Ba lần đầu thai chỉ để đòi nợ
Năm thứ 14 niên hiệu Khang Hy (năm Ất Dậu 1675), vùng Đồng Thành có một tú tài tên là Diêu Đông Lãng. Ông có một cậu con trai 10 tuổi, vì bệnh tình nguy kịch mà sắp phải ra đi. Chứng kiến bệnh tình của con, hai vợ chồng đau đớn nói: “Con trai à, lẽ nào con thật sự không có duyên làm con của chúng ta sao?”.
Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, cậu con trai 10 tuổi mở miệng nói chuyện, giọng nói đột nhiên mang theo khẩu âm của người phương bắc:
“Tôi vốn dĩ là tăng nhân ở tỉnh Sơn Đông. Đời ấy tôi dành dụm được 30 lạng bạc, không ngờ lại bị sư huynh trông thấy nên đã đẩy tôi xuống nước. Khi đó tôi cầu cứu Quan Âm Bồ Tát, Bồ Tát hiện ra nói rằng mệnh số tôi đã tận, hãy đi đầu thai. Thấy tôi chết đuối, người dân địa phương đã báo lên quan phủ, ông chính là huyện lệnh vùng đó. Sư huynh đã đem 30 lạng bạc của tôi dâng lên cho ông, thế là mọi chuyện bị gác sang một bên.
Tôi vì nỗi oan chưa rửa sạch, nên trước tiên chuyển sinh làm em trai ông, chính là cậu em Diêu Tung Thiệu đã qua đời. Tôi đã đeo bám ông hơn 20 năm nhưng vẫn chưa thể đòi được nợ, vậy nên sau khi chết đã sinh làm con trai ông. Trong 10 năm nay, món nợ 30 lạng bạc đã gần như trả sạch, giờ đến lúc tôi phải rời đi rồi. Nhà ông có một cây gậy, tôi rất thích nó, ông hãy đốt tặng cho tôi, vừa khéo tròn 30 lạng. Sư huynh của tôi cũng vì duyên nợ mà đến, nay y đã chuyển sinh thành con gái lớn của ông, gả cho họ Phan ở Lật Dương. Cô ta hiện giờ đang mang thai, cũng sắp lâm bồn rồi. Sau khi chết, tôi sẽ đến chỗ cô ta đầu thai để kết thúc ân oán”. Nói xong, cậu con trai liền tắt thở.
***
Đọc xong câu chuyện trên thật không khỏi khiến người ta thương cảm. Luân hồi ba đời chỉ vì ân oán, oan oan tương báo. Có câu nói: Cảnh ngộ không tốt ấy là bởi trí huệ không đủ. Nếu lòng ta rộng lớn như biển cả, dẫu đổ vào một thùng muối thì mùi vị của nước cũng không đổi so với lúc ban đầu. Nếu sức chứa giống như bụng chuột ruột gà, thì chỉ cần cho vào một thìa muối vị nước cũng sẽ trở nên mặn chát.
Từ chuyện đầu thai 3 lần chỉ để đòi nợ, 3 kiếp của người tăng nhân kia cũng giống như chấp niệm của con người, không buông bỏ được oán thù làm sao có thể sống vui vẻ. Như người tăng nhân kia, dù đã có đến tận 3 kiếp để làm người, nhưng sau cùng chỉ sống trong chuỗi ngày oán hận, sống để đòi nợ. Ngẫm lại, anh ta có bao nhiêu ngày được sống vui vẻ thật sự?
Luân hồi chuyển thế mấy nghìn năm, mỗi người đều có những trải nghiệm phong phú của các kiếp sống khác nhau. Nhớ lại những điều từng trải dài đằng đẵng, chúng ta phải chăng nên thức tỉnh: Điều ta cần học không phải là ghi nhớ thù hận, mà là buông xuống và khoan dung. Nếu có thể mở miệng cười tan mọi oán thù, chính là tránh được bao nhiêu thị phi ân oán đeo bám không ngừng, cũng là giúp ta giải thích chuyện “nợ, duyên, duyên, nợ” cho chính mình vậy.
Sưu tầm