Home Sống Khỏe Bệnh Thường Gặp Chăm sóc và điều trị gãy xương cho người cao tuổi

Chăm sóc và điều trị gãy xương cho người cao tuổi

Sự lành xương ở người cao tuổi chậm hơn người trẻ. Hơn nữa, người cao tuổi thường ăn uống kém cùng tâm lý cực đoan vì thế không nên áp dụng cứng nhắc chế độ điều trị gãy xương ở người trẻ cho người cao tuổi vì đặc điểm cơ thể của họ khác nhau.

2529
0

Về chế độ dinh dưỡng

Với người cao tuổi, không chỉ cần đến món ăn bổ dưỡng mà phải quan tâm thức ăn ấy có được hấp thu tốt qua đường ruột hay không? Ăn nhiều chất bổ nhưng không hấp thu được vào máu thì dinh dưỡng vẫn kém. Người cao tuổi lại hay bị táo bón do ít vận động, do tư thế nằm lâu, ruột làm việc kém, hậu quả là gây cảm giác chướng bụng, không muốn ăn, khó tiêu, ợ chua. Có thể khắc phục bằng cách uống một ít thuốc táo bón hỗ trợ ban đầu, sau đó tập ngồi dậy, vận động, ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu hóa. Nếu quá yếu, nhiều lúc phải hỗ trợ bằng nuôi ăn qua đường tĩnh mạch trong vài ngày đầu để có sức.
Bà của bạn bị bệnh tiểu đường, vì vậy nên duy trì chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân tiểu đường.

Một số chế độ điều trị thường dùng cho người cao tuổi

Gãy cổ xương đùi: Cần nhập viện và mổ cấp cứu ngay. Người bệnh sẽ được nắn xương trên bàn chỉnh hình và cố định ổ gãy bằng 2 vít xốp hoặc 2 đinh Knowles. Phẫu thuật được thực hiện dưới màn hình kiểm soát gọi là C-arm. Ðây là một loại máy chụp X-quang trong phòng mổ, giúp bác sĩ thấy được ổ xương gãy mà không cần phải mở da như kỹ thuật xưa kia. Nhờ vậy có thể nắn xương tốt và vết thương trên da của bệnh nhân chỉ vào khoảng 1-2 cm (vừa đủ cho đinh vào).

Sau mổ, bệnh nhân có thể ngồi dậy tập co gối nhẹ. Nếu khỏe có thể tập đi khung hay hai nạng nhưng chưa chạm đất chân đau ngay. Mức độ chịu nặng (chạm đất) của chân gãy sẽ tăng dần tùy theo sự tiến triển lành xương của người bệnh. Thường sẽ bỏ nạng sau khoảng 6-9 tháng vì đó là khoảng thời gian đủ cho gãy cổ xương đùi lành.

Tuy nhiên có một số trường hợp xương không lành hay chỏm xương bị hư sau khi gãy xương đã lành. Lúc này có chỉ định thay chỏm nhân tạo.

Phòng tránh chấn thương

Với người bệnh:

– Ði lại cẩn thận. Tốt nhất sử dụng một cây gậy để hỗ trợ và cảnh báo người khác. Nên thực hiện các động tác sinh hoạt nhẹ nhàng và chậm để giúp cơ thể tránh bị những lực tác động mạnh và bất ngờ.

– Phòng vệ sinh khô ráo, thường xuyên có đủ ánh sáng, có các thanh vịn hỗ trợ khi cần thiết.

– Tránh nằm giường cao. Tránh nằm võng vì ở tư thế này khi ngồi dậy, người cao tuổi dễ bị trẹo người và lật ngã. Nên nằm mùng và có gối tấn bảo vệ.

Với người thân:

– Tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi khi thiết kế nhà cửa, như làm bậc thang thấp, tránh bố trí phòng ngủ ở lầu cao, nên có nhà vệ sinh gần phòng ngủ, đèn đủ sáng và sàn nhà không trơn trợt…

– Khi người cao tuổi bị chấn thương, dù nhẹ cũng nên kiểm tra ngay bằng X-quang và đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa định rõ bệnh. Không nên tự ý uống thuốc, sửa trật, bó thuốc vì có thể làm bệnh nặng hơn. Chú ý nhẹ nhàng khi thay đổi tư thế nằm, ngồi, đứng. Nếu có gãy xương thì nên tuân thủ đúng chế độ điều trị của bác sĩ, tư vấn để nhờ bác sĩ giải thích cặn kẽ

Bệnh tật là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là người cao tuổi, tuy nhiên nếu có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lí và cách trị bệnh khoa học, chắc chắn bạn sẽ sớm lành bệnh và giữ được một sức khỏe dẻo dai.

 

Previous articleBài thơ: Nhẫn
Next articleCuộc sống càng đơn giản càng hạnh phúc