Khi ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm tới những giá trị tinh thần, hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh cả bên ngoài và bên trong tâm trí, họ nói nhiều về chánh niệm. Nhưng chánh niệm là gì và thế nào là thực hành chánh niệm trong đời sống thường nhật?
Chánh niệm là gì và làm gì để thực hành chánh niệm?
Một cô gái nào đó đăng một bức ảnh với vài trăm like trên mạng, bức ảnh cô ngồi trong tư thế thiền với dòng nội dung “Hãy tập sống chánh niệm từ bây giờ” và “để sống chánh niệm, hãy ngồi im mỗi buổi sáng và nhắm mắt lại, cảm nhận mọi thứ xung quanh”. Khoan đã, hình như có gì đó không đúng lắm?
Giữa vô vàn lời tuyên bố rằng mình đang sống chánh niệm, có những cách hiểu phiến diện hoặc mỹ miều hóa, lãng mạn hóa chánh niệm. Chánh niệm không phải là thiền, cũng chẳng phải một cách thư giãn nghỉ ngơi – bạn có thể thực hành chánh niệm theo cách đó, nhưng không phải là cách thức duy nhất.
Hai điều người trẻ nên nhớ khi thực hành chánh niệm bao gồm: Việc nhận thức bản thân đang sống trong thực tại và chấp nhận mọi vấn đề xảy ra, không phán xét, đánh giá, tích cực hóa hay cố gắng xua đuổi. Ai đó có thể sử dụng diễn ngôn khác nhưng đây là điều cơ bản cần nhớ.
Sống hiện hữu giữa thế giới thực tại
Có lý do để người ta nói chánh niệm không phải là thiền, thư giãn hay một biện pháp trị liệu. Bạn không cần thiết phải ở trong một tư thế nào đó, mặc một bộ trang phục thoải mái để thực hành chánh niệm. Sự nhận thức về hiện tại có thể diễn ra ở bất cứ đâu, chúng ta nhìn nhận về sự tồn tại của bản thân mình trong từng hơi thở, từng nhịp bước và hành động. Dù nhắm mắt hay mở mắt, bạn biết mình đang tồn tại và cảm nhận qua mọi giác quan, tập trung chú ý tới từng chuyển biến trong cơ thể, vậy là bạn đã bước một chân vào thế giới chánh niệm.
Chưa bao giờ, sống chánh niệm lại cần với người trẻ đến như vậy. Không ai muốn bị cuốn trôi đi trong dòng sông cuộc đời mà không thực sự được một lần ngắm đôi bờ yên ả. Chúng ta nói về nhau về ngày mai, về tương lai, về những lời hứa hẹn nhiều hơn nói về sự hiện diện trong khoảnh khắc. Sao không có điều gì xoay quanh hiện tại – điều vốn dĩ là nơi chúng ta thuộc về?
Khi nói về việc thực hành chánh niệm, tác giả của cuốn sách đã hướng dẫn một cách đơn giản rằng: Trong bất cứ việc gì bạn làm, hãy cố gắng cảm nhận mọi thứ xung quanh đang tác động lên cơ thể bạn. Tôi bắt đầu để ý hơn tới mọi thứ theo cách chánh niệm. Khi uống một tách trà, tôi cảm nhận hơi nóng đang bốc lên, cảm nhận sự tiếp xúc nơi ngón tay và thành cốc, những âm thanh leng keng từ chiếc thìa vang lên trong đầu. Sự hiện diện của tôi trong thực tại gắn liền với những cảm nhận về tách trà mình đang cầm.
Bạn không cần chọn một góc thật đẹp với chim hót và gió thoảng để chánh niệm. Hãy cảm nhận sự tồn tại của mình trên con phố đông đúc, trong dòng người kẹt cứng mỗi sáng, khi uống một cốc cà phê hay nghe một bản nhạc. Đừng nghe ai đó nói rằng cảnh giới của chánh niệm là việc giải thoát hay sự cảm nhận siêu tinh thần gì hết, nó chỉ “đơn giản” là việc lúc nào bạn cũng thấy mình đang hiện diện trong thực tại.
Tôi luôn cho rằng chánh niệm là cách tốt nhất để bạn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh, những điều đôi khi ta thường bỏ lỡ. Sự yên bình chỉ đến với mỗi người khi trong lòng không xáo động, như khi chúng ta thực sự tập trung vào một tiếng chim hót giữa cơ man thanh âm đô thị. Trong thế giới của chánh niệm, sự duy mỹ có nền tảng từ sự thấu hiểu. Giống như con người gây dựng thành công từ những điều nhỏ bé, niềm tin yêu cuộc sống của bạn cũng gợi lên từ sự bình yên giản đơn khi ngắm một bông hoa ven đường.
Chánh niệm giúp con người cảm nhận được sự hòa hợp của bản thân trong mối quan hệ với xã hội – môi trường khi đó là sự tương tác qua lại. Với tôi, đó là một điều tích cực cho những người trẻ luôn hoang mang về sự tồn tại hay danh tính cá nhân. Chúng ta không tồn tại đơn lẻ hay tách biệt; để hiểu được chính mình cần phải hiểu mọi tác động qua lại và mối liên kết của ta và thế giới.