Bước vào độ tuổi 35, cảm giác già nua, buồn chán có thể xâm chiếm tinh thần phụ nữ. Các chuyên gia tâm lý gọi đó là cơn “khủng hoảng tuổi trung niên” – điều không dễ chịu nhưng sẽ sớm bình ổn nếu tìm được cách nhìn nhận và đối diện với nó.
Những dấu hiệu báo cơn khủng hoảng đang đến gần có thể dễ nhận biết như: cảm giác buồn chán, giận dữ hay lo lắng; thờ ơ với “chuyện ấy”; mất ngủ; uể oải với công việc. Thậm chí ở một số phụ nữ còn xuất hiện cảm giác trống trải, vô nghĩa. Đặc biệt, khi có con cái tình trạng này càng trở nên tệ hại hơn khi sức lực họ bị vắt kiệt, dẫn đến việc họ không còn cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống.
Nguyên nhân do đâu?
Các nghiên cứu chứng minh rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đó là sa sút về mặt tinh thần và thay đổi về mặt thể chất.
Sa sút tinh thần: Các chuyên gia cho biết, ở độ tuổi trung niên, phụ nữ chịu sức ép cao về một chuỗi sự kiện liên tiếp, công việc riêng, chăm sóc con cái và mối lo “giữ chồng” (với nhóm phụ nữ 50 tuổi thì áp lực tuổi tác, cảm giác “thừa thãi” do con cái đã lớn cũng khiến họ bị stress). Một loạt vai trò phải đảm đương khiến chị em bị “quá tải”.
Thay đổi thể chất: Thừa cân – hệ lụy sau sinh nở bắt đầu xuất hiện với phụ nữ ở độ tuổi ngoài 35. Điều này kéo theo các rắc rối khác là suy giảm ham muốn tình dục và triệu chứng kiệt sức. Nó cũng tác động ngược lại tinh thần, khiến chị em chán nản nhiều hơn.
Hướng khắc phục
Người chồng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tuổi trung niên của vợ. Phụ nữ có xu hướng chán mình là cũng chán lây sang cả chồng. Theo thống kê, khoảng 30% các cặp vợ chồng ly hôn ở độ tuổi 40-60 do họ không thỏa mãn lẫn nhau. Ngoài ra lúc này, người vợ thường tập trung vào chăm sóc các bé mà lơ là chồng mình.
Như đã nói, khủng hoảng ở tuổi trung niên là điều không mấy dễ chịu nhưng vẫn có thể vượt qua được nếu biết đối diện và nhìn nhận đúng vấn đề. Lời khuyên cho các chị em là nên chủ động đối mặt với cơn khủng hoảng tâm lý của bản thân. Tính cách của bản thân không thể giống như 10 năm trước và người chồng cũng vậy. Trò chuyện với chồng vẫn là giải pháp tích cực nhất mà người vợ nên duy trì. Cho dù chồng bạn có bị shock thì anh ấy cũng sẽ hiểu được cảm giác của vợ (vì đàn ông cũng sẽ phải đối mặt với cơn khủng hoảng tuổi trung niên, tương tự phụ nữ).
Có thể ông chồng không còn thích đưa bạn ra ngoài ăn tối mà chỉ ưa “hoạt động” một mình, kèm theo vô vàn tật xấu khác, thì bản thân người phụ nữ cũng nên nhìn nhận vấn đề và tìm cách thích nghi với chồng mình.
Bên cạnh đó việc để bản thân mình tự do, buông bỏ bớt những gánh nặng từ chồng, con, gia đình cũng là cách giúp người phụ nữ vượt qua thời khủng hoảng tuổi trung niên. Tất nhiên, lúc này vai trò của người chồng, các con cũng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc khủng hoảng của người phụ nữ. Luôn yêu thương, cố gắng lắng nghe, thấu hiểu vợ, mẹ mình cũng là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình.