Tết Trung thu có nhiều tên gọi khác nhau như Tết thiếu nhi, Tết trông trăng hay Tết hoa đăng. Trung thu được tổ chức vào 15/8 Âm lịch.
Nhắc đến Trung thu, không thể không nhắc tới đặc sản bánh nướng, bánh dẻo. Theo truyền thống, bánh có nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng. Tuy nhiên, theo thời gian, các nghệ nhân làm bánh sáng tạo thêm các hương vị mới mẻ như trà xanh matcha, đậu đỏ, mè đen,…
Vào ngày Tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Trên mâm cỗ bày các loại bỏng gạo, kẹo bánh… Nhiều nơi tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em được nô đùa, vui chơi. Ở Trung Quốc và các khu phố người Hoa trên thế giới còn có tổ chức bắn pháo hoa trong ngày này.
Lịch sử xuất hiện của Tết Trung thu hiện vẫn chưa được xác minh rõ ràng, bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Các nhà khảo cổ cho biết hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của nước ta – một ngày lễ hội mừng thu hoạch khi nông dân được nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.
Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục từng viết: “Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi…”.