Năm hết Tết đến, với trẻ nhỏ là niềm vui nhưng đối với nhiều bậc cha mẹ, người trưởng thành lại là dịp “chẳng mấy trông chờ”. Tết về mang theo nhiều nỗi lo, mâu thuẫn mang tên “chuẩn bị Tết” khiến con người bực dọc, và cũng là nguồn cơn của những cơn xung đột trong gia đình. Cứ thể, Tết về mang stress về mỗi mái nhà.
Cùng Mùa gió heo may điểm tên 5 xung đột gia đình thường gặp trong dịp Tết và cách khắc phục để xung đột gia đình không còn là nhân tố gây căng thẳng cho bạn và người thân trong những ngày cận Tết.
Dọn dẹp nhà cửa
“Lau bộ ghế gỗ rồng bay phượng múa cầu kì” trở thành nỗi ám ảnh những ngày cận Tết của không ít các con em. Đây chỉ là một trong nhiều hạng mục dọn dẹp nhà cửa ngày Tết mà các con phải làm. Cuộc “tổng tiến công” dọn nhà dịp cuối năm khiến khối lượng công việc trở nên khó tránh khỏi việc tị nạnh công việc giữa các anh em trong gia đình, các cuộc tranh cãi, căng thẳng cũng từ đây mà bắt đầu.
Để giải quyết vấn đề này, điều tiên quyết là bạn cần giải tỏa cảm xúc tiêu cực của bản thân. Thay vì nghĩ đến những mệt mỏi khi dọn nhà, bạn hãy nghĩ tới các tác động tích cực từ việc dọn dẹp nhà cửa như: Các thành viên trong gia đình có thể trao đổi, nói chuyện với nhau nhiều hơn chẳng hạn.
Ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại?
Đối với những cặp vợ chồng ở xa gia đình, ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại vẫn luôn là câu chuyện tranh cãi không hồi kết. Những tranh cãi này thường trở thành mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng mỗi khi Tết về và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình. Để giải quyết vấn đề này, tự bản thân 2 vợ chồng phải ngồi xuống, thấu hiểu và sẻ chia. Nếu có thể hãy đưa ra 1 giao kèo về việc năm nào về nhà nội, năm nào về nhà ngoại, bởi phía nào cũng là ba mẹ, bên nào cũng là những bậc phụ mẫu ngóng con về.
Mẹ chồng – nàng dâu
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu không còn quá hà khắc, khó khăn như trước nhưng dường như vẫn có rào cản nào đó trong quan hệ giữa 2 người. Mâu thuẫn này là điều không bao giờ giải quyết triệt để ráo riết được. Để giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, đặc biệt là trong dịp Tết, cả 2 có thể mở rộng suy nghĩ, đứng ở vị trí của nhau mà suy xét. Người cùng một nhà, sống cùng nhau vài chục năm tính cách, lối sống, quan điểm nuôi dạy con cái, thói quen sinh hoạt,…đôi khi còn không thể hòa hợp vậy làm sao một người xa lạ lại có thể nói “hòa là hòa, hợp là hợp” ngay được. Thấu hiểu và cảm thông, thêm nhiều yêu thương chính là cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
Vấn đề tài chính
Tết về gọi đến đến trăm khoản cần phải chi tiêu cùng 1 lúc. Nào là tiền biếu bố mẹ 2 bên, tiền sắm sửa trang trí nhà cửa, tiền mừng tuổi,…trở thành mối căng thẳng giữa nhiều cặp vợ chồng trong dịp cận Tết.
Tiền không thể từ một khắc mà sinh nhiều, cân đối khoản chi tiêu Tết trong điều kiện kinh tế cho phép sẽ giúp bạn dễ thở hơn.
Vấn đề ăn nhậu, rượu bia
Vào ngày Tết, hầu hết các gia đình đều sẽ có các buổi tụ tập họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp ăn uống và có sử dụng bia rượu. Nếu như gia đình nào biết cân đối và san sẻ công việc nhà thì xung đột không xảy ra. Tuy nhiên, nếu như chỉ có người phụ nữ phải bận rộn lo chuyện cơm nước dọn dẹp sau các bữa nhậu triền miên của cánh nam giới thì có thể xảy ra xung đột.
Cảm xúc bị dồn nén hoặc những cơn cãi vã có thể khiến tình trạng stress ngày Tết xảy ra. Nhìn chung, còn rất nhiều những xung đột gia đình khác có thể xuất hiện trong ngày Tết, tuy nhiên hạn chế căng thẳng, ngồi xuống cùng nhau giải quyết mâu thuẫn chính là phương pháp hữu hiệu để xua tan cơn stress ngày Tết.