Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cái giả nhan nhản khắp nơi: thực phẩm giả, thuốc giả, bằng cấp giả, điểm giả, học bạ giả… Tất cả đều chưa nghiêm trọng bằng một thứ giả khác, thứ này có thể triệt để huỷ hoại con người ta: Đó là “đạo đức giả”.
Đạo đức bị làm giả thế nào?
Bởi vì đạo đức là thứ vô hình dưới mắt người, nên người ta chỉ có thể đoán biết nó qua lời nói, hành động. Nói những lời giả nhân giả nghĩa, nói chẳng đi đôi với làm, làm việc tốt mà đánh trống la làng để tỏ cho thiên hạ thấy, giữ lại cái vỏ ngoài của tín ngưỡng tâm linh mà rút ruột nội hàm kính Trời trọng đạo lý v.v., ấy là những cách làm giả đạo đức vậy.
“Chu Tử trị gia cách ngôn” có câu rằng: “Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện”. Nghĩa là, làm thiện muốn người ta thấy, điều ấy không phải là chân thiện (không phải cái thiện thực chất).
Trong văn hoá truyền thống phương Đông, đạo Phật là tín ngưỡng tâm linh dạy người hướng Thiện, tin vào nhân quả báo ứng, nhờ đó đã duy trì đạo đức của xã hội ở mức cao trong suốt hàng nghìn năm. Những nhà tu hành chân chính không ngừng buông bỏ chấp trước vào danh, lợi, tình chốn nhân gian để đạt tới tâm thuần tịnh và giải thoát. Bởi thế cho nên, chùa chiền là nơi thanh tịnh thiêng liêng, là chốn trở về của bao tâm hồn lạc lối. Ấy thế nhưng, trong trào lưu “làm giả” này, có những ngôi chùa chỉ còn lại chiếc vỏ.
Người ta thu mua chim cá hàng loạt để “phóng sinh” quy mô lớn và không cần suy nghĩ xem những con vật ấy “phóng” xong thì sẽ “sinh” ở đâu. Thực ra chúng sẽ mau chóng bị bắt lại và làm mồi cho dân nhậu, hỏi có “Thiện” chăng? Người ta bỏ tiền vào hòm công đức và không quên “hồi hướng” cho con thi đỗ, cho chồng thăng chức, cho mình buôn may. Đấy khác nào đổi chác với Phật, buôn Thần bán Thánh, hỏi có “Chân” không? Có nhà sư cũng xem show giải trí truyền hình, đi nhậu, nói chuyện tào lao, “làm kinh tế”, hỏi có thể đạt đến thanh tịnh vô vi chăng?
Vì sao lại nói “đạo đức giả” là nghiêm trọng nhất?
Đạo đức, đức hạnh là cái gốc làm người, thiếu đi đạo đức thì con người không hơn gì cầm thú. Một người có thể rau cháo qua ngày, chẳng đỗ đạt ông nọ bà kia, nhưng nếu có đức hạnh thì vẫn được mọi người tôn kính. Còn một kẻ giàu bạc vạn, bằng cấp đầy mình, mà trong nhà thì hỗn hào với cha mẹ, tranh giành tài sản với anh em, ra ngoài thì luồn cúi cấp trên, chèn ép cấp dưới, vì danh lợi cá nhân mà hãm hại người khác, thì cũng không đáng gọi là “người”.
Vì thế cho nên, đạo đức là bến đỗ cuối cùng của sinh mệnh, là chiếc phao cứu hộ để sinh mệnh bám víu vào giữa dòng đời nổi trôi đen bạc. Nếu như đạo đức cũng bị làm giả, cũng chẳng thể tin vào, thì đối với bất kỳ sinh mệnh nào, đó cũng là điều bi thương nhất.
Những kẻ làm thực phẩm giả và thuốc giả đầu độc thân thể người khác, những kẻ làm điểm giả, bằng giả tham nhũng trên mồ hôi trí lực của người khác, còn những kẻ đạo đức giả thì đang huỷ diệt chút Thiện niệm cuối cùng của con người. Chúng cũng đáng bị nghiêm trị như bao tội làm giả khác.
Chưa bao giờ, xã hội chúng ta lại cần một chữ “Chân” đến thế. Một trái tim chân thành, những lời nói chân thật, những hành vi chân chính, đó là nền tảng cơ bản nhất cho sự sinh tồn và hạnh phúc của loài người chúng ta.
Thanh Ngọc