Những lúc tức giận, con người thường không thể kiểm soát được lời nói của mình. Cứ nghĩ gì là nói đó, hoặc nói mà không suy nghĩ. Chỉ đến khi lòng dịu lại mới biết là mình đã sai, vội vàng đi xin lỗi thì lúc đó đã muộn màng. Người bị lời nói của ta làm tổn thương cũng đã tổn thương, xin lỗi chẳng ích gì nữa.
Có những lúc ta lấy cớ là vì muốn tốt cho người khác, tự cho mình cái quyền mắng chửi người kia. Thật ra chỉ là vì mình muốn giải tỏa chính mình chứ có khi chẳng có lợi gì cho người kia cả. Và những lời ta nói ra trong những lúc như thế sẽ làm người nghe tổn thương, khiến họ đau lòng. Một người bị lời nói làm tổn thương sâu sắc, vết sẹo đó sẽ lưu lại mãi mãi, còn tệ hơn cả những vết thương trên da thịt. Nhiều khi nghĩ lại sẽ còn ngấm ngầm đau nhức, không thể nào quên được.
Nếu để ý bạn sẽ thấy, mỗi bữa yến tiệc luôn kết thúc bằng những món ăn ngọt dịu, bởi người chủ bữa tiệc luôn mong thực khách của mình lưu lại trong miệng ấn tượng về một bữa ăn ngọt ngào. Mối quan hệ giữa người với người tuy không giống yến tiệc, nhưng nếu chúng ta biết lựa lời mà nói với nhau, thì điều đó sẽ trở thành “món ăn sau cùng”, kí ức khó phai trong lòng nhau, duy trì mối quan hệ hai bên được tốt đẹp. Rõ ràng bạn cũng sẽ có ấn tượng tốt hơn với người biết nói chuyện, tử tế và lịch thiệp, vậy tại sao lại phải to tiếng, mắng chửi, đay nghiến người khác để tạo ấn tượng xấu về mình cho đối phương?
Trước khi bạn muốn lên tiếng mắng chửi ai đó, dạy bảo ai đó, hãy đặt mình vào vị trí của họ. Hãy nghĩ rằng nếu mình là họ mình sẽ muốn nghe điều gì, hãy cân nhắc mọi câu từ của mình để tránh làm họ tổn thương. Khi bạn làm được điều này, mọi lời nói ra sẽ đều xuất phát từ sự tốt đẹp, người nghe vui lòng tiếp nhận, bạn cũng nhẹ nhõm tâm hồn.
Biết nghĩ cho người khác là khởi nguồn của sự cảm thông. Khi bị người khác nhục mạ, kì thị bạn có vui không? Nếu không thì chính bạn cũng đừng đi nhục mạ, kì thị, đay nghiến người khác. Bạn không vui thì sao còn khiến người khác không vui vì chính điều đó chứ?
Lời nói vốn sắc như dao. Một câu nói vào đúng lúc có thể cứu một người từ bể khổ trở ra, nhưng nói một câu đay nghiến sẽ dễ dàng giết chết một con người. Khi nghe những lời nghiệt ngã, lòng ta sẽ chảy máu. Cho nên đừng bao giờ dùng lời nói tổn thương người khác. Phẩm hạnh của chúng ta còn bao gồm cả khẩu đức. Khẩu nghiệp nặng nề chính là không có phẩm hạnh.
Người Do Thái có câu: “Thứ tốt đẹp nhất trong thiên hạ chính là miệng lưỡi, nhưng thứ xấu xa nhất trong thiên hạ cũng chính là miệng lưỡi.” Thực tế đúng là như vậy. “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Vậy nên, âm thanh khó nghe nhất là lời chế giễu châm chọc; âm thanh dễ nghe nhất chính là những lời khen ngợi tán dương. Lời nói thánh thiện có thể làm tan chảy bức tường băng, mang đến niềm vui và hạnh phúc, vậy thì tại sao phải khẩu nghiệp để mang nghiệp nặng nề cho bản thân? Tu tâm không phải bắt đầu từ điều gì cao xa, tu tâm chính là nên bắt nguồn từ việc biết nói lời hay, biết lưu ý đẹp.