Home Nổi Bật Người nghệ sĩ đường phố với cây đàn hạ uy cầm

Người nghệ sĩ đường phố với cây đàn hạ uy cầm

Trong không gian huyền bí của phố cổ Hội An, tại một góc phố nhỏ, tiếng đàn hạ uy cầm vang lên ngân nga trau chuốt với các bản nhạc "Suối mơ", "Gửi gió cho mây ngàn bay", "Hạ trắng"… Du khách qua đây không khỏi bị cuốn hút, mê hoặc bởi những giai điệu mượt mà.

1115
0

Người nghệ sĩ đường phố ấy là Đỗ Văn Bình, 61 tuổi, sống tại 186 phố Trần Phú (Hội An). Trước năm 1975, ông là giáo viên âm nhạc tại trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Sau giải phóng, ông trở về gia đình và kiếm sống bằng nghề làm lồng đèn. Say mê chơi đàn từ năm 20 tuổi, ông có thể sử dụng được hầu hết các nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, guitar, piano… Bản thân ông cũng sáng tác được khoảng 50 tác phẩm, trong số đó “Mai em về” là ca khúc ông yêu thích nhất.

Không ít người đi qua nhìn thấy cây đàn lạ, âm thanh rung động tò mò hỏi: “Cây đàn này là đàn gì mà lạ quá?”. Ông Bình chậm rãi giải thích, đây là cây đàn hạ uy cầm. Đàn có xuất xứ từ quần đảo Hawaii, gọi là guitar Hawaii, được du nhập vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước. Trước giải phóng miền Nam nhiều người chơi đàn này nhưng đến nay tại Quảng Nam chỉ còn mình ông. Ông Bình cho biết, cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là ông tổ của loại đàn này, nhờ cây hạ uy cầm mà nhạc sĩ đã sáng tác ra những ca khúc mượt mà bất hủ đến vậy.

Cây đàn tự chế của ông Bình đã có tuổi đời 20 năm. Đàn có sáu dây trải đều trên 1 tấm gỗ. Người nghệ sĩ đặt chiếc đàn lên đùi, tay phải gẩy dây đàn còn tay trái dùng một thanh chặn trượt lên dây đàn theo từng cung phím.

Ông Bình cho biết, chơi hạ uy cầm không khó, nhưng muốn chơi hay thì người đàn phải có óc sáng tạo. Âm thanh của cây đàn mượt mà là do người chơi có thể thoải mái trượt phím trên cung đàn mà tạo ra nhiều cung bậc của âm thanh.

Khi được hỏi tại sao không tiếp tục dạy nhạc, ông Bình cười hiền từ: “Tôi cũng từng dạy nhạc tại Pleiku nhưng không có môi trường tốt, thu nhập ít ỏi không đủ sống nên đành bỏ về quê. Mới đây cũng có nhiều người mời dạy nhạc nhưng chưa bố trí được thời gian hợp lý để dạy. Ở nhà tôi cũng dạy nhạc cho mấy người con, họ cũng chơi guitar rất giỏi và được cử làm trưởng ban nhạc ở trường đại học bên Hàn Quốc”.

Biết ông chơi đàn giỏi, Phòng Văn hoá Thông tin Hội An đã đề nghị ông chơi nhạc trên đường phố Hội An vào những đêm hội phố cổ. Với cây đàn tự chế, ông đã đem lại cho phố cổ những âm thanh mượt mà sâu lắng, góp phần tăng tính đa dạng của văn hoá nơi đây.

    Theo VNEXPRESS     

 

Previous article8 lý do tuyệt vời khiến bạn phải ăn dưa hấu mùa hè này
Next article5 môn tập tuyệt vời cho phụ nữ tuổi trung niên