Lươn có tác dụng bồi bổ khí huyết, trừ phong thấp, chữa suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp…tuy nhiên nếu không biết cách khi ăn lươn, bạn có thể sẽ bị nhiễm bệnh. Do đó, nên để ý một vài lưu ý sau khi chế biến cũng như khi ăn chúng.
Không ăn lươn chết hoặc ươn
Nhiều người cứ nghĩ, lươn chết hoặc đã ươn chỉ kém tươi ngon một chút so với lươn còn sống. Nhưng bạn không nên tiếc rẻ để ăn những con lươn đã chết hoặc ươn dù cho trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất Histidine tốt cho cơ thể.
Nguyên nhân vì trong khi lươn chết, hợp chất này có thể chuyển hóa thành chất độc Histamine. Bình thường, cơ thể người có thể chịu đựng một hàm lượng chất độc này, nhưng nếu hàm lượng cao hoặc cơ thể yếu, mới bệnh xong hoặc trẻ em có sức đề kháng kém sẽ có nguy cơ bị ngộ độc rất cao.
Xào hoặc hầm lươn phải chín
Bạn có thể chế biến nhiều món lươn khác nhau. Nhưng dù chế biến theo cách nào bạn cũng phải đảm bảo nấu chín thịt lươn. Bởi vì lươn thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục… Vì sống trong môi trường bẩn như thế, lại thêm thói ăn tạp, nên hệ tiêu hóa và chính cả thịt lươn có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng.
Trong thịt lươn có một loại ấu trùng ký sinh rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu chỉ xào qua trên lửa, những ấu trùng này sẽ còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột.
Sau khi ăn lươn không ăn các thực phẩm tính hàn
Sau khi ăn lươn chạch không nên ăn các thực phẩm có tính hàn như chuối tiêu, dưa hấu, tôm cua biển vì chúng có thể dễ dàng khiến bạn bị ngộ độc.
Người bệnh gút không nên ăn lươn
Bệnh gút là một bệnh của rối loạn chuyển hóa đạm dẫn đến làm tăng acid uric trong máu. Lươn là thực phẩm giàu chất đạm vì thế những người bị bệnh gút không nên ăn nhiều thịt lươn để tránh tình trạng bệnh tăng nặng.