Sống tử tế, làm việc tử tế không chỉ giúp bạn mà còn giúp nhiều người có cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Bởi một việc làm tử tế sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều người xung quanh. Cùng xem cách mà một việc làm tử tế có thể lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người như thế nào?
Câu chuyện 1: Trái tim trẻ thơ
Một phụ nữ độc thân chuyển đến một căn hộ mới. Cô phát hiện ra rằng người hàng xóm bên cạnh cô là một gia đình nghèo – một góa phụ nuôi hai con nhỏ một mình. Một đêm, khu vực này bị mất điện. Người phụ nữ thắp lên ngọn nến trong đêm.
Vừa lúc đó, có người gõ cửa nhà cô. Đó là một trong những đứa trẻ nhà bên cạnh. Cậu bé lo lắng chào cô và hỏi: “Cô có nến không ạ?”
Người phụ nữ tự nghĩ: “Họ nghèo đến nỗi không có cả nến. Mình không được cho họ mượn cái nào, nếu không, họ sẽ lại tìm đến mình”.
“Không!” cô nói lớn và chuẩn bị đóng cửa.
Nghe câu trả lời của cô, cậu bé tươi cười với cô và nói: “Cháu biết cô không có bất kỳ ngọn nến nào!” Cậu bé tiếp tục khi lấy ra hai cây nến: “Cháu và mẹ rất lo lắng vì cô sống một mình và muốn chắc chắn rằng cô vẫn ổn. Chúng cháu không nghĩ rằng cô sẽ có bất kỳ ngọn nến nào, vì vậy cháu đã mang đến cho cô hai chiếc nến của nhà cháu”.
Người phụ nữ bị sốc, xấu hổ và đồng thời cô cúi xuống ôm chặt lấy cậu bé trong khi nước mắt giàn giụa.
Câu chuyện 2: Đôi vợ chồng già trong một nhà nghỉ
Vào những giờ cuối của một đêm mùa xuân, một cặp vợ chồng già bước vào một nhà nghỉ để tìm phòng nghỉ qua đêm. Thật không may, nơi này đã hết phòng. Nhân viên tại quầy lễ tân không thể chịu được khi nghĩ đến cảnh đôi vợ chồng già đi loanh quanh tìm phòng trống vào giờ muộn như thế này. Anh dẫn họ đến một căn phòng và nói: “Căn phòng này có thể không phải là tốt nhất nhưng ít nhất bác sẽ có một nơi để ở lại qua đêm”. Người chồng nhìn căn phòng gọn gàng và vui vẻ đồng ý vào ở.
Ngày hôm sau, đôi vợ chồng trả phòng tại quầy lễ tân và yêu cầu xuất hóa đơn. Lễ tân từ chối. “Không cần phải trả tiền. Căn phòng bác ở đêm qua là phòng của cháu. Chúc bác một chuyến đi tốt lành!” Nhân viên lễ tân để họ nghỉ tại phòng riêng của mình còn bản thân anh ấy đã thức đêm tại quầy lễ tân.
Ông cụ xúc động và nhẹ nhàng nói: “Cậu là nhân viên quản lý nhà nghỉ tốt nhất mà tôi từng gặp. Cậu sẽ được khen thưởng, chàng trai của tôi!” Anh nhân viên mỉm cười. Anh dẫn hai người đến cửa, tiễn họ đi và không nghĩ nhiều về cuộc gặp gỡ sau đó.
Một ngày nọ, bỗng anh nhận được một lá thư chứa vé máy bay một chiều đến New York. Anh làm theo hướng dẫn trong bức thư và đến một tòa nhà lớn. Cặp vợ chồng mà anh đã giúp vào đêm khuya hôm đó là một tỷ phú và vợ của ông. Người đàn ông giàu có quyết định mua một khách sạn lớn và gửi thư cho anh nhân viên lễ tân vì ông tin rằng anh sẽ quản lý tốt khách sạn này.
Đây là câu chuyện huyền thoại về khách sạn Hilton nổi tiếng và người quản lý đầu tiên của nó.
————————
Đây chỉ là 2 trong hàng triệu câu chuyện về sự tử tế có thật trên khắp thế giới này. Xã hội hiện đại đầy rẫy toan tính này khiến con người tin rằng sống tử tế, cư xử tử tế là một sự dư thừa. Bởi trên đời này làm gì có sự tử tế, hoặc giả những người sống tử tế cuối cùng cũng toàn bị lừa lọc, chẳng nhận được kết quả tốt đẹp. Nhưng bạn biết không những người sống tử tế không trông cầu nhận được sự đáp đền hay trả ơn từ người nhận. Đối với những con người sống tử tể như mẹ con cậu bé nhà nghèo hay anh nhân viên quầy lễ tân, sống tử tế khiến họ cảm thấy vui vẻ, lòng được thanh thản vì họ giúp được người khác trong khả năng của bản thân mà không cần đến tiền bạc hay danh lợi.
Có lẽ chính bản thân họ cũng không biết rằng bản thân mình vừa làm một việc tử tế mà chỉ giản đơn là hành động theo bản năng, theo cái mà họ cho là đúng. Như cậu bé trong câu chuyện, chính bản thân cậu cũng không hề biết rằng bản thân mình đã thay đổi cách sống, lối suy nghĩ, góc nhìn của một con người về cuộc sống, cách cư xử, thắp dậy lòng yêu thương.
Một việc tử tế sẽ lại lan tỏa một việc tử tế. Gieo mầm giống tốt đẹp ngày hôm nay bằng sự tử tế, mai này biết đâu có thể tạo nên một thế giới dịu dàng?