Như chúng ta đã biết, đậu là một loại thực phẩm rất quen thuộc đối với người Việt nam, gần như trong thức ăn hàng ngày chúng ta đều có đậu. Vào những ngày nắng nóng hoặc khi cơ thể nóng, dùng các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ … nấu chè, nấu canh hoặc nấu nước uống là phương pháp hiệu quả không chỉ giúp làm mát mà còn hỗ trợ thải độc cho cơ thể.
Đậu xanh
Đậu xanh theo Đông y có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, bớt sưng phù, ăn bổ mát có khả năng trừ các bệnh về nhiệt. Vỏ đậu xanh không độc, có tác dụng giải nhiệt độc, dùng chữ mụn nhọt, ung nhọt.
Với những tác dụng tuyệt vời như vậy, nấu nước đậu xanh giải nhiệt mùa hè là thứ nước uống vàng nên có trong căn bếp mỗi nhà. Nấu nước đậu xanh vô cùng dễ dàng, đem đậu xanh đã rửa sạch, rang cho thơm, nấu sôi với nước, rồi lọc bã là đã dùng được. Bạn có thể nấu nước đậu xanh dùng cho cả ngày, bảo quản ngăn mát tủ lạnh để thức uống càng ngon miệng hơn.
Bã đậu sau khi đã lọc lấy nước có thể dùng để nấu chè, nấu cháo, nấu cùng bí đỏ, hấp cùng xôi,…đều là những món ăn ngon miệng ngày hè.
Đậu đen
Đậu đen có vị hơi ngọt, đi vào hai kinh can thận. Nó có tác dụng bổ thận thủy, bổ can, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, bổ huyết giải phong nhiệt. Đặc biệt, nước đậu đen có tác dụng điều trị đối với thận yếu, mặt sưng phù, phong thấp tê liệt, thấp khớp hoặc các bệnh lở loét. Tuệ Tĩnh đã giới thiệu nhiều phương thức chữa bệnh bằng đậu đen, trong đó có chữa chứng tiêu khát do thận hư, bằng cách dùng đậu đen và thiên hoa phấn hai vị lượng bằng nhau đem tán nhỏ, làm thành viên để uống với nước sắc đậu đen.
Theo Đông Y sẽ tùy thuộc vào mục đích dùng như giải độc, chữa bệnh ở tạng phủ nào thì sử dụng loại đậu phù hợp. Chẳng hạn đậu xanh giải độc gan, giải độc thận dùng đậu đen, giải độc ở tâm tỳ dùng đậu đỏ, giải độc ở phế dùng đậu ván trắng. Theo đó, người dùng đậu xanh với người gan nóng, người đi tiểu nóng hay đi đái dắt, đái buốt dùng đậu đen. Người nổi rôm nhiều có thể dùng kết hợp đậu đen và đậu trắng…
Để giải độc, thanh nhiệt cơ thể, mỗi ngày mọi người có thể dùng từ 20 – 40g để nấu chè đậu đen hoăc nấu thành nước uống. Bên cạnh đó có thể hãm nước đậu đen uốn như hàm chè bằng cách rửa sạch, rang chín, bọc kín và sử dụng dần. Mỗi lần dùng cho một ít đậu đen vào cốc nước nóng, ngâm trong vòng 7 phút rồi uống có tác dụng mát gan thải độc, lợi tiểu, giải nhiệt.
Đậu đỏ
Đậu đỏ là loại ngũ cốc chứa hàm lượng khoáng chất và dinh dưỡng rất cao như: đường, đạm, chất xơ, chất béo, chất khoáng như: canxi, phốt pho, sắt, axit nicotinic, vitamin B1, B2… Đặc biệt, lượng vu chất Vitamin B và khoáng chất kiềm rất lớn có trong loại ngũ cốc này đóng vai trò như một hợp chất giải độc vô cùng hiệu quả, đồng thời còn thúc đẩy khả năng nhu động ruột, từ đó giúp cơ thể loại bỏ một cách đáng kể lượng căn bã và chất độc tồn tại trong thành ruột, cũng như loại bỏ và đốt cháy nhanh chóng lượng mỡ và chất béo dư thừa.
Theo Đông y, đậu đỏ còn có tên là xích tiểu đậu là loại thực phẩm có tính lành, vị ngọt chua và hoàn toàn vô hại. Chính lý do này đã giúp loại đậu này có khả năng lợi tiểu, thanh nhiệt, thanh hỏa độc, dưỡng huyết…
Lấy nước đậu đen cũng tương tự như 2 loại đậu trên,rang đậu sau đó bỏ vào nước đun sôi tới, gạn bã là dùng được.
Đậu ván
Loại đậu cuối cùng không thể không nhắc đến là đậu ván. Món nước đậu ván rang hẳn đã vô cùng quen thuộc với nhiều người. Dùng đậu ván đã rang thơm, đem nấu với nước đến khi vừa thì chắt lấy nước, bảo quản ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Bạn nên uống nước đậu ván trong ngày để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất.
Đậu ván trắng được Đông y gọi là bạch biển đậu hoặc biển đậu là loại hạt có vị ngọt lợ, tính hơi ôn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.Vì thế, trà đậu ván trắng rang có tác dụng điều trị viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính, giải độc. Với trẻ em, tác dụng của trà đậu ván trắng giúp cho bé ăn ngon, chống biếng ăn, gầy ốm.
Uống nước đậu tuy tốt nhưng bạn cũng nên dừng lại ở việc sử dụng nước đậu như thức uống giải khát hàng ngày. Tuy chưa có tài liệu ghi nhận ăn nhiều đậu đen hay đậu xanh là có ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng cái gì quá nhiều thì thường cũng không quá tốt. Không nên lạm dụng ăn liên tục hay dùng uống thay nước lọc mà cần phải có sự thay đổi luân phiên để đảm bảo căn bằng đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Sưu tầm