Home Góc Heo May Nhật Ký Về Thành cổ: Tìm cỏ non trên mảnh đất anh hùng

Về Thành cổ: Tìm cỏ non trên mảnh đất anh hùng

Mỗi khi gần đến ngày 27/7 tôi lại không thể nào quên được “mùa Hè đỏ lửa” năm 1972, nhớ đến địa danh “Thành cổ Quảng Trị” – nơi gắn với cuộc chiến đấu khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm của các lực lượng giữ Thành cổ (từ 28-6 đến 16-9-1972). Những câu hò như vọng về từ đáy sông mênh mông mang nặng niềm thương nhớ, những câu ca như theo nắng tỏa xuống từ trời cao, mang niềm tin thiết tha len lỏi trong từng cơn gió.

3473
0

Quảng Trị – mảnh đất của những dòng sông giới tuyến, nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước ròng rã suốt 20 năm trời. Những tiếng hát, câu thơ thành kính của lòng thương nhớ và biết ơn luôn hướng về những người con anh linh của Tổ Quốc. Năm tháng trôi đi và lịch sử đã bước sang trang mới, nhưng những con người ấy vẫn sáng ngời lên, nhắc nhở chúng ta về một quãng đường đầy gian khổ, đau thương, lại rất đỗi anh hùng mà đất nước mình đã đi qua.

Đây là lần thứ hai tôi đến thăm Thành cổ Quảng Trị, thế nhưng tôi vẫn không khỏi rưng rưng khi tưởng nhớ về hình ảnh đáng quý của những anh hùng liệt sĩ. Soi mình bên dòng Thạch Hãn hiền hòa, thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc. Mùa hè năm 1972, tại nơi đây khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này. Ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống sót.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành cổ, rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị như một bản lề quan trọng góp phần mở ra con đường đi tới chiến thắng sau này. Chiến dịch đã thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đến bờ vực phá sản.

 

81 ngày đêm anh dũng của quân ta đã làm thất bại âm mưu tái chiếm thị xã Quảng Trị của địch hòng gây sức ép tại hội nghị Pari. Điều làm tôi cảm phục, chính là tinh thần lạc quan toát lên từ những tấm ảnh còn lưu giữ lại. Giữa những gam màu xám xịt đen tối của chiến tranh, giữa sự khốc liệt của mưa bom lửa đạn, giữa ranh giới sống chết mong manh, ta bắt gặp nụ cười của các Anh, Chị vẫn luôn rạng ngời, thể hiện niềm tin yêu vào ngày mai tươi sáng. Ở đó, ý chí mạnh hơn sắt thép và lòng quả cảm tuyệt vời đã không thể bị khuất phục. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, hàng ngàn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, máu xương của các anh đã tan vào đất mẹ, hòa trong sóng nước mênh mang của dòng Thạch Hãn.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ghi danh Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ mãi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần anh dũng, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 

 

Những ai có dịp về thăm Thành cổ hãy tự mình chiêm nghiệm về những giá trị đúng đắn của con người giữa sự sống và cái chết, giữa hòa bình với chiến tranh. Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị cũng vì thế mà giàu tính nhân văn và tính triết lý. Con người sinh ra rồi mất đi là lẽ tự nhiên nhưng những gì họ để lại cho đời là vĩnh viễn. Điều ấy cũng có nghĩa rằng, khi tưởng niệm tôn vinh về những người đã mất là để nhắc nhở mọi người hôm nay phải sống sao cho xứng đáng, để quá khứ làm động lực thúc đẩy cho hiện tại và tương lai.

Khói vẫn cay mắt người và những giọt nước mắt nhớ thương, cảm phục của những lớp người sau vẫn rơi trước hoa cỏ xanh tươi trên những nấm mồ sáng tươi sắc sao vàng Tổ Quốc. Hàng chục vạn chiến sĩ đã nằm lại nơi đây, họ đã không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Trong mỗi chúng tôi đều có suy nghĩ rất nhiều về những gì đã diễn ra sáng hôm nay, vui có, buồn có, niềm tự hào trộn lẫn với sự luyến tiếc… Tôi sẽ không sao quên được cảm xúc bồi hồi xúc động vì biết dưới mỗi bước chân của chúng ta vẫn còn xương thịt của các anh hùng chiến sĩ kiên cường, bất khuất đã hy sinh tuổi xuân của mình cho Tổ quốc quyết sinh.

Nguyễn An 

Previous articleĐồng đội cuối thu
Next article8 lý do khiến bạn thức giấc vào lúc nửa đêm