Trong cuộc sống, nóng giận dù là theo chiều hướng nào cũng không phải là hành động tốt cho bản thân. Nóng giận có thể khiến bản thân mệt mỏi, tạo nên sự chia cắt giữa những người thân quen, ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm, công việc, các mối quan hệ khác. Kể ra đến trăm cái hại mà chẳng thấy lợi. Vậy tại sao ta không thử học cách kiềm chế cơn nóng giận?
Không suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực là một trong những lý do trực tiếp khiến con người thường xuyên rơi vào trạng thái nóng giận. Bởi bản thân những suy nghĩ tiêu cực luôn kéo cảm xúc bản thân đi xuống, khiến bản thân bạn luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, chán nản. Đây cũng chính là trạng thái dễ khiến bạn nóng giận nếu có thêm bất cứ một tác nhân nào đi kèm. Hãy tự khích lệ bản thân mình bằng cách suy nghĩ tích cực như: mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, mình có thể làm tốt hơn,….Khi mặt tích cực xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Tập hít thở sâu
Hít thở sâu không chỉ có tác dụng tích cực trong việc làm giảm nhiệt sự nóng giận, giúp bạn nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Kiên trì hít thở 3 -5 lần mỗi ngày để tập hít thở. Để bài tập này có hiệu quả, bạn có thể thử áp dụng bài tập thở bằng cơ hoành (hít thở bằng bụng).
Nếu trong điều kiện cho phép, bạn hãy tìm một chiếc ghế tựa hoặc nơi bạn có thể ngồi thoải mái. Thả lỏng hoàn toàn cổ và vai. Sau đó, hít một hơi thật sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng. Trong bài tập thở này, bạn cần lưu ý bụng phải phình ra khi hít vào và xẹp xuống khi thở ra.
Thay vì tranh cãi hãy tập trung giải quyết vấn đề
Không gì khiến bạn dễ dàng nóng giận và mất kiểm soát hơn là tranh cãi. Trong trường hợp này, thay vì cố gắng tranh cãi để giành phần thắng, bạn có thể tập trung theo hướng giải quyết vấn đề. Bởi khi não bộ của bạn hướng sự tập trung, phân tích, tìm ra phương án giải quyết hiệu quả, chúng chẳng còn thời gian đâu để “giận hờn”. Thử xem, ngay khi vấn đề được giải quyết xong, bản thân cơn nóng giận của bạn cũng tự bay biến từ bao giờ.
Đọc sách và thiền định
Một cuốn sách hay và hữu ích có thể giúp chúng ta thoát khỏi những cảm xúc bi quan, cũng nhờ vậy trở nên trầm tĩnh và lạc quan hơn.
Thiền định giúp người ta bớt nóng nảy, hung hăng, giảm bệnh về tinh thần và ham muốn khống chế, cấm đoán, ngăn cản người khác, giảm tính bất định. Nó làm tăng sức hòa hợp, thân thiện với người khác, biết kính nể người và tự chế mình, tăng sự tự tin, thỏa mãn, khả năng chịu đựng trong tình huống xấu, tăng tính quả quyết, tự tin…
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Thỉnh thoảng cảm thấy tức giận trước những sự việc không như ý muốn là điều rất bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên nổi nóng trước những vấn đề nhỏ nhặt hoặc cơn giận khiến bạn mệt mỏi cực độ, có thể bạn sẽ cần đến sự chăm sóc y tế.
Nếu sự tức giận khiến các mối quan hệ và hạnh phúc gia đình của bạn bị ảnh hưởng trầm trọng, bạn hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Những nhà trị liệu này sẽ giúp bạn giải quyết nguồn cơn giận dữ và tìm cách đối phó tốt hơn với cảm xúc tiêu cực.
Học cách kiềm chế cơn nóng giận chính là cách để bạn có một cuộc sống vui vẻ và tốt đẹp hơn.