Bà lúc nào cũng là đồng minh đứng về phía chúng ta, bao che cho chúng ta…
Nếu như mẹ có lúc nghiêm khắc, có lúc bao dung, thì bà lại luôn luôn hiền từ như một bà tiên với mái tóc bạc phơ, da điểm đồi mồi và miệng cười móm mém.
Bà là người duy nhất biết chúng ta lén thức khuya chơi điện thoại mà không la rầy. Những lúc ấy, bà chỉ nhẹ nhàng thủ thỉ: Khuya rồi, ngủ đi con. Nếu đổi lại là mẹ, chắc đã bị mắng cho một trận xối xả, có khi còn bị tét mông.
Bà cũng là người duy nhất bênh vực ta khi ta bị điểm kém hay lúc trốn học đi chơi. Trong khi bố nổi trận lôi đình, tay lăm lăm cầm cây roi mây thì bà lại cười xoà: “Bố mày hồi xưa cũng đâu có hơn gì”. Những lúc ấy, nhìn khuôn mặt bất lực của bố mà thấy bà sao tuyệt vời đến vậy!
Bà còn là người duy nhất không bao giờ ép chúng ta học bài. Trong khi bố mẹ lúc nào cũng bắt con ngồi vào bàn học, thì bà, cứ đến 9 giờ tối là đã vội nhắc cháu đi ngủ. Bà sợ thức khuya cháu sẽ mệt, sẽ ốm.
Hễ có đứa nào bắt nạt cháu, bà sẽ tìm đến tận nhà để giáo huấn nó. Chỉ cần bị đánh hay mắng là chạy sà ngay vào lòng bà, thế là chả ai làm gì được. Có bà tức là đã có một người sẵn sàng che chở, bảo vệ bất chấp hoàn cảnh, nên chẳng còn sợ gì nữa.
Bà cũng như mẹ, chẳng tiếc chúng ta điều gì cả. Bà yêu thương chúng ta cũng chẳng cần chúng ta báo đáp
Bà chính là đầu bếp kiêm chuyên gia ẩm thực. Bà luôn có công thức nấu ăn độc nhất vô nhị để “vỗ béo” chúng ta. Dù đi học bạn bè đều trêu cháu béo nhưng trong mắt bà cháu lúc nào cũng gầy. Bà bắt cháu ăn cơm thật nhiều, ăn xong rồi vẫn còn phần cho quả na, quả bưởi. Có khi no đến không thở nổi rồi mà bà vẫn hỏi: “Muốn ăn gì nữa không? Để bà nấu cho!”
Hồi bé ngủ cùng bà, đêm nào bà cũng quạt cho đến khi cháu chìm vào giấc ngủ. Chỉ cần cháu trở mình, bà lại vội vàng thức giấc để quạt, sợ cháu nóng không ngủ được. Bây giờ, điều hòa, quạt máy đều đầy đủ, nhưng chẳng thể nào bằng cơn gió mát lành từ chiếc quạt mo cau cũ của bà.
Có thứ gì ngon bà cũng phần cho chúng ta, khi bé cũng vậy, tới lớn vẫn thế. Khi cháu phải đi học xa nhà, mỗi lần về bà đều dúi cho vài chục ngàn để đi đường uống nước, dù bà chẳng có bao nhiêu tiền. Sau này làm ra tiền rồi, nhiều lúc muốn biếu bà một ít mà bà cứ nhất định không chịu cầm.
Dẫu biết rằng ai rồi cũng phải lớn, phải tới những phương trời mới để có một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng nhìn bóng dáng gầy yếu của bà đứng lặng phía xa, kéo vạt áo lau nước mắt, trái tim vẫn thật xót xa.
Cảnh tượng ùa ra đón bà từ xa mỗi khi bà đi chợ về, những lần trốn sau lưng bà khi bố đánh, mẹ mắng, hay những lúc cuộn tròn trong lòng bà, nghe bà kể chuyện cổ tích sao mà bình yên, ấm áp đến vậy!
Bà ơi, bà phải sống thật khỏe mạnh, sống lâu thật lâu bên con cháu bà nhé!
—–
Không giống như mẹ, chúng ta có đến 2 người bà để được che chở, yêu thương. Không biết từ lúc nào, mẹ cũng gọi bà là bà như chính những đứa cháu. Có cháu, bà từ người mẹ lên chức bà, yêu thương thêm những đứa trẻ nhỏ, một lần nữa thức đêm thức hôm giặt giũ, nấu nướng, ôm cháu lúc ốm đau. Cứ vậy, bà dường như trải qua 2 lần làm mẹ, tình thương chỉ nhiều thêm chứ không giảm bớt. Nếu phải mang ra so sánh bà và mẹ, làm sao so sánh được khi đó đều là những người phụ nữ vĩ đại nhất.
Sưu tầm