TÌNH GIÀ…
Thời ông còn trẻ tuổi, bà cũng mới bước vào mười tám, đôi mươi, cái tuổi mà thanh xuân vừa độ chín… Ông cưa cẩm bà trong sự nhút nhát, e dè chứ chẳng vội vã, mạnh bạo như tụi trẻ bây giờ… Bà cũng e thẹn, dịu dàng, quen lâu rồi mới dám thổ lộ vài điều chân chất tự đáy lòng… Thi thoảng ông đi cày đồng về lại bắt gặp bà đi cấy, đi cắt cỏ bên ruộng, hay những lúc dắt trâu về gốc đa đầu làng, có gặp nhau là ông bà lại trao nhau những cái nhìn trộm, những nụ cười chất chứa niềm hi vọng về một gia đình nhỏ nơi thôn quê dân dã…
Thời đó, chiến tranh bom đạn cũng vơi đi nhưng ông vẫn nhập ngũ, đúng tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc. Trước khi đi, ông chẳng dặn dò nhiều, chỉ mong bà sẽ đợi ông 2,3 năm nữa… Tình yêu thời đó xa xỉ lắm, ai có được người thương là may mắn, là quý lắm, bởi nhiều gia đình vẫn theo tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, con gái chẳng có quyền được lựa chọn. Thế nên ông bà biết đến nhau, tìm hiểu và yêu thương nhau quả thực là điều đáng trân quý. Họ yêu nhau bằng sự chân chất của đồng quê, bằng chân tình của người lính, bằng sự trân trọng và hi vọng ở người kia…
Ba năm sau ông từ lính về. Khi ấy, bà đã hăm hai, cũng là quá lứa thời bấy giờ. Chẳng đám cưới xa hoa, chẳng váy cưới, chỉ là buồng cau lá trầu xin vợ và thế là bà theo ông về. Họ bảo nhau làm ăn, yêu thương và vun vén cho gia đình nhỏ… Đã vài chục năm trôi qua, giờ họ đã là ông, là bà của một đàn cháu, thế nhưng tình cảm vẫn mặn nồng như thủa nào. Thi thoảng ông nắm tay bà đi dạo, đèo bà trên chiếc xe phượng hoàng cũ ra chợ mua quả cau, lá trầu hay miếng bánh đúc… Con cháu nhiều lúc cũng thấy ấm lòng.
Nếu hỏi tình yêu nào là đẹp nhất thì tôi xin nói đó chính là tình già. Tình già vượt lên trên cả định nghĩa về tình yêu, đáng ngưỡng mộ, đáng trân quý lắm. Bởi sau bao năm tuổi trẻ, chúng ta đã cùng nhau trải qua những chia xa, những buồn vui, những hi vọng… Để khi tuổi xế chiều đến, ông bà có thể ngồi lại bên nhau ôn những kỷ niệm cũ, thời mà cái nghèo còn đeo bám nhưng không thể làm tình cảm nghèo đi, rồi cười khanh khách…
ST