Home Ban Biên Tập Bình Chọn Nỗi lòng làm mẹ của con chồng

Nỗi lòng làm mẹ của con chồng

Trở thành mẹ kế khi đã ngoài 50 tuổi khó hơn tôi từng nghĩ, nhất là những vấn đề liên quan đến con cái.

3032
0
ME-KE-CON-CHONG

Tôi và chồng đến với nhau một cách rất tự nhiên, tựa như những tâm hồn đồng điệu cần một bến bờ để sẻ chia. Ở tuổi này, xã hội có lẽ cũng chả buồn phán xét. Khi đã gần chạm đến cái ngưỡng “gần đất xa trờ”, chúng tôi chỉ có một hy vọng nhỏ nhoi là an yên bên nhau lúc tuổi già.

Những tưởng rằng con cái – khi đã trưởng thành – cũng hạnh phúc vì điều đó; nhưng trên thực tế, chúng cũng đang phải đấu tranh nội tâm rất nhiều. Bản thân chúng tôi hiểu nhưng lại không biết phải làm gì, cư xử ra sao để giải quyết ổn thỏa.

Mặc dù hiện tại, tình trạng này đã được cải thiện tốt hơn, nhưng tôi vẫn không quên được những sai lầm của mình khi mới bắt đầu gánh vác vai trò mới: Trở thành mẹ kế của con chồng.

Dưới đây là những lời tôi muốn nhắn nhủ với các bạn, hãy lưu ý nếu đang có dự định tiến tới với người đàn ông đã có con riêng nhé!

Đừng cố tỏ ra là một người mẹ kế hoàn hảo, tuyệt vời!

Làm cha dượng, mẹ kế, ai mà chẳng muốn được con chồng yêu thích. Tuy nhiên, chúng ta đừng cố gắng chiếm trọn tình cảm con bằng những món quà mang giá trị vật chất, nhất là khi chúng đã trưởng thành. Con chồng có thể sẽ quen với mối quan hệ kiểu này và dần dần, những giá trị tình cảm sẽ bị ăn mòn, dẫn đến những hệ quả tiêu cực.

Thay vào đó, hãy thử cùng nhau đi dạo, nấu bữa tối, hay ít nhất thực hiện chung một hoạt động nào đó mỗi tháng một lần để “gia đình mới” hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn nhé!

ME KE CON CHONG

Đừng để con chồng cư xử thô lỗ, thiếu tôn trọng mình!

Cũng dễ hiểu khi con chồng thường có biểu hiện phẫn nộ, bực tức và cư xử thiếu tôn trọng với mẹ kế, hay so sánh mẹ kế với mẹ ruột mình. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, không nên bỏ qua hay dung túng cho hành vi đó để lấy lòng con, cho dù chúng có còn nhỏ đi chăng nữa. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu về những gì mình làm, và sự khác biệt giữa mình và mẹ ruột, để chúng hiểu rằng, để làm điều gì đó thì luôn có nhiều cách khác nhau. Con cần học cách tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân, khi đó, vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa!

Đừng chê bai hay nói xấu chồng cũ mình!

Điều này không nên xảy ra, vì nó sẽ khiến con chồng có những suy nghĩ, đánh giá tiêu cực về bạn. Do đó, việc giữ im lặng về những mối quan hệ trước đây của mình có lẽ sẽ là cách tốt nhất để giúp mối quan hệ giữa bạn và con chồng được nuôi dưỡng theo hướng tích cực.

Hãy dành nhiều thời gian riêng tư cho con chồng ở bên cạnh cha của chúng nhiều hơn!

Là một mẹ kế, bạn lúc nào cũng muốn chồng phải đứng về phía mình mà không dành nhiều thời gian cho chồng được riêng tư ở cạnh con, và đây là sai lầm phổ biến. Trong thực tế, mối quan hệ cha con nếu được giữ vững, con chồng sẽ có được cảm giác an toàn, yên tâm, và hạn chế được những ghen tức, đố kị với bạn đấy!

Hơn nữa, khi bạn khuyến khích chồng mình trò chuyện, gần gũi với con cái hơn, thì điều này gửi đi một thông điệp rằng, không có sự cạnh tranh nào giữa mẹ kế và con chồng trong việc giành riêng tình cảm của người đàn ông ở giữa; và quan trọng là, bạn thực sự muốn con cái của cả hai đều được hạnh phúc. Chắc chắn điều này sẽ tạo hiệu ứng tích cực và kì diệu lắm đấy, hãy nhớ nhé!

Thanh Trúc

Previous articleHoài niệm về các rạp chiếu phim cũ ở Hà Nội
Next articleNghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm trừ 2% lương