Home Ban Biên Tập Bình Chọn Suy ngẫm: Nếp nhà – Bóng mẹ đời con

Suy ngẫm: Nếp nhà – Bóng mẹ đời con

Khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã có những lời cảnh báo trên báo chí về sự lung lay, rạn nứt các giá trị gia đình - nền tảng của nếp nhà.  Các vết rạn nứt không phải đến lúc đó mới xuất hiện, nhưng sức mạnh của kinh tế thị trường và sự hình thành nhanh các giá trị hiện đại nhưng không cốt lõi như khả năng kiếm tiền nhanh và nhiều, danh tiếng, sắc đẹp… đã thúc đẩy các vết nứt nhanh hơn, rộng hơn, sâu hơn.

2114
0

 Trong nhiều gia đình, giữa sự chao lắc của các giá trị sống, các bậc cha mẹ đã nỗ lực củng cố nếp nhà với các giá trị cốt lõi như tình yêu thương, sự quan tâm giữa các thành viên; ý thức lao động, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và sự khiêm tốn, giản dị.

Cũng cùng lúc đó, ở nhiều gia đình khác, đặc biệt là gia đình cán bộ có chức quyền, đã xuất hiện một cách hành xử được coi là “thức thời” của người làm cha mẹ: bắt đầu khai thác triệt để đặc điểm cung – cầu của kinh tế thị trường trong các mối quan hệ xã hội. Tiền bạc, địa vị đã được nhiều người chủ gia đình ngấm ngầm hoặc công khai xem là chuẩn mực tối quan trọng để đánh giá con người, để kết giao và kết hôn!

Ngay như với câu răn từ ngàn đời của tiền nhân “Con hơn cha là nhà có phúc”, thay vì nhấn mạnh giá trị tinh thần ẩn chứa trong đó như tri thức, tài năng, đức độ; nhiều bậc cha mẹ đã hướng con cái đến sự giàu có, danh tiếng và địa vị theo cách “xí phần”, bất chấp sự trung thực và liêm sỉ.

Tận dụng mọi mối quan hệ nhằm có cơ hội, kể cả cơ hội tước đoạt của người khác, để kiếm tiền và kiếm chức đã trở thành một hiện tượng mà nhiều năm gần đây người ta khoe ra như một lợi thế thay vì e ngại giấu giếm.

Khó mà chỉ ra chính xác từ lúc nào mà hiện tượng đáng buồn ấy phô bày và lây lan trong xã hội.Nhưng cũng khó mà quên trong thực tế đã từng có nhiều gia đình cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao, luôn nêu tấm gương liêm sỉ của bậc công bộc: không giành bất cứ lợi thế nào cho con cái trong việc học hành, thi cử, làm việc; luôn khuyến khích con thực thi nghĩa vụ công dân, kể cả việc đi làm nhiệm vụ ở chiến trường ác liệt.

Có lẽ vì đã quên những gương sống tốt đẹp có giá trị an dân dựa trên lẽ công bằng đó nên bây giờ mới có những gia đình cán bộ mà nếp nhà gần như chỉ dựa trên việc xây dựng quyền thế và sự giàu có.

Xã hội hiện giờ vẫn lan truyền câu chuyện không vui về một bà mẹ – người trong suốt nhiều năm đã dùng ảnh hưởng rất lớn của chồng và sự đáo để của mình để “sắp xếp” nhằm tạo dựng chức vụ và tài sản cho gia đình và cho con cái, bất chấp những gì mà một gia đình cán bộ lãnh đạo không nên làm, không được làm.

Không thể nói lối sống ấy đã không hằn vết lên cuộc đời các con bà. Sau này, khi người con trai còn rất trẻ của bà lên rất cao, rất nhanh và rơi cũng rất nhanh trên đường hoạn lộ, nhiều người tỏ chuyện đã bảo rất chân thành rằng đó là thất bại của bà mẹ chứ không chỉ là của đứa con.

Câu chuyện không vui, chắc cũng chưa phải là hiếm hoi về gia đình cán bộ lãnh đạo đã khiến nhiều người càng tin rằng sự đảo lộn các giá trị xã hội như ta đang thấy chắc chắn sẽ dần trật tự trở lại nếu như mọi người cùng nỗ lực xây dựng nếp nhà, khi cha mẹ thực sự là tấm gương hướng các con đến giá trị của tri thức và lao động. Niềm tin đó có cơ sở, ít nhất là từ câu chuyện sau đây của hai người cha.

Một ông từ An Giang ra Trung ương làm tới vị trí cao hơn Bộ trưởng, bảo với cô con gái của mình: Con đã học hành đàng hoàng, có nghề nghiệp đàng hoàng và mức lương đủ sống. Con đừng mở doanh nghiệp, bởi nếu vậy thì sớm hay muộn, ít hay nhiều, ngẫu nhiên hay cố ý con sẽ nhận được những “ưu đãi hơn người khác” từ nơi này nơi nọ vì người ta biết con là con của ba.

Người cha thứ hai, từng làm đến vai Chánh thứ của chính quyền TP.HCM, thì nói với cấp dưới của mình: Con tôi tôi biết, năng lực rất vừa phải, ý chí phấn đấu cũng vừa phải, các anh chớ có mà quy hoạch nó vào hàng ngũ quản lý này nọ, kẻo mà vừa lấy mất chỗ của người xứng đáng hơn, vừa gây họa cho uy tín của tôi, của mấy anh và xa hơn là bộ máy của mình.

Nếp nhà, hóa ra có thể kết thúc hay tiếp tục qua nhiều đời, bắt đầu từ những câu chuyện cụ thể như thế của các gia đình thời nay – thời mà Internet có thể đem lại cho người ta vô số ích lợi và niềm vui, nhưng niềm hạnh phúc được làm người tử tế vì đã sinh ra và trưởng thành trong một gia đình tử tế thì chưa chắc đã tìm thấy trên mạng.

Theo Tuổi trẻ

Previous articleBạn nên học và làm gì để có tâm hồn đẹp, an nhiên sống
Next articleĐàn bà cạn tình, chẳng ai có thể níu giữ