Home Ban Biên Tập Bình Chọn Tháng 5 Về, Nghe Vàng Lên Sân Nhà Ai Trước Ngõ…

Tháng 5 Về, Nghe Vàng Lên Sân Nhà Ai Trước Ngõ…

Tháng 5, tháng chao nghiêng những cánh chim bay san sát ngang đầu trên đồng lúa, tháng của những con nắng dữ dội chẳng nề hà gì những nếp nhăn của mẹ, của cha, và đó cũng là tháng của những cơn mưa không cần báo trước.

886
0

Tôi nghe ai đó đã từng nói rằng: “lúa càng trĩu thì lưng cha mẹ càng còng, hạt gạo càng trắng thì tóc cha mẹ lại càng khét mùi nắng cháy”. Không phải ai cũng lớn lên từ đồng quê với những mùa lúa chín, và không phải ai cũng thương mến cái mùi thơm của gốc rạ, cọng rơm. Nhưng với riêng tôi, cứ mỗi độ cuối tháng tư và tháng 5 dần đến, lòng lại bồi hồi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm xưa kia, thời tấm bé với cánh đồng vàng ươm cùng với cái hối hả của dân làng mùa gặt.

Tôi sống không để phải để lãng quên, từ tình yêu cho đến cuộc sống những hình ảnh đẹp trong tôi cũng không phải là mấy trò chơi điện tử như những đứa bạn nơi thành thị. Lớn lên từ đồng quê ký ức tôi in hằn biết bao ngày tháng ở nơi này, tôi thích chuyện trò với những con người chân quê bình dị, chất phác, vô tư. Tôi cũng thích ngắm nhìn và chợt thấy vui lây khi thấy bà con nở những nụ cười giữa đòng đòng mồ hôi đương trời nắng cháy.

Tháng 5, tháng chao nghiêng những cánh chim bay san sát ngang đầu trên đồng lúa, tháng của những con nắng dữ dội chẳng nề hà gì những nếp nhăn của mẹ, của cha, và đó cũng là tháng của những cơn mưa không cần báo trước. Làm lúa, khổ đủ đường, mà lúa ướt chắc chắn cũng là một trong số đó. Tuy vậy, những cái nắng, cái mưa của miền Trung chưa bao giờ làm vơi đi nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ mà hiền lành của những người nông dân bao đời chân chất.

Tôi ghé về miền Trung đang vào vụ gặt, xe bon bon trên đường lướt qua những cánh đồng phút chốc chỉ đủ để lại một cái nhìn rất khẽ. Ấy thế mà lòng lại đầy lên bao nhiêu cảm xúc ngổn ngang. Không biết vì sao tôi thương miền Trung đến thế, những cảnh vật, mùi hương, những dòng sông, giọng nói. Về miền Trung, một cánh hoa dại ven đường cũng đẹp, một phút ráng chiều cũng đủ cho hồn vương vấn, bâng khuâng.

Nay, ở thôn quê đã nhiều nơi gặt bằng máy đập liên hợp nhưng vẫn còn nhiều nơi gặt lúa bằng tay, bà con dùng liềm cắt sau đó bó từng đống trên những thửa ruộng dài đến chân trời. Cái nắng độ này như thiêu mà ngoài đồng thật là rộn rã, bên cạnh những con người không biết mệt mỏi đội cả trời nắng cháy, những gà vịt, chim chóc cũng quây quần lại kiếm phần, ngoài triền đê, có chú trâu vờ như chẳng để ý gì tới chuyện ngoài xa mà ngoe nguẩy đuôi lim dim mắt ngủ…

Mùa này đi ngoài đường đã thấy vàng lên những ngõ, đã thấy những chiếc xe chở rơm kín mít dọc đường như những ụ rơm di động. Kỳ lạ thật, ngày xưa, cứ mỗi mùa gặt là tôi sợ lắm, sợ nắng nóng, sợ đen da, sợ đĩa. Thế mà nay con đường tôi đi chỉ vỏn vẹn bằng sải tay để được lấm chút đất bùn, cũng chả sá gì nắng bụi, tôi vẫn thích cái cảm giác được phơi da trần dưới nắng, dưới mưa, cho đầy lên thương nhớ! Đi sâu vào thôn xóm, đã nghe thấy cái ồn ào của máy tuốt, thanh âm ồn ào thì nhiều lắm, nhưng cái ồn ả mà yên bình này thì biết phải tìm đâu? Duy chỉ có quê hương là thế.

Mùa này cũng đã nghe tiếng ve ran đầy ở những khoảng trời xa lắc, đã nghe thấp thoáng hương bưởi ngập ngừng trong cái nắng chang chang, đã thấy cánh cò lượn lờ trong những chiều lặng gió. Con người ta xa xôi quê hương đất mẹ, thời gian có bôi xóa bao nhiêu, họ trở nên cứng rắn bao nhiêu đi nữa thì khi trở về với quê hương ắt hẳn phải mềm lòng. Có ai mà có thể ngẩng đầu cao ngạo với quê hương được chứ, và cũng làm gì có ai lại dửng dưng được với những dòng sông, với những hàng tre, với một chút khói lam quyện hồn vào nhớ?

Mùa gặt bây giờ không còn rộn rã như cái thời mà tôi còn nhỏ, nhờ máy móc, công sức bà con cũng đỡ bớt nhiều, thanh niên rời làng lên thành phố. Không còn những cảnh thiếu nữ đôi mươi tay hái, tay liềm, không còn thấy cảnh trai tráng tay gồng, tay gánh. Nhưng có lẽ, cái mùi hương của mùa gặt này thì không thể lẫn đi đâu, bằng cách nào đó mà không ai biết, những hình ảnh mùa gặt vẫn sâu đậm trong tôi một cách đậm đà mà tha thiết quá!

Con đường tôi đi vẫn còn xa ngái, quê hương nhẹ nhàng đưa tôi trở lại ngày xưa, giấc mơ của thời ấu thơ. Những bóng người còng lưng dưới nắng đã xa theo tiếng động cơ, xa dần theo những vòng xe đang khao khát lắm những miền đất lạ. Để lại đây duy ánh mắt nhìn, nụ cười đong đầy thương mến và một tâm hồn chất chứa bao nhiêu hoài niệm, tôi xa dần cái nắng như thiêu, xa dần những ngõ óng vàng một màu lúa thóc, xa dần những nụ cười trên môi ướt đẫm mồ hôi…

Biển đang khóc cho nỗi đau của biển, sông đang chết với những lo âu của riêng mình, những ngọn đồi cũng thưa thớt màu xanh, lúa làm sao có thể hát vang bản tình ca của riêng mình được? Dẫu sao, chỉ mong quê hương mãi mãi sẽ yên bình, nhưng sâu thẳm trong tôi từ ngàn gió bao la, sâu thẳm trong tôi từ mùi muối biển mặn mòi ở tít khơi xa, tôi biết điều này còn xa xôi lắm, cho đến khi nao mới có thể trở thành sự thực? Ngay lúc này đây, tôi chỉ ước giản đơn rằng mình được hóa thành cơn gió mát, thành gốc cây râm, thành một điều gì đó nhỏ bé thôi, đủ để cho người dân, cha mẹ, ông bà bớt khổ.

Những cảm xúc đan xen dấy lên nhau như dày vò mảnh hồn người con xứ Quảng, tạm gác qua những nỗi đau mà quê hương đang gồng mình gánh chịu, tôi mồi điếu thuốc, thẳng cẳng duỗi chân lên triền đê mặc kệ cái đũng quần sờn bạc, chợt nhớ tới mấy câu thơ của kẻ sĩ Hàn:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
 
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
ST
Previous articleĐàn bà có nên hi sinh và cam chịu?
Next articleCha sẽ trao cho con người đàn ông tốt nhất trên đời