Khai thác đề tài gia đình quen thuộc với khán giả Việt, nhưng Gạo Nếp Gạo Tẻ mang đến một màu sắc khác biệt so với các phim cùng thể loại. Những tình huống trớ trêu trong Gạo Nếp Gạo Tẻ bắt nguồn từ sự thiên vị của người mẹ đối với các con. Mâu thuẫn và sự khác biệt về cách ứng xử, hoàn cảnh sống giữa 2 cô con gái, một bên được mẹ yêu thương chiều chuộng, một bên bị xem thường đã khiến cho mối quan hệ mẹ con, chị em trong gia đình ngày càng có khoảng cách.
Bên cạnh đó, phim cũng đề cập đến mối quan hệ cực kỳ tế nhị: mẹ vợ – chàng rể cùng hàng loạt vấn đề mà các gia đình thường gặp phải như: Khái niệm “chuột túi” (những đứa con luôn dựa dẫm vào bố mẹ, suốt đời không chịu lớn), mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu… Mỗi tình huống, chi tiết trong Gạo Nếp Gạo Tẻ đều là mảnh ghép đa sắc màu của bức tranh tổng thể về tình cảm gia đình.
Được Việt hóa từ kịch bản phim Wang’s Family – bộ phim truyền hình đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013. Wang’s Family đạt kỉ lục chương trình có tỉ suất người xem cao nhất năm 2013 và 2014. Từ một kịch bản nước ngoài ăn khách, biên kịch đã chú trọng chuyển thể nội dung phim sao cho phù hợp nhất với khán giả truyền hình Việt, điều này có thể thấy rõ ngay từ cái tên rất đỗi bình dị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc: Gạo Nếp Gạo Tẻ.
Phim kể về gia đình của đôi vợ chồng ông Vương bà Mai làm nghề giáo, có cả thảy bốn người con, ba gái một trai. Cô gái đầu Hương lầm lũi và lương thiện. Cô gái thứ Hân nhan sắn lọt vào top 10 Hoa hậu và lấy được ông chồng giàu sang. Cô gái út bỏ ngành y để nuôi mộng viết lách. Còn con trai không có gì nổi bật nhưng vẫn là cục cưng.
Mấu chốt của quan hệ gia đình là cách bà Mai bên trọng bên khinh với Hương và Hân. Con gái đầu Hương không làm bà Mai nở mày nở mặt, còn con gái thứ Hân chính là niềm tự hào của bà Mai. Danh tiếng và tiền bạc của Hân trưng trổ chính là cơ sở quyết định mọi ánh mắt trìu mến của bà Mai. Có nghịch lý không? Không! Có chua chát không? Có! Đó là thực tế của không ít gia đình Việt Nam.
Ai sinh con ra và nuôi con trưởng thành mà chẳng muốn con thành đạt để mình cũng vẻ vang. Tâm lý của bà Mai không khó hiểu. Cái tạo ra trớ trêu lại nằm ở hai thái độ của Hương và Hân. Sự cam chịu của Hương và sự hiếu thắng của Hân là hai ví dụ sinh động cho xã hội thời ganh đua danh lợi. Dường như, vật chất đang che dần tâm hồn và tình cảm của mỗi con người. Ai cũng hướng đến tiền bạc, khoái trá với tiền bạc mà quên đi những ràng buộc ruột thịt xung quanh.
Lay động trái tim khán giả với thông điệp: Gia đình là duy nhất
Gạo Nếp Gạo Tẻ gửi gắm thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình. Trong cuộc chạy đua đi tìm hạnh phúc với khao khát tiền bạc, địa vị xã hội dễ làm con người sa ngã và quên đi giá trị tình thân gia đình. Như Hân, vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng mà đã mù quáng đẩy mái ấm nhỏ lâm vào cảnh đổ vỡ, gây ra đau khổ cho chồng con. Hay như Công đã bất chấp tình yêu và sự hy sinh của vợ để đổi lấy cơ hội giàu sang. Có những lúc vật chất đã đưa các nhân vật Hương, Kiệt, Minh… vào cảnh tuyệt vọng, bế tắc cùng cực. Nhưng họ vẫn vượt qua, bằng tình yêu thương và sự bao dung của các thành viên trong gia đình.
Gia đình luôn là giá trị cốt lõi của hạnh phúc và chỉ cần một chút toan tính ích kỷ, một bước đi sai cũng đủ phá vỡ hạnh phúc mà trước đó họ đã dày công vun đắp. Cuối cùng sau tất cả, dù bạn là ai thì cũng nên nhớ rằng: Gia đình là duy nhất, là nơi luôn mở rộng vòng tay chờ đón mỗi người quay về sau những biến cố thăng trầm trong cuộc sống.
Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” không có gì mới mẻ về nội dung cũng như nghệ thuật, nhưng câu chuyện tính cách con người bị chi phối bởi ham muốn vật chất, lại khơi mở nhiều suy nghĩ thú vị cho người xem về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình hiện tại!