòng ta cũng thảnh thơi, thoát tục.

Cổ nhân dạy: “Lập công danh chẳng bằng tích âm đức”. Dựng lập danh tiếng, theo đuổi địa vị cao sang chẳng bằng tích đức hành thiện. Cho nên muốn thay đổi vận mệnh cần xem bạn tích âm đức thế nào.

Tham khảo Sơ Trung / Minh Huệ Net

Previous articleBước qua ưu phiền
Next articleNửa đời về sau, hãy…