Chúng ta có thể đi du lịch bất cứ đâu cùng con cái nhưng ở cái tuổi hoàng hôn này, có bao giờ bạn ấp ủ một chuyến đi không phải chỉ để đi, để nghe nhìn mà để giải tỏa căng thẳng, để khép lại những toan lo muộn phiền, để củng cố niềm tin, để kết nối với cộng đồng và để hướng về bản ngã?
Thế nào là một cuộc hành hương đúng nghĩa?
Hành hương là một cuộc hành trình đi bộ đến một địa điểm linh thiêng. Dọc hành trình, người hành giả không chỉ rũ bỏ được những toan lo bộn bề cuộc sống mà còn học cách nối kết cái tôi trần tục với những đức tin thiêng liêng và cộng đồng xung quanh mình.
Vậy một cựu chiến binh tìm lại chiến trường cũ, đi thăm mộ bạn bè đã hi sinh hay một người đàn ông trở lại sân ga – nơi bịn rịn chia tay mối tình đầu để hoài niệm, nhớ nhung, để giải tỏa những thứ tình cảm xưa cũ liệu có phải là hành hương không? Thực ra đó chỉ là những chuyến đi na ná giống hành hương mà thôi. Bởi việc đến những địa điểm đầy ắp những kỉ niệm để vỗ về cái tôi tình cảm chỉ mang tính chất riêng tư. Trong khi đó, hành hương không chỉ gia tăng chất lượng đời sống tâm linh của một cá nhân mà còn có một sợi dây gắn kết vô cùng khăng khít với cộng đồng xung quanh.
Nói cách khác, hành hương là một hoạt động của tôn giáo – tín ngưỡng nhằm tạo ra mối liên hệ giữa con người trần tục và thế giới linh thiêng, giữa cá nhân người hành giả với cộng đồng cùng đạo, giữa con người bằng xương bằng thịt và con người được tái sinh, được tẩy hết bụi trần sau chuyến đi này. Có nghĩa là, phải có đủ 3 yếu tố: (1) Địa điểm thiêng liêng, (2) Một hành trình đi bộ tịnh tâm, (3) Một mục đích cao cả, thì mới được coi là một cuộc hành hương đúng nghĩa.
Một số địa điểm hành hương ở Việt Nam
Ở nước ta, không khó để bạn tìm được một địa điểm hành hương. Sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật qua nhiều thế kỉ đã tạo nên nhiều chùa, chiền, kết hợp với nhiều hoạt động cúng bái, lễ hội lâu đời, được tổ chức hằng năm và trở thành một nét văn hóa độc đáo.
Từ đó, một số nơi đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng. Nếu bạn là một Phật tử thì không thể không biết đến các địa điểm hành hương như: Chùa Hương Tích (Hà Nội), Chùa Bái Đính (Ninh Bình)…
Nếu bạn không phải là một tín đồ Phật giáo thì các đền, miếu thờ tự các bậc đế vương, anh hùng thời dựng nước (Đền Hùng, Tản Viên, Phù Đổng, An Dương Vương… cũng là một gợi ý hay.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể hành hương ở các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo mà ở khắp mọi miền đều có: Đền Sòng Sơn, đền Vạn Kiếp, đền Phủ Giày, điện thờ Bà Đen, Miếu Bà Chúa Xứ, tháp Bà Nha Trang, điện Hòn Chén (Huệ Nam điện, Huế) v.v…
Mặc dù mỗi địa điểm hành hương đều có ý nghĩa riêng, nhưng như đã nói, đó vẫn phải là nơi thiêng liêng và đặc biệt là nó chỉ được coi là địa điểm hành hương khi nó thực sự ở vị trí xa xôi cách trở. Để mỗi chuyến đi là một hành trình dịch chuyển của hành giả, từ nơi mình sống đến một nơi tâm linh. Hành giả luôn hướng tới những điều thiện, điều tốt và loại bỏ những xô bồ, đua chen đời thường.
Và con đường hành hương chắc chắn sẽ tạo ra những mối quan hệ giữa các hành giả, nối kết những hành giả trong một khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời mình, làm cho các ý tưởng giao lưu với nhau, liên kết những cá nhân cùng chia sẻ một niềm tin, một hệ giá trị đạo lý và văn hóa.
Sau mỗi cuộc hành hương, người hành giả như được làm mới mình, thấy bản thân mình như được tái tạo lại: tâm tịnh hơn, nhàn hơn, cải thiện sức khỏe, hình thành nhiều mối quan hệ bạn bè đồng đạo, có thời gian hồi tưởng, suy ngẫm và xác định hướng đi cho quãng thời gian còn lại của đời mình.
Quỳnh Nguyễn