Ngày bé, cứ mỗi lần ba đi làm xa về lại thấy cu Bin của ba nhón chân đứng đợi ba trước cửa. Và chỉ cần thấy bóng ba, con lại sà vào lòng ta như một con chim nhỏ, dụi đầu vào ngực ta và thủ thỉ: Bin nhớ ba quá chừng. Ba đừng đi nữa nghen ba!
Những lúc như thế, ta chỉ biết ừ rồi im lặng. Chẳng có một người ba nào trên đời này lại không muốn ở cạnh con trai của mình cả. Nhất là khi con trai đáng thương của ta lại mất mẹ ngay khi vừa chào đời. Ta luôn muốn bên con, vỗ về con. Muốn được con gọi dậy giữa đêm để dẫn con đi tè vì Bin sợ ma. Nhưng Bin à, nếu lúc ấy ta không đi làm, sao có thể lo cho cuộc sống của con và bà nội? Ta là đàn ông, làm sao có thể đắp chăn ngủ yên khi bà nội con phải dậy lúc 2-3 giờ sáng sàng gạo, chuẩn bị gánh hàng sáo rồi oằn lưng gánh, tất tả chạy cho kịp phiên chợ sáng. Ta làm cha, sao có thể ngồi nhà đan sọt khi cu Bin ốm nhom, đen nhẻm của ta lon ton xách cái giỏ ra ruộng bắt cá sau mỗi giờ tan học giữa cái nắng hè như đổ lửa?
Con biết không, hình như đã có lúc, ta ước mình có thêm đôi cánh để sau mỗi lần mệt nhoài với việc bốc vác những bao tải hơn hai chục kí dưới trời nắng nóng, ta sẽ bay ngay về nhà với con, để con gối đầu lên cánh tay ta, để ta được nghe cái mùi tóc tơ ẩm ẩm, chua chua của con, được gãi ngứa cho con, được dắt con đi tè mỗi tối.
Rồi ta lại đi. Ta thất hứa. Những lúc con chạy theo chiếc xe đạp cọc cạch của ta, nghe con mếu máo tạm biệt mà ta chỉ biết cắn môi, cắm cúi đạp thật nhanh, không dám ngoảnh lại vì sợ mình không kìm lòng đặng. Bin ơi, ba xin lỗi.
Mới đó mà đã 28 năm trôi qua, Bin của ba bây giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, có gia đình và công việc ổn định. Ta luôn tự hào và hãnh diện vì con.
Ta không nhớ là mình đã thôi gọi con là bé Bin từ lúc nào. Và ta cũng chẳng rõ từ bao giờ, ba con mình đã không còn ngồi thủ thỉ với nhau về chuyện đời, chuyện người nữa.
Ta sợ cái cảm giác cô đơn và lạc lõng trong căn nhà của con. Ta sợ ánh mắt dè bỉu, coi thường của thằng cháu đích tôn: “ông đúng là đồ nhà quê, sao cái gì ông cũng không biết hết vậy?”. Trẻ con thì không biết nói dối. Đúng, ta là một kẻ nhà quê lạc lối trong gia đình riêng của con. Ta ái ngại khi vô tình trở thành gánh nặng của vợ chồng con: “Ba không làm gì thì làm ơn ngồi yên giùm con đi”. Và ta giận cái trí nhớ hay đình công của mình. Thỉnh thoảng lại nhớ nhớ quên quên khiến con lầm lì, bực dọc.
Ta biết con sợ ta bỏ về quê, sợ hàng xóm láng giềng bảo con phụng dưỡng ta không tốt. Nhưng ta cũng không muốn bản thân mình trở thành rào cản khiến vợ chồng con không hòa hợp. Con muốn ta vào viện dưỡng lão vì con muốn ta có người chăm sóc tốt hơn, muốn ta có thêm người đàm đạo cho khuây khỏa tinh thần tuổi già. Ta vui vẻ chấp nhận vì ta biết, khi con trưởng thành, con không còn là của riêng ta nữa. Con là của vợ con, của con trai con. Đã đến lúc ta nên buông con ra để Bin của ta tự do với cuộc đời mà con đã chọn.
Người ta nói khoảng cách lớn nhất trong mối quan hệ giữa cha – con, ông – cháu không chỉ nằm ở thế hệ mà còn xuất phát từ lòng người. Giá mà ta có thể mở lòng để bao dung với những sai lầm của thằng cháu, giá mà ta đừng nhớ nhớ quên quên, giá mà ta bớt hỏi han khi con mệt mỏi, giá mà ta không cố chấp quyết tâm lên thành phố để được ở cạnh con thì có lẽ bây giờ thỉnh thoảng ta còn được đón gia đình con về trong vỡ òa hạnh phúc.
Ta không trách con, chưa bao giờ trách con. Vì ở tuổi con, ta cũng từng khiến bà nội con tủi thân. Ta cũng từng vì thương con mà nóng nảy với bà nội.
Ở đây, ta có bạn bè, có người chia sẻ những hoài niệm. Ta được sống với bé Bin của những ngày đói rách.
Chỉ có điều, Bin của ta đã không còn dựa vào vai ta mà thủ thỉ: Ba ơi, ba đừng đi nữa, nghen Ba!
Nguyễn Quỳnh