Home Tâm Linh Hôn nhân dưới góc nhìn Tử Vi

Hôn nhân dưới góc nhìn Tử Vi

Trên lá số Tử vi Đông phương, cung Thê trên lá số Nam chỉ về đường hôn phối; cung Phu trên lá số Nữ chỉ về đường phu quân.

1086
0

Chúng ta có thể xem xét qua cung Phu Thê để biết được tình trạng của cả hai về đường Phối ngẫu. Tính chất về người hôn phối có nhiều sự kiện khác nhau mà khoa Tử vi Đông phương cho thấy tương đối khá chính xác: trường hợp một người Nam hay Nữ trong đời có mấy lần thành hôn, trường hợp chồng sợ vợ, trường hợp khắc kỵ nhau, trường hợp hòa thuận.

1. Nguyên tắc cơ bản đầu tiên

Nguyên tắc đầu tiên nên ghi về cung Phối Ngẫu, là một sự khác biệt trong cách giải đoán tùy theo là cung Phu hay là cung Thê. Như lá số Nam có cung Thê thì giải đoán ở cung này là về phần người vợ. Còn lá số Nữ có cung Phu thì một số giải đoán ở cung này không ứng về phần người chồng, mà ứng về phần người vợ, tức là người có lá số.

Ví dụ: Một người Nam có Thiên Tướng ở cung Thê thì đó có nghĩa là bà vợ rất tháo vác, đảm đang, tinh thần cứng cỏi và ông chồng phải nể nang, kính trọng! Nhưng một bà có Thiên Tướng ở cung Phu, thì lại không có nghĩa là bà ấy sợ chồng, mà lại vẫn có nghĩa là ông chồng phải kiêng nể vợ. Nguyên do là vì theo cái đạo “xuất giá tòng phu” của Đông phương xưa là vậy.

Cũng có trường hợp là sự truyền tinh ở 2 lá số Tử vi của Nam Nữ vợ chồng. Như cung Thê của Nam có Tử vi thì cung mạng của Nữ cũng có Tử vi.

2.Những trường hợp chồng sợ vợ

Khi nào thì một người nam có lá số Tử vi sợ vợ? Kinh nghiệm giải đoán qua nhiều lá số đã rút ra những quy tắc sau đây:

Mỗi cung số ở vào một bộ tam hợp; có một hành gọi là hành của tam hợp. Có 4 bộ tam hợp là:

Dần, Ngọ, Tuất: Hành Hỏa

Tỵ, Dậu, Sửu: Hành Kim

Thân, Tý, Thìn: Hành Thủy

Hợi, Mão, Mùi: Hành Mộc

Ví dụ: Một người Nam tuổi Nhâm Thìn số Tử vi có Mệnh ở cung Hợi, Thê ở cung Dậu.

Tam hợp Mệnh (Hợi, Mão, Mùi) thuộc Mộc.

Tam hợp Thê (Tỵ, Dậu, Sửu) thuộc Kim.

Ta có Kim khắc Mộc, tức là Tam hợp Thê khắc Tam hợp Mệnh: người Nam tuổi Nhâm Thìn này là người sợ vợ. Thực tế nhìn bên ngoài chúng ta sẽ nhận thấy người Nam này rất hiền lành, tốt.

Ngược lại ở lá số Nữ, tam hợp Phu khắc tam hợp Mệnh, lại không có nghĩa là vợ sợ chồng, mà vẫn có nghĩa là người Nữ đó cầm quyền trong gia đình, ông chồng phải kính nể vợ.

Ở lá số Nam có Thân cư Thê; có nghĩa là vận mạng mình bị ràng buộc vào người vợ hay nói cách khác là sự nghiệp của mình trong đời phần lớn do người vợ góp sức mới nên. Lẽ đương nhiên phải gặp được người vợ hợp tuổi và đảm đang thì mới được hưởng giàu sang mãn nguyện trọn đời.

Số Nữ Thân cư Phu nên được cung Phu tốt thật là sung sướng hạnh phúc một đời: “Chàng nên danh giá, thiếp còn trẻ trung”. Cho nên giải đoán cung Phu và cung Thê trong lá số Tử vi phải khác nhau.

3.Trường hợp vợ khắc chồng

Người vợ khắc chồng là người có mấy đời chồng hay ly dị chồng, hoặc bị chồng bỏ, hoặc chồng chết yểu góa bụa. Nhưng đừng tưởng mệnh người Nữ khắc chính tinh ở cung Phu, là khắc chồng (vì mạng chồng lớn, vợ không thể khắc dễ dàng). Điều đó chỉ có nghĩa là hôn phối bị trắc trở.

Cái chính là số chồng phải yểu thì mới bị góa chồng; còn số chồng vững thì không sao. Ngoài ra, xem cung Phu của người Nữ, việc quan trọng là phải nhìn cung Mệnh xem có Không, Kiếp hay Phi liêm hay không. Người Nữ mà có Không, Kiếp ở mệnh, nếu lại không có sao giải như Hóa khoa, Thiên quan, Lộc tồn là số người long đong về đường chồng con; có thể có mấy đời chồng. Còn như không có Không, Kiếp thì chẳng sao.

Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp do “đức năng thắng số” khi người ta biết cải số hữu hiệu; có nghĩa là biết tu nhân tích đức và ăn ở tốt với chồng con vẫn giữ được hạnh phúc trọn đời. Cho nên ca dao về lý số có câu:

Những người cứ số là ngu,

Ta thời lấy Đức mà tu với Trời

4.Trường hợp khắc kỵ, chồng mấy đời vợ

Cung Thê có Tuần, Triệt: lấy vợ trễ. Hoặc “viễn phối tha hương” tức lấy vợ ở xa nơi sinh, xa quê hương.

Mệnh và chính tinh ở Thê đồng hành hay sinh cho nhau; hay chính tinh ở Thê khắc mệnh: chung sống với nhau lâu dài. Không ở lá số Nữ, thân cư Phu là thuận chiều nhất; cuộc đời của mình ràng buộc vào chồng, được nhờ chồng và vợ có nể chồng vì được chồng cưng chiều.

Hành mệnh khắc hành chính tinh ở cung Thê, người đó khắc vợ. Nếu không có sao giải hóa thì phải có mấy đời vợ.

Lá số Nam, cung Thê có Hóa quyền có nghĩa là người vợ có quyền trong gia đình. Và theo quan niệm Đông phương, người vợ là nội tướng của gia đình.

Nếu có 2 trong 4 yếu tố trên thì sự nể vợ càng rõ ràng hơn. Có khi vợ giúp chồng nhiều nên vợ cũng dễ lên mặt; có khi vì chồng quá bê bối nên phải sợ vợ; có khi vì chồng đàng hoàng không may gặp phải người vợ lăng nhăng nên vì danh dự của mình mà chồng phải nể vì không dám làm to chuyện xấu mình; có khi vì chồng tính quá hiền lành trong khi vợ tính quá dữ dằn, ăn hiếp chồng được mới yên.

5.Trường hợp vợ hay chồng hòa hợp

Hành mệnh của Nam và Nữ sinh cho nhau hoặc khắc nhau. Sinh cho nhau thì tốt, còn nếu khắc nhau thì mệnh chồng khắc mệnh vợ tốt hơn vì thuận lý sinh khắc.

– Tốt nhất: Mệnh vợ sinh cho mệnh chồng. Ví dụ vợ mệnh Thổ sinh cho chồng mệnh Kim. Vợ giúp đỡ chồng nên sự nghiệp.

– Tốt nhì: Mệnh chồng sinh cho mệnh vợ. Ví dụ, mệnh chồng Hỏa sinh cho mệnh vợ Thổ. Chồng phục vụ vợ và cả hai được sống hạnh phúc.

– Tốt ba: Mệnh chồng khắc mệnh vợ. Ví dụ, chồng mệnh Mộc khắc vợ mệnh Thổ. Sự khắc này thuận lý thì vợ chồng vẫn thuận hảo, ăn nên làm ra. Tuy khắc mà không sao hết.

– Xấu: Mệnh vợ khắc mệnh chồng.

Điều quan trọng vẫn là so sánh 2 lá số Tử vi, thấy có sự tương hợp trong toàn bộ kể cả các đại vận. Ví dụ:

  • Số Nam sống lâu mà số Nữ lại góa chồng thì không hợp. Số Nam yểu mà số Nữ sớm góa bụa thì hợp.
  • Số Nam và Nữ, số con qua cung tử tức gần giống nhau là hợp.
  • Giàu hay nghèo gần như nhau là hợp.

Đại vận 10 năm trên lá số thấy sự tương đồng là điều đáng tin cậy nhất.

  1. Khắc khẩu” giữa vợ chồng

Chứng “khắc khẩu” tuy không có vi trùng độc hại, nhưng hậu quả của nó lại nguy hại khôn lường. Thông thường một đôi vợ chồng đã dẫn đến khắc khẩu tất sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường sau đó. Cũng do hậu quả tai hại của chứng “khắc khẩu” mà người xưa đổ cho số mệnh là tiêu cực không đúng.

Ngày nay, xét qua góc độ “bệnh lý học” thì chứng khắc khẩu là một bệnh chứng tâm lý, bệnh căn của nó phát xuất từ việc hai vợ chồng trái tính, trái nết bất phục lẫn nhau. Theo nhà tâm lý học người Mỹ là Jean Mason, nếu chúng ta muốn ngừa chữa chứng khắc khẩu cần phải chú ý những điều sau đây:

– Phải tìm hiểu kỹ tâm tính của nhau trước khi kết hôn.

– Chỉ tiến đến kết hôn khi đã thật hiểu về nhau và thấy thật phù hợp về tính ý.

– Để tránh vợ thất vọng và coi thường, người chồng phải có một nghề nghiệp ổn định, một phẩm cách tốt đẹp, một tấm lòng bao dung.

– Để tranh bị chồng coi rẻ, người vợ phải không vị kỷ, tháo vát việc gia đình, có phẩm chất tốt, có uy tín với mọi người trong gia đình chồng và nhất là phải có một nghề trong tay để tự lập.

– Hai vợ chồng phải sống thật thủy chung với nhau, tránh những quan hệ tình ái bất chính.

– Cả hai vợ chồng phải sống thật bình đẳng, thành thật với nhau và thương yêu tôn trọng lẫn nhau.

– Hai vợ chồng phải tránh xúc phạm đến tự ái của nhau và phải trao đổi một cách tế nhị những vấn đề xảy ra trong cuộc sống dù to, dù nhỏ, không được ai lấn lướt ai, nên tìm một quyết định chung, một giải pháp chung.

– Hai vợ chồng phải biết hy sinh cá tính để hòa đồng vào nhau, phải biết nhường nhịn và tha thứ cho nhau.

– Hai vợ chồng phải đặt hạnh phúc gia đình, danh dự gia đình, tình thương con cái, tương lai con cái lên trên tất cả mọi bất đồng nếu có để giữ hòa khí.

– Hai vợ chồng phải thật sáng suốt trong cuộc sống lứa đôi của mình để tránh bị người ngoài mê hoặc, xúi bẩy gây ra bất hòa đổ vỡ.

Tóm lại, trước sự đa dạng của tâm lý, tính tình con người; chứng khắc khẩu trên chỉ có tính tương đối. Tuy nhiên, nếu biết ứng dụng vào cuộc sống một cách linh động có thể xem như kim chỉ nam để ngăn ngừa khắc khẩu hiệu quả.

Previous articleĐừng nói đời bất công, bạn mới là người chưa hiểu luật!
Next articleĐệ nhất “sà bì chưởng” Sài Gòn